Tác giả cuốn tiểu thuyết “Tiêm kích sống bằng chiến trận” là Nguyên soái không quân, Phi công chiến đấu công huân, được tặng thưởng 2 lần danh hiệu Anh hùng Liên Xô (cũ). Nguyên là Hiệu trưởng Học viện Không quân mang tên Iuri Gagarin. Đồng chí đã tham gia chiến tranh từ tháng 12 năm 1942 với cương vị là một phi công chiến đấu, tham dự 143 trận không chiến, bản thân bắn rơi 46 máy bay địch, cùng đồng đội tiêu diệt 8 chiếc khác.        
Trong cuốn tiểu thuyết này, đồng chí kể lại những trận không chiến ác liệt, chủ nghĩa anh hùng và lòng quả cảm của các phi công Xô viết, và miêu tả lại rõ nét, sinh động cuộc sống ngoài mặt trận…        
Hy vọng bạn đọc sẽ hiểu được phần nào và học hỏi thêm những đức tính quý báu ấy của những công dân Xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…        
Bản dịch đầu tay này chắc chắn sẽ có những thiếu sót. Rất chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Đại Tá Nguyễn Công Huy
***
Một lần, khi soạn đống thư từ của mình, tôi có đọc lại một bức thư hoàn toàn khác thường do các học viên trường cao đẳng Hàng không Khaccôp mang tên X.I.Grisep viết cho tôi như sau:        
Kính gửi đồng chí thiếu tướng!        
Xin đề cập tới đồng chí một vấn đề thường thôi thúc chúng tôi:        
Tất cả mọi người vẫn thường nói với chúng tôi – những phi công tiêm kích tương lai: “Hãy sánh với những người Anh hùng! Hãy học ở họ lòng dũng cảm và tinh thần gan dạ! Hãy rèn luyện cho mình những phẩm chất cần thiết trong chiến đấu!”.        
Chúng tôi, lẽ dĩ nhiên phải tiếp nhận những lời giáo huấn ấy, nhưng đồng thời lại suy nghĩ: vậy học lòng dũng cảm của những người Anh hùng như thế nào?         
Chừng như, trước tiên muốn trả lời được câu hỏi này thì cần phải hiểu được tường tận rằng lòng dũng cảm bắt nguồn từ đâu?        
Chiến công – đấy là đỉnh cao của sự biểu lộ lòng dũng cảm. Nhưng chiến công không thể tự xuất hiện được. Nó phải bắt đầu từ một cái gì chứ, nó phải có nguồn gốc đầu tiên của nó chứ. Chúng tôi hiểu rằng có biển Catxpiên bởi có dòng Vonga đổ nước vào đấy. Và dòng Vonga lại bắt nguồn từ một nguồn nước nhỏ.        
Vậy thì, nguồn gốc của lòng dũng cảm ở đâu?        
Biết rằng, những phi công Anh hùng nổi tiếng từng tham gia trong những trận không chiến với bọn phát xít trước kia đều ở lứa tuổi 20. Hầu hết chúng tôi bây giờ cũng cùng ở lứa tuổi ấy, nhưng không một ai trong số chúng tôi dám so sánh mình với những phi công kỳ cựu của cuộc chiến tranh qua. Thành ra, những lớp người đi trước như khác biệt hẳn với lớp chúng tôi bây giờ. Nếu vậy, để xuất hiện lòng dũng cảm, cần phải có những phẩm chất nào đấy rất khác thường? Hoặc là tất cả mọi chuyện đều ở trong những hoàn cảnh thật đặc biệt? Nhất trí với điểm này hay điểm khác thì có nghĩa là phải dừng lại ở vấn đề – những mầm mống của lòng dũng cảm còn đang tiềm ẩn trong mỗi người chúng tôi, và sẽ nảy nở khi gặp hoàn cảnh thích hợp đòi hỏi.        
Và nếu như các mầm mống ấy còn tiềm ẩn thì cần phải chăm sóc cho chúng phát triển ra sao?        
Cùng chiến đấu với Alêchxăngđrơ Pôkrưskin và Ivan Côgiêđup có hàng nghìn người đều ở lứa tuổi như họ. Nhưng có nhiều người nổi trội hẳn lên được như họ hay không? Đâu phải ai cũng có sự thử thách của lòng dũng cảm. Và lòng dũng cảm đâu có cho được tất cả mọi người. Đấy là tài năng thiên bẩm, thiên phú cho chăng? Nếu như không được trời cho thì đành bó tay sao?        
Chúng tôi nhớ đến Alêchxây Maretxep. Anh đã có đủ nghị lực vượt được qua phòng tuyến dù bị thương nặng, có đủ sức lực để học bay với đôi chân giả… Lòng dũng cảm ai mà không thèm muốn. Nhưng lấy nó ở đâu?        
Có thể, khi có được mục đích cao cả rồi thì sẽ nảy sinh ra lòng dũng cảm lớn lao chăng?        
Chúng tôi đã được đọc những truyện viết về nhà du hành vũ trụ Satalôp. Anh rất hồi hộp khi bay vào vũ trụ lần thứ 2. Nhưng vẻ ngoài anh lại tỏ ra rất bình tĩnh. Có lẽ, tính chất đặc biệt của nhiệm vụ đã cho anh sức mạnh?        
Khi nhìn lại một số học viên của chúng tôi. Trước mắt họ cũng là một mục đích lớn lao, đầy sức quyến rũ – trở thành những phi công tiêm kích. Bước vào nghề phức tạp này cũng cần phải có quyết tâm cao. Nhưng chúng tôi thấy được gì? Số này thì đáp ứng được chương trình, số khác thì vật lộn chật vật, nhưng vẫn muốn bay. Tại sao mục đích được đặt ra trước họ lại không làm cho họ mạnh mẽ lên được?        
Nếu như không cho rằng lòng dũng cảm là phẩm chất bẩm sinh, nếu như không cho rằng lòng dũng cảm chỉ nảy sinh trong những tình thế đặc biệt, thì có lẽ phải dừng lại ở vấn đề là lòng dũng cảm đều có trong từng con người và trở thành hiện tượng thường xuyên trong cuộc sống.        
Trong trường hợp ấy, tìm kiếm lòng dũng cảm thế nào? Bắt đầu từ đâu?        
Đấy là tất cả những vấn đề từng thôi thúc chúng tôi. Đồng chí đã từng tham gia chiến tranh khi đồng chí 20 tuổi, và đã được phong tặng danh hiệu hai lần Anh hùng Liên xô. Chúng tôi rất mong muốn nhận được những câu trả lời của đồng chí”.   
     
Bức thư đã làm tôi suy nghĩ rất lung và làm cho tôi hồi tưởng lại cả một quãng đời. Tôi càng suy nghĩ thì càng thấy việc trả lời các câu hỏi của các học viên đặt ra quả không phải là chuyện đơn giản. Tôi hình dung lại tất cả cuộc sống của mình những năm ngoài tiền tuyến, những bạn hữu từng sát cánh chiến đấu, nhớ lại từ đầu, từ lúc chúng tôi học tập, rèn luyện ra làm sao, phải trả một giá như thế nào để giành lấy chiến thắng, và dần dà như vậy, cuốn tiểu thuyết này đã nảy sinh.    
 

Mời các bạn đón đọc Tiêm Kích Sống Bằng Chiến Trận của tác giả NhiCôLai XCôMôRôKhôp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *