Dân tộc Trung Hoa có một lịch sử lâu đời, trải qua hàng ngàn năm với hàng trăm triều đại nối tiếp nhau. Song có bao nhiêu triều đại và các triều đại đó hình thành, phát triển, bại vong ra sao thì có mấy ai biết hết.

Để giúp bạn đọc có những hiểu biết cơ bản, khái quát và hệ thống về sự mở đầu, tiếp tục và kết thúc của “Các triều đại Trung Hoa” là mong muốn của tác giả và Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa.

Tuy cuốn sách là một cố gắng lớn của tác giả trong việc sưu tầm, nghiên cứu, chắt lọc và biên soạn tư liệu để hình thành cuốn sách, song cũng không tránh khỏi những thiếu sót.




Lần xuất bản này chúng tôi có sửa chữa và bổ sung thêm theo tiếp thu ý kiến từ bạn đọc. Song chúng tôi vẫn rất mong bạn đọc góp thêm ý kiến để cuốn sách hoàn thiện hơn nữa ở những lần in sau.

NHÀ XUẤT BẢN TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA
***
XÃ HỘI NGUYÊN THỦY
Thời Ngũ Đế: Vào khoảng đầu thế kỷ 26 đến thế kỷ 21 trước Công nguyên trải 5 đời vua.

Hoàng Đế
Chuyên Húc
Đế Cốc
Nghiêu
Thuấn
Trong thời gian từ 1927 đến 1937, tại Chu Khẩu Điếm phía tây nam Bắc Kinh, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện được di tích người vượn Trung Quốc còn gọi là “Người vượn Bắc Kinh” với hài cốt đã hóa thạch và các di tích văn hóa còn tồn tại.




Người vượn Trung Quốc là giống người Nguyên thủy Trung Quốc sinh sống hàng 50 đến 60 vạn năm trước đây. Họ có thể chế tạo và sử dụng đồ đá đơn giản như rìu búa, cũng biết dùng đồ xương của người xưa. Những nơi có người Bắc Kinh sống đã phát hiện được nhiều xương hóa thạch cùng các dụng cụ bằng đá, các nồi chảo đã có lửa đốt đun, chứng minh họ đã biết dùng lửa.

Năm 1922 đến 1923 đã phát hiện được người “Hà Sáo” ở Nội Mông Cổ, giống người này gần người hiện đại hơn, cách đây độ 20 vạn năm.

Từ 1933 đến 1934 đã phát hiện được người “Sơn Đỉnh Động” ở Chu Khẩu Điếm. Giống người này đã dùng nhiều đồ đạc chế tạo bằng xương, đồ đá ít. Xã hội Nguyên thủy thành lập các công xã không có bóc lột, không có giai cấp, cuộc sống lạc hậu, mông muội.




TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐỜI THƯỢNG CỔ TRUNG QUỐC
Theo truyền thuyết về nguồn gốc người Trung Quốc thì ban đầu, trong thời kỳ Nguyên thủy, Trung Quốc có họ Hữu Sào (có nghĩa là: “có tổ”).

Ban ngày đi hái quả ăn, ban đêm nghỉ ngơi trên tổ làm trên các cây to cao. Sau đó là họ “Toại Nhân”.

Đời sống từ chỗ ăn hoa quả rừng, dần dần biết săn bắn, bắt cá. Từ chỗ ăn sống, tiến tới ăn các thức ăn đã nướng chín, có thể nói dần dần từ bỏ thời kỳ mọi rợ đi lên thời kỳ bán khai. Đó là quá trình phát triển chung của loài người.




Tiếp theo là họ Phục Hy: Phát minh ra chài lưới đánh cá, làm bẫy để săn muông thú, biết chăn nuôi gia súc.

– Họ Nữ Oa: Theo truyền thuyết, Phục Hy ăn ở với Nữ Oa, biết giao phối, mở đầu cho việc phát triển dòng giống.

– Họ Thần Nông: Phát hiện ra cách trồng trọt lúa và hoa màu, sáng chế công cụ lao động: Cày bừa, biết làm các đồ đất đem vào lò nung. Tổ chức nơi trao đổi sản phẩm. Bắt đầu hình thành chữ.




Do sống cuộc thời nguyên thủy, nên lòng dạ ngay thẳng, họ chưa biết tranh cướp của nhau, nên chưa có luật pháp.

Thần Nông còn có một tên nữa là “Liệt Sơn” (có nghĩa là “đốt núi”). Thời kỳ này con người đã biết khai hoang, mở rộng đất canh tác. Có ba người tiêu biểu cho họ Thượng cổ Trung Quốc: Thái Hiệu, Viêm Đế và Xuy Vưu.

Viêm Đế: Theo truyền thuyết là người họ Khương, người dân tộc miền Tây, cạnh tranh với các Nam tộc.




Xuy Vưu: Một trong chín bộ tộc của Man tộc đã đánh nhau với Viêm Đế. Viêm Đế xin Hoàng Đế giúp đỡ. Sau mấy trận ác chiến mới diệt được Xuy Vưu.

Hai thị tộc Viêm Đế và Hoàng Đế dần lớn mạnh và ngày nay vẫn được nhắc lại hai từ “Viêm Hoàng”.

TRUYỀN THUYẾT NGHIÊU – THUẤN
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, thường được người đời sau nhắc đến chuyện Nghiêu, Thuấn, Vũ truyền ngôi cho nhau. Theo truyền thuyết, cả ba người đều là dòng dõi các họ đứng đầu Hoa tộc lúc bấy giờ.




Nghiêu lên ngôi vua, đóng đô ở Bình Dương (nay là tỉnh Sơn Tây). Trong lúc làm vua, có một lần Nghiêu đã hỏi ý kiến nhiều người và cử Thuấn thay Nghiêu làm vua. Khi Nghiêu chết, Thuấn chính thức lên ngôi kế tục sự nghiệp mà Nghiêu giao cho.

Thời gian sau, Thuấn noi theo gương của Nghiêu, truyền ngôi lại cho Vũ. Trong khi Vũ đang còn làm vua, mọi người, kể cả Vũ đã cử Cao Giao thay Vũ sau này.

Nhưng Cao Giao chết trước Vũ, do đó mọi người cử con của Cao Giao là Ích thay thế. Đến đây đã manh nha ý thức “cha truyền con nối”. Khi Vũ chết, con của Vũ là Khải cướp ngôi của Ích, làm vua. Chế độ cử người truyền ngôi từ đây chấm dứt.
 

Mời các bạn đón đọc Các Triều Đại Trung Hoa của tác giả Lê Giáng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *