Chúng tôi vẫn còn choáng váng vì cơn biến động hãi hùng đã chụp xuống chúng tôi. Hàng triệu người Đức cảm thấy những khó khăn vĩ đại riêng chỉ để tiếp tục sống mà thôi, nhiều người khác còn bị khổ đau vì các vết thương thể xác và tinh thần mà chiến tranh đã để lại. Liệu chúng tôi đã có thể động đến các vết thương ấy chưa? Đó là câu hỏi mà tôi tự đặt ra khi nghe câu chuyện lôi cuốn do một Đại úy kỵ binh kể lại trong một trại tù binh nơi tôi bị giam giữ. Các thính giả của ông ta cực kỳ hỗn tạp gồm những người bị bắt một cách thường tình, những người khác bị bắt để thẩm cung, các đảng viên Quốc Xã và những người chống Quốc Xã. Sự tình cờ đưa đẩy viên sĩ quan trẻ tuổi ấy đến sống bên cạnh Hitler, ba tháng trước khi chiến sự chấm dứt. Những gì diễn ra dưới mắt chúng tôi là cả một cuốn phim về trận đánh đẫm máu tại Berlin, những trận chiến do những người phòng vệ cuối cùng tung ra và những khổ đau không thể nào tả được của thường dân, với một bối cảnh đầy những rối ren, những xung đột đầy tham vọng, những tâm trạng vị kỷ không một chút ngại ngùng, những sự luồn cúi nhu nhược, cùng với sự suy mòn của tinh thần và thể chất của một con người đã dẫn dắt dân tộc Đức vào một cơn tai biến rùng rợn nhất lịch sử.

Những người nghe câu chuyện đã phản ứng khác nhau. Luôn luôn có những người quyết liệt, không chịu rời bỏ dù cho là một phần nhỏ, thiên kiến của mình. Lại có những người, mãi cho đến hồi chung cuộc tàn bạo vẫn vin vào những bài diễn văn của Fuhrer như là lời Kinh thánh, cũng như vào sự ồn ào của hệ thống tuyên truyền của Goebbels. Những người đó lại còn muốn cho rằng các hình ảnh về các trại tập trung Belsen Buchenmald chỉ là “tuyên truyền”. Nhưng khi nghe câu chuyện của một chứng nhân được nhìn tận mắt, họ cảm thấy vũ trụ của niềm tin và của ảo tưởng bị sụp đổ, không còn giữ được khả năng xây dựng một chuyện truyền kỳ mới vào nữa, cũng như cầu viện đến một danh từ rất thích hợp là “phản bội” nữa. Có những người khác đã từng phải cúi đầu trước sự khủng bố của Sở mật thám Gestapo và đã tìm thấy trong câu chuyện này sự xác nhận những điều họ được biết hay cảm thức được từ lâu nay. Tất cả mọi người đều muốn đưa ra ánh sáng để sau cùng có thể lập bảng kết toán của một quá khứ, tất cả mọi người muốn sự thật, chỉ có sự thật mà thôi.

Chắc chắn rằng các biến cố đang còn gần gũi quá, thời gian chưa đủ chín để có thể tuyên bố phán xét tối hậu. Cần phải làm thật nhiều, phải sưu tầm kỹ trước khi có thể viết lại lịch sử của trận Đệ nhị thế chiến và về Fuhrer của nền Đệ tam Cộng hòa Đức Quốc Xã. Những điều mà chúng tôi nghe được từ miệng của Đại úy Boldt là một phần nhỏ trong cái toàn bộ mênh mông, nhưng đấy là một phần đóng góp cho cuộc điều tra rộng lớn cần thiết. Chính vì vậy tôi đã yêu cầu ông ta viết lại câu chuyện về các biến cố trong đó ông ta có tham dự, để giúp dân tộc Đức tìm thấy sự thật. Kết quả là cuốn sách nhỏ này.




Gerhard Boldt nói với chúng tôi với sự ngay thẳng bộc trực, không thiên kiến của một sĩ quan ở tiền tuyến không bao giờ làm chính trị và cùng với hàng triệu quân nhân Đức khác nữa, ông ta là người luôn luôn tin tưởng nơi cấp chỉ huy của mình, ông ta đã tham dự, trong tư cách là kỵ binh, vào các trận đánh gay go tại phòng tuyến Maginot, giữa Sedan và Montmédy và ông đã tiến vào Toul trên lưng ngựa, kiếm tuốt trần. Chiến trường Nga Sô đã mang ông đi qua các quốc gia ven bờ biển Baltique cho đến Leningrat, trong bão tuyết ở Demiamk, trong khu đầm lầy thuộc Pripet và miền đông nam hồ Ilmen. Ông ta xứng đáng với chiếc huy chương Thập tự sắt. Ông ta đã bị thương năm lần nhưng, sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn tại Đức và một công việc tạm thời tại Hungary, trong Bộ tham mưu liên lạc với Sư đoàn ky binh Hungary, ông ta trở lại Nga Sô và đã sống ngay tuyến đầu qua các trận đánh khủng khiếp trên đường di tản chiến thuật dài dằng dặc. Các huy chương và nhất là chiếc chiến thương bội tinh vàng, đã giúp cho ông ta được chỉ định vào tháng giêng năm 1945, làm sĩ quan tùy của Tướng Guderian, Tổng tham mưu trưởng quân lực Đức một chức vụ mà ông vẫn giữ bên cạnh Tướng Krebs, người tiếp nối Guderian. Người Anh đã bắt giữ ông ta ngày 26 tháng giêng năm 1946, để thẩm vấn ông về những tháng bi thảm cuối cùng ấy và đặc biệt hơn nữa về những ngày cuối cùng mà ông đã sống với Hitler trong căn hầm tại Dinh Tể Tướng. Ông được trả tự do mà không bị một cấm đoán nhỏ nào ngay cả sau khi khai cung.

Câu chuyện của ông bắt đầu vào thời kỳ cuối cùng của trận Đệ nhị thế chiến.

ERNST A. HEPP

Reichenberg, tháng 12 năm 1946