TRONG tập san Văn-Sử-Địa số 1, chúng tôi đã viết một bài nhan đề là « Khoa học lịch sử và công tác cách mạng » để nêu rõ tác dụng của khoa học lịch sử đối với cách mạng là rất quan trọng. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật, những người làm cách mạng ngày nay không phải chỉ do tấm lòng yêu nước, tinh thần hăng hái hy sinh là đủ, mà còn phải nắm vững được qui luật lịch sử để nhận rõ phương hướng, định rõ phương châm kỳ cho đạt được mục đích. Cũng như nghiên cứu lịch sử không phải chỉ thấy những biến thiên tình cờ, mà phải thấy rõ những tiến triển tất nhiên của lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Cách mạng cũng là một khoa học. Những lãnh tụ cách mạng trên thế giới như Lê-nin, Sta-lin, Mao Trạch-Đông v.v… chẳng những giỏi về cách mạng, mà còn giỏi về lịch sử. Vì hai cái đó liên hệ với nhau. Nếu không nhận rõ được hướng đi của lịch sử thì không thể lãnh đạo cách mạng cho đúng đường. Nói riêng về cách mạng Việt-nam, cũng từ khi có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân tới giờ, cách mạng mới đi vào đường lối khoa học. Hồ Chủ-tịch và các vị lãnh tụ đảng lãnh đạo cách mạng tới thắng lợi ngày nay chính vì đã đi đúng bước đường lịch sử và áp dụng phương pháp khoa học vào cuộc đấu tranh cách mạng.

Khoa học lịch sử chẳng những đề cao nhận thức của chúng ta, mà còn hâm nóng tình cảm của chúng ta. Thật thế. Tại sao chúng ta có được thắng lợi ngày nay và đương vươn lên một thắng lợi khác ? Chính vì, về căn bản, chúng ta có một tinh thần yêu nước nồng nàn, tin vào lực lượng vĩ đại của dân tộc, kiên quyết đấu tranh cho Tổ quốc được thống nhất và độc lập. Mà, cho được bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự tin dân tộc, trước hết chúng ta cần hiểu rõ công trình sáng tạo của dân tộc ta từ xưa tới nay trong sản xuất để xây dựng đất nước cũng như trong chiến đấu để bảo vệ đất nước. Nó biểu hiện trên lịch sử trường kỳ khai thác từ Mục Nam-quan đến mũi Cà-mau, trường kỳ đấu tranh chống xâm lược hàng nghìn năm của phong kiến Trung-quốc và non một trăm năm của thực dân Pháp. Nó biểu hiện trên những cuộc vùng dậy liên tiếp của nông dân lao động chống giai cấp thống trị áp bức bóc lột từ triều đại này đến triều đại khác. Nó còn biểu hiện trên một nền văn học và nghệ thuật phong phú do bao nhiêu thế hệ lao động chân tay và lao động trí óc bồi đắp nên.

Từ lâu, dưới chế độ phong kiến và thực dân, bọn thống trị theo chính sách ngu dân, đàn áp tinh thần quật khởi của dân tộc làm tiêu ma lòng tự tôn dân tộc, tự tin vào dân tộc. Chúng đã xuyên tạc lịch sử, văn học và địa lý Việt-nam bằng những quan điểm phản khoa học, phản dân tộc, chia rẽ các tầng lớp nhân dân, làm lầm lẫn thù và bạn. Do đó, trên mặt trận đấu tranh về tư tưởng, những cán bộ công tác trong địa hạt khoa học xã hội, đặc biệt là công tác Văn-Sử-Địa, là phải đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác, áp dụng lý luận vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt-nam để vạch rõ quá trình phát triển của xã hội, nêu cao những cuộc đấu tranh của dân tộc, của nông dân lao động và sự đóng góp của dân tộc vào sự phát triển của xã hội loài người, phối hợp lòng yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế cao cả. Bên chỗ nâng cao tinh thần yêu nước, nó còn phải tẩy rửa những nọc độc của đế quốc và phong kiến còn sót lại rất nhiều trong tư tưởng cán bộ cũng như nhân dân.

Như chúng ta đã biết, khoa học lịch sử, văn học và địa lý dựng trên lập trường của chủ nghĩa Mác là một khoa học chiến đấu, do đó những người nghiên cứu nó, công tác trong địa hạt của nó nhất định không phải là những « tiên sinh » ngồi trong « tháp ngà » dở chồng sách cũ để sống với quá khứ, mà phải là những chiến sĩ hăng hái, kiên quyết đứng hàng đầu trong mặt trận tư tưởng để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Vì là một công tác mới, cán bộ phụ trách cũng như cộng tác viên theo phương châm vừa học vừa làm. Phải nói rằng : Có học thì mới làm được, nếu không học thì không làm được. Thật thế, nếu cán bộ công tác Văn-Sử-Địa không được « vũ trang » bằng lý luận Mác – Ăng-ghen – Lê-nin – Sta-lin và tư tưởng Mao Trạch-Đông thì chỉ là những kẻ mù quáng sờ mò trong không gian và thời gian, không hiểu đường lối, không biết quy luật, không giải thích được muôn ngàn hiện tượng phiền phức và biến hóa vô cùng. Do đó, nhiệm vụ của những cán bộ công tác Văn-Sử-Địa phụ trách trước Đảng, trước nhân dân là rất quan trọng, nặng nề cũng như sự nỗ lực của nó phải đề lên tới một cao độ.
 

Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 14.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *