Vũ Bằng

Có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi tôi: “Sắp sang thế kỷ 21 rồi, nếu chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào?”. Tôi trả lời ngay: “Một trong những cuốn tôi mang theo là Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng!”.

Thương nhớ mười hai là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương. Phải là một con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu thương Hà Nội hơn ai hết thì mới viết được một cuốn sách như thế! Nhưng như thế cũng chưa đủ. Phải là một con người chứa chất một niềm đau không thể giãi bày cùng ai, gánh chịu một nỗi cô đơn khủng khiếp lắm mới tuôn được ra ngòi bút mình những câu văn như có ma ám, từng dòng, từng dòng như bị một thế lực siêu nhiên vừa hành hạ, vừa chắp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng, để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất!

Trước năm 1975, khi còn là phóng viên mặt trận ở chiến trường Trung Trung bộ, một cô giao liên từ Đà Nẵng mang lên căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu Năm tặng tôi cuốn Thương nhớ mười hai. Tôi đọc và cảm nhận ngay ra một điều: Viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông… đã quy Tiên ở ngoài Bắc mà ông không thể nào được nhìn vợ lần cuối, không được thắp cho vợ một nén nhang trên nấm mồ. Cuốn Thương nhớ mười hai được Vũ Bằng coi là một nén nhang khóc vợ. Nó hay, nó hút hồn người ta là vì thế! Chẳng thế mà lời đề trên đầu cuốn sách, tác giả viết: “Bắt đầu viết thì là thương. Viết đến tháng chín gạo mới chim ngói thì là nhớ. Thương không để đâu cho hết. Nhớ không biết mấy cho vừa… Thành kính dâng Quỳ cuốn sách thay cho nén nhang tưởng niệm”.