Những vấn đề của thời đại – Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đình, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1912 tại Hà Nội (giấy khai sinh ghi ngày 8-4-1912), quê làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (trước đây).
Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, thân phụ, bác ruột tham gia phong trào Duy Tân ở trường Đông Kinh Nghĩa thục bị thực dân truy nã, lẻn vào Sài Gòn rồi ẩn mình ở Đồng Tháp Mười. Từ đó, bác ông lập nghiệp luôn ở miền tây Nam Bộ.
Thuở nhỏ, Nguyễn Hiến Lê học ở Trường tiểu học Yên Phụ, Trường Bưởi, Trường Cao Đẳng Công chánh (Hà Nội). Năm 1934 tốt nghiệp được bổ làm việc tại các tỉnh miền tây Nam Bộ, kể từ đó ông làm việc và định cư luôn ở miền Nam cho đến ngày qua đời.
Năm 1935 bắt đầu viết du ký, tiểu luận, dịch thuật các tác phẩm văn chương, đến năm 1945 ông có đến hàng chục tác phẩm, nhưng đã thất lạc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Vì ông từng làm nhân viên Sở Công Chánh thuộc ngành Thủy Lợi (Hydraulique) thường đi thực địa ở các tỉnh miền Hậu Giang, Tiền Giang nên biết tường tận về đất đai và con người ở các địa phương thuộc khu vực này.
Sau Cách mạng tháng tám, rồi toàn quốc kháng chiến, ông bỏ đời sống công chức, tản cư về Đồng Tháp, Long Xuyên, rồi đi dạy học. Năm 1952 thôi dạy, lên Sài Gòn sinh sống bằng ngòi bút và chuyên tâm vào công tác văn hóa.
Tác phẩm đầu tay của ông là một cuốn du ký khoa học có tên là Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười tuy mỏng mà tác giả đã bỏ ra nhiều công sức. Nguyên sách được viết nhân một chuyến về Hà Nội thi lấy bằng kỹ sư do đề nghị của Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Thanh Nghị (Vũ Đình Hòe), sách viết xong nhưng gởi ra Hà Nội không được (vì chiến tranh), bản thảo bị mất trong Đồng Tháp Mười, năm 1954 ông viết lại xuất bản trong năm đó và được tái bản nhiều lần. Từ đó hằng năm ông có đôi ba tác phẩm ra mắt công chúng độc giả.
Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê đề cập đến nhiều lĩnh vực, mà ở lĩnh vực nào cũng có căn cứ khoa học, am tường cặn kẽ về các đối tượng, sâu sắc về các vấn đề được nhắc tới và không thiếu tính nghệ thuật.
Tác phẩm của ông bao gồm nhiều chủ đề, như :
VĂN HỌC : Gồm một số tác phẩm đặc sắc và công phu như Hương sắc trong vườn văn (2 cuốn – 1962), Luyện văn (3 cuốn – 1953), Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 cuốn -1954-1966), Tô Đông Pha (1970),… giới thiệu được những tinh hoa của văn học Trung Quốc cũng như nghệ thuật văn chương Việt Nam.
NGÔN NGỮ HỌC : Để hiểu văn phạm (1952), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (1963), Chúng tôi tập viết tiếng Việt…. có nhiều phát kiến mới về ngôn ngữ học Việt Nam, đồng thời vận dụng được những tiến bộ mới nhất của ngữ học hiện đại vào ngữ pháp tiếng Việt.
TRIẾT HỌC : Đại cương triết học Trung Quốc (2 cuốn – 1966), Nho giáo một triết lý chính trị (1958), Liệt tử và Dương tử (1972), Một lương tâm nổi loạn (1970), Bertrand Russell (1971), Mạnh Tử (1973)…. trình bày được một hệ thống triết học cổ điển Trung Hoa, cùng những tấm gương lớn về chân dung các triết gia Tây phương hiện đại.
SỬ HỌC : Gồm một số tác phẩm về lịch sử và văn minh sử thế giới như : Lịch sử thế giới (4 cuốn – 1955), Bài học Israel (1968), Bán đảo Ả Rập (1969), Bí mật dầu lửa (1969), Bài học của lịch sử (1972), Nguồn gốc văn minh (1974), Văn minh Ả Rập (1969), Sử ký Tư Mã Thiên (1970), Chiến quốc sách (1968), Đông Kinh nghĩa thục (1954), Sử Trung Quốc (3 cuốn -1982) là những cái nhìn xuyên suốt về lịch sử văn minh sử thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam.
GƯƠNG DANH NHÂN : Gồm một số tác phẩm viết về Gương hy sinh (1962), Gương kiên nhẫn (1964), Gương chiến đấu (1966), Ý chí sắt đá (1971), Những cuộc đời ngoại hạng (1970), Einstein (1971)… là những bài thiết thực cho nhiều lớp người, nhất là thành phần thanh thiếu niên đang ở ngưỡng cửa cuộc đời.
GIÁO DỤC : Trình bày những quan điểm về giáo dục, về các lớp tuổi trong đời sống gia đình Việt Nam. Loại này gồm : Thế hệ ngày mai (1953), Tìm hiểu con chúng ta (1966), Tự học để thành công (1954), Tự học một nhu cầu thời đại (1964), Làm con nên nhớ (1968), Sống 24 giờ (1956)…
TỰ LUYỆN ĐỨC TRÍ : Tác giả vừa dịch vừa nghiên cứu về các chuyên đề giáo dục có tính cách xã hội, như : Tương lai trong tay ta (1962), Luyện lý trí (1965), Rèn nghị lực (1956), Ý cao tình đẹp (1967)… Loại này có trên hơn 20 cuốn có giá trị. Trước năm 1975, số ấn bản có đến hàng vạn cuốn. Hiện nay các nhà xuất bản trong toàn quốc đang tiếp tục tái bản.
CẢO LUẬN : Là một số chuyên đề văn chương, văn hóa, văn nghệ như : Nghề viết văn (1956), Vấn đề xây dựng văn hóa (1967), Mười câu chuyện văn chương (1975), Con đường hòa bình (1971)… là những đóng góp sáng tác của ông vào văn chương, đạo đức và cảm thụ học thuật cho độc giả yêu mến văn nghệ.
DỊCH THUẬT : Nguyễn Hiến Lê có một khả năng dịch thuật rất sung mãn. Từ khi bắt đầu cầm bút cho đến cuối đời, ông có hàng chục công trình dịch thuật sáng giá, nhất là các bộ tiểu thuyết lớn phương Tây như : Chiến tranh và hòa bình (4 cuốn-1968), Cầu trên sông Drina (1972), Câu chuyện thương tâm (1956), Kiếp người (1962), Một mùa hè vắng bóng chim (1990), Cổ văn Trung Quốc….và một số lượng tác phẩm biên khảo viết bằng chữ Pháp, chữ Hán cổ cận thế giới.
DU KÝ : Gồm một số quyển ghi chép lại các lần đi thực địa ở các địa phương. Loại này không phải là những tác phẩm thuần túy văn chương mà là những đóng góp thiết thực cho khoa học tự nhiên, xã hội, văn học nữa, như : Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (1954), Đế Thiên Đế Thích (1943)…. cùng một số sách về quản trị công nghiệp, kinh tế, giáo khoa toán. Bên cạnh, ông còn viết hơn 300 chuyên đề trên các tạp chí chuyên ngành (trong các tạp chí ở Sài Gòn trước 1975).
Tính đến năm 1975, ông đã xuất bản đúng Một trăm tác phẩm (100) ở các thể loại vừa kể. Từ năm 1975 cho đến khi qua đời, ông còn viết được hơn 20 tác phẩm khác như : Tourguéniev, Gogol, Tchékhov, Đời nghệ sĩ, Để tôi đọc lại, Kinh Dịch đạo của người quân tử, Mặc học, Luận ngữ…. Nhất là bộ sử lớn về lịch sử cổ đại đến hiện đại Trung Hoa có tên là Sử Trung Quốc (1.000 trang).
Những năm trước 1975 tại Sài Gòn, ông là một trong một vài người cầm bút được giới trí thức quí mến về tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong học thuật. Do thành quả lao động nghiêm cẩn của mình, ông được đa số công chúng độc giả trân trọng kể cả học sinh, sinh viên. Những năm 60, 70 (của thế kỷ XX), chính phủ Sài Gòn đã trân tặng ông (cùng với Giản Chi) Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967) và Giải tuyên dương công trạng (Văn hóa – 1973) với danh hiệu cao quí đương thời, cùng một ngân phiếu lớn (tương đương mấy chục lượng vàng). Ông đã công khai từ chối với lý do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh” và bản thân tác giả không dự giải.
Tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê là những đóng góp lớn cho học thuật Việt Nam vào thời hiện đại.
Năm 1980, ông về ẩn cư ở Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang), đến ngày 22 tháng 12 năm 1984, ông bệnh mất tại Sài Gòn, hưởng thọ 72 tuổi, thi hài được hỏa táng ở Thủ Đức để lại sự thương tiếc trong lòng nhiều người làm văn hóa và bạn đọc thân mến trong và ngoài nước.