BỨC THƯ GỬI MỘT BẠN TRẺ YÊU VĂN

Em X,

Em còn nhớ không? Cách đây hai năm, một buổi chiều hè, em lại thăm tôi. Nghe tiếng gõ cửa nhè-nhẹ, tôi hô: “Vô đi”, rồi viết tiếp cho hết một câu trong bài tựa một cuốn sách. Khi đặt bút, quay lại thì em đã đứng ở sau lưng tôi mà tôi không biết.

Nhớ hôm đó, nhìn chiếc bàn xinh-xinh của tôi, trên đặt bình bông hồng, em tươi cười hỏi:

Sống đời viết văn như ông, chắc thú lắm?

Và tôi đáp:

Nghề nào cũng có cái vui, nếu không thì làm sao theo đuổi được; nhưng tôi tưởng nghề viết văn là một trong những nghề thích nhất mà cũng cực nhất.

Rồi câu chuyện tiếp tục về nghề cầm bút. Em tò-mò hỏi tôi về cách viết, việc bán, việc in, về đời sống của một vài nhà văn, về cảm-tình và thư-từ của độc-giả…

Một giờ sau, khi em cáo biệt, tôi đưa em tới sân và cảm ơn em vì em đã làm cho tôi bâng-khuâng nhớ lại tuổi xuân: cũng như em bây giờ, tôi ngày xưa rất muốn biết ít nhiều về đời tư các văn-nhân và ước-ao được sống bằng cây viết.

Em ạ, hai mươi tám năm về trước, mỗi ngày bốn lần tôi cắp sách đi ngang biệt-thự của cụ Nguyễn văn Vĩnh, một ngôi nhà trông ra Hồ Tây có hàng rào tầm-xuân ở trước mặt. Nhiều lần tôi gặp cụ bận bộ âu-phục ca-ki, lái một chiếc xe máy dầu, chạy xuôi đường Quan-thánh, và khi xe đã chạy qua, tôi thường quay lại ngó cụ.

Lại những buổi chiều hè, ngồi dưới gốc đa trên đường Cổ-ngư, nhìn ba ngọn núi Tản uy-nghi, xanh thẳm, tôi cùng vài bạn cao hứng ngậm câu:

Nhập thế-cục bất khả vô văn-tự.

… mà cùng hẹn với nhau sau nầy sẽ phải lưu lại cái gì “bất khả vô” đó cho đời.

Những lúc ấy, lòng tôi thấy sôi-nổi lắm, tưởng như sắp thành Nguyễn Công Trứ, Tô Đông Pha cả rồi. Tuổi xanh ngông thật! Em cười ư? Chắc em cũng cùng tâm-lý ấy?

Ngoài cái lẽ tôi mới nói, tôi còn cám ơn em vì nhờ những câu hỏi của em tôi mới biết tự kiểm-soát lại tư-tưởng cùng cách làm việc, rồi suy-nghĩ để nhận rõ những bổn-phận cùng quyền-lợi của tôi, và sau cùng tôi lại ra công soạn cuốn này hầu giúp những bạn trẻ nào sắp bước vào nghề viết văn có sẵn tài-liệu để quyết-định.

Hôm nay sách đã viết xong. Tôi biết còn thiếu nhiều, có những vấn-đề như Sự kiểm-duyệt sách báo, Nhà văn với nhà cầm quyền… mà tôi chưa thể đem ra bàn được, hoặc chỉ mới bàn qua. Nhưng chắc em đã hiểu tại sao mà không bắt lỗi tôi chứ? Còn như đại-loại những câu hôm đó em hỏi tôi thì ở đây tôi đã trả lời đủ và tôi mong rằng cuốn sách nầy cũng có thể làm cho em gần được thoả-mãn. Nhờ có em tôi mới viết nó, thì xin em giữ lấy nó làm kỷ-niệm. Gọi là một chút duyên văn.

Sài-gòn ngày 17 tháng 9 năm 1955

NGUYỄN-HIẾN-LÊ

Chú thích khi tái bản (1968). Trong cuốn này tôi chỉ xét về Nghề viết văn, còn về Nhiệm vụ nhà văn ở thời chúng ta thì xin Độc giả coi cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hoá của tôi, do nhà Tao Đàn xuất bản đầu năm 1968.

***

Viết một cuốn sách là làm một nghề cũng như chế tạo một cái đồng hồ.

LA BRUYÈRE

Một anh bạn tôi, thấy tôi viết cuốn nầy, mỉm cười hỏi:

– Viết văn mà cũng là một nghề ư?

Tôi cũng mỉm cười, đáp:

– Anh chưa nói hết ý, song tôi đã đoán được. Có phải anh cho viết là truyền bá tư tưởng, giải bầy nỗi lòng của mình; nếu viết văn là một nghề chẳng hoá ra nghĩ đến việc đem bán cái tâm tư là đáng quý nhất trong con người để cầu sự ấm no cho xác thể?… Nếu quả anh nghĩ vậy thì tôi xin hỏi lại anh: dạy học như anh bây giờ và tôi hồi trước cũng là đem bán những hiểu biết, tư tưởng – cả lòng yêu trẻ nữa – để lấy một số lương, vậy thì tại sao dạy học anh nhận là một nghề mà viết văn thì anh lại không chịu nhận?

Anh bạn tôi đó không phải là người độc nhất nghĩ lầm như vậy đâu. Trong xã hội chúng ta hiện nay, mười người chắc có sáu bảy người còn giữ cái thiên kiến ấy. Họ cho viết văn không phải là một nghề vì nghề đó còn mới mẻ ở nước ta quá: từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, ông cha ta tuyệt nhiên không hề nghe nói đến nghề viết văn và nghề nầy chỉ xuất hiện vào hồi mà Nguyễn văn Vĩnh, Tản Đà, Phạm Quỳnh bắt đầu sinh nhai bằng ngòi bút viết báo.

Thời xưa, các cụ ta làm thơ, làm phú, viết truyện ngắn, truyện dài, soạn Sử ký, Địa lý…, đều là để tiêu khiển hoặc giúp đời, cầu danh, chứ không khi nào nghĩ tới tiền. Viết xong một tác phẩm, các cụ chép tay lại, gởi cho bạn bè đọc. Con cháu hoặc môn sinh thấy sách hay, góp nhau, kẻ vài quan, người dăm tiền, thuê thợ khắc lên gỗ quý. Thợ khắc xong, các cụ cho in ít chục, ít trăm bản gởi tặng bè bạn, bà con. Người lạ muốn có một bản thì cứ mang giấy mực lại, người giữ bản khắc sẵn lòng cho phép in hoặc nếu nhờ họ in thì họ tính tiền công rất nhẹ. Họ thấy có một cái vinh dự được truyền bá tác phẩm và vinh dự đó đủ làm cho họ thoả mãn, làm công việc đó chỉ mong trả ơn ông cha hoặc thầy học, hoàn toàn vì tình chứ không vì lợi.

Còn nói về những cửa hàng chuyên bán sách như những cửa hàng ở phố hàng Gai, Hà nội hồi xưa, thì hễ thấy một cuốn nào đó nhiều người hỏi, họ liền kiếm một bản in, nhờ một nhà nho duyệt qua lại, rồi tự tiện mướn thợ khắc, không cần xin phép tác giả. Tác giả chẳng những cho vậy là tự nhiên mà còn lấy làm vinh hạnh được một hiệu sách in sách mình.

Tóm lại, một tác phẩm ngay từ khi chép hoặc in xong để truyền bá trong dân chúng thì là đã thành ngay của công rồi. Ai in lại cũng được, ai bán cũng được, thậm chí đến ai muốn tự ý sửa chữa, thêm bớt ra sao cũng được! Vì vậy mà mỗi tác phẩm có nhiều bản không giống nhau, như Truyện Kiều có đến năm, sáu bản in, bản của họ Nguyễn, bản in ở Kinh, bản in ở Hà Nội, bản của hiệu sách nầy, bản của hiệu sách khác.

Tình trạng đó thật đã có hại cho văn học.

Hại thứ nhất là văn học phát triển không mạnh. Viết văn đã không phải là một nghề, nghĩa là tác giả đã không có chút quyền lợi vật chất gì cả thì viết chỉ còn là để tiêu khiển, dầu phẩm vẫn cao mà lượng tất nhiên phải kém. Chúng ta thử tưởng tượng nếu Victor Hugo cũng chỉ vì danh hay hứng mà viết thì tác phẩm của ông có được tới số trăm như vậy không? Và nếu Honoré de Balzac không được các nhà xuất bản trả một xu nhỏ nào thì bộ Hài-kịch của nhân loại (La comédie humaine) có ra đời được chăng? Cả thế kỷ trước, nước nhà xuất bản may lắm thì được trăm bộ còn Pháp thì hàng ức bộ, nguyên nhân chánh là các cụ cho viêt văn không phải là một nghề.

Mời các bạn đón đọc Nghề Viết Văn của tác giả Nguyễn Hiến Lê.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *