Bởi thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cố, báo hại phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về:
“gốc tích hai chữ “SÀI GÒN”
Nói ư? – Chỉ bày cái dốt của mình ra!
Nín ư? – Người cười, càng thêm khó chịu!
Thôi thì còn một cách: ôm mớ tài liệu thâu thập bấy lâu – dù hay dù dở, dù chưa bằng bụng, mình biết lấy mình – bày hết, trình hết ra đây, mặc tình các vị xa gần tùy thích lựa chọn: “tóc tơ cặn kẽ đuôi đầu”, dù chẳng làm nên cái bánh ngon, cũng được tiếng là không xấu bụng! Đối với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn:
1) – Chỗ nào các bạn thấy mới, đáng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: “coi
vậy mà xài được”!
2) – Chỗ nào chưa “êm”, nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cỡ bậy, hay gì? Đối với các học giả, các bậc lão thành, các
vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin “nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu”.

Học giả tiền bối trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, trong “Excursions et Reconnaissances” (tạp chí về du lãm và thám hiểm), tập số 23, tháng Năm và Sáu năm 1885, có viết một bài khảo cứu Pháp Văn “Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs” (ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận). Bài nầy viết hai mươi lăm năm sau năm Nam Kỳ thất thủ (1859-1885). Nay tôi dựa theo bài ấy làm nồng cốt mà kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thuở đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt, ngót một trăm năm. Bắt tay vào việc, cốt ý của tôi là muốn cống hiến ra đây mớ hiểu biết lụn vụn và mớ nghe thấy vặt vãnh về Sài Gòn. Cũng nghĩ nếu mãi sụt sè, đến ngày xuống lỗ, chắc gì ôm theo được (mà chừng đó ôm theo ích gì cho ai?)
– Ở đây, tôi chú trọng nhiều nhứt là những đoạn sử vụn vặt buổi giao thời: Pháp – Nam
– Chà – Chệc chung đụng, những chuyện “Tây đến Tây đi”, những việc chưa ai nói rõ ràng, may tôi được nghe tận tai, hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Tôi không dám chắc đúng cả, nhưng “ăn trầu ngẫm mà nghe” bây giờ chưa nói còn đợi lúc nào? Có nói có cãi, lần hồi mới phăng ra sự thật.
* * *
Tôi không quên cám ơn anh bạn thân Lê Ngọc Trụ, người nhau rún Chợ Lớn, đã dày công giúp tôi xây dựng tập nhỏ nầy. Cũng như tôi không dám quên ơn tất cả các bạn xa gần đã góp sức cùng tôi, trong số, điển hình nhứt, có anh Mười Minh Tải Đặng Văn Ký, người đồng cảnh ngộ với cụ Trần Trọng Kim Tân Gia Ba thuở nọ. Nay Anh Mười nằm khoảnh làm ẩn sĩ, ấp Đông Nhì, Gò Vấp. Anh không làm gì hết, nhưng anh dày công ủng hộ tôi về mặt tinh thần, giúp thêm ý kiến, và đã đổ nhiều bọt oáp trong khi cùng tôi tìm hiểu địa điểm “Mả Ngụy” ngày nay nằm nơi đâu! Còn một người nữa, bạn già với nhau, ông Hoàng Xuân Lợi, họa sĩ Viện Bảo Tàng. Mấy ảnh chụp khéo, mấy bức địa đồ công phu không có, làm sao tập nhỏ này thành hình? Bác Lợi, cảm tình chất chứa tận đáy lòng,tôi vội gói làm một gói “tri ân nồng hậu”, xin Bác vui nhận.
Xuân Mậu Tuất (1958)
Xuân Canh Tý (1960)


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.