MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Phong trào kháng chiến chống Pháp đã đến với ta kèm theo một phong trào khác : phong trào dùng danh từ mới bằng chữ nho. Nói « mới » tức là nói rằng trước đấy các nhà văn nhà báo, các chính khách, sinh viên, nghị sĩ… cũng đã có một thời kỳ đua nhau dùng chữ nho, kiểu Phạm Quỳnh. Dùng như thế, có vẻ… nho nhã, và hàm xúc, tuy rằng có ích trong sự dùng điển, và câu văn đó ít lời mà nhiều ý, nhưng đồng thời cũng tỏ ra rằng người viết hay nói lười nhác, không muốn mất thời giờ tìm một chữ Việt tương đương để cho đại chúng đều hiểu được.
Đến thời báo « Đông Tây » ra đời, một số nhà văn trẻ đả kích kịch liệt những tác phẩm dùng nhiều danh từ chữ nho. Trong một thời gian khá dài, văn viết đã thấy bớt danh từ chữ nho, nhưng đến lúc dân ta nổi lên chống Pháp thì người ta lại thấy các danh từ mới bằng chữ nho xuất hiện nhiều hơn cả bao giờ.
Đó là một nhu cầu, vì nói cho thực, lúc đó ta vẫn chưa đủ chữ để diễn tả những ý nghĩ cần dùng về mặt chánh trị, kinh tế, xã hội v.v… nhưng đồng thời ta cũng phải nhận rằng có nhiều cán bộ lúc ấy cũng lạm dụng danh từ ; thay vì nói một cách bình thường, dễ hiểu, thường ưa « xổ » danh từ mới ra, trước là để dọa nhân dân, sau là vì họ tưởng rằng có dùng các danh từ mới ấy thì mới là cách mạng, mới là người thời cuộc.
Đã đành rằng trong các cán bộ dọa người bằng danh từ đó, cũng có nhiều người dùng trúng, nhưng lúc cách mạng mới bùng lên thì đa số dùng « trật lấc ». Vì thế ngày nào và ở đâu ta cũng thấy có những câu chế nhạo cán bộ dùng sai danh từ, như mấy thí dụ dưới đây mà ông Lãng-Nhân đã ghi trong cuốn « Chơi chữ » tái bản lần thứ ba :
Theo ông Lãng-Nhân, chữ quốc ngữ dễ học, dễ đọc, nhưng không phải vì thế mà dễ viết, dễ nói. Là vì muốn nói hay viết cho rành rọt, cần phải có một ít vốn chữ Hán là thứ chữ đã thâm nhập vào tiếng ta rồi.
Nếu chỉ đọc được mà không rõ nghĩa thì sẽ có những câu chuyện đàm thoại như ông Đàm Trung Mộc đã kể trong báo « Bạn dân ».
« Trên xe điện. Bước lên xe điện, vợ tôi bị một bà níu lại, nói tíu tít :
« – Gớm, gió nào đạo dẫn cậu mợ đến đây ? Tiền bạc gà ăn không hết, tội gì mà đi cái xe phức tạp này ? Mà cậu nên nghe chị, học vừa vừa chứ, phải điều trị lấy sức khoẻ chứ. Còn mợ nữa, cấm có chịu quá vãng đến chơi nhà chị. »
« Hai vợ chồng cãi nhau. Anh chồng mua một đùi chó về nhắm rượu, say rồi gây với vợ. Vợ nhiếc là đồ đế quốc và hăm đi đề nghị với bí ban. Chồng quát : Cái thứ đàn bà chưa ai vẫy đã le te đi ủng hộ như mày, ngủ thì tích cực lắm, mà làm thì chẳng thấy có kiên quyết gì hết ; muốn đề nghị để ông đi đề nghị cho một thể, ông trường kỳ với mày mà !… »
« Chuyện báo cáo trong ủy ban. Một chị nhỏ nhẹ nói với chị cán bộ :
« – Thưa đồng chí, chứ bữa nọ đồng chí có ủy nhiệm em mua nón, em đã tham gia đa số các chợ, ráo riết truy tầm, mà thiệt tình không thấy đâu còn oa trữ thứ nón đó, thành ra đến nay cuộc điều tra vẫn chưa kết quả, em xin trân trọng báo cáo để đồng chí bế mạc cho… »
Ở ngay nơi sản xuất ra những danh từ mới mà người ta còn dùng lầm một cách ngô nghê, thế thì cũng chẳng nên trách gì một số người khác bắt chước sử dụng những danh từ đó đã dùng sai lạc một cách ngô nghê không kém.
Điều đáng phàn nàn là có một số các nhà lãnh đạo, chánh trị gia, nghị sĩ, dân biểu, văn nhân, ký giả và sinh viên, trí thức đáng lý có thể dùng được những danh từ nôm na bình thường để diễn đạt tư tưởng, không chịu làm như thế mà lại sính dùng danh từ mới để nói hay viết, vì thói quen tiêm nhiễm cũng có, mà vì muốn tỏ ra vẻ mình thông thái, giỏi giang cũng có.
Nhất là một số chính khách thì lại càng sính dùng những danh từ mới lắm. Sính như thế là vì họ nghĩ rằng làm văn hoá, làm chánh trị, hay làm kinh tế… mà dùng những danh từ tầm thường thì dân chúng không sợ, phải dùng những danh từ mới thì mới tỏ ra là chính khách, là thông thái, là người làm việc dân việc nước hạng… cừ !
Họ có biết đâu rằng chính ở nơi sản xuất ra những danh từ mới ấy, sau một trận sốt rét danh từ, người ta đã quay về tìm những chữ nôm na, đại chúng để diễn đạt tư tưởng và bỏ được những danh từ khó hiểu đi được chừng nào càng hay chừng ấy. Một bài diễn văn hay, một lời tuyên ngôn giỏi, có phải hay, giỏi vì mấy danh từ như « đề cao cảnh giác », « cao độ », « đặc thù », « tư liệu », « ý đồ » đâu, nhưng hay vì tư tưởng, vì kết cấu, vì giản dị, vì có biện chứng, vì cảm hoá và đi sâu được vào lòng nhân dân.
Ấy là nói những danh từ trên dùng đúng nghĩa và đúng chỗ. Những chính khách, lãnh tụ dùng lầm danh từ, hoặc dùng không đúng chỗ, không những đã không đạt được ý muốn của mình mà lại còn làm cho người hiểu biết nghe thấy mà phải tức cười và thương hại cho hồn chữ.
Chắc các bạn đọc còn nhớ mồ ma Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã viết một hài văn nói về chữ kiện xuống tới Diêm Vương những nhà văn đã « làm tình làm tội » chữ nghĩa, dùng lầm chữ, dùng sai chữ.
Câu chuyện ấy là hài văn nhưng thực ra cũng có một phần nào thực. Cái phần thực đó là chữ nghĩa không phải là vật vô tri, nhưng mỗi chữ đều có một đời sống, một cái hồn, thương lấy chữ tức là thương lấy mình, thương lấy văn hóa nước mình, thương lấy chữ tức là tự trọng.
Đã là người, ai mà lại không lầm lẫn. Có người lầm lẫn về hành động, có người lầm lẫn khi viết, có người lầm lẫn khi nói. Sự lầm lẫn ấy gần như không tránh được, duy có một điều cần biết là phải tự giác, nhận lấy lầm lẫn, học hỏi, để tránh những lầm lẫn, không để cho tái diễn.
Tôi không tán thành những người cố chấp, không chịu học hỏi, chủ trương cái gì của địch thì không dùng mà chỉ có cái gì của ta mới hay, mới đẹp. Nói riêng trong phạm vi nước ta, Bắc hay Nam cũng chỉ có một văn hóa mà thôi, người Nam dùng chữ của Bắc hay người Bắc dùng chữ của Nam không phải là cái dở hay cái tội.
Điều cần thiết là không nên lạm dụng chữ ngoại quốc, nếu có thể dùng chữ của mình thì bao giờ cũng vẫn hơn. Nhưng nếu có những trường hợp mà tiếng ta không có hay chưa có danh từ để diễn tả một ý kiến, một cảm giác, một tư tưởng, ta có thể cứ dùng những danh từ nhập cảng của ngoại quốc hay những danh từ của những đồng bào khác ý thức hệ với ta, nhưng điều quan trọng là đã không dùng thì thôi, chớ đã dùng thì cũng nên dùng cho đúng nghĩa và đúng chỗ, kẻo hồn chữ lại phải tả oán ở nơi âm phủ.
Soạn cuốn sách này, chúng tôi không dám có ý tưởng sửa sai hay bắt bẻ bất cứ ai. Đây là những điều chúng tôi học hỏi được, sưu tập lại để trình chánh bạn đọc, trước là để giúp ích cho những người chưa có dịp học hỏi, mà sau là để cho các bậc cao minh nhuận chính hầu giúp ích cho những người đến sau muốn sử dụng những danh từ mới một cách chân xác và đứng đắn.
Chúng tôi biết rằng bước đầu của chúng tôi còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi chỉ tìm hiểu những danh từ thường dùng. Dám mong các bạn bốn phương sẽ gửi thêm những điều học hỏi của các bạn về nhà xuất bản để cho lần tái bản, chúng ta sẽ có một cuốn sách tương đối đầy đủ hơn và nhân đây cũng xin các bạn chỉ bảo cho chúng tôi những sai lầm mà các bạn nhận thấy khi đọc sách.
Sàigòn tháng Giêng Tân-Hợi,
V.B.
Chia sẻ ý kiến của bạn