Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang), chính danh là Ngọc Đường, cùng với Hồ Thích được Âu Mỹ biết tên nhất. Cả hai đều giới thiệu cổ học và văn minh Trung Hoa với phương Tây, Hồ sâu sắc hơn, Lâm tài hoa hơn.

Ông sanh năm 1895, ở Phúc Kiến trong một gia đình rất mộ đạo, cha làm mục sư. Hồi nhỏ ông hấp thụ giáo dục của Giáo hội, sống cơ hồ như cách biệt với các trẻ em khác, không được vô hí viện Trung Hoa, không được nghe hát Trung Hoa, không biết chút gì về lịch sử, truyền thuyết Trung Hoa mà thuộc làu làu đời của Nữ Thánh Marie, Chúa Ki Tô, Abraham, David…, điều đó sau lớn lên ông lấy làm xấu hổ :

“Chưa tới mười sáu tuổi tôi đã biết rằng các kèn đồng của Josué đã làm sụp đổ tường ở Jéricho, nhưng tới hồi tôi ba mươi tuổi mà vẫn chưa biết truyện nàng Mạnh Khương : chồng nàng chết vì xây vạn lí trường thành, nàng lặn lội tới nơi, tìm được hài cốt của chồng, khóc nức nở tới nỗi nước mắt làm trôi một khúc thành vĩ đại đó. Những người Trung Hoa dù vô học cũng không dốt sử như tôi hồi đó”.




Khi ông vô trường Nhà Dòng thì lần lần ông quên hết ít đoạn trong Tứ Thư thân phụ đã dạy cho mà theo một nền giáo dục hoàn toàn vong bản.

Năm 1916, ông xuất thân trường St John ở Thượng Hải, dạy Anh văn ở trường Đại học Thanh Hoa được ba năm rồi qua Mỹ học trường Harvard về khoa ngôn ngữ, lại qua Đức học triết ở trường Đại học Leipzig. Năm 1923 ông về nước dạy học ở Bắc Kinh, Hạ Môn. Năm 1927 làm việc ở bộ ngoại giao. Nhưng rồi, tự xét mình không thể là hạng “thực nhục” được, mặc dầu rất thích món thịt bò áp chảo, nên bỏ chính trị mà xoay qua làm một học giả, nghiên cứu ngôn ngữ ở Trung ương Nghiên cứu viện.

Từ hồi trở về nước ông mới thấy sở học của mình thiếu sót quá, văn minh phương Tây thì rành rọt mà văn minh phương Đông thì mù tịt, ông phát phẫn, cần cù tìm hiểu cổ học của dân tộc ông. Và điều ông cho là rủi lại chính là điều may : ba mươi tuổi ông nghiên cứu cựu học với một tinh thần mới mẻ và với những hứng thú của một thanh niên phương Tây, khám phá được nhiều cái kì diệu của phương Đông nhờ không theo con đường mòn của phái cựu học mà lan man đọc các tác phẩm của các triết gia, văn sĩ bị phe chính thống chê là nhảm nhí, không hợp đạo thánh hiền.




Vì trọng chủ nghĩa cá nhân, ông cho đạo Khổng là gò bó quá, nhưng vẫn quí đạo Trung dung và tinh thần gia đình của Khổng giáo ; ông thích tinh thần khoáng đạt, chủ trương trở về thiên nhiên của Lão, nhưng không trốn đời, không triệt để hoài nghi. Có thể nói ông dung hòa được Khổng và Lão, như Đào Uyên Minh, Tô Đông Pha, hai thi hào ông trọng nhất. Ông gần Đào ở điểm không thích làm quan, và gần Tô ở giọng trào phúng dí dỏm.

Về văn chương, vì trọng tự do tự nhiên nên ông theo phái Tính linh do ba anh em Viên Tôn Đạo, Viên Hoằng Đạo, Viên Trung Đạo đời Minh thành lập ở cuối thế kỉ XVI.




Nhờ có ba điều kiện kể trên : một kiến thức quảng bác quán thông đông tây ; một tinh thần tự do, khoáng đạt, không xu thời cũng không tôn sùng riêng một thánh nhân nào, can đảm phát biểu quan niệm của mình ; một bút pháp tự nhiên, thân mật, thành thực, lưu loát mà dí dỏm, nên Lâm Ngữ Đường nổi danh ngay từ hồi mới cầm bút, tự gây cho mình một địa vị đặc biệt trong văn học Trung Quốc hiện đại, nổi danh khắp thế giới.

Tới nay ông đã viết được năm sáu chục cuốn : tiểu thuyết, tùy bút, tiểu sử, cảo luận, phê bình văn học, triết học, dịch danh tác Trung Hoa ra Anh ngữ, dịch danh tác Âu Mỹ ra Hoa ngữ ; hai cuốn được người phương Tây thưởng thức nhất là The importance of living và My country and my people. Cả hai đều có bản Hoa dịch và Pháp dịch.




Mấy năm trước tôi đã lược dịch cuốn trên, nhan đề là Một quan niệm về Sống đẹp ; cuốn dưới dày quá, nay tôi chỉ lựa ít chương về tôn giáo và văn học Trung Hoa để giới thiệu với độc giả, và gom lại dưới nhan đề : Nhân sinh quan và Văn thơ Trung Hoa. Vì nguyên tác viết từ 36, nên tôi đã lược dịch thêm một diễn văn của Lâm đọc năm 1961 ở Mỹ, để bổ túc phần Văn học.

Tác giả không có ý đào sâu vấn đề, mà chỉ nhắm mục đích giới thiệu văn minh Trung Hoa với người phương Tây ; ý tưởng của ông đôi khi đột ngột quá làm cho chúng ta mỉm cười, nhưng đọc rồi, ai cũng phải nhận rằng tác phẩm vừa vui vừa bổ ích ; nó rất thích hợp với những người chỉ cần có một kiến thức phổ thông về Trung Hoa ; mà đối với những vị đã biết ít nhiều về cựu học thì nó là một cửa sổ mở thêm cho mình thấy một vài khía cạnh mới mẻ để có dịp kiểm điểm lại những nhận xét của mình.

Sàigòn ngày 16-7-1970

Nguyễn Hiến Lê