Tôi đã công tác trong hai tờ báo hình sự lớn qua 22 năm. Tôi yêu núi rừng và yêu cuộc sống hồn nhiên, nhân hậu của các cộng đồng bà con dân tộc thiểu số. Phần lớn thời gian công tác của tôi dành cho các tỉnh miền núi và cao nguyên. Tôi muốn phản ánh mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và luật tục các dân tộc. Tất cả những bài viết trong tập sách này là những điều đúc kết được từ năng khiếu của một nhà văn, kết hợp với những gì mắt thấy tai nghe và sự tìm hiểu về pháp luật của một nhà báo. Tập phóng sự được đặt tên là Thâm sơn kỳ cục án.
Đây là những vụ án không có máu đổ, không giết người, không hiếp dâm, không lừa đảo, không tiền bạc. Nó là những vụ án kỳ cục bởi nội dung rất nhỏ nhưng phản ánh khía cạnh pháp luật lạ lùng nhất, đôi khi tràn đầy tiếng cười thú vị, ngộ nghĩnh. Tôi phản ánh một cách chân thật, chống lại khuynh hướng khoe khoang kiến thức pháp luật, lật xuôi lật ngược vấn đề của những tay bẻm mép.
Nó là án kỳ cục bởi có những vụ việc không ra tới tòa án. Nó được khoanh vùng giải quyết ngay từ đầu trong làng xã và qua vụ việc, người ta nhìn ra được cái hay, cái đẹp của tình người. Những vụ cắn đứt vành tai, cắn sứt lỗ mũi, cho ăn thịt chó chết, thuê người đánh chồng, mắng chửi nhau, dối vợ đi ngủ với người khác… đều được giải quyết rốt ráo. Con heo nái, con bò con, con trâu đẻ, con mèo kêu, cái tivi bể, cái ống heo tiết kiệm đều được đưa ra trước tòa, nghe tòa phân xử công bằng.
Nó được gọi là án ở thâm sơn bởi nó xảy ra ở những nơi rất xa ánh điện văn minh của thành phố. Nó nằm trên những vùng núi cao heo hút, sau những dốc đèo hoang sơ của Quảng Nam, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Phước, Khánh Hòa, Kontum, Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng. Nó gắn liền với cuộc sống của một bộ phận bà con các dân tộc Kinh, Khơ Me, Cil, Châu Ro, Ching, Mơ Nông, Giẻ Triêng, Gia Rai, Cơ Tu…
Những người giải quyết án, giải quyết tranh chấp cũng rất đa dạng. Một chánh án tòa án tỉnh nhân ái, một thẩm phán tòa án huyện vui tính, một trưởng công an xã thông minh, một sĩ quan biên phòng yêu dân, một chủ tịch xã nhân hậu, một già làng thông hiểu việc đời, một trưởng thôn tận tụy… đều có thể đóng vai trò thẩm phán công minh. Vụ án, vụ tranh chấp được giải quyết xong là xã hội trở lại yên bình; không còn ai thù ghét ai nữa.
Bản thân vụ việc đã có yếu tố gây cười. Tôi vận dụng thêm khả năng hài hước của một người chuyên viết báo cười để tạo thêm cho bạn đọc nụ cười, làm mềm và làm nhẹ nhàng câu chuyện. Vấn đề ở đây là tôi chủ tâm chọn lựa nội dung của vụ việc. Tôi từ chối viết những trọng án, chỉ chọn những chuyện nhẹ nhàng để bạn đọc có thêm chút kinh nghiệm về pháp luật.
Hàn Dũ nói: “Văn dĩ tải đạo” – Văn chương dùng để chở đạo làm người. Ở chừng mực nào đó, Thâm sơn kỳ cục án cũng có ý thức tải đạo. Ấy bởi vì ta đang sống trong một đất nước tốt đẹp, một xã hội yên bình, một cuộc sống thịnh vượng. Qua những vụ án nho nhỏ, tôi muốn gửi cho đời tính nhân văn, nhân ái của cuộc sống làm người.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1948, tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Nguyên quán ông tại Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.
Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm (ban Việt – Hán) và Đại học Văn khoa (ban Triết học phương Đông). Tháng 10 năm 1970, ông tốt nghiệp rồi xuống Bạc Liêu dạy học các môn Văn và Triết học bậc trung học tại Trường Công lập Bạc Liêu cho đến năm 1975.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh dạy học, có một thời gian làm tại phòng Giáo dục huyện Nhà Bè; Để rồi bắt đầu cộng tác với các báo: Tuổi Trẻ Cười, Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh,…
Mười năm sau đó, ông trở lại Bạc Liêu và sáng tác loạt ca khúc về Bạc Liêu và miền đất phương Nam. Những bài như Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long… là những tác phẩm được rất nhiều người yêu thích. Giai đoạn sau thập niên 2010, một số đài truyền hình trung ương và địa phương mời ông thực hiện phim tư liệu về tác giả và tác phẩm nhạc vàng.
Ngoài sáng tác nhạc, ông còn viết báo, tiểu thuyết, tiểu phẩm trào phúng và đặc biệt là phiếm luận về truyện kiếm hiệp Kim Dung (Kim Dung giữa đời tôi). Ông là thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1999, theo gợi ý của Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Văn Út, ông tiến hành phục dựng lại bài Dạ Cổ Hoài Lang đem cho nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm và ca sĩ Hương Lan, Hạnh Nguyên trình diễn lần đầu tiên trên sóng VTV1. Năm 2013, ông lại cùng ba nhà báo Anh Đức, Liêu Phúc Minh, Tố Loan dịch tiếp bản Dạ Cổ Hoài Lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan thoại.
Năm 2009, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh mời ông thỉnh giảng hai môn “Tạp văn và tiểu phẩm” và “Tường thuật chuyên ngành văn hóa – nghệ thuật” cho Khoa Báo chí – Truyền thông của trường này.
Hiện ông đang điều trị ung thư vòm họng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Tác phẩm | Thể loại | Năm | Nhà xuất bản | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
Bản báo cáo biết bay | Tiểu phẩm trào phúng | 1983 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Hoa hồng trên cát | Tiểu thuyết | 1989 | NXB Đồng Nai | |
Vạn tuế đàn ông | Tiểu phẩm trào phúng | 1989 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Ảo ảnh sương khói | Tiểu thuyết | 1991 | NXB Long An | |
Kiếm hoàng hoa | Tiểu thuyết | 1995 | NXB Long An | |
Kiều Phong – Khát vọng của tự do | Biên khảo | 1996 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Thượng |
Vĩnh biệt thốt nốt | Tiểu phẩm trào phúng | 1996 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân | Biên khảo | 1997 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Trung |
Ngôn ngữ từ những phiến cẩm thạch | Bút ký | 1998 | NXB Trẻ | |
Thỏ thẻ cùng hoa hậu | Tiểu phẩm trào phúng | 1998 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Ba đời ham vui | Tiểu phẩm trào phúng | 1999 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Người mang số Q1 2629 | Phóng sự | 1999 | NXB Trẻ | |
Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo | Biên khảo | 1999 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Hạ |
Đi tìm sự thật | Phóng sự | 2000 | NXB Trẻ | |
Thanh kiếm và cây đàn | Biên khảo | 2000 | NXB Trẻ | Kim Dung giữa đời tôi – Quyển Kết |
Đối thoại với bản án tử hình | Phóng sự | 2001 | NXB Trẻ | |
Tiếu ngạo giang hồ (8 tập) | Dịch | 2001 | NXB Trẻ | Dịch chung Lê Thị Anh Đào, Trần Hải Linh |
Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật | Biên khảo | 2002 | NXB Trẻ | |
35 năm chuyện trò cùng chữ nghĩa | Bút ký | 2003 | NXB Trẻ | |
Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung | Biên khảo | 2003 | NXB Trẻ | |
Úi chao, 60 năm | Hồi ký | 2007 | NXB Trẻ | |
Chuyện dây cà kéo ra dây bí | Tiểu phẩm trào phúng | 2010 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Hai tuồng hát bội | Truyện ngắn | 2010 | NXB Trẻ | |
Quảng Nam hay cãi | Tạp văn | 2010 | NXB Trẻ | |
Án lạ phương Nam | Bút ký | 2011 | NXB Trẻ | |
Dài & To | Tiểu luận | 2011 | NXB Trẻ | |
Hướng đến Chân Thiện Mỹ Triết lý dành cho tuổi thanh niên |
Kỹ năng sống | 2011 | NXB Trẻ | |
Phía sau mặt báo | Bút ký | 2011 | NXB Trẻ | |
Thâm sơn kỳ cục án | Truyện ngắn | 2011 | NXB Trẻ | |
Sông lạc đường về | Tiểu thuyết | 2012 | NXB Trẻ | |
Xuân dược | Tiểu phẩm trào phúng | 2013 | NXB Trẻ | Bút danh Đồ Bì |
Đối thoại với tuổi đôi mươi | Tản văn | 2016 | NXB Trẻ | |
Ơi, cái tuổi trăng tròn | Kỹ năng sống | 2018 | NXB Văn hóa – Văn nghệ | |
Lắng nghe giai điệu Bolero | Biên khảo | 2019 | NXB Trẻ | |
Phượng ca | Hồi ký | 2019 | NXB Văn hóa – Văn nghệ |
Mời các bạn đón đọc Thâm Sơn Kỳ Cục Án của tác giả Vũ Đức Sao Biển.
Leave a Reply