NIỀM GIAO CẢM

Sau khi cho chào đời bộ « Việt-nam thi nhân tiền chiến » và quyển « Khuynh hướng thi ca tiền chiến », hoàn tất cuộc hành trình 13 năm thi ca – 1932-1945 –, đánh dấu một diễn biến cách mạng của nền thơ mới đã chịu ảnh hưởng của trào lưu thi ca thế giới, chúng tôi – nhà xuất bản cũng như soạn giả – đồng dự thảo sẽ liên tục cống hiến thêm nhiều tài liệu mới mẻ trong biến cố văn học thế hệ 1932-1945.

Nhưng, bỗng dưng tâm hồn chúng tôi rúng động ! Tự vấn lại lòng. Một cảm giác có cái gì ruồng rẫy, hất hủi, phũ phàng đang trùm kín tâm linh. Trí não được huy động, tập trung để khám phá cho ra trạng thái bí ẩn đang ray rứt, giày vò.

 




Thì ra ! Chúng tôi đang bị sự hành phạt của lương tri, bị vướng phải cái mới chuộng cũ vong, theo đuổi một hình bóng tân kỳ mà bỏ quên một nền thi ca cổ truyền của dân tộc.

Cảm nhận từ cõi vô hình dội thấu đáy hồn những lời hờn giỗi, thống trách, lòng chúng tôi bỗng dâng lên niềm hối hận của một linh hồn lạc lõng vừa bừng tỉnh và nhận định được hướng đi.

Vạch ra được con đường về dân tộc, lương tâm chúng tôi vơi đi sự tủi hổ, đau buồn, trút bỏ được cái gì đang đè nặng trong tâm tư.




Thế rồi, với đôi mảnh hình hài bẩm thụ khí thiêng của non sông đất Việt, chúng tôi dốc cả tâm não và mọi khả năng để đúc kết thành hình bộ THI CA BÌNH DÂN VIỆT-NAM

Hỡi tiền nhân của dân tộc !

Chúng con kính dâng lên Hồn Nước sự đóng góp bé mọn này, mặc dù không như ý nguyện, nhưng cũng nói lên được một tấc lòng thành.

Mùa hè, năm Kỷ dậu (1969)

NHÀ XUẤT-BẢN và SOẠN-GIẢ


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.