Vài lời thưa trước Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười

Trong bài Tựa viết năm 1954, tác giả đã cho chúng ta biết khá rõ “số phận” đặc biệt của tác phẩm này. Hơn hai mươi lăm năm sau, trong Hồi kí (về sau viết tắt là HK)[1], tác giả còn cho biết thêm một số chi tiết:

“(…) bác Ba tôi[2]từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn về làng Tân Thạnh[3] ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật thám Sài Gòn, rồi lập nghiệp ở đó, nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi đầu thế kỉ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền đó; sau đó tôi lại đi đo trong Đồng Tháp trong một thời gian rồi đi kinh lí nhiều lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của Sở Thủy lợi, mua được cuốn La Plaine des Joncs của V. Delahaye, nhờ vậy tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp.




Sau khi nhận lời anh Vũ Đình Hòe viết giúp tờ Thanh Nghị, tôi khảo cứu thêm các cuốn sử, địa phương chí, các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1865-1866, đọc tất cả những gì liên quan đến Đồng Tháp để viết cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, nhưng sau sáu bảy tháng viết xong thì Sở Bưu điện Sài Gòn không còn nhận đồ bảo đảm ra Hà Nội nữa vì giao thông trắc trở, tôi đành cất bản thảo đi, đợi một cơ hội khác. Cuốn đó tôi viết công phu, nhưng sau bản thảo mất ngay trong Đồng Tháp Mười hồi tôi tản cư về đó, năm 1946. Tôi rất tiếc, và tám năm sau tôi phải viết lại”. (HK, tr.185)

Năm 1947, cụ Nguyễn Hiến Lê qua Long Xuyên, tạm trú nhà bà Nguyễn Thị Liệp. Ở đó cụ dạy học và viết sách. Cuối năm 1953, cụ thôi dạy học, quay về Sài Gòn để sống bằng cây bút. Cụ lập nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê để tự xuất bản sách của mình. Sau khi xuất bản cuốn Tự học, một nhu cầu của thời đại, cuốn sách đầu tiên của nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, cụ bắt tay vào việc viết lại cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Cụ cho biết:

“Đầu năm 1954, tôi lại Sở Thủy lợi Nam Việt, gặp lại các bạn cũ và họ cho tôi tra cứu về các tài liệu của sở về Đồng Tháp, dùng các bản đồ của sở.




Tôi lại Thư Khố Nam Kì đường Gia Long, nhờ ông Lê Ngọc Trụ[4] tìm cho những tài liệu sử, địa về Đồng Tháp, nhất là các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1865-66, về cuộc chống Pháp của Thiên Hộ Dương. Tất cả những tài liệu đó tôi ghi trong mục sách báo để tham khảo ở cuối sách.

Đọc những tài liệu của Sở Thủy lợi, tôi nhớ lại rành mạch những lần tôi đo đất và đi kinh lí ở Đồng Tháp, cho nên viết lại lần này tôi thấy dễ dàng và thích như lần trước, năm 1944. Những đoạn trích có tính cách nên thơ, mà năm 1944 tôi đã say sưa viết, bây giờ lần lần hiện lại trong óc, tôi chỉ việc chép lại, chắc chắn là không đúng hẳn, nhưng cũng không sai mấy. Chẳng hạn đoạn về Tiếng nói sông Cửu Long mà sau vài sách Việt Văn cho Trung học đã trích; đoạn tả các ghe đậu lại ở chỗ giáp nước Thủ Thừa; tả chỗ kinh Lạc Giăng (Largrange) và kinh Cát Bích (4 bis) gặp nhau ở Gẫy[5]mà nhà văn Bình Nguyên Lộc bảo “không đi tới chỗ thì không thể tả được như vậy”; rồi cảnh tìm vàng ở chung quanh Tháp Mười, cảnh một đầm sen ở giữa Đồng Tháp mà thi sĩ Quách Tấn rất thích[6]; cảnh uống rượu dưới trăng trên Giồng khiến tôi nhớ truyện Các vì sao (Les étoiles) của A.Daudet; cảnh sông Cửu Long, cảnh Chợ Thủ, cảnh trăng và nước ở miền Cao Lãnh (Hàng Châu của Nam Việt) gợi cho tôi nhớ bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư, thi sĩ đời Sơ Đường; và truyện Ghen vì hò mà một cô em đọc xong buồn rười rượi, thương thiếu phụ trong truyện trách tôi: “Anh thật tàn nhẫn, truyện thương tâm như vậy mà anh kết một cách thản nhiên, chỉ tả công dụng của cái phãng, không một lời than thở cho người vợ và trách người chồng”.

Tôi đáp: “Người viết chỉ cốt gợi lòng thương tâm của người đọc, chứ không kể nỗi thương tâm của chính mình. Tôi đã đạt được rồi đấy và đã không nói thay cô, để cô suy nghĩ, như vậy mới có dư âm trong lòng cô”.




Đồng Tháp chỉ dầy hơn một trăm trang, vừa du kí, vừa là biên khảo, tôi viết hai tháng xong, gởi vào trong đó tất cả tấm lòng yêu cảnh, yêu người Nam của tôi. Viết xong tôi thấy khoan khoái như làm trọn một bổn phận đối với quê hương thứ hai của tôi”. (HK, tr.349-350)

Cuốn đầu, tức cuốn Tự học một nhu cầu của thời đại, cụ giao cho nhà in Việt Hương (đường Lê Lợi); cuốn thứ hai này, cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ giao cho nhà Ban Mai gần chợ Tân Định in ngay trong năm 1954. Tác phẩm này có thể xem là loại du kí viết về quê hương đất nước mình đầu tiên và nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều sau này. Cụ cho biết:

“Một thanh niên ở Nha Trang đọc cuốn đó rồi nảy ra ý dùng xe đạp đi thăm cao nguyên miền Trung và viết bài đăng trên báo Tự do ngày 15-9-61. Tôi trích dưới đây một đoạn:




“Du ký viết về xứ người thì nước mình không hiếm. Nhưng viết về chính lòng đất thân yêu thì vỏn vẹn chỉ có một cuốn: Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Mà theo tôi thấy, không có cuốn địa lí nào có thể hấp dẫn thanh niên và gây tác dụng mạnh bằng những thiên du kí (…) Vì nó dễ kích thích tinh thần yêu nước của thanh niên hơn những bài địa lí khô khan ở nhà trường (…)”.

Đa số các bạn văn của tôi cho cuốn đó tuy mỏng nhưng là một tác phẩm có giá trị, văn tươi mà hấp dẫn, có chỗ nên thơ, gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng người đọc. Ông Đào Duy Anh ở Hà Nội rất thích cuốn đó, bạn văn nào tới chơi ông cũng đem ra giới thiệu và cho mượn đọc.

Có thể nói nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều trong khoảng 1960-1970”. (HK, tr.352).




Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê “ra đời không gặp thời”. Hiệp ước Genève đã làm “thị trường sách đã thu hẹp mất non một nửa, ít nhất là một phần ba”, và vì cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười sẽ bán không chạy bằng cuốn Tự học nên cụ “chỉ in có 2.500 cuốn, giá 29 đồng”. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Cụ cho biết:

“Mới phát hành được độ một tuần thì nhà Nam Cường đã bán hết 100 cuốn, bảo tôi giao thêm “vì sách bán chạy như tôm tươi”. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao độc giả hoan nghênh như vậy. Sau hỏi ra mới biết chỉ nhờ cái nhan sách. Lúc đó các anh em kháng chiến ở Nam đương tập kết ở hai địa điểm Cà Mau và Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp Mười để chờ tàu Ba Lan và Pháp chở ra Bắc. Đọc nhan đề sách độc giả tưởng lầm rằng tôi đã vào Đồng Tháp làm một cuộc phỏng vấn về cuộc tập kết đó. Về nhà đọc rồi họ mới thất vọng. Thành thử chỉ trong một tháng đầu bán được ngàn cuốn, đủ vốn in, còn 1500 cuốn bán lai rai năm sau mới hết”. (HK, tr.360)

Năm 1971, cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười được tác giả “sửa chữa lại và nhường bản quyền cho nhà Trí Đăng xuất bản”. Bản tôi chép lại dưới đây của Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2002, có lẽ được in lại từ bản in của nhà Trí Đăng.




Sau một thời gian dài dọ hỏi, tôi mua được bản của nhà Văn hóa Thông Tin và vội gõ ngay bài Tựa cuốn này, một trong các bài Tựa tác giả tâm đắc, và đăng trên topic “Một số bài Tựa cụ NHL viết cho sách của mình”. Trong khi gõ dỡ dang Chương I: Một dịp may, tôi đã có “một dịp may”. Đó là nhận được cuốn Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm của Nhiều tác giả (NHL CĐ&TP), và một cuốn sách khác nữa do một người cô họ ở Nha Trang gởi tặng. Tôi tạm ngưng cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười lại để chuyển qua cuốn NHL CĐ&TP như là một cách tỏ lòng biết ơn người tặng quà. Tôi đã đăng được hai bài, một ảnh và chú thích một ảnh khác.

Khi gõ gần xong Chương VII, máy tính bị trục trặc, phải cài lại. Cũng may là tôi gõ xong đoạn nào thì gởi đăng đoạn đó, phần gõ dở dang không bao nhiêu. Nay gõ xong cả cuốn, tôi phải chép lại từ TVE phần đã đăng. “Số phận” Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười một lần mất bản thảo vận vào bản điện tử này chăng?

Trong lúc gõ, tôi ghi thêm một số chú thích và một số hình ảnh sưu tầm trên mạng (trong sách chỉ có hình chỗ giáp nước và bản đồ Đồng Tháp Mười) để chúng ta dễ hiểu tác phẩm mình đang đọc hơn. Tôi đã có dịp sống khoảng một năm ở một vùng đất cũng đầy cỏ năng, bàng, lát, lau, sậy…; cũng có bông sen, bông súng, lúa ma; cũng có lung, giồng; cũng có tràm lụt… Như những người nông dân sống ở vùng đất ấy, tôi cũng cấy lúa, cắt lúa, bẩy chim, bắt cá… Vào mùa khô, nước chua lòm, phải gội đầu bằng bột giặt, nhưng mùa lụt thì nước ngọt tràn ngập khắp nơi và khi nước xuống thì cá nhiều vô số kể. Một lần, cùng hai người bạn đi kéo cá ở cuối một con kinh nhỏ[7], một con kinh đổ ra kinh Vĩnh Tế, điên điển trên bờ chỉ còn lác đác mấy bông trỗ muộn, sắc đã kém tươi. Đến lượt thay phiên, tôi leo lên bờ và bất chợt thấy một vạt hoa vàng rộng chừng bốn, năm chiếc đệm, bò lan trên nền đất màu xám, leo lên mấy cây sậy, cây lác. Đó là của một loại dây leo giống như bìm bìm, hắc sửu, nhưng bông màu vàng như màu bông mướp chứ không phải màu trắng hay màu tím nhạt. Tôi đứng lặng người rất lâu. Một cảm giác là lạ tràn ngập lòng tôi, một cảm giác chưa từng có trước đó, mãi đến bây giờ cũng chưa từng lập lại khi ngắm hoa. Thế đấy. Ở vùng đất hoang vu cũng có cái đẹp bất ngờ! Đồng Tháp Mười hẳn cũng thế!




*

Trong eBook mới này, để tiện tham khảo, tôi chép thêm vào phần Đọc thêm:

– Trích thư Quách Tấn ngày 28.10.1971;




– Trích thư Nguyễn Hiến Lê ngày 6.11.1971;

– Trích Hồi Ký Quách Tấn.

Ngoài ra, bạn Phaplu còn giúp tôi sửa lỗi chính tả. Xin chân thành cảm ơn bạn Pháplu và xin trân trọng giởi đến các bạn.




Goldfish

Tháng 12 năm 2008

Bổ sung tháng 12-2011 và tháng 4-2012




[1] Ở đây tôi dùng cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn học, năm 1993.

[2] Tức cụ Phương Sơn.

[3] Làng Tân Thạnh lúc đó thuộc tỉnh Long Xuyên, nay là xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.




[4] Tác giả cuốn Việt ngữ chính tả tự vị, lúc đó ông làm thư ký Thư khố Nam Kì.

[5] Gẫy: trong bản của nhà Văn hoá Thông tin, có lẽ do biên tập, in là Gãy (mặc dù trong bản đồ tác giả viết Gẫy). Và cũng có lẽ người biên tập đã lược bỏ “mục sách báo để tham khảo ở cuối sách”. Vì thiếu mục này nên Bùi Thị Đào Nguyên, trong bài Ai mới thật là ông Đốc Vàng ở Đồng Tháp,đã than phiền rằng không biết cụ Nguyễn Hiến Lê tham khảo tài liệu nào mà cho rằng Đốc Vàng tử trận chung với Chưởng Binh Lễ.

[6] Xem phần Đọc thêm ở cuối eBook.

[7] Kinh Vĩnh Điều.

Comments are closed.