Lần đầu tiên nhìn thấy Carol ở trung tâm mua sắm mà cô đang làm việc, Therese Belivet biết rằng mình đã yêu mặc dù lúc đó cô đang quen một anh chàng tên Richard. Đó là một tình yêu không cần cắt nghĩa, không cần lý giải, và cũng không cần trăn trở, nó đến với cô tự nhiên như nên thế.
Đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm 50, nơi bạn có thể nhận được tấm thiệp Giáng Sinh từ một người xa lạ, nơi bạn có thể mời một người mới quen đi uống cà phê, nơi mà tình yêu giữa hai con người cùng giới tính vẫn còn chịu nhiều điều tiếng, Carol là một câu chuyện tình vừa hiện thực lại vừa lãng mạn giữa Therese Belivet, một nhân viên thu ngân mơ làm nhà thiết kế sân khấu, và Carol, một người phụ nữ giàu có đang chuẩn bị ly dị chồng.
Đi ngược lại với những kết thúc buồn thảm trong các cuốn truyện cùng đề tài đương thời, Carol mang đến một cái kết hy vọng cho các cặp đôi đồng tính nữ. Xuất bản từ năm 1952, cho đến giờ, Carol vẫn được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển về đề tài này.
***
“Em cảm thấy mình đang đứng trong một sa mạc, hai tay vươn ra và chị đã đổ mưa xuống.”
Câu nói trên được Patricia Highsmith khắc sâu ý nghĩa trong truyện Carol, được xuất bản năm 1952. Nhan đề sách mang nghĩa gốc từ một ca khúc chúc mừng Giáng sinh an lành, từ đó, một câu chuyện đặc biệt đã xảy ra trong thời điểm Noel đến gần.
Carol – bản tình ca Noel du dương ấm áp
Noel đến rồi, ai cũng cần một bờ vai và những cốc cacao nóng để tận hưởng cái lạnh xâm vào cái đầu mộng mơ. Đoàn người hối hả chuẩn bị sắm đồ (nào là búp bê, vali, váy đẹp…) để mang một diện mạo mới hòa vào ngày lễ Chúa trời. Trong bối cảnh New York đầu thập niên 1950, nơi người trẻ sống lạc lối, không khí thành phố trở nên ảm đạm và Noel đó hơi nặng tính hình thức. Therese Belivet là một trong những người sống mất phương hướng chỉ để tồn tại, cho đến khi cô gặp tình yêu đời mình – Carol Aird.
Hai người quen nhau lần đầu tại cửa hàng Frankenberg – nơi Therese làm thu ngân bán thời gian. Công việc hiện tại chỉ đơn giản là một chuỗi việc làm giết thời gian đầy nhàm chán. Therese ước mơ làm nhà thiết kế sân khấu điện ảnh (trong phim là nhiếp ảnh gia), nhưng chỉ đến khi Carol bước vào đời cô thì cô bắt đầu sống thật với chính cô. Hai người trải qua nhiều chông gai, từng là hai đường thẳng cắt nhau. Rồi câu chuyện mới vừa được bắt đầu khi Carol hẹn Therese đến ăn trưa.
Chân mày của chị màu vàng, lượn nhẹ trên đường cong của vầng trán. Khuôn miệng cũng thông thái như ánh mắt, Therese nghĩ, và giọng nói như chiếc áo khoác chị đang mặc, sang trọng lẫn mềm mỏng, và có gì đó đầy bí ẩn.
Nhân vật Carol được khắc họa hoàn mỹ về diện mạo. Với tôi, sự hoàn mỹ của người phụ nữ qua 30 luôn chứa đựng nỗi niềm thầm kín mà cô không thể tâm sự cùng cánh mày râu. Phụ nữ ở thời đại Mỹ này, có những người sẵn sàng vượt qua định kiến về tình yêu đồng giới để tìm lại tự do cho mình. Dù phải đánh đổi một cái giá rất lớn, nhưng ít ra, ở bên người mình yêu thì không gì hạnh phúc bằng. Nét đẹp trên khuôn mặt Carol dẫu già dặn, vẻ bí ẩn thấm nét từng trải, song cô vẫn nuôi dưỡng khát vọng sống trẻ thật sâu đậm. Thật lạ thường bởi rất hiếm người con gái trên 30 có thể tự tin mà sống khi cô sắp sửa mất nhiều thứ trong tay.
Carol đang chuẩn bị ly dị người chồng Harge, nhưng cô không thể quyết bỏ lại Rindy – con gái cô. Cô chịu nhiều thiệt thòi về quyền nuôi con: phụ nữ sau ly dị không được nhận quyền nuôi. Đây là một dấu hiệu không tốt của thái độ thiếu khoan dung với cộng đồng giới tính thứ ba. Carol âm thầm đấu tranh đứng giữa hai lựa chọn: chọn nuôi Rindy hoặc ở bên Therese?
Thật sự quả là khó khăn, vì sau khi gia đình cô ly hôn, cô chỉ được phép gặp Rindy trong hai buổi chiều một năm. Con bé thôi thúc tình yêu đồng giới mãnh liệt trong Carol, chính vì thế nên cô muốn mình nuôi con. Nhưng dù sao luật pháp vẫn là luật pháp, thế nên, cô tiếp tục bước lên. Cô hướng về Therese. Vì cô bộc bạch tình cảm dành cho Therese còn lớn hơn tình cảm cho đứa con.
Chỉ lúc cầm trên tay cuốn sách đọc từng trang một, tôi cảm giác như mình đang hóa thành Therese chìm trong cơn mưa tình yêu với Carol. Cảm xúc luôn diễn ra cố định trong một khoảnh khắc, còn sót lại ký ức về các con chữ khắc sâu mối tình nữ-nữ.
Thái độ thẳng thắn, chủ động mỗi khi tâm sự, những lúc cơ thể va chạm vào nhau như hai nửa bên bông hoa chùm lại nở rộ. Và tôi đọc kết truyện xong, tôi thấy, một tương lai mới đang mở ra tiến gần hơn với họ. Họ đi qua nhau như hai đường thẳng cắt trên mặt phẳng. Có lúc tôi tưởng sẽ thật buồn nếu để chúng song song, nhưng tác giả để lại một kết thúc có hậu hơn. Sau buổi tiệc rượu, Therese tới nhà hàng Elysee để gặp Carol. Hai con mắt đắm đuối nhìn một hồi lâu, và họ biết, người con gái trước mắt là người đi cùng mình trên những chặng đường còn lại…
Bản tình ca Noel của Carol ngọt ngào, nhẹ nhàng, sâu lắng đến tận đáy con tim. Chỉ khi nào lật từng trang sách đầu tiên, chúng ta hình dung trăm lời ngàn cảnh về một tình yêu nữ-nữ trong sáng, đẹp đẽ. Phần truyện để ngôi thứ ba nên những lời tâm tư chân thực không có nhiều. Dẫu sao, chất văn của Patricia Highsmith đã vẽ lên một ngòi bút in sâu vào trí nhớ người đọc.
Kỷ niệm đáng nhớ trong truyện Carol
Cốt truyện xoay quanh Therese và Carol nên rất nhiều đoạn hội thoại sâu sắc được thế hệ đồng tính nữ yêu thích và ghi lại trong đầu. Suốt ba ngày tôi đọc rồi nghiền ngẫm, tôi trích những đoạn đơn giản nhất bởi cái xảy ra đầu tiên luôn để lại nhiều câu hỏi. Chuyện tình giữa họ thật đặc biệt theo một phong cách riêng: kín đáo, bình yên, vui tươi. Thế giới có chống lại hay quay lưng cả hai thì không vấn đề, miễn sao cả hai có nhau là đủ.
Người phụ nữ ra hiệu cho nhân viên phục vụ, và hai ly rượu nữa được mang ra.
“Tôi thích việc này.”
“Cái gì ạ?” Therese hỏi.
“Tôi thích có ai đó gửi thiệp cho mình, một người tôi không quen biết. Đó là ý nghĩa của dịp Giáng Sinh. Và tôi đặc biệt thích Giáng Sinh năm nay.”
“Em rất vui vì chị thích.” Therese mỉm cười, tự hỏi không biết chị ấy có nói thật lòng không.
“Em là một cô bé xinh xắn,” chị nói. “Và cũng rất nhạy cảm nữa, đúng không?”
“Em thấy chị đẹp hoàn hảo.”
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là lần đầu hai người cùng đi ăn trưa. Hai người con gái đi ăn cùng nhau thông thường sẽ chỉ dựa theo quan hệ họ hàng, bạn bè, đối tác. Nhưng trong chuyện này, ta có thể xác định rõ mối quan hệ giữa cô gái trẻ và phụ nữ ngoài 30 là gì. Hơn cả tình bạn chăng? Và không khí trong nhà hàng không lấy một chút căng thẳng bên ngoài, không phải chuyện hệ trọng cấp thiết. Cuộc gặp gỡ mở ra sự thẳng thắn chút ngại ngùng lần đầu của Therese khi tiếp xúc với một cô gái tóc vàng mới gặp. Đồng thời cũng là giây phút Carol bộc lộ nét đẹp con người mình: quý phái, tinh tế, tốt bụng, mạnh mẽ.
Gửi thiệp cho người lạ là điều đặc biệt mà những con người nội tâm thường làm. Một tấm thiệp thôi, chỉ một chi tiết nhỏ, cũng nói lên tất cả mọi thứ nói lên con người thật của người ấy. Đúng như Carol khẳng định: đây là ý nghĩa tuyệt vời mang hoài niệm về dịp Noel ấm cúng này.
Phải chăng đây là một ý nghĩa khác mang tên “tình yêu dẫn dắt tới thiên đường?”
Therese với tay tắt đèn. Lúc đó Carol ngã tay dưới cổ cô, cả cơ thể họ chạm vào nhau, nó ăn khớp như thể mọi thứ đã được chuẩn bị từ trước. Niềm hạnh phúc giống như những dây nho leo lan rộng ra và xuyên suốt trong cô, kéo dài như tua leo, còn có thể hình dung cô như mang trên mình những bông hoa tươi trẻ. Cô như được những bông hoa trắng nhạt bao quanh, lung linh cả khi được nhìn trong bóng tối, hay xuyên qua làn nước. Cô tự hỏi đây là lý do tại sao con người thường nói về thiên đường.
Cảm xúc cứ trào dáng mãnh liệt trong trái tim cô gái trẻ không ngừng. Cũng như nhiều nhân vật trẻ trong truyện LGBT như Elio (Call me by your name), Sumire (Người tình Sputnik), Kazami (N.P)… họ nhận thức rất sâu rộng về tình yêu đích thực. Họ cảm thấy tình yêu ấy có một sợi dây gắn kết bền chặt. Carol và Therese cũng thấy vậy. Ngay cả Therese từ chối quyết định sống chung với Carol vì sợ bị phản bội, cô vẫn không thể kiềm nén thêm. Cô quyết tâm ở bên người con gái thầm yêu cô, quyết tâm hướng theo tiếng gọi con tim.
Ban đầu Therese sợ Carol đẩy cô ra xa vì suy nghĩ tình yêu giữa hai phụ nữ là không thể. Nhưng thực ra, từ khi Carol hẹn cô ăn trưa thì chính nó là khởi đầu của một mối tình. “Em không biết chị cũng yêu em sao?” – Carol nói vậy, như là một thần chú phá vỡ mọi hoài nghi về tình cảm hai bên. Về sau, sự hoài nghi dần dần được cởi bỏ khi mỗi người ý thức rất rõ về tầm quan trọng từ người ấy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mình. Cả hai không thể xa nhau. Chắc chắn là vậy.
Lời kết
Để tình yêu đồng giới được kéo dài lâu, thì con người phải đấu tranh mạnh mẽ hơn rất nhiều. Suy nghĩ và nhận thức về tình yêu, về định kiến, và tương lai trước mắt trở nên sâu xa, chín chắn hơn. Định kiến đôi khi còn đến từ những người trong gia đình, cho nên, hãy mặc kệ tai tiếng và bước tiếp. Vì cuối cùng, chính bản thân mình và người yêu mình mới trân trọng, gìn giữ trau dồi tình yêu ấy.
Carol (tiêu đề sách còn có tên là Tận đáy cảm xúc) mang tới một kết truyện mở rộng hy vọng về một tương lai tươi đẹp của giới tính thứ ba. Không quá bi thương, đau khổ, Carol mang tới một góc nhìn mạnh mẽ hơn về viễn cảnh con gái ở bên nhau. Tình cảm của nữ giới rất đẹp đẽ tựa như bông hoa hồng, nhưng không dễ lâu bền như các tình cảm khác. Vậy nên, con gái hãy tự tin vào trái tim của mình, đừng vì tính rụt rè thụ động mà đánh mất nửa kia chân chính. Sau khi đọc Carol xong, tôi muốn nhắn nhủ tới bạn đọc rằng: người đời không hiểu được chúng ta ra sao. Đừng để những lời nói tưởng thuyết phục nhưng rất vô lý chi phối ý chí.
***
Patricia Highsmith sinh ngày 19 tháng 1 năm 1921 tại Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ và mất ngày 04 tháng 02 năm 1995 tại Locarno, Thụy Sĩ
Bà viết các tác phẩm đầu tay từ những ngày còn học trung học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Barnard năm 1942, bà viết khá nhiều truyện ngắn và được đăng tải trên các tạp chí trước khi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên Strangers on the Train (năm 1950). Tác phẩm tiếp theo, The Price of Salt (tên tiếng Việt: Carol) là một cú hích lớn, đẩy tên tuổi của bà lên một tầm cao mới. Sau đó bà còn viết thêm một vài tác phẩm khác như The Talented Mr Ripley (1955), Ripley Under Water (1991).
Năm 1957, bà được trao giải thường Grand Prix de Littérature Policière – International Category – giải thưởng thường niên dành cho các tác phẩm trinh thám xuất sắc nhất nước Pháp, hạng mục tác phẩm nước ngoài.
Mời các bạn đón đọc Carol của tác giả Patricia Highsmith.
Chia sẻ ý kiến của bạn