“Nghề làm cha mẹ” là nghề xuất hiện sớm nhất, ngay từ khi có loài người, và phổ biến nhất vì có những người sống độc thân cũng muốn có con nuôi. Nhưng điều ít ai nhận định được là nghề đó cũng quan trọng nhất và khó nhất.
Quan trọng nhất chẳng phải chỉ vì cha mẹ có nhiệm vụ đào tạo con người, hễ con người hư hỏng thì xã hội sẽ tan rã vì trong bất kỳ tổ chức nào, hoạt động nào, yếu tố “người” vẫn là yếu tố quyết định; mà còn vì lẽ cha mẹ dạy dỗ con ra sao thì lớn lên, nó lại dạy dỗ con nó như vậy, thành thử nếu đời trước mà lầm lẫn – hoặc nghiêm khắc quá tới nỗi con cái sinh lòng oán hận, hoặc nhu nhược quá, để chúng hư đốn – thì cái hại có thể truyền đến đời sau, đời sau nữa. Chúng ta thường nói tới cái “nếp” nhà – nếp có thể tốt mà cũng có thể xấu – là nghĩa vậy.
Khó nhất vì trẻ là cả một thế giới bí mật: dưới một tuổi, nó chưa biết nói, chỉ biểu lộ cảm xúc, ý muốn bằng nụ cười tiếng khóc, ta khó đoán được; hồi hai ba tuổi nó nói tuy gọi là sõi rồi, nhưng ngôn ngữ vẫn có những ý nghĩa khác ngôn ngữ của ta nên nhiều khi ta hiểu lầm, lại thêm phản ứng của trẻ mỗi đứa một khác, mỗi giai đoạn một khác, đúng như nhiều bà mẹ thường nói: “không biết đâu mà mò”.
Mà lạ lùng thay, nghề nào loài người cũng lưu lại kinh nghiệm cho đời sau – những sách thuốc, sách về nông nghiệp đã có từ mấy ngàn năm trước – duy có nghề làm cha mẹ, vừa phổ biến, quan trọng và khó như vậy thì trước thời hiện đại chẳng thấy có một cuốn nào cả. Trong hai thế kỷ trước, một số nhà giáo dục lác đác viết được ít cuốn, nhưng toàn là bàn về đạo đức, về lý thuyết: phải tập cho trẻ những đức nào, bản tính của trẻ là thiện hay ác, giáo dục có nghĩa là uốn nắn hay chỉ giúp cho trẻ phát triển theo thiên nhiên…? Cơ hồ như cổ nhân cho rằng hễ có con thì tự nhiên ai cũng biết cách nuôi con, dạy con chẳng cần phải học; và thế hệ trước có chút kinh nghiệm nào thì chỉ truyền miệng lại cho thế hệ sau, không ai gom lại thành hệ thống mà viết thành sách chỉ sự phát triển về thể chất cùng tâm lý, tinh thần của trẻ ra sao.
Mãi tới cuối thế kỷ trước, người phương Tây mới bắt đầu dùng phương pháp khoa học nghiên cứu tâm lý của trẻ, và trước thế chiến vừa rồi, mới có những cuốn trình bày các trắc nghiệm để tìm hiểu trẻ. Nhưng những tác phẩm đó hầu hết đều khô khan, có tính cách chuyên môn, viết cho các nhà giáo dục hơn là các bậc cha mẹ.
Theo chỗ tôi biết, cuốn đầu tiên viết về sự phát triển tâm lý của trẻ một cách giản lược nhưng đầy đủ, sáng sủa mà vui, ai có trình độ Trung học cũng có thể hiểu được, là cuốn Le développement psychologique de l’enfant của bà Thérèse Gouin-Décarie mà hôm nay tôi xin giới thiệu với độc giả. Bà là người Gia Nã Đại gốc Pháp, làm Giáo sư ở Đại học Montréal, năm 1952-1953 viết một loạt bài đọc trên Đài phát thanh Gia-Nã-Đại. Những bài này được hoan nghênh nhiệt liệt và thính giả yêu cầu bà in thành sách, nhà Ottawa xuất bản năm 1953, rồi nhà Fides ở Montréal và Paris tái bản không biết lần thứ mấy năm 1969.
Trong hai chục bài, bà nêu lên cả trăm vấn đề, dắt dẫn chúng ta vào cái thế giới bí mật và kỳ thú của trẻ, từ khi nó còn là cái thai cho tới khi nó tới tuổi dậy thì. Mỗi bài trình bày một giai đoạn phát triển về tinh thần, tâm lý của trẻ; hầu hết bài nào bà cũng dùng những phát kiến, những thí nghiệm mới nhất của các nhà chuyên môn hiện đại về tâm lý nhi đồng, như của Arnold Gesell, Margaret Ribble, Jean Piaget, René Spitz…
Chỉ bỏ ra một buổi đọc tác phẩm của bà, chúng ta cũng hiểu được trẻ hơn là nuôi nó trong 10 năm. Chúng ta hiểu được:
- Tại sao hồi hai tuổi em bé nào cũng luôn miệng “không, không”, bảo nó làm gì nó cũng phản kháng, dỗ dành nó cách nào nó cũng cự tuyệt;
- Tại sao hồi bốn tuổi, em nào cũng suốt ngày hỏi “Tại sao?”;
- Tại sao cứ sau một giai đoạn trẻ rất ngoan ngoãn dễ bảo, lại tiếp theo một giai đoạn nó rất bướng bỉnh, khó dạy;
- Tại sao có hồi nó rất nhút nhát, lại có hồi rất hay gây lộn;
- Tại sao trẻ mười, mười một tuổi suốt ngày ở ngoài đường, nghe lời bạn bè hơn là nghe lời cha mẹ, tập tành hút thuốc, chơi thò lò; mà chưa nhất định là hư hỏng; vân vân…
Chúng ta sẽ biết ngôn ngữ, trí tuệ, óc tưởng tượng, ý niệm về đạo đức, tinh thần hợp quần, tinh thần tự do và độc lập… xuất hiện vào thời nào và phát triển lần lần ra sao.
Và chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận ra điều này là tất cả những sự phát triển đó, tất cả những phản ứng của trẻ, mặc dầu mỗi đứa mỗi khác, mỗi tuổi một khác, nhiều khi kỳ cục, ta không hiểu nổi, thực ra đều có lý do, đều theo một luật thiên nhiên bất di bất dịch, là trẻ luôn luôn tập thích ứng với thế giới bên ngoài mà đồng thời vẫn giữ cá tính riêng, lần lần tự lập để thoát li được cha mẹ.
Hiểu như vậy thì khi nó bướng bỉnh, khó dạy, ta không bực mình nữa, có phần còn mừng vì thấy nó ngây thơ vụng về nhưng đã tiến bộ, cá tính đã bắt đầu biểu lộ; và ta sẽ nhận ra bổn phận của ta là giúp cho nó sớm tự lập, mà khi nó tự lập được rồi, tách ra khỏi ta để sống đời của nó, lo cho con nó cũng như ta đã lo cho nó, thì lẽ đó chỉ là tự nhiên, như tục ngữ đã nói: “Nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược”. Cái dòng sinh sinh hóa hóa bất tuyệt nhất định phải như vậy. Con ta không phải là của ta: “Trời Phật – hoặc xã hội, dân tộc – tạm gởi nó cho ta đấy”. Muốn tập cho nó quyến luyến với nguồn thì chỉ có cách một mặt chính ta phải nghĩ tới nguồn, mặt khác chỉ nghĩ tới hạnh phúc của nó thôi.
Tuy nhiên, chỉ theo luật thiên nhiên thì còn khiếm khuyết, ta còn phải tập cho trẻ “vừa nhận mà vừa cho”, biết hưởng những cái vui thì cũng phải chịu những cái khổ vì đời sống không phải chỉ gồm toàn những vui thích, mà sống không phải là chỉ để hưởng lạc.
Về điểm đó, như các nhà giáo dục danh tiếng khác, chẳng hạn bác sĩ Benjamin Spock, bà Thérèse Gouin Décarie có một quan niệm xác đáng, rất mực yêu trẻ, khoan dung mà vẫn nghiêm. Từ sau thế chiến thứ nhất, cá nhân có xu hướng phóng túng, mọi kỷ luật bị coi là bó buộc, tôi thấy lời khuyên của bà đáng cho chúng ta suy ngẫm, nên xin dịch tác phẩm của bà, sau khi sửa đổi một chút cho hợp với nước mình, để tặng các bậc cha mẹ, nhất là những vị còn trẻ, hoang mang, thấy nhiệm vụ của mình quá khó và quá nặng. Những vị đó đọc kỹ rồi chiêm nghiệm thì sẽ đỡ bạc đầu, như tác giả nói.
Saigon ngày 15-3-1972
NGUYỄN HIẾN LÊ