Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là Những ngã tư và những cột đèn của nhà văn Trần Dần.

Chuyện rằng: vào giữa những năm 1960, nhà văn Trần Dần, khi đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của bản thân đã được một vài cán bộ công an hảo tâm tìm cách cho đi thâm nhập một số trại giam do Bộ Công an quản lý đang giam giữ những ngụy quân thời Pháp sau ngày tiếp quản Thủ đô. Kiểu đi như thế gọi là “đi thực tế” để khi về viết văn trên những cứ liệu của thực tế chuyến đi đó. Công thức ở đây là: cơ sở cung cấp tài liệu về một vấn đề cụ thể, nhà văn đi cho thấy, tiếp xúc cho biết, và cái viết ra thường chỉ là một báo cáo, một sơ đồ, dù có được vẽ vời thêm cho có vị văn chương.

Vậy, với Trần Dần, bài toán đặt ra là: viết về hoàn cảnh của những người ngụy quân Pháp ở Hà Nội khi chiến tranh kết thúc, phần thắng thuộc về đội quân cách mạng, với định hướng viết đã rõ ràng là họ phải quy phục chế độ mới.




Đề bài này không khó đối với ngòi bút Trần Dần. Nếu an phận, viết theo lối trả bài (trả cả ơn nghĩa nữa, nếu có), ông dễ phóng bút viết được nhanh, được trơn tru, nộp quyển, và quên đi nhanh chóng cái viết ra đó. Nhưng ông đã không làm thế, vì nhân cách là văn cách của ông không cho phép làm thế. Trần Dần, nhà văn luôn táo bạo quyết liệt trong từng câu chữ, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, trong từng cái viết. Viết, với ông, bao giờ cũng là phải mới, phải khác, phải cách tân. Vì vậy, kết quả chuyến thực tế ấy, dưới tay ông đã thành tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (NNTVNCĐ). Trần Dần đã giải được bài toán văn chương một cách xuất sắc.

Câu chuyện của anh ngụy binh Dưỡng và mấy người bạn cùng cảnh ngộ trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô nếu kể ở ngôi thứ ba khéo lắm cũng chỉ được một truyện kể. Trần Dần đã chuyển nó thành ngôi thứ nhất thông qua hình thức cuốn nhật ký của Dưỡng, xen kẽ là lời kể của một vài nhân vật khác có tham dự vào đường dây hoạt động của nhân vật được kể ở ngôi thứ ba. Bằng hình thức này, Dưỡng đã được phát tiết tất cả những suy tư lời lẽ, hành vi của một thanh niên Hà Nội tạm chiếm, của một người lính lái tàu bò, và được bộc bạch tự nhiên nhất toàn bộ trạng thái tâm lý của mình vào một thời điểm hệ trọng của thời cuộc và số phận. Nhưng cái chính ở đây không phải chỉ ở nội dung cuốn nhật ký, mà ở cái cách ghi nhật ký của Dưỡng. Cái cách ghi ấy mới là một nội dung chính của cuốn tiểu thuyết của Trần Dần, nó thể hiện rõ trạng huống của một thành phố từ chiến tranh sang hòa bình và trạng thái của những con người bị mắc kẹt trong trạng huống ấy. 

Còn có thể nói được rất nhiều về và từ cuốn tiểu thuyết NNTVNCĐ của Trần Dần. Trên đây tôi chỉ nói nhanh nói sơ về giải pháp nghệ thuật mà nhà văn đã đưa ra để thực hiện sáng tạo văn chương của mình. Đấy chính là cách viết nội dung chứ không phải kể nội dung, như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã từng chuyển dẫn từ lý thuyết văn học của Nga về. Cho nên không phải câu chuyện kể làm nên nội dung, mà là cách kể câu chuyện, hay hình thức đó cũng chính là nội dung. Điều đáng kinh ngạc là 45 năm trước, trong hoàn cảnh bị vây bủa của bản thân và sự bít bùng của một xã hội thời chiến, Trần Dần đã độc hành mở cho mình một con đường tiểu thuyết mà bây giờ ngoái lại sau lưng ông vẫn hầu như chưa có ai tiếp bước. May mắn bản thảo được giữ lại để bây giờ in ra. Một cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là NNTVNCĐ.




Đó là Trần Dần từ 45 năm trước, khi cuốn sách mới được viết ra. 

Đó là Trần Dần ở 45 năm sau, khi cuốn sách đã được in ra, trở thành một hiện tượng của văn học nước nhà năm 2011. 

Kinh ngạc vì sức sáng tạo đột khởi và đột biến của một gương mặt văn chương quyết liệt nhất Việt Nam, nhưng cũng chính vì thế lại thấy buồn cho văn học Việt Nam sau nửa thế kỷ vẫn thấy là cũ mòn so với tác phẩm này.

Do vậy, Trần Dần, bằng thơ và văn của ông để lại, vẫn mãi còn thách thức các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *