Giới thiệu ebook Đối Thoại Với Án Tử Hình
Trong thời gian qua, việc thi hành các bản án tử hình đối với trùm ma túy Vũ Xuân Trường, tên cướp Phước tám ngón của các cơ quan pháp luật đã tranh thủ được sự đồng tình, nhất trí của đông đảo nhân dân. Tính nghiêm minh của luật pháp quốc gia đã được xác lập; công lý ở đời đã được khẳng định. Xa hơn, việc thi hành các bản án tử hình này còn có tác dụng răn đe, giáo dục các loại tội phạm khác.
Việc thi hành các bản án tử hình luôn luôn đặt ra cho người làm công tác pháp luật sự cẩn trọng, sự dè dặt. Một khi đã thi hành xong bản án tử hình, nếu phát hiện có sự sai lầm và dù có thiện chí thú nhận sai lầm, thành tâm cải sửa thì cũng không còn có thể cải sửa được nữa. Cũng vậy, việc xác minh làm rõ mọi chi tiết phức tạp trong một trọng án; việc tôn trọng các chứng cứ trong quá trình lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm pháp y, thực nghiệm hiện trường; việc nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện hồ sơ vụ án để đưa ra những bằng chứng buộc tội; việc đắn đo, cân nhắc trước khi tuyên phạt mức án tử hình là nhiệm vụ cao nhất mà các khâu trong quy trình tố tụng phải triệt để tuân thủ. Tiếc thay trong thực tế, một số hoạt động nghiệp vụ tố tụng đã bị giản lược dẫn đến một số trường hợp tuyên án tử hình chưa chuẩn xác, khiến các cơ quan tố tụng mất nhiều công sức để cải sửa, tạo ra mối hoài nghi trong một bộ phận nhân dân về tính chính xác, tính nghiêm minh của pháp luật.
Nhằm góp thêm một tiếng nói xây dựng với cơ quan tố tụng, Nhà xuất bản Trẻ cho in tập Đối thoại với án tử hình của nhà báo Vũ Đức Sao Biển. Cơ sở của vấn đêà ở đây chính là lòng quý trọng, thương yêu phẩm giá và sinh mạng con người được nhìn qua đôi mắt mẫn cảm của một nhà báo, một nhạc sĩ. Toàn bộ nội dung anh trình bày lấy từ thực tế tuyên án tử hình ở nhiều địa phương khác nhau, đã được anh điêàu tra, tìm hiểu, đúc kết, can thiệp…
Về mặt quan điểm, Đối thoại với án tử hình thể hiện rõ rệt tính chất đối thoại. Đối thoại là con đường đưa đến sự đồng cảm, sự nhất trí. Thảng hoặc, có đôi chỗ văn chương, ngôn ngữ chưa mềm mại lắm thì đó cũng chính là tính chất của đối thoại. Ý hướng cao nhất mà tác giả vươn tới là phải hoàn toàn nghiêm túc, công minh khi tuyên phạt một bản án tử hình.
Nhà xuất bản Trẻ xin gởi đến bạn đọc tập sách nhỏ này, góp thêm một tiếng nói trong việc thực thi pháp luật. Đối thoại với án tử hình vừa mang dấu ấn của một bút ký văn học, vừa mang dấu ấn của một phóng sự điều tra. Hy vọng tập sách nhỏ này đón nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc.
Nhà xuất bản Trẻ
***
Lời tác giả
Tôi đang sống trong một thời điểm thiêng liêng nhất: giờ giao thừa của năm Kỷ Mão chuyển qua năm Canh Thìn. Giờ phút này, nhiều người đang an vui, đoàn tụ, quây quần với gia đình. Tôi chọn một vùng núi non im ắng hoang dã, tĩnh tâm suy nghĩ và trong thời điểm thiêng liêng này, tôi cũng đang nói về một vấn đề hết sức thiêng liêng: mạng sống của con người qua các án tử hình.
Chế độ chúng ta vốn quý trọng con người, quý trọng phẩm giá làm người. Tuy nhiên, trong một giai đoạn mà sự phát triển của xã hội đang diễn ra quá nhanh, những loại tội phạm nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, lương tri nơi một số cá nhân gây án hầu như không còn nữa thì Bộ luật Hình sự cho phép cơ quan tố tụng đề nghị và tuyên mức án cao nhất: tử hình.
Khi quyết định xóa đi cuộc sống của một trọng phạm, từ Cơ quan Cảnh sát điều tra ra kết luận điều tra, từ Viện Kiểm sát ra cáo trạng đề nghị khung hình phạt và mức án đến các vị trong Hội đồng xét xử, các cấp Tòa, Đội thi hành án… ai ai cũng cảm thấy trái tim đau đớn. Ngay cả những người không biết trọng phạm ấy là ai, đọc trên báo thấy đưa tin đã thi hành án tử hình, lòng cũng ngậm ngùi xót thương cho một số phận. Nhiều người đã nằm xuống bởi sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật quốc gia vì những tội ác của họ gây ra là không thể dung thứ được.
Thế nhưng, vấn đề là con đường đi đến án tử hình. Ở nơi nầy nơi khác, do định kiến ban đầu, do non yếu nghiệp vụ, do cả tin vào hồ sơ, do chạy theo thành tích, đã có những vụ án oan và đã tuyên những bản án tử hình vội vã. Tôi có một số trường hợp có thể chứng minh rằng thực tế đáng sợ trên đây là có thật. Và chính vì vậy, bằng tất cả lương tâm của người cầm bút có trách nhiệm trước cuộc sống, trước số phận con người, tôi viết tập sách Đối thoại với án tử hình.
Cũng như những tập sách khác của tôi, quan điểm của tập sách nầy là đối thoại. Bản chất đối thoại là thẳng thắn, cởi mở, biết lắng nghe và biết khắc phục, sửa chữa. Nếu có những sự kiện thật, con người thật được đưa ra thì đơn thuần đó chỉ là những thí dụ để chứng minh rằng tôi không nói sai sự thật, không hư cấu những tình huống, không nói thêm ngoài những điều mắt thấy, tai nghe sau khi đã được tham khảo hồ sơ. Toàn bộ nội dung tập sách dừng lại ở chỗ đặt vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm, cùng tìm ra giải pháp tối ưu giải quyết một phần hay toàn thể vấn đề.
Đạo Khổng thường ca ngợi cái “xích tử chi tâm “(trái tim trong sáng của đứa hài nhi còn đỏ hon hỏn). Thánh kinh của đạo Thiên Chúa cũng có câu: “Hãy để con trẻ đến cùng ta”. Từ xưa, nhân loại đã biết yêu sự hồn nhiên bởi chính sự hồn nhiên mới là bản chất của trái tim con người. Nhân loại cũng đã quá khổ sở với những lý luận dù lý luận được xem là bằng chứng của sự minh triết vẫn làm cho con người dễ xa nhau. Tôi viết tập sách nầy với tất cả sự hồn nhiên của một nhà báo viết văn, biết đau với nỗi đau của số phận con người. Ở một chừng mực nào đó, tôi là một “con trẻ”, một “xích tử” đang xin được đối thoại với các cơ quan tố tụng và bạn đọc bằng thứ ngôn ngữ hồn nhiên nhất. Có thể ở chỗ nầy chỗ kia, giọng điệu chưa mềm mại lắm nhưng tính chân tình thì rất thật.
Sai lầm trong công tác tố tụng là một điều mà pháp luật hoàn toàn không cho phép, dù tỉ lệ có nhỏ đến cỡ một phần ngàn. Sai lầm trong những bản án nhẹ đã đáng sợ huống chi sai lầm trong những bản án tử hình. Tuy nhiên, sự sai lầm trong bản án tử hình cũng chưa đáng sợ. Điều đáng sợ là não trạng không mạnh dạn thú nhận sai lầm, biết sai mà vẫn tiến tới, vẫn làm nhân danh thành tích, vị trí, vai vế. Và vì là công dân có ý thức tôn trọng pháp luật, chúng tôi có quyền đề nghị các cơ quan luật pháp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người làm án oan cho các công dân vô tội theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự.
Tôi xin cám ơn Nhà xuất bản Trẻ cho phép in quyển sách nầy, xin cám ơn sự góp ý, phê bình,chỉ giáo thêm của các bạn đọc. Đơn giản, quyển sách nầy chỉ góp thêm một tấc lòng gởi lại cho cuộc sống.
Núi Takou, Bình Thuận, ngày mồng Một năm Canh Thìn
Vũ Đức Sao Biển
***
Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1948, tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Nguyên quán ông tại Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.
Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm (ban Việt – Hán) và Đại học Văn khoa (ban Triết học phương Đông). Tháng 10 năm 1970, ông tốt nghiệp rồi xuống Bạc Liêu dạy học các môn Văn và Triết học bậc trung học tại Trường Công lập Bạc Liêu cho đến năm 1975.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh dạy học, có một thời gian làm tại phòng Giáo dục huyện Nhà Bè; Để rồi bắt đầu cộng tác với các báo: Tuổi Trẻ Cười, Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh,…
Mười năm sau đó, ông trở lại Bạc Liêu và sáng tác loạt ca khúc về Bạc Liêu và miền đất phương Nam. Những bài như Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long… là những tác phẩm được rất nhiều người yêu thích. Giai đoạn sau thập niên 2010, một số đài truyền hình trung ương và địa phương mời ông thực hiện phim tư liệu về tác giả và tác phẩm nhạc vàng.
Ngoài sáng tác nhạc, ông còn viết báo, tiểu thuyết, tiểu phẩm trào phúng và đặc biệt là phiếm luận về truyện kiếm hiệp Kim Dung (Kim Dung giữa đời tôi). Ông là thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1999, theo gợi ý của Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Văn Út, ông tiến hành phục dựng lại bài Dạ Cổ Hoài Lang đem cho nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm và ca sĩ Hương Lan, Hạnh Nguyên trình diễn lần đầu tiên trên sóng VTV1. Năm 2013, ông lại cùng ba nhà báo Anh Đức, Liêu Phúc Minh, Tố Loan dịch tiếp bản Dạ Cổ Hoài Lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan thoại.
Năm 2009, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh mời ông thỉnh giảng hai môn “Tạp văn và tiểu phẩm” và “Tường thuật chuyên ngành văn hóa – nghệ thuật” cho Khoa Báo chí – Truyền thông của trường này.
Hiện ông đang điều trị ung thư vòm họng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Tác phẩm | Thể loại | Năm | Nhà xuất bản | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
Bản báo cáo biết bay | Tiểu phẩm trào phúng | 1983 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Hoa hồng trên cát | Tiểu thuyết | 1989 | NXB Đồng Nai | |
Vạn tuế đàn ông | Tiểu phẩm trào phúng | 1989 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Ảo ảnh sương khói | Tiểu thuyết | 1991 | NXB Long An | |
Kiếm hoàng hoa | Tiểu thuyết | 1995 | NXB Long An | |
Kiều Phong – Khát vọng của tự do | Biên khảo | 1996 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Thượng |
Vĩnh biệt thốt nốt | Tiểu phẩm trào phúng | 1996 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân | Biên khảo | 1997 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Trung |
Ngôn ngữ từ những phiến cẩm thạch | Bút ký | 1998 | NXB Trẻ | |
Thỏ thẻ cùng hoa hậu | Tiểu phẩm trào phúng | 1998 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Ba đời ham vui | Tiểu phẩm trào phúng | 1999 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Người mang số Q1 2629 | Phóng sự | 1999 | NXB Trẻ | |
Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo | Biên khảo | 1999 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Hạ |
Đi tìm sự thật | Phóng sự | 2000 | NXB Trẻ | |
Thanh kiếm và cây đàn | Biên khảo | 2000 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Kết |
Đối thoại với bản án tử hình | Phóng sự | 2001 | NXB Trẻ | |
Tiếu ngạo giang hồ (8 tập) | Dịch | 2001 | NXB Trẻ | Dịch chung Lê Thị Anh Đào, Trần Hải Linh |
Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật | Biên khảo | 2002 | NXB Trẻ | |
35 năm chuyện trò cùng chữ nghĩa | Bút ký | 2003 | NXB Trẻ | |
Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung | Biên khảo | 2003 | NXB Trẻ | |
Úi chao, 60 năm | Hồi ký | 2007 | NXB Trẻ | |
Chuyện dây cà kéo ra dây bí | Tiểu phẩm trào phúng | 2010 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Hai tuồng hát bội | Truyện ngắn | 2010 | NXB Trẻ | |
Quảng Nam hay cãi | Tạp văn | 2010 | NXB Trẻ | |
Án lạ phương Nam | Bút ký | 2011 | NXB Trẻ | |
Dài & To | Tiểu luận | 2011 | NXB Trẻ | |
Hướng đến Chân Thiện Mỹ Triết lý dành cho tuổi thanh niên |
Kỹ năng sống | 2011 | NXB Trẻ | |
Phía sau mặt báo | Bút ký | 2011 | NXB Trẻ | |
Thâm sơn kỳ cục án | Truyện ngắn | 2011 | NXB Trẻ | |
Sông lạc đường về | Tiểu thuyết | 2012 | NXB Trẻ | |
Xuân dược | Tiểu phẩm trào phúng | 2013 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Đối thoại với tuổi đôi mươi | Tản văn | 2016 | NXB Trẻ | |
Ơi, cái tuổi trăng tròn | Kỹ năng sống | 2018 | NXB Văn hóa – Văn nghệ | |
Lắng nghe giai điệu Bolero | Biên khảo | 2019 | NXB Trẻ | |
Phượng ca | Hồi ký | 2019 | NXB Văn hóa – Văn nghệ |
Mời các bạn đón đọc Đối Thoại Với Án Tử Hình của tác giả Vũ Đức Sao Biển.
Leave a Reply