Suốt những năm tháng ròng rã vật lộn mưu sinh tại miền Nam, của ngon vật hiếm nơi đất khách đã giúp Vũ Bằng vơi đi nỗi buồn hoang hoải hướng về cố hương.
Món lạ miền Nam đã ra đời như vậy, cuốn tùy bút độc đáo của Vũ Bằng về những trải nghiệm hương vị ẩm thực mà mới nghe tên thôi người ta đã cảm thấy thích thú.
Công bằng mà nói, món ngon hay không là do khẩu vị mỗi người. Mỗi miếng ngon có thể sẽ thay đổi, biến chuyển theo từng giai đoạn để vừa lòng ông thần khẩu. Nhưng đồ ăn miền Nam thì không đổi thay. Thứ hương vị làm người xa quê cảm thấy ngon lành, khang khác, nhận thức được lòng thương yêu của cõi nhân sinh ở chung quanh vì thế mà tự nhiên rõ rệt đậm đà.
Có người đọc cuốn “Miếng ngon Hà Nội” 1 của tôi xong, thúc giục:
– Miền Nam nước Việt có nhiều thức ngon lành lắm, sao không sưu tầm lại mà viết thành một cuốn nữa coi chơi?
Tôi bỏ nhà đi lang bạt từ lúc mười bảy tuổi. Đến Sài Gòn dạo đó, tôi đã ăn nem Thủ Đức, thưởng thức phá lấu Lồ Ồ, ăn tóp mỡ nhiễn đường ở Sa Đéc, nếm suông ở Cây Mai, thịt bò bảy món Bà Hom, mì Cột Đèn Năm Ngọn.
Rồi đến kỳ này, lại trở về quê ngoại mến thương, tôi đã thưởng thức nhiều món hơn, nhưng thú thực tôi không thấy các món đó có nói lên được cái gì mới mẻ, lạ lùng cho lắm.
Có lẽ tô cá chìa vôi ngon thực, nhưng lòng còn gởi về cố lý nên cá rô đầm Sét vẫn là hơn, trái su su mát như da cô gái tuyết trinh, ô hay, sao lại như đăng đắng, mà miếng thịt gà muốn chế hóa cách gì đi nữa cũng vẫn cứ nhạt phèo?
Mãi đến gần đây, tôi mới nhận ra rằng hương vị của những miếng ngon không hoàn toàn do nơi khẩu cái. Tự nhiên, không vì lý do gì hết, vào một buổi chiều xuống mầu kia, mình thấy miếng thịt gà đậm đà hơn, trái su su thoang thoảng ngọt và con cá chìa vôi ăn béo mà thơm.
Ồ, tại sao lại thế?
…
Mời các bạn đón đọc Món Lạ Miền Nam của tác giả Vũ Bằng.
Chia sẻ ý kiến của bạn