Trong tác phẩm của mình, Stefan Zweig đã viết: “Chỉ hai mươi bốn giờ thôi cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời một người đàn bà”.
Tôi cũng là một người đàn bà. Tôi cũng đã thử hỏi, trong hai mươi bốn giờ quá ít ỏi ấy, một người đàn bà có thể làm gì để được gọi là thay đổi số phận, hay cuộc đời? Vậy mà khi tôi bắt đầu đọc câu chuyện của Stefan Zweig kể, tôi đã phải chạy đua với cảm xúc của nhân vật. Tôi không có được những cảm xúc mãnh liệt, bạo dạn như bà. Chỉ trong một ngày thôi, bà đã trải qua tất cả mọi cảm giác của cuộc đời này, đi đến tận cùng đê mê, hạnh phúc bên người tình chỉ trong một đêm, để rồi cũng phải chịu sự phản bội đến khốn nạn và nghiệt ngã khi bị sỉ nhục cay đắng bởi người mà mình đã yêu và trao đi tất cả. Người đàn bà ngoại tình ấy đáng thương hơn đáng giận rất nhiều, bởi đó là bản năng tuyệt vời của một người phụ nữ đã được đánh thức mãnh liệt sau những năm tháng sống bằng lặng và yên bình với những cảm xúc không thật.
Tôi là một người đàn bà. Tôi trân trọng và cũng sợ hãi, xót thương cho những gì đã và đang diễn ra trong đời một người đàn bà giống như mình. Tôi đã cố gắng loay hoay với những cảm xúc của mình mà quên hẳn việc phải thành thật với cảm xúc của chính mình, và người phụ nữ đã mang trong mình một ám ảnh về tội lỗi ngoại tình với chồng con ấy đã chỉ cho tôi biết rằng , tôi không có nhiều thời gian để mài mòn cuộc sống trong những giả dối. Cách tốt nhất tôi có thể làm được chỉ là để mình tự do yêu, và sống cho thật với những gì mình cần phải sống. Ngẫm cho kĩ thì thời gian đâu có quan trọng ngắn dài, điều quan trọng hơn là cách mà chúng ta sống trong khoảng thời gian ấy thôi. Người đàn bà của tôi chỉ cần hai mươi bốn giờ sống thật sự để rồi “gặm nhấm” nó suốt một cuộc đời còn lại, như một nỗi ám ảnh, day dứt, thay đổi tất cả mọi cảm xúc của bà. Tôi xót xa cho số phận của một người đàn bà như mình, nhưng tôi biết tôi chẳng thể nào trốn tránh được những điều đó, bởi nó thuộc về bản năng, bản năng yêu và quyết định mọi thứ bằng trái tìm của tình yêu, mù quáng nhưng chân thành.
Người kể câu chuyện về số phận của người đàn bà trong hai mươi bốn giờ ấy đã biểu hiện đủ đầy những diễn biến tâm lý, như một bản nhạc đầy thăng trầm, chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn của đời người, nhưng với những điều tôi đã cảm nhận được, nó còn ngân dài hơn bất kì một bản tình ca nào khác về người phụ nữ. Đó là biệt tài của Stefan Zweig. Và chúng ta, những người phụ nữ suốt đời mang thân phận yếu ớt, mỏng manh, tại sao không thể chia sẻ với những đam mê thật thà của người đàn bà này, và để biết rằng chúng ta có thể tìm thấy điều gì thuộc về nhau.
Một trích đoạn rất nhỏ trong câu chuyện, mà tôi muốn dùng nó để kết thúc bài viết của mình, và để bắt đầu cho các bạn khi đã cầm trên tay cuốn sách này.
… Và bây giờ ông đã hiểu tại sao tôi bỗng quyết định kể về số phận của tôi cho ông nghe khi ông bênh vực bà Hawngrriet say sưa giữ ý kiến rằng hai mươi bốn giờ có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời người đàn bà, tôi cảm thấy như những lời đó nhằm vào tôi: Tôi biết ơn ông vì đây là lần đầu tiên, có thể nói là tôi được minh ona và thế là tôi nghĩ rằng, có lẽ giải thoát tâm hồn mình bằng cách thú tôi, cái gánh nặng và nỗi ám ảnh vĩnh cửu của quá khứ sẽ mất đi và mai đây, tôi có thể sẽ trở lại nơi đó, đi vào gian phòng mà tôi đã gặp số phận của tôi, không còn oán hận cả anh lẫn tôi. Thế là khối đã đè nặng tâm hồn tôi sẽ được nhấc lên, tất cả sức nặng của nó sẽ đè xuống quá khức, đè chặt lấy quá khức không cho nó thức dậy nữa, như trong hầm mộ…
Stefan Zweig sinh ra ở Viên (Áo). Cha ông lầ Moritz Zweig (1845–1926), nhà sản xuất dệt may giàu có người Do Thái; mẹ là Ida Brettauer (1854–1938), con gái một chủ ngân hàng người Do Thái. Ông là bà con của nhà văn Tiệp Khắc Egon Hostovský, người này mô tả Zweig là “một họ hàng xa”; có thuyết nói hai người là anh em họ.
Không tìm thấy động lực rõ ràng, ông bỏ học sớm. Việc học của ông chỉ bắt đầu khi ông đi qua nhiều nước ở châu Âu và kết giao với nhiều nhân vật quan trọng vào thời đại của ông. Ông có nhiều chuyến đi đến Ấn Độ, châu Phi, Bắc và Trung Mỹ, cũng như Nga. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, vì lý do sức khỏe yếu, ông không phải ra mặt trận mà được làm thủ thư, phụ trách quản lý tư liệu chiến tranh. Nhưng chỉ đến khi sống một thời gian ngắn gần trận tuyến, ông mới nhận ra sự điên rồ của chiến tranh, và từ đó trở thành người cổ vũ mạnh mẽ cho hoà bình.
Là một nhà văn có sức làm việc mạnh, ông đã viết nhiều tập tiểu sử (như quyển Ba bậc thầy bàn về Honoré de Balzac, Charles Dickens và Fyodor Dostoyevsky, xuất bản năm 1920), thêm truyện dài và truyện ngắn. Ông được ca ngợi là có óc phân tích tâm lý độc đáo, và có tài chắt lọc bỏ ra những tiểu tiết khiến cho những tập tiểu sử của ông đọc hấp dẫn như tiểu thuyết. Đến thập niên 1930, ông là một tác giả có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.
Năm 1934, Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức, Zweig rời Áo sang Anh, ban đầu sống ở Luân Đông, đến năm 1939 chuyển đến Bath. Năm 1939 Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đức Quốc xã nhanh chóng chinh phục Tây Âu, Zweig và người vợ thứ 2 phải vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ, định cư tại Thành phố New York năm 1940. Hai người có 2 tháng làm khách của Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, về sau thuê 1 căn nhà tại Ossining, New York.
Ngày 22 tháng 8 năm 1940, Zweig và vợ di cư tới Brasil, định cư ở Petrópolis, một thị trấn miền núi có đông đảo người Đức sinh sống, cách Rio de Janeiro 68 km về hướng bắc. Tháng 2 năm 1942, trong thời gian lễ hội ở Rio de Janeiro (Brasil), vì tâm trạng cô đơn và mệt mỏi, Stefan Zweig và vợ Lotte cùng nhau tự tử.
Năm 1948, truyện Bức thư của người đàn bà không quen biết đã được dựng thành phim có tựa Letter from an unknown woman, với Joan Fontaine thủ vai cô gái nhân vật chính, Howard Koch viết kịch bản và John Houseman là nhà sản xuất. Howard Koch cũng đã viết kịch bản cho phim Casablanca (1942), và John Houseman là nhà đồng sản xuất của phim “Công dân Kane” (Citizen Kane) (1941) – cả hai phim này được xếp vào nhóm 10 phim hay nhất mọi thời đại. Phim Letter from an unknown woman lấy bối cảnh là thành phố Wien vào khoảng năm 1900. Phim làm rơi lệ nhiều khán giả này nằm trong nhóm 100 phim hay nhất mọi thời đại, được Thư viện Quốc hội Mỹ xếp hạng “có ý nghĩa về mặt văn hóa,” và được tuyển chọn để lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Phim ảnh Quốc gia của Hoa Kỳ.
Gần đây (2005), một phim khác được thực hiện ở Trung Quốc cũng dựa trên truyện này.
Năm 1968, một truyện khác được chuyển thể thành phim “24 giờ làm phụ nữ” (24 hours in a woman’s life), với nữ diễn viên chính là Ingrid Bergman, cũng khá thành công.
Năm 2014, Bộ phim Khách sạn Đế vương, xây dựng dựa trên cảm hứng từ các công trình ghi chép của ông với nội dung tôn vinh những “tia sáng mong manh của nền văn minh sót lại trong chốn man rợ vốn từng được biết đến là nhân đạo”, ra mắt trong sự ca ngợi của các nhà phê bình phim. Bộ phim dẫn đầu danh sách đề cử giải BAFTA với 11 đề cử, nhiều hơn bất kỳ bộ phim nào khác. Nó cũng giành được Giải Quả cầu vàng cho phim ca nhạc hoặc phim hài hay nhất và chín đề cử giải Oscar, bao gồm cả giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim sau đó đã giành được 4 giải Oscar cho Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất, Thiết kế trang phục và Hóa Trang.
Mời các bạn đón đọc 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà của tác giả Stefan Zweig.
Chia sẻ ý kiến của bạn