Cùng các Bạn trẻ,
Tôi có cảm tưởng rằng đời mỗi người là một cuộc thám hiểm và khi ta bước chân vào đường đời, tâm trạng, tình cảnh của ta cũng từa tựa tâm trạng, tình cảnh của một nhà thám hiểm – chẳng hạn của Magellan.
Ngày 20-9-1519, Magellan chỉ huy năm chiếc tàu, rời hải cảng Séville[2] để tiến ra khơi. Ông đã dự bị trong hai năm cuộc hành trình đó: sắm tàu, mộ thủy thủ, mua các khí giới, đồ dùng và thức ăn để mang theo… Nhờ nhiều cuộc phỏng vấn những người ở Ấn Độ, Mã Lai và nhờ công tra khảo trong các sách Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, ông biết rằng trái đất tròn, và từ Séville cứ đi về phương Tây sẽ tới châu Mỹ mà Christophe Comlomb đã tìm ra hơn hai chục năm trước, rồi theo bờ biển Nam Mỹ mà kiếm thì thế nào cũng thấy một eo biển đưa qua phương Đông, qua những xứ Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, nơi sản xuất vàng, lụa, hương liệu; sau cùng lại từ Mã Lai, Ấn Độ, tiến hoài về phương Tây thì sẽ trở về Séville được. Ông chỉ biết đại cương cái hướng phải theo, còn đường đi thì ông chưa biết. Eo biển ở chỗ nào, có ở xa về phương Nam không hay chỉ ở dưới Ba Tây[3] một chút? Rồi đại dương ở bên kia châu Mỹ ra sao? Rộng lắm không? Sóng gió nhiều không? Đi mấy tháng thì tới? Những điều đó còn là hoàn toàn bí mật.
Hồi mới ra trường, chúng ta không có cảm tưởng bắt đầu một cuộc phiêu lưu ghê gớm như vậy và tôi biết nhiều người bình tâm, thản nhiên, chẳng suy nghĩ, lo tính gì cả, mặc cho đời đưa tới đâu thì đưa; ngay cả với những kẻ đó, đời vẫn là một cuộc phiêu lưu, mặc dầu họ không nhận thấy.
Cái vốn chúng ta mang theo vào đời – tức những sự hiểu biết và sức khỏe của ta – không khác gì những thủy thủ, đồ đạc trong năm chiếc tàu Magellan. Cái mục đích lờ mờ của chúng ta lúc bước vào đời – kẻ thì mong yên ổn làm giàu, có vợ đẹp, con khôn rồi an nhàn dưỡng lão, kẻ thì hăm hở quyết tâm cải tạo xã hội, lập nên sự nghiệp để lại mai sau – cái mục đích đó cũng như mục đích thúc đẩy Magellan tìm ra Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ bằng một con đường mới. Magellan đã định một hướng là đi về phương Tây thì chúng ta cũng có một hướng: làm một nhà giáo hay một kỹ sư, một nhà văn hay một chính khách. Còn những hoàn cảnh, những khó khăn, những may rủi ta sẽ gặp trong đời, cả những bước đường sau này của ta nữa, thì ta không thể đoán được; cũng như Magellan khi nhổ neo từ biệt Séville không có một ý niệm gì rõ ràng về con đường sẽ qua cả. Trước mặt ta, cũng như trước mặt ông là cả một bí hiểm mênh mông, một bí hiểm luôn luôn thay đổi!
*
* *
Đọc tiểu sử Magellan tôi ân hận rằng ông vừa mới tới đích, mới tìm ra quần đảo Phi Luật Tân, sắp tới quần đảo Mã Lai, thì bị thổ dân giết vì ông nóng nảy, quá tự tin, khinh địch. Nếu ông sống mà trở về được châu Âu, thì tất Charles Quint sẽ phái ông đi vài chuyến nữa – cũng như trước kia Christophe Colomb được phái qua châu Mỹ bốn lần – và những kinh nghiệm của ông trong chuyến đầu sẽ giúp ích cho ông được biết bao trong những chuyến sau. Ông khỏi mất công dò vàm sông Rio de la Plata, những vịnh San Matias, Bahia de los Patos, Bahia de los Trabajos; khỏi phải đậu lại cả một mùa đông ở San Julian khi ông chỉ cách eo biển Magellan có hai ngày đường; và nhờ vậy, ông sẽ tránh được cảnh đói khát ghê gớm cho cả đoàn mạo hiểm, và tránh được bệnh hoại huyết, lợi sưng, răng rụng vì thiếu sinh tố, khi ba chiếc tàu còn lại lênh đênh trên Thái Bình Dương mấy tháng ròng; mà cuộc hành trình từ Séville tới Phi Luật Tân chỉ mất vài ba tháng, chứ không kéo dài tới mười tám tháng như lần đầu.
Nghĩ vậy rồi tôi nhớ lại cuộc đời của tôi hai mươi sáu năm nay, từ khi mới ở trường ra. Nó không có gì đáng cho tôi phàn nàn, ân hận lắm, và nếu có phải sống lại quãng đó thì tôi cũng không từ chối. Tôi vốn không có cao vọng lãnh một trách nhiệm gì lớn lao mà cái đời một thư sinh sống trong một gia đình êm ấm, bên cạnh sách và hoa cũng có cái thú, có lẽ còn thú hơn là được hoan hô nhiệt liệt trong những đám đông hằng ngàn hằng vạn người. Tôi rất may mắn không có chỗ nào cho người khác đề cao, nếu có mà bị đề cao thì tôi sẽ ngượng đến chết mất. Con người nào mà chẳng có vô số tật, và chết đi chẳng thành giòi, thành đất cả!
Nhưng nhiều khi tôi lẩn thẩn tự hỏi nếu nhờ chút ít kinh nghiệm hồi bây giờ của tôi mà sống lại cái hồi hai mươi lăm tuổi trước kia thì đời mới của tôi sẽ ra sao nhỉ? Chắc là không thay đổi gì nhiều. Tôi cho rằng mỗi người sinh ra đời đã có một hướng sẵn: ông Eisenhower để làm một Tổng Thống, ông Einstein để làm một nhà khoa học, ông Paul Valéry để làm một nhà thơ…; và cũng ngay từ hồi mới sinh, đã có cái gì định trước rằng mỗi người chỉ tiến được tới cái mức nào đó thôi: dù cố gắng tới mấy, gặp may tới mấy thì cũng không phải rằng chính khách nào cũng thành một Eisenhower, nhà khoa học nào cũng thành một Einstein và thi sĩ nào cũng thành một Valéry được.
Vậy thì có sống lại cuộc đời đã qua, tôi cũng sẽ chỉ là một thư sinh như ngày nay, không giàu hơn, không sang hơn, không tài giỏi gì hơn nhiều. Nhưng tôi chắc chắn rằng những kinh nghiệm ngày nay, nếu dùng được từ hồi trước thì sẽ làm cho tôi được mạnh khỏe hơn – tôi có thể tránh được bệnh đau bao tử và vài ba bệnh khác nữa – đỡ mất công dọ dẫm đường đi hơn, đỡ phí thì giờ vào những việc vô ích, mà hiểu biết được nhiều hơn, lại tạo được nhiều hạnh phúc cho mình và cho người hơn. A! tạo được hạnh phúc, đó mới là điều quan trọng! Tóm lại tôi sẽ như Magellan trong chuyến đi thứ nhì… nhưng Magellan làm gì có chuyến đi thứ nhì.
*
* *
Nhớ lại những lầm lỗi trước, sao mà nhiều thế! Kể làm sao cho đủ mà khỏi rườm? Cho nên tôi chỉ lựa những điều quan trọng mà hồi trên dưới hai mươi lăm tuổi ít ai để ý tới. Và tôi thấy những điều đó có thể gom làm sáu bảy mục:
– tìm một nhân sinh quan, tự hỏi sống để làm gì, đời người ra sao?
– nhận rằng bổn phận mỗi người là tạo hạnh phúc cho bản thân và cho người chung quanh;
– muốn làm tròn bổn phận đó, phải giữ gìn sức khoẻ và tu tâm luyện trí để làm việc;
– nhưng phải biết cách làm việc cho có hiệu quả;
– rồi làm việc xong thì phải nghỉ, kiếm được tiền thì phải tiêu, vậy vấn đề hưởng thụ ở đời cũng cần thiết như vấn đề phục vụ xã hội;
– phải lo tính trước cho tuổi già khỏi bệnh tật, túng thiếu mà thành một gánh nặng cho gia đình, xã hội;
– sau cùng, vấn đề quan trọng nhất đối với thanh niên là vấn đề hôn nhân, vì có khéo lựa bạn trăm năm thì mới có người giúp đỡ, mới vui vẻ, hăng hái làm việc, mới hưởng hạnh phúc ở đời được.
Đó, những điều quan trọng theo tôi, đại loại có bấy nhiêu. Tôi nhận rằng nhân sinh quan của tôi rất tầm thường mà những kinh nghiệm của tôi cũng tầm thường nữa. Bạn là hạng trung nhân như tôi thì hãy đọc cuốn này; nếu trái lại, bạn nuôi cái lý tưởng noi theo những bậc siêu nhân, những vị thánh, mà cải tạo xã hội để cứu vớt cả nhân loại thì tôi xin kính cẩn ngưỡng mộ bạn: sách của tôi không đáng cho bạn ngó tới.
Chép lại kinh nghiệm của bản thân, tôi tuyệt nhiên không dám mong rằng nó sẽ làm thay đổi đời của bạn đâu. Tôi nhận thấy rằng bất kỳ ai cũng phải tự tạo lấy đời sống của mình bằng những từng trải của mình; nghĩa là những lời khuyên của người khác ảnh hưởng rất ít đến đời sống của ta, nếu ta không có cái tính tình, cái tâm trạng của người đó, không ở trong hoàn cảnh của người đó, đã từng trải gần gần như người đó. Phải có đồng thanh mới tương ứng, hoặc nói theo giọng khoa học ngày nay, phải có bắt đúng điện ba thì mới lên tiếng. Triết gia Đông Tây có biết bao nhiêu nhà mà tôi chỉ quý Khổng Tử, đâu có phải tại học thuyết của Ngài cao siêu hơn những nhà khác; tại nó hợp với tâm hồn tôi đấy thôi. Vậy thì lời trong sách này chưa chắc gì đã hợp với tâm hồn bạn; nếu may ra nó có hợp phần nào, mà theo quy tắc trong sách, bạn cải thiện đời sống được ít nhiều chăng, thì cũng không phải là nhờ sách mà chỉ là nhờ một sự ngẫu nhiên, nó làm cho chúng ta có chỗ gặp nhau đấy thôi.
Nếu không gặp nhau thì tôi cũng mong rằng sách gợi cho bạn suy nghĩ, để tìm một nhân sinh quan riêng cho bạn, một giải pháp hợp với bạn mà tạo một đời sống đặc biệt của bạn, phong phú hơn, sáng sủa hơn, vui tươi hơn. Được vậy cũng đủ hài lòng kẻ chân thành này rồi.
NGUYỄN HIẾN-LÊ
Saigon ngày 1-4-1961
(Nguồn: Tương lai trong tay ta, Nxb Văn hoá Thông tin, năm 1999 – bản ebook do Tuanz thực hiện).
[1] Trước đây tôi đã tuyển bài Tựa này vào tập 8 bài tựa đắc ý của Nguyễn Hiến Lê, nay tôi dùng bản in của Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, năm 1962 (bản scan do Sadec1 thực hiện) để sửa lỗi và bổ sung. (Goldfish 05/06/2014).
[2] Tức Sevilla, một thành phố ở Tây Nam Tây Ban Nha, có cảng bên sông Guadalquivir cho tàu biển (theo Wikipedia). (Goldfish).
[3] Tức Brasil. (Goldfish)