Nhà văn Frederic Dannay (1905 – 1982) và nhà văn Manfred Bennington Lee (1905 – 1971) cùng chung bút danh tác giả đã để lại cho người đọc yêu thích thể loại văn chương trinh thám một loạt truyện bốn cuốn đặc sắc. Đây là những tác phẩm trinh thám kinh điển kể về những kỳ công khác thường của ngài Drury Lane, một nghệ sĩ diễn kịch đã về hưu. ‘Tấn Bi Kịch X’ là tác phẩm đầu tiên của loạt truyện này.

Tại thành phố New York vào đầu thập niên 1930, đã liên tiếp xảy ra ba vụ án mạng có quan hệ với nhau. Ba vụ án mạng này xảy ra ở ba phương tiện giao thông riêng biệt, một trên xe điện, một ở bến phà và một trên tàu lửa. Mặc dù hoàn cảnh xảy ra án mạng không có gì quá đặc biệt khác thường, và những chi tiết liên quan đến diễn biến vụ án cũng khá đầy đủ và sẵn có để phục vụ công việc điều tra, thế nhưng mọi nỗ lực truy tìm thủ phạm của giới hữu trách dường như có cơ phải chịu cảnh hoàn toàn bó tay.

Là một tác phẩm trinh thám mang nhiều tình tiết điều tra hấp dẫn, manh mối của mỗi một vụ án đều ẩn hiện đây đó theo sắp xếp mạch lạc của truyện đủ để giúp cho những ai ưa thích thử tài thám tử của mình có thể hào hứng suy ra kẻ thủ ác, dù độc giả hẳn nhiên cũng rất muốn đọc kỹ màn kết của câu chuyện, là phần giải thích cho toàn bộ sự việc.




Song hành theo một trong những nhân vật quan trọng của truyện, ngài Drury Lane, câu chuyện cũng mang đến cho độc giả những tình tiết đậm chất kịch với nhiều cung bậc cảm xúc thật khác nhau.

Chúc bạn đọc có những giây phút thật vui vẻ và tìm thấy từ tác phẩm này nhiều chi tiết thật thú vị.

***




Chín năm về trước, hai chàng trai trẻ cộng tác dưới cùng một bút danh là Ellery Queen được người đọc cùng hoàn cảnh thuyết phục đã viết nên một loạt truyện trinh thám mới.

Kết quả từ công sức đáp ứng theo yêu cầu đó là sự ra đời của nhân vật ngài Drury Lane, một nghệ sĩ diễn kịch Shakespeare tuổi đã về già có năng lực trinh thám tuyệt diệu khác người.

Dễ hiểu rằng loạt truyện ca ngợi những kỳ công của ngài Drury Lane không thể công khai mang tên tác giả Ellery Queen; vì nếu truyện mang tên Ellery Queen thì đã tôn vinh những kỳ công của ngài Ellery Queen.




Vậy nên hai chàng bèn nghĩ ra bút danh thứ hai; và “Tấn bi kịch của X”, tác phẩm đầu tiên trong loạt truyện bốn cuốn về Drury Lane, đã làm xao động thế giới văn chương bình lặng dưới tên người viết là “Barnaby Ross”.

Giờ đây, mối liên hệ giữa (các) tác giả Ellery Queen và (các) tác giả Barnaby Ross trên thực tế đã hoàn toàn biến mất. Truyện của mỗi tác giả được phát hành qua một nhà xuất bản khác nhau; quanh mỗi cái tên đều được kỳ vọng thêu dệt bao điều mập mờ và bí ẩn; ở thời kỳ mang hai bút danh ấy trong đời sống công luận, quả thực đã có một giai đoạn mà hai cái tên này đã bực dọc nhìn nhau trước nhiều bục diễn đàn đầy đố kỵ, bên nào cũng mượn sự che chắn của chiếc mặt nạ giả trang để ẩn mình kỹ lưỡng… một làm bộ điệu Ellery Queen, một ra dáng là Barnaby Ross, và cả hai đều vờ vịt một cách hùng hồn ra điều là cặp đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực sáng tác truyện trinh thám. Những gì họ nói về nhau trước sự lắng nghe đầy tò mò của thính giả diễn thuyết, từ Maplewood, New Jersey cho đến Chicago, Illinois, dù vẫn có lời khen tặng song cũng không thiếu lời công kích, vậy là bằng sự gạt gẫm này bảo vệ lấy ảo tưởng của tính cách cá nhân thô kệch.

Thế nhưng, vẫn có một manh mối tinh vi luôn tồn tại mà, một khi bị thám tử ghế bành thận trọng phát hiện, sẽ lập tức xác lập rành rành mối quan hệ giữa Ellery Queen và Barnaby Ross, và tòi ra mánh lới lừa phỉnh xấu xa mà hai kẻ này đã bày ra trước công chúng cả tin trong suốt chín năm.




Vì nếu bạn đọc ghé qua Lời tựa của “Chuyện bí ẩn về chiếc nón La Mã” (tác phẩm đầu tiên của Ellery Queen viết về Ellery Queen), bạn đọc sẽ tìm thấy từ dòng mười bảy đến dòng hai mươi hai trên trang X tiết lộ đáng chú ý sau đây:

“Chẳng hạn, vào thời ông dành ra bao công sức trinh thám tài tình trong vụ án mạng Barnaby Ross giờ đã xưa cũ, người ta nói rằng: ‘Richard Queen bằng kỳ công này đã xác lập vững chắc tiếng tăm của mình bên cạnh những bậc thầy trinh thám hình sự như…’”

Chính từ trích đoạn ngụy tác này mà “Barnaby Ross” đến lúc cần thiết đã được chọn để tạo thành bút danh mới – cốt sao cho Barnaby Ross quả thực ra đời vào năm 1928, tại thời điểm mà Lời tựa của cuốn Queen đầu tiên ấy được viết ra, dù mãi đến năm 1931 cậu ta mới được hai ông bố của mình làm lễ rửa tội và dọn vào ngôi nhà riêng của mình.




Vậy nên, giờ ta có thể nói thế này: Barnaby Ross đã, đang và mãi mãi chính là… Ellery Queen; và ngược lại.

***

Đôi lời về ngài Drury Lane




Chúng ta luôn giữ một cảm giác nhẹ nhàng trong lòng về gã dở hơi này. Người này, bảo là nghệ sĩ quê mùa thì chưa hẳn mà gọi là con gà gô cũng không hoàn toàn … gọi là kẻ khoác lác cũng đúng nhưng bảo là thiên tài cũng chẳng sai, và cũng là một thám tử khác thường nhất từng sống trên đời (ngoại trừ là kẻ mà sẽ là không có tên tuổi, có lẽ vậy).

Giống người anh em của mình (chẳng phải họ vốn cùng sinh ra bởi hai gã thanh niên xảo quyệt ấy sao?), ngài Drury Lane có gốc gác từ trường phái suy luận – theo nhánh đặc biệt mà chú trọng đến độ quá đáng vào tính chất khách quan để thỏa mãn yêu cầu độc giả; vì thế trong “Tấn bi kịch của X”, cũng như những Tấn bi kịch tiếp theo, bạn đọc sẽ thấy mọi manh mối đều đã sẵn đó để tự mình suy đoán trước khi đi vào phần kết của câu chuyện.

Vì vậy trong giây phút hồi sinh trang nghiêm này … Drury Lane muôn năm!




Kính chào,

Ellery Queen

Thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 1940, New York




***

Đôi điều về NGÀI DRURY LANE

CÁC TRÍCH ĐOẠN ĐƯỢC BIÊN SOẠN CHO NHÀ XUẤT BẢN DO NGÀI CHARLES GLEN TUYỂN CHỌN TỪ NHỮNG GHI CHÉP SƠ BỘ VỀ TIỂU SỬ CHƯA HOÀN CHỈNH CỦA LANE




Trích từ Ai là Ai trong nghệ thuật sân khấu, ấn bản năm 1930:

DRURY LANE, diễn viên; sinh tại New Orleans, La, vào ngày 3/11/1871; con trai của Richard Lane, nam diễn viên bi kịch người Mỹ và Kitty Purcell, nữ diễn viên hài kịch nhà hát ca múa nhạc người Anh; không kết hôn. Học vấn: kèm cặp tại gia. Xuất hiện trên sân khấu lần đầu: năm 7 tuổi; vai diễn quan trọng đầu tiên: năm 13 tuổi, vở “Sự mê đắm” của Kiralfy, Nhà hát Boston; lần đầu thủ vai chính: năm 23 tuổi, vở “Hamlet,” Nhà hát Daly’s, N.Y; vào năm 1909, tại Nhà hát Drury Lane, Luân Đôn; đã biểu diễn liên tục vở “Hamlet” trong khoảng thời gian dài nhất tính đến thời điểm ấy – hơn 24 lượt so với kỷ lục trước đó của Edwin Booth. Tác phẩm đã biên soạn: Tuyển tập Shakespeare, Triết lý của Hamlet, Tiếng gọi sau bức màn nhung, v.v. và v.v.. Câu lạc bộ: Players, Lambs, Century, Franklin Inn, Coffee House. Thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa kỳ. Hội viên danh dự, Bắc đẩu Bội tinh Pháp quốc. Nhà riêng: Lâu đài Hamlet, nhìn ra sông Hudson, N.Y. (ga đường sắt: Lanecliff, hạt Westchester). Giải nghệ sân khấu: năm 1928.

Trích từ Thế giới New York, thông cáo về việc giải nghệ sân khấu của ngài Drury Lane (1928):




“… Drury Lane sinh ở New Orleans, tại hậu trường một nhà hát tăm tiếng hạng nhì, Nhà hát Comus, phải thời kỳ gia đình nhà Lane lâm cảnh túng bấn, vào lúc mà Richard ‘có quyền đi đâu, làm gì tùy ý’ còn Kitty thì phải quay lại sân khấu để trang trải cuộc sống hai vợ chồng và chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời… Cái chết bất hạnh lúc sinh nở của bà là hậu quả của sự gắng sức quá độ trước ánh đèn sàn diễn, đứa bé… bị sinh non trong phòng thay đồ khi bà vừa diễn xong màn thứ nhất …

“… thế rồi Drury Lane gần như được nuôi nấng trên sân khấu, được mang đi từ nhà hát này sang nhà hát khác bởi người cha cố gượng nuôi con, sống khốn khó qua ngày trong những ngôi nhà thuê chung rẻ tiền. Tiếng nói đầu đời của cậu bé là ngôn ngữ kịch; thay nhau chăm sóc cậu là những diễn viên; học vấn của cậu là những gì thuộc về kịch…. Chập chững biết đi cậu bé đã sắm những vai diễn nhỏ… Năm 1887, Richard Lane qua đời vì chứng viêm màng phổi, lời cuối trước khi nhắm mắt là tiếng nhắn nhủ khàn khàn dành cho đứa con trai vừa tròn mười sáu tuổi: ‘Con hãy trở thành diễn viên kịch.’ Thế nhưng, dù khát vọng của Richard dành cho con trai có lớn lao thế nào, nó cũng kém xa so với đỉnh cao mà chàng trai trẻ Drury cuối cùng đã đạt được….

“… Cái tên đặc biệt, theo như ông cho biết gần đây, là do cha mẹ chủ ý đặt cho ông, dựa vào truyền thống sân khấu vĩ đại gắn liền với Nhà hát Drury Lane lâu đời….




“… nói rằng ông phải giã biệt sân khấu do bệnh điếc ngày càng nặng ở cả hai tai – và đến nay căn bệnh đã trầm trọng đến mức ông không còn phân biệt được một cách toàn vẹn giữa các chất giọng trầm bổng khác nhau của chính mình….

“… Ngoại lệ duy nhất trong quyết định từ bỏ những vai diễn ruột thịt của ngài Lane là cả một sự việc lạ lùng. Ông nói rằng, hàng năm vào ngày 23 tháng 4, ông sẽ diễn trọn vở ‘Hamlet’ tại nhà hát riêng ở trang viên Hudson của mình. Lý do ông trân trọng chọn đúng ngày này vì, theo sự chấp nhận rộng rãi của công chúng, đó là dịp kỷ niệm ngày sinh lẫn ngày mất của Shakespeare. Một điều rất thú vị là ngài Drury Lane đã diễn vai này trên năm trăm lần, chiếm kỷ lục về buổi diễn trên khắp các quốc gia cùng chung gốc rễ về văn hóa và lịch sử Anh.”

Trích từ bài báo đăng trên tạp chí Điền trang thôn quê, mô tả trang viên của ngài Drury Lane, lâu đài Hamlet:




“… Trang viên được thiết kế theo truyền thống kiến trúc Elizabeth* thuần nhất, gồm một tòa thành khổng lồ, và bao quanh là cả một ngôi làng thu nhỏ dành cho những người sống và làm việc cho ngài Lane. Trong ngôi làng này, mỗi ngôi nhà là một bản sao nguyên vẹn của túp lều thời Elizabeth với kiểu mái rạ đặc trưng, đầu hồi chóp nhọn, v.v. Tất cả đều được trang bị tiện nghi hiện đại, nhưng được che đậy khéo léo để không gây xáo trộn cảm giác về một thời đại trong quá khứ…. Cảnh quan vườn tược là cả một khung cảnh tuyệt đẹp; tỷ như, những hàng rào cây xanh là do đích thân chuyên gia của ngài Lane đưa về từ các vùng nông thôn Anh quốc.”

Trích từ bài phê bình của Raoul Molyneux đăng trên tạp chí La Peinture, Paris, 1927, về Bức chân dung ngài Drury Lane, tranh sơn dầu, họa sỹ Paul Révissons:

“… y như lần tiếp kiến ngài trong chuyến thăm vừa qua của tôi…. Vóc dáng cao lớn mảnh dẻ, trầm lặng nhưng mang vẻ sinh động khó tả, mái tóc trắng như cước lòa xòa dài tận cổ, đôi mắt màu lục xám tinh nhanh sắc sảo, nét mặt cân đối hoàn hảo gần như cổ điển, thoạt nhìn cho ta cảm giác bất động vô hồn song lại có khả năng đổi thay đột ngột…. Ông đứng thẳng người, sừng sững như Đại đế Carolus, cánh tay phải trong chiếc áo choàng thụng màu đen quen thuộc, bàn tay phải đặt trên quả nắm cây gậy gỗ mận gai trứ danh của ông, chiếc mũ dạ màu đen tròn vành thì để trên bàn cạnh bên…. Hiệu ứng kỳ quái của bóng tối càng nổi bật vì y phục u buồn của ông … nhưng được giảm nhẹ đi bằng cảm giác thật kỳ lạ rằng, người này chỉ cần nhấc ngón tay và thế là toàn bộ phục trang của thế giới hiện đại sẽ rơi tuột xuống chân, để lại nơi ông một dáng hình rực rỡ từ quá khứ….”




Trích thư của ngài Drury Lane gởi ngài Bruno, công tố viên hạt New York, ngày 5 tháng 9 năm 193-:

“Xin được thứ lỗi về việc đã mạo muội xen vào phận sự của văn phòng quý ngài khi đính kèm theo đây một bài phân tích khá dài dòng, hoàn toàn tự tay tôi biên soạn, liên quan đến vấn đề nan giải của cảnh sát về việc tìm ra kẻ giết John Cramer.

“Các dữ liệu phân tích của tôi hoàn toàn dựa vào những gì tôi thu thập được từ những bài báo mà thông tin đôi lúc còn chưa thỏa đáng về vụ án này. Tuy vậy, thiết nghĩ rằng khi xem qua nội dung phân tích và đáp án, ngài sẽ đồng ý cùng tôi rằng cách sắp xếp giữa các sự việc với nhau như tôi trình bày chắc chắn sẽ dẫn đến một kết luận logic duy nhất.




“Mong ngài đừng xem đây chỉ là giả định từ một người luống tuổi đã về hưu. Tôi vốn đặc biệt quan tâm đến tội ác hình sự, và sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu của ngài về bất cứ vụ án nào khác mà kết luận xem ra còn vô định hoặc bất khả thi.”

Điện tín đã nhận tại lâu đài Hamlet, Ngày 7 tháng 9 năm 193-:

LỜI THÚ TỘI ĐÃ XÁC NHẬN ĐÁP ÁN XUẤT SẮC CỦA NGÀI VỀ VỤ ÁN CRAMER – CHẤM – LIỆU THANH TRA THUMM VÀ TÔI ĐÂY CÓ THỂ GHÉ ĐẾN SÁNG MAI LÚC MƯỜI GIỜ BA MƯƠI ĐỂ TỎ LỜI CẢM ƠN ĐỒNG THỜI THAM VẤN Ý KIẾN NGÀI VỀ VỤ ÁN MẠNG LONGSTREET.




WALTER BRUNO

***

NHÂN VẬT TRONG CÂU CHUYỆN

• NGÀI DRURY LANE – Nghệ sĩ kịch đã giải nghệ vì mắc chứng bệnh điếc, có khả năng quan sát suy đoán tài tình.

• CÔNG TỐ VIÊN HẠT WALTER BRUNO – người đồng hành cùng thanh tra Thumm trong việc phá án.

• THANH TRA THUMM – chịu trách nhiệm chính điều tra các vụ án, tính khí nóng nảy.

• BÁC SĨ SCHILLING – Bác sĩ pháp y rất giỏi trong công việc.

• HARLEY LONGSTREET – nhà môi giới chứng khoán, nạn nhân vụ án mạng.

• JOHN O. DEWITT – nhà môi giới chứng khoán, bạn hợp doanh của Harley Longstreet, nạn nhân vụ án mạng.

• PHU NHÂN FERN DEWITT – vợ của John O. DeWitt, người gốc Tây Ban Nha.

• TIỂU THƯ JEANNE DEWITT – con gái của John O. DeWitt.

• CHRISTOPHER LORD – hôn phu của Jeanne DeWitt, đồng thời là nhân viên cấp dưới của John O. DeWitt.

• FRANKLIN AHEARN – bạn của John O. DeWitt, say mê môn cờ vua và chơi rất giỏi.

• CHERRY BROWNE – diễn viên, người tình của Harley Longstreet.

• POLLUX – diễn viên, bạn của Cherry Browne.

Mời các bạn đón đọc Tấn Bi Kịch X của tác giả Ellery Queen.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.