Patrick White không chỉ viết về những vấn đề phổ quát của thời đại: sự cô đơn, sự đơn độc của bản thể; văn của ông còn đi sâu vào chủ đề quen thuộc, những khía cạnh trần thế đời thường, ứng xử của con người với thiên nhiên vạn vật. Và Cây Người là đại diện tiêu biểu xuất sắc cho bút pháp ấy, một cuộc phản kháng văn chương, chống lại chủ nghĩa duy vật và nêu bật lên những mâu thuẫn của chủ nghĩa hiện thực…

Cây Người còn là một áng văn tuyệt mỹ về nước Úc sơ khai trữ tình, về những con người được tôi luyện trong gió và cát, cũng giống như cái cây nơi hoang dã, con người phải sống bằng chính sức lực của mình, phải chống lại mọi bão giông cuộc sống, giống như cái cây “không hề có phút giây yên tĩnh”… Dù bị đau đớn quằn quại, người ta vẫn tha thiết yêu thương cái mảnh đất ấy. Đến tận cùng, xứ sở cội nguồn của ta mới là điều quan trọng, dù ta có thích hay không…

Tất cả những điều đó đã đưa Patrick White thành một tượng đài văn chương, ông cũng là người Úc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, vì “những tác phẩm có nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc tinh tế và bút pháp sử thi, nhờ đó đã mở ra một châu lục văn chương mới.”




***

Quyển sách đã đến tay mình trong một một buổi tối, một cách nhanh nhảu và dễ dàng, theo cách khác lạ mà ít khi mình được trãi nghiệm: không mua, không thuê, mà là mượn.

Cái tiêu đề thật cũn cỡn và bí hiểm đã cuốn hút mình đến quả tạ 5 lạng này. Nhưng thật may mắn, nó rớt đúng vào chất văn mình đang theo đuổi, cũ kỹ mà hiện thực. Nên, đến cuối cùng, qua rất nhiều lần lăn lê bò lết, mình cũng hoàn thành một cách thuận lợi.

Stan Parker, cả câu truyện đều xoay quanh cuộc đời nhân vật này. Từ lúc cậu còn là một đứa bé, đến khi đi khai hoang, cưới vợ, lập vườn tược, nhà xưởng trên chính mảnh đất mẹ anh di chúc trước lúc qua đời. Có thể xem, anh là lớp người tiên phong trong việc định cư ở vùng này. Biết bao nhiêu gốc cây anh đốn hạ. Thì bấy nhiêu chất “mộc” thẩm thấu vào từng thớ thịt hơi thở. Để rồi không biết từ bao giờ cái tên “Stan” đã thành một “đại thụ” để những người đến ở vùng đất ấy sau này có thể nương tựa vào chính cái tính cách mộc mạc và nhiệt thành của mình. Cũng như cây cao bóng cả. Người đến trước giúp người đến sau. Cái quy luật của cây cỏ ấy cũng đúng với người. Dù có trãi qua qua bao thiên tai hay cám dỗ của bản năng, anh vẫn là một người đáng mến trong mắt người thân và láng giềng.




Cốt truyện có vẻ đơn giản, nhưng cách tác giả miêu tả về tình, về cảnh và tâm trạng nhân vật thì lại không. Có chút gì đó vị kỷ, cô độc mâu thuẫn với cái vị tha, khoáng đạt đã làm bật lên nhiều số phận, với những cái kết rõ ràng và đầy tính nhân quả. Qua đó, ta có thêm nhiều gia vị, trong việc chọn lựa và nhận biết nhiều nhân cách khác nhau. Cũng như Stan Parker, cái người ta thấy ở ông là cũ kỹ, khờ khạo. Còn ông thấy ở mình là mạnh mẽ và bình yên như cây, như cỏ.

Review Hiếu Phạm

***




Cỗ xe ngựa chạy giữa hai cây bạch đàn to và dừng lại. Hai cây đó sừng sững giữa một khoảng rừng cây bụi, chúng cao vượt những cây bao quanh, trông đường bệ mà cũng thật mộc mạc. Chiếc xe dừng lại cho ngựa gặm cỏ phía bên kia cây, còn con ngựa, bờm xờm và bình thản như cái cây, thở phì phì rồi đứng yên.

Người đàn ông ngồi trên xe bước xuống. Anh xoa hai tay vào nhau vì trời đã lạnh, mây lạnh tích tụ trên bầu trời nhợt nhạt, còn phía tây ráng màu nâu đỏ như đồng thau. Bầu không khí tỏa ra mùi sương giá. Làn da tê cóng ma sát vào nhau làm không khí lạnh hơn và cảnh yên tĩnh nơi đó càng thêm cô quạnh. Chim ngơ ngác trên cành, còn những con thú giương mắt nhìn xem chuyện gì đang diễn ra. Người đàn ông hạ một bọc xuống khỏi xe. Con chó nhấc chân tè lên một tổ kiến. Con ngựa nhễ nhại mồ hôi môi trề xuống.

Sau đó, người đàn ông lấy rìu bổ vào thân cây sợi cốt chỉ để được nghe một âm thanh chứ chẳng vì lý do nào khác. Âm thanh lạnh lẽo và vang vọng. Anh bổ, bổ tiếp cho đến lúc mấy mảnh vỏ cây trắng rơi xuống. Anh nhìn vào vết xước trên thân cây. Im lặng mênh mang. Đây là lần đầu tiên mới có sự việc như vậy xảy ra ở khoảnh rừng này.




Chợt như cố tình xua đi một giấc mơ, anh nhanh chóng tháo càng xe, để lại trên lưng ngựa vệt mồ hôi đậm. Anh chằng chặt cặp vó trước của chú ngựa nhỏ chắc mập và đeo túi cỏ vào cái đầu trụi lủi của nó. Anh dùng mấy cái túi và vài cây nhỏ dựng một mái che. Anh nhóm lửa. Cuối cùng, anh thở dài, vì ánh lửa nhỏ đó đã nhen lên trong anh một hơi ấm đầu tiên của niềm thỏa mãn. Của việc được ở một nơi nào đó. Cái mảnh rừng đặc biệt ấy đã trở thành của anh nhờ ánh lửa bập bùng. Nó liếm láp và nuốt trọn nỗi cô đơn.

Lúc này, con chó lông đỏ cũng đến ngồi bên đống lửa, gần, nhưng không ngay sát người vốn dĩ chẳng thân thiện gì với vật nuôi. Anh không vuốt ve hay nói chuyện với chúng. Chúng có mặt ở đó – cách xa một quãng – là đủ rồi. Con chó đã ngồi đó. Nó đưa mắt hau háu nhìn, vẻ muốn được ăn vì chủ vẫn chưa chịu lấy hộp đồ ăn ở trên xe xuống. Con chó chăm chú nhìn. Cái đói khiến nó phải xếp chân ngay ngắn. Đôi mắt vàng mòn mỏi dán vào chủ trong khi đợi được ăn thịt.

Người đó còn trẻ. Đời chưa để lại dấu ấn trên khuôn mặt anh. Anh trông dễ ưa; bản thân anh hình như cũng là người tốt. Do chẳng có gì để giấu giếm, nên xem ra cái thế mạnh ấy bị kém một chút. Nhưng đấy lại là sự trớ trêu của lòng trung thực.




Cây cối ở quanh biến mất dần. Trong ánh chiều tối, dưới bầu trời trắng, màu đen của những cành cây, cùng màu đen kịt của rừng cây bụi nhòa trộn vào nhau. Chỉ có đống lửa vẫn cháy. Và trong vòng ánh lửa, khuôn mặt người đó không lộ chút ưu tư trong khi anh xoa thuốc lá sợi trong lòng bàn tay thô ráp một mảnh giấy vuông nheo lại dính ở môi dưới.

Con chó khịt cái mũi. Qua ánh lửa, lông mõm nó sáng lóng lánh. Nó vẫn ngồi theo dõi hành động dằng dai tưởng chừng như không hồi kết.

Mọi chuyện vẫn tiếp diễn, và khói thuốc bắt đầu bay lên.




Người đó đứng dậy. Anh phủi tay. Anh lấy hộp thức ăn xuống.

Con chó lúc ấy mới run rẩy làm sao.

Tiếng đĩa, tiếng nước trà rót vào sắt tây, tiếng bột mì nghe bình bịch. Đâu đó có tiếng nước chảy. Chim ríu rít về tổ. Con ngựa non, sáng lên giữa chùm lông trán, cùng con chó đói bụng, cả hai đều đứng chực con người trẻ đó. Ánh mắt và ánh lửa có một sự hòa đồng.




Lửa hắt ánh vàng lên dáng người đang ngồi cắt thịt. Thấy vậy con chó điên cuồng nhảy cẫng lên như con ngựa bất kham. Anh ném thịt cho con chó, nhưng do bản chất, anh làm bộ miễn cưỡng phải làm vậy. Con chó ngốn ngấu những tảng thịt béo ngậy, chiếc vòng xích bị đẩy trồi lên phía trên cổ, khiến mắt nó lồi ra. Người đó ăn, miệng nuốt trông đến thô tục do có một mình nên cứ phồng miệng mà nuốt cho trôi, sau đó uống nước trà nóng có pha mùi sắt, cốt để cho trôi hẳn. Hơi ấm dâng lên. Giờ anh thấy tỉnh người. Anh ngửi thấy mùi rơm phảng phất từ cái giỏ thức ăn khi con ngựa đang nhai. Anh ngửi thấy mùi gỗ tươi cháy. Anh gối đầu lên chiếc vòng ẩm ướt tháo ở cổ ngựa. Và cái hang lửa to lớn, như một chốn cung mê, cuốn anh vào. Anh dang chân tay, bừng bừng trong ánh lửa, người mỗi lúc một ấm lên, nhưng đột nhiên lại bị tắt ngấm giữa làn khói nhè nhẹ và giữa dòng suy tư mệt mỏi.

Tên người đàn ông này là Stan Parker.

Lúc anh chưa ra đời, mẹ anh đã muốn đặt tên con mình là Ebenezer, nhưng rồi anh không phải mang cái tên đó vì ông bố, một con người tục tĩu, có lông bụng, đã cười nhạo. Do đó, bà mẹ không nghĩ đến cái tên ấy nữa. Bà là một phụ nữ không có tính hài hước và hơi sợ sệt. Lúc đẻ anh ra, bà gọi anh là Stanley, vì dẫu sao cái tên đó cũng thuộc loại đáng kính trọng. Bà vẫn nhớ đến tên nhà thám hiểm mà bà đã đọc.




Mẹ cậu bé đã đọc khá nhiều qua cặp kính gọng vàng, mỏng mảnh hầu như không ôm được hết cặp mắt xanh ướt át của bà. Bà đọc sách, lúc đầu là để tự vệ trước những nỗi sợ và những chuyện khó chịu. Bà tiếp tục đọc vì, ngoài câu chuyện ra, văn học còn mang lại một vẻ phong nhã mà bà khát khao. Sau đó, bà trở thành nhà giáo. Tất cả những chuyện ấy đã diễn ra trước khi bà lấy chồng. Tên bà là Noakes. Và bà nhớ là mẹ mình đã kể rằng ở quê nhà có một người tên là Noakes đã cưới giáo sĩ của chúa đất.

Bản thân bà không làm điều như vậy. Do sai lầm hoặc do bị quyến rũ bà đã lấy Ned Parker, một anh thợ rèn tại khe Willow, một kẻ nát rượu và đã có lần xung phong trả lời bài giảng của cha xứ, nhưng lại là người có thể uốn cong thanh sắt thành nút thắt đồng tâm. Chuyện đó không có gì hào hoa phong nhã, nhưng ít nhất bà còn được sức mạnh cơ bắp bảo vệ. Vì vậy cô Noakes đã trở thành bà Parker, và về mặt nào đó cũng trở nên sợ hãi nhiều hơn trước.

– Stan – có lần mẹ anh nói – con phải hứa sẽ yêu Chúa và đừng bao giờ đụng đến một giọt rượu nhé.

– Vâng ạ, cậu bé trả lời, vì cậu đâu đã trải qua những cái đó, và mặt trời ánh lên trong đôi mắt cậu.

Trong ánh lửa vật vờ mà anh nhóm lên, chàng thanh niên nhớ đến bố mẹ và Chúa của mẹ – một hình ảnh dịu dàng lờ nhờ xanh. Anh đã cố hình dung Chúa của mẹ bằng đường nét có thực, nhưng không sao thấy được. Nào, Chúa ơi, anh đã từng bật kêu lên, nằm mở mắt nhìn vào bóng tối. Đôi lúc anh lại nghe thấy bố chửi bới và văng tục ở phía bên kia cửa.

Bố anh không phủ nhận Chúa. Trái lại. Ông là một thợ rèn, chỉ chăm chăm nhìn vào lò lửa. Ông đập đe và những tia lửa bắn tung tóe. Sức khỏe trong ông bốc cháy, tiếng nhạc kim loại đinh tai nhức óc, át đi mùi hôi thối của móng ngựa cháy, nhưng không làm lòng tin của ông mai một. Có lần, lóp ngóp từ dưới mương lên, về nhà sau cơn bí tỉ, ông thậm chí đã trò chuyện với Chúa, rồi chơi vơi bấu lấy cánh của thiên thần đang phẫn nộ, trước khi ông say không biết trời đất gì nữa.

Chúa của bố mà cậu bé nhìn thấy, căn bản là một ông Chúa nổi giận, hung hăng, Người xuất hiện giữa những tiếng ợ hơi, ngón tay đầy vết chai vung lên kết tội. Ông là Chúa của những vị Tiên tri. Và đây là vị Chúa mà bản thân cậu bé ngờ vực và sợ hơn là vị Chúa dịu dàng của mẹ mình. Dẫu sao, đấy mới là khởi đầu. Ở khe Willow, Chúa vít những cây tới mức chúng lay phấp phới theo chiều gió như những chùm râu. Chúa đổ mưa xuống những mái nhà lợp tôn, cho đến khi thậm chí những ông già bà cả trở nên trầm tư, nhỏ bé hơn và vàng vọt hơn trước ngọn đèn muội khói, và Chúa đã cắt cổ cụ Joe Skinner, mà nào cụ có tội tình gì, mọi người quen biết đều thấy cụ là ông già tử tế, thích bẻ vỏ bánh mì vãi cho chim ăn.

Đấy là một trong những điều, chàng thanh niên nhớ lại, mẹ anh không cố gắng giải thích. “Đó là một trong những sự việc đã xảy ra”, bà bảo.

Nói vậy, rồi bà lúng túng quay mặt đi. Có nhiều điều bà không có lời giải đáp. Vì lý do đó, bà không hợp lắm với những người đàn bà khác, đa số gần như biết tuốt, còn những gì họ không biết nghĩa là chẳng đáng để biết. Thế nên mẹ của Stan Parker sống cô độc. Bà vẫn tiếp tục đọc; nào là tập thơ của Tennyson đóng bằng khóa móc đồng, bên trong có ép những bông hoa violet, nào là tuyển tập Shakespeare ố lỗ chỗ vì bị ngập nước, rồi đến những cuốn danh mục sách, niên giám, những sách công thức nấu nướng, một bộ bách khoa toàn thư và cuốn từ điển địa lý, tất cả tạo nên cung cách đọc sách riêng biệt nhằm để che chở cho tâm hồn bà. Bà đọc sách, rồi bà thực hành sự ngăn nắp, tựa như bà có thể sắp xếp mọi thứ trật tự theo cách đó; chỉ có thời gian và mọt sách phá hủy những nỗ lực của bà cùng linh hồn những con người cố bật khỏi bất cứ cảnh ngộ tù túng nào giam hãm họ.

 

Mời các bạn đón đọc Cây Người của tác giả Patrick White.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.