Tôi Chọn Hôm Nay, Tôi Chọn Hạnh Phúc
Khoảng 20 năm trước, tôi bắt đầu làm việc tại trung tâm điều dưỡng Kousei ở Yokohama, một trong mười trung tâm chăm sóc bệnh nhân lúc cuối đời trên toàn nước Nhật thời bấy giờ. Tôi đã chăm sóc rất nhiều bệnh nhân cho đến khi họ qua đời. Và ai cũng có cách riêng để đón nhận nấc thang cuối của cuộc đời mình. Có người cha phải đeo mặt nạ thở oxy để đến dự lễ cưới của con trai. Có bà lão nói với tôi rằng, cha bà đang đợi bà ở thế giới bên kia nên bà không hề sợ hãi cái chết. Hay còn có người nói đây là cách để gặp lại người con trai sau 20 năm âm dương đôi ngả.
Nhưng sự thật là, không phải ai cũng có thể ra đi thanh thản trong niềm hạnh phúc. Có những người không rượu chè, thuốc lá, họ đạt được mục tiêu mua một ngôi nhà mơ ước, và rồi họ phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư. Họ phẫn nộ hét lên: “Tại sao người mắc bệnh lại là tôi?”. Hay có những bệnh nhân không thể tự mình vệ sinh cá nhân nói với tôi rằng: “Xin bác sĩ hãy để cho tôi chết sớm, bởi lẽ nếu tôi cứ tiếp tục sống như thế này thì chỉ càng thêm đau đớn mà thôi!”. Đối với “mong muốn” như vậy, những y bác sĩ như chúng tôi không thể cho họ một câu trả lời thỏa đáng. Tôi chỉ biết ngồi cạnh những người bệnh đang bị giày vò, tự dằn vặt vì bản thân không thể làm được gì cho họ.
Thế rồi vào một ngày nọ, tôi nhận ra rằng, cho dù tôi không thể làm gì giúp họ giảm bớt sự giày vò bởi bệnh tật, nhưng chỉ cần ở bên họ và cùng họ trải qua đau khổ, đó chẳng phải là đã giúp đỡ họ rồi sao!?
Có nhiều bệnh nhân cho tôi thấy sự thay đổi của họ, và họ muốn nó được gọi là “kỳ tích”. Trong quãng thời gian điều trị tại bệnh viện, không ít bệnh nhân trước đó từng nói “Xin hãy cho tôi chết sớm”, nhưng giờ lại có những suy nghĩ tích cực như: “Cho dù mình không thể đi lại được nữa nhưng được sống đã là một điều may mắn rồi”. Cũng có những bệnh nhân từng than: “Sống đến bây giờ nhưng tôi chưa làm được điều gì lớn lao cả”, nhưng trước khi chết họ lại nhận ra rằng: “À, những điều mình đã làm được cho gia đình, cho công ty, cho xã hội đều là những điều có ích.” Nhiều bệnh nhân đã tìm thấy cơ hội để tự khẳng định mình.
Tận cùng của đau khổ là khi ta tiến gần tới nấc thang cuối của cuộc đời. Nhưng từ những đau khổ đó, con người lại học được rất nhiều điều. Được sống đến giờ phút này thôi đã là một điều vô cùng ý nghĩa rồi. Hãy khiến bản thân mình luôn cảm thấy thanh thản. Hãy buông bỏ những điều mà chúng ta đang cố chấp níu giữ, hãy mạnh dạn chia sẻ cuộc đời với người mà chúng ta tin tưởng. Khi nhận ra những điều đó, chúng ta sẽ hiểu được hạnh phúc thật sự.
Những ai nhận thấy mình đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời cũng là một điều quan trọng. Điều đó không có nghĩa rằng họ phải chuẩn bị cho cái chết mà để họ có động lực sống và trân trọng giây phút hiện tại.
Cả tôi và các bạn đều có những điều mà chúng ta coi đó là nguồn động lực sống. Thật khó để con người xóa bỏ mọi khổ đau, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta hiểu được rằng, điểm tựa của ta là gì, chắc chắn những ngày tháng tiếp theo trong cuộc đời chúng ta sẽ phần nào bình thản và hạnh phúc hơn.
Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của bạn. Hãy chọn hôm nay, hãy chọn hạnh phúc.
***
Hãy Kết Thúc Mỗi Ngày Thật Trọn Vẹn Để Đón Nhận “Ngày Cuối Cùng” Thật Thanh Thản
Trước tiên, tôi muốn hỏi bạn rằng,
nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn,
bạn sẽ sống như thế nào?
Bạn sẽ dốc toàn lực cho công việc của mình tới tận khoảnh khắc cuối cùng? Hay bạn sẽ trải qua khoảng thời gian ấy cùng gia đình và những người yêu thương?
Chắc hẳn mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình. Cho dù câu trả lời của bạn là gì đi chăng nữa thì đó vẫn là sự lựa chọn của bạn, là điều mà bạn cho là đúng đắn, là điều mà bạn cho rằng thực sự quan trọng.
Sau khi tốt ngiệp đại học, tôi từng về làm việc tại nhiều nơi như Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện địa phương, Trung tâm điều dưỡng… Năm 2006, với chuyên môn khám bệnh tại nhà, tôi mở Phòng khám đa khoa Megumi. Phương châm hoạt động của phòng khám là: “Cho dù bạn ở đâu, cho dù bệnh của bạn là gì, hãy yên tâm vì chúng tôi luôn bên bạn. Chúng tôi sẽ giúp bạn hoàn thành nghĩa vụ xã hội đến giây phút cuối cùng”.
Với những bệnh nhân do bệnh tật hoặc già yếu, gặp khó khăn trong việc đi khám, chúng tôi sẽ tiến hành thăm khám và chẩn trị tại nhà một cách tốt nhất. Việc tiến hành thăm khám của chúng tôi không đơn thuần chỉ là chẩn trị, kê đơn hay chỉ định sinh hoạt hàng ngày. Quan trọng là, chúng tôi muốn giúp cho những bệnh nhân đang mang những phiền muộn có thể sống thanh thản hơn mỗi ngày.
Để có thể thanh thản đón những nấc thang cuối của cuộc đời, chúng tôi phải làm giảm đi những đau đớn trên cơ thể bệnh nhân và làm dịu đi nỗi phiền muộn trong tâm hồn họ. Chúng tôi nỗ lực hết mình để có thể giúp đỡ mọi người.
Khi cận kề cái chết, nhiều người bệnh khổ sở nghĩ rằng: “Vậy là thời gian đã hết!”, “Có thể ngày mai sẽ không đến nữa”… Con người biết suy nghĩ về ngày mai, hướng về tương lai do đó chúng ta mới có thể tiếp tục sống để ấp ủ mơ ước, khát khao. Suy nghĩ “không còn có ngày mai” có lẽ là tận cùng của sự tuyệt vọng.
Thế nhưng, con người không nên chỉ nhìn vào mãi những khổ đau. Quan trọng là chúng ta học được gì từ những điều đó.
Hàng ngày, cuộc sống của ta bị những bận rộn và bộn bề bủa vây. Nếu chúng ta thoát khỏi những phiền muộn, và suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc làm sao có thể sống thanh thản trong những ngày cuối của cuộc đời, thì chắc chắn chúng ta sẽ biết được điều gì là quan trọng với bản thân mình.
Trong số những bệnh nhân mà tôi chăm sóc từ trước tới giờ, có một nữ bác sỹ dù trên người cắm đầy dây truyền dịch, đến mức không thể di chuyển được nhưng vẫn chọn làm việc tới tận khoảnh khắc cuối cùng. Có những người, cố gắng hết sức chỉ để được gặp một người họ muốn, bằng những nỗ lực cuối cùng. Bên cạnh đó, cũng có người không làm gì cả, họ chỉ lặng lẽ cùng gia đình và những người yêu thương đón nhận những giây phút cuối.
Tôi không bao giờ nói với các bệnh nhân của mình rằng: “Đừng quá quan tâm vào công việc, hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình” hay “Hãy cố gắng hoàn thành những điều còn dang dở.” Bởi mỗi người có những điều quan trọng, những mục đích sống khác nhau. Chúng ta cần phải tôn trọng những khao khát chân thành của người khác, bởi nó xuất phát từ trái tim.
Thế nên, tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc nhất với những bệnh nhân của mình.
Hơn nữa, khi càng nhận ra mình phải xa lìa cuộc đời, nhiều bệnh nhân càng có mong muốn khẳng định mình. Có những người cả đời suy nghĩ rằng mình chưa từng làm được điều gì lớn lao hay cuộc đời của mình là chuỗi ngày tẻ nhạt. Nhưng đến thời khắc cuối, họ lại suy nghĩ rằng, “Mình đã làm việc một cách vững vàng trong những năm tháng ấy, mình là người có ích cho xã hội”, “Mình đã cố gắng hết mình vì (hạnh phúc) gia đình.”
Đối với những người đó, điều thực sự quan trọng hầu hết là những điều gắn bó như gia đình, người yêu, bạn bè, công việc, thú vui… Và, khi biết cái chết đang đến gần, họ nhận ra được giá trị của khoảng thời gian được sống cùng với những điều quan trọng ấy.
Tôi xin sử dụng câu nói “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của bạn” và coi đó như tinh thần của cuốn sách này để cho các bạn có thể thử tưởng tượng, “Nếu như hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, bạn muốn sống như thế nào?”
Khi bạn nghĩ rằng “Hôm nay là ngày cuối cùng” thì bạn sẽ hiểu được đâu là điều quan trọng nhất với bản thân mình. Chính bởi vậy, tôi nghĩ rằng, ngay cả khi chúng ta còn khỏe mạnh hay khi cận kề cái chết, đó là cách nghĩ tích cực nhất để thúc đẩy động lực sống của mỗi người.
Con người không nên chỉ nhìn vào mãi những khổ đau. Quan trọng là chúng ta học được gì từ những điều đó.
Mời các bạn đón đọc Tôi Chọn Hôm Nay, Tôi Chọn Hạnh Phúc của tác giả Taketoshi Ozawa.
Leave a Reply