Bạn đọc đang cầm trên tay bản in mới nhất, đầy đủ và hoàn thiện nhất do chính bố tôi, Nhà văn Tô Hoài đọc và sửa chữa trước lúc đi xa một thời gian.

Đã từ lâu từ khi cầm bút bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông.

Các tập sách này xuất bản tôi xin ghi nhận và cảm ơn sự nhiệt tình, tâm huyết của các bạn ở Nhà xuất bản Văn học cùng công ty sách Phương Nam như một sự tri ân với cha tôi. Hy vọng bạn đọc sẽ đón nhận và hài lòng khi các tập sách này ra đời. Chân thành cảm ơn độc giả.




Nguyễn Phương Vũ

***

Cuối bãi biển Kép tỉnh Kam-pốt có một cái phố nhỏ nằm im trong hàng dừa – dừa Kép đã nổi tiếng đẹp, trông xa như một bức mành buông viền sát ngay bên bờ cát trắng mát. Đấy là những quán hàng bình thường cho khách chơi biển.

Ở đấy, nhìn sang được Hà Tiên, trông thấy cả bóng dừa và cát trắng bên Hà Tiên, cũng như đây.




Bỗng dưng tôi trông thấy Hà Tiên trong vòm cây mờ khói sóng vịnh Thái Lan một ngày chợt nắng rất hiếm hoi giữa mùa mưa Kam-pốt nặng nề. Đây đến đấy, ca-nô đi ngót một tiếng.

Bóng dừa và mép cát mà tôi thấy kia là đảo Kim Dự, đó cửa vào Hà Tiên.

Kim Dự này là núi chốt then




Xanh xanh dựng đứng cửa Hà Tiên[1]

Hà Tiên ở đầu kênh Vĩnh Tế có cảnh đẹp Tô Châu và hồ Đông. Tôi chưa bao giờ được đến những Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu, những hang Thạch Động và chơi trăng trên hồ Đông. Tôi chưa hề đi dạo dưới hàng dừa Hà Tiên nổi tiếng như dừa Kép, chưa lần nào được nghe, tiếng hát trong vườn hồ tiêu của người gái Hà Tiên đẹp đã nức lờí đồn đại. Tôi chưa có may mắn tới Hà Tiên. Nhưng văn chương quả là có thần đã làm cho cảnh với người bất tử và tuyệt vời, cứ khiến tôi những tưởng từ ngày nào đã biết:

Bãi khói dưới không hương lạ bủa




Hồ gương trong có gấm thêu rơi[2]

Và ô hay, làm sao cứ vương vấn mãi với tâm hồn Nguyễn Cư Trinh man mác một đêm trăng rải hồ Đông:

Đêm đến, ai mài giũa ra hai hòn sáng rõ




Một cho nhà trời, một cho cõi nước

Nước nói trời học đúc mâm bạc

Trời ngỡ nước điểm trang trước gương ngọc[3]




Mà đây về tới đấy, về tới Hà Tiên đất nước Tổ quốc tôi chỉ cách có vài mươi phút đường biển!

Tôi đến ngồi một nhà hàng ngay bên một gốc dừa ngả xuống mặt biển, cho được trông thật rõ Hà Tiên. Hà Tiên với mình chỉ cách có một khoảng nước xanh này mà thôi nhỉ? Trước cửa nhà hàng, một người đàn bà Việt từ bờ bể xách một giỏ cua ghẹ lên đi về phía chúng tôi. Những con cua ghẹ lớn, mai xanh, thịt đặc biệt ngọt thơm. Trong vịnh Thái Lan, thì ở Kép, ở Hà Tiên hay ở Rạch Giá, đâu cũng có. Tưởng như ở đây, hay ở Rạch Giá, ở Hà Tiên lúc này đương mùa chơi mát trên bãi bể, cũng đều có người đàn bà và những em nhỏ xách giỏ cua ghẹ vẫn ngâm sẵn dưới bể, thấy khách lạ thì rón rén tới, ngọt ngào hỏi khách có mua không.

Người đàn bà ấy quần áo đen, khuôn mặt hốc hác, lặng lẽ đến trước mặt tôi. Đôi mắt ngơ ngác lo âu. Biết đâu đây chẳng phải là một người đàn bà vốn dĩ hiền lành, một người mẹ của cô gái Hà Tiên trong vườn hồ tiêu nào đó, xưa nay chỉ biết có nghề bán cua bờ biển, thế mà cũng phải bỏ quê Hà Tiên, quê Rạch Giá, vừa trốn khỏi một cái ấp chiến lược nào đó, chạy đi, đành sống tha hương. Cái tiếng nói nhỏ nhẹ, thanh thả của các chị, các em Nam bộ, cái tiếng nghe thương nghe nhớ, như trưa nghe tiếngầu… ơ, ví dầu… êm ái ru con một ngày rất xa rồi, đã bao nhiêu năm nay, một làng vắng vẻ đầu rừng miền Đông. Tôi bỗng rưng rưng dại cả người và nghẹn ngào.




Những ngày này tôi đương trên đường xuống miền Nam Cam-pu-chia, mỗi bước đi cũng mỗi nhích gần về miền Nam đất nước tôi. Trong không khí, có một cái gì náo nức và bí mật và thiêng liêng nữa. Như ở những ngày cuối năm sắp qua năm mới, như sắp gặp ai quen. Sự mong ngóng bồn chồn, thần bí, không cắt nghĩa được. Quả là tôi đương có cảm tưởng tôi sắp gặp ai, nhưng thật là ai thì không làm sao nghĩ ra. Trước kia, tôi cũng có những người quen đến làm ăn ở đất Cần Vọt này. Nhưng bây giờ sắp gặp ai đây, thì lại không phải từ xa xôi những khuôn mặt cuộc đời nghèo khó ngày cũ của tôi hiện trở lại. Thế thì gặp ai, tôi chịu không nghĩ ra. Mà chỉ cứ phảng phất người nào mình quen biết, không hẹn mà sắp gặp cũng nên. Mỗi bước đi, mỗi bước đưa dần cái mong ước gặp gỡ lại. Tôi bắt đầu nhìn kỹ người đi trên đường. Tôi ngắm những nếp nhà tranh sơ sài của những đồng bào Nam bộ của tôi bỏ quê lên đây nương náu. Ở chợ, tôi ngơ ngác chờ, tìm nghe một tiếng nói của người mình. Tôi trông mặt, tôi đoán dáng, đoán vóc người.

Nhưng rồi chẳng gặp. Nhưng rồi lại hy vọng, lại tưởng sắp gặp.

Không, không gặp ai đâu, nào tôi có gặp ai đâu. Ấy chỉ là một nỗi tơ tưởng, khát khao đất nước quê hương mình mà mỗi bước anh đi đương mỗi lúc một gần lại, thì đất nước quê hương anh lại hiển hiện như đứng lên cho anh sắp thấy mặt, anh chỉ sắp được thấy mặt mà thôi.




Thế là thế nào? Lý trí và lương tâm con người bình thường và ngày tháng không thể yên lòng hiểu như thế được, có phải vừa một năm trước đây, tôi có dịp ra Hải Ninh. Từ bờ biển Trà Lộ ra, tôi đi trên mỏm đầu chữ S ven biển Tổ quốc trông sang đất Trung Quốc, không một bỡ ngỡ, rồi đặt chân sang đây cũng không một chút bỡ ngỡ. Thế mà hôm nay tôi phải đành ngồi bên ngoài cái mỏm cuối chữ S ven biển Tổ quốc chấm đậm bằng cái chấm Hà Tiên kia, nhìn sang mà không đến được, mà chưa đến được. Tôi ngồi đây, nghĩ các bạn Cam-pu-chia thiệt quý khách, đã giúp tôi đi trong nhân dân và trên đất nước bạn, chí tình và tôi cũng không có cảm tưởng một chút ngỡ ngàng, nhưng cứ nghĩ thế thì, cái đau Bắc Nam một dải bị chia cắt cứ càng ngấm lại càng đau và càng rõ không để yên cho cái vô lý ấy tồn tại được.

Tôi vẫn ngồi đây, ở quán nước cuối bãi Kép mà thấy Hà Tiên xanh xanh lùm cây thưa trải dài trên mặt biển, mỗi lúc nhìn một bồi hồi: Hà Tiên đấy. Ta phác một đường tay trái đi lên, theo kênh Vĩnh Tế từ Hà Tiên sang Châu Đốc rồi suốt Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu đến tận các chợ Trời bây giờ nhan nhản ở Gò Dầu Hạ. Tôi không thể tả được những sôi nổi, đau đớn, chấn động trong lòng khi tôi lại nhìn theo tay phác lên kia.

Quê hương tôi kia, mà không đến được!

Mời các bạn đón đọc Ký Ức Đông Dương của tác giả Tô Hoài.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.