3 Chìa Khoá Mở Cửa Thành Công – Lord Beaverbrook

TUNG loại sách ích lợi trực tiếp cho các bạn trẻ hai mươi năm trước đây, tôi đã chọn cuốn MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG (Un art vivre) của André Maurois để dịch ra VIỆT NGỮ (1953). Lần này tôi chọn cuốn « BA CHÌA KHÓA MỞ CỬA THÀNH CÔNG » của Lord Beaverbrook, vì cuốn sách này có thể đem lại nhiều ích lợi thực tiễn cho các bạn trẻ muốn thành công trên đường đời. Hơn thế nữa, những kinh nghiệm bản thân của tác giả tác phẩm giá trị này được đúc kết như là một thứ cẩm nang tranh đấu trên đường kinh doanh có thể giúp các bạn thanh niên học hỏi để tiến mạnh tới đích.

Dịch giả không ước mong gì hơn là các bạn trẻ bước vào đời xem qua cuốn sách này sẽ rút ra được những bài học thích đáng đưa đến một tương lai tốt đẹp.

HOÀNG THU ĐÔNG




***

LỜI MỞ ĐẦU CỦA J. P. KENNEDY

Tôi chưa biết người nào đủ tư cách hơn là Huân Trước Beaverbrook để hướng dẫn thanh niên, cũng chưa thấy có người nào mà lịch sử thành công của đời sống cá nhân hấp dẫn bằng.




Sinh ra trong một gia đình thanh bạch ở Tân Brimswich, tại Gia Nã Đại, Max Aitken (về sau trở thành Lord Beaverbrook) ngay từ lúc nhỏ tuổi đã tỏ ra những dấu hiệu có năng khiếu kinh doanh. Khi lên mười chẳng hạn, ông ta hết sức mong ước một chiếc xe đạp, song những may mắn để có được còn yếu kém hơn số lương ít ỏi của thân phụ ông, một mục sư. Thế rồi một hôm, có một hãng xà bông đề nghị treo giải thưởng một chiếc xe đạp mới cho đứa trẻ nào gởi về số giấy gói xà bông nhiều nhất. Thay vì đến các nhà hàng xóm để yêu cầu họ mua dùng loại xà bông có thứ giấy gói quý giá kia, Max nghĩ ra một sáng kiến đặc biệt. Ông ta đem tất cả số tiền dành dụm được ra mua các kết xà bông kia, đem bán lại mỗi bánh theo một giá hạ hơn trên thị trường – với điều kiện người mua trả lại giấy gói cho ông – và lập đi lập lại nhiều lần dịch vụ này. Nhờ thế mà Max đã đoạt được chiếc xe đạp, ghi vào bảng kinh doanh sự thành công đầu tiên trong số nhiều thành quả trên đường hoạt động dịch vụ.

Đầu óc tháo vác và hiểu biết bén nhậy của ông được khai thác về sau đã mang lại cho ông tài sản, danh tiếng quốc tế, địa vị Nam Tước, các sở hữu địa ốc ở Sirrey, ở Jamaique, ở Nassau và Fredericton, một nông trại ở Ontario, một khách sạn đặc biệt ở Luân Đôn, một cao ốc văn phòng choáng ngợp bằng sắt và kính ở Fleet-Street, nhiều cổ phần lên đến nhiều triệu bảng Anh trong các đại xí nghiệp, làm chủ một tờ báo hàng ngày có số xuất bản vào hàng mạnh nhất trên thế giới.

Buổi đầu Max kiếm ra tiền bằng cách bán báo, rồi mở rộng sự phát hành báo chí ở thị trấn quê nhà tại New Castle. Như thế còn chưa đủ, ông thành lập một hội và ấn hành tờ báo nhỏ của mình, NGƯỜI LÃNH ĐẠO (The Leader), trông nom lấy tòa soạn, sắp chữ và in bằng máy quay tay.




Rời ghế nhà trường, Max làm việc ít lâu trong một tiệm tạp hóa, rồi đến một văn phòng pháp luật, trong lúc vừa tiếp tục học luật ở Saint John tại trường đại học Tân Brimswisk. Ông đã khổ công để giao thiệp, làm quen với người mới. Cho đến đỗi ông phải thuê dạ phục về mặc với hy vọng được mời dự một cuộc họp quan trọng có nhiều người tại Quốc hội. Ông chờ đợi cho đến giờ mở cửa buổi dạ hội, song tấm thiệp mời không bao giờ đến.

Đau lòng vì cảm thấy bị gạt bỏ ra bên lề, Max nhất quyết phải thành công để có thể mở ra bất cứ cánh cửa nào bấy lâu vẫn khép kín đối với ông. Tin chắc rằng có tiền bạc mới có thể đến khắp mọi nơi, ông đã sử dụng tất cả đầu óc sáng tạo và hiểu biết của mình để làm ra tiền.

Sau một thời kỳ ngắn ở trong hãng Bảo hiểm sinh mạng, ông đến Halifax và vào làm thư ký cho John F. Stairs, một tài phiệt già có nhiều quyền lợi lớn ở phía đông Gia Nã Đại. Ông chủ và người làm công trẻ tuổi chẳng mấy chốc trở thành đôi bạn.




Max đề nghị với Stairs tập hợp lại nhiều ngân hàng nhỏ địa phương để tăng cường năng suất. Stairs cho phép Max thi hành dịch vụ, nhìn nhận là anh phải thành công. Anh chàng trẻ tuổi bị thử thách đã không lùi bước. Bấy giờ ông chưa được hai mươi mốt tuổi, gặp phải những giám đốc ngân hàng khắc khổ liên hệ đến dịch vụ, thảo luận với họ, thuyết phục họ là sáng kiến của ông đem lại lợi tức. Việc phối hợp các ngân hàng thành tựu, và lần đầu tiên trong đời Max được 10.000 đô la.

Stairs lấy làm thích thú, mới giao cho ông vụ bán trái khoán của Hội Cưa và Thanh Tân-Ê-Cốt. Từ văn phòng này đến văn phòng nọ, Max đi tìm kiếm những khách hàng có thể mua, mang trái khoán trong một cái túi xà cột. Nhiệm vụ thành công và kiếm được một món lời riêng khá lớn. Max tạo lập « Nghiệp hội An Ninh Hoàng Gia » với Stairs làm chủ tịch, còn ông thì trở thành tổng giám đốc.

Trong những năm đầu của thế kỷ này, người ta chứng kiến buổi đầu điện khí hóa, đã trở nên vô cùng quan hệ trong đời sống hiện nay. Nhiều tài sản lớn lao đã được tạo nên nhờ thiết lập điện trong những nhà ở, kỹ nghệ, nông trại, xe lửa. Max đã dấn thân hết mình trong công cuộc phát triển lớn lao này, đem về lợi tức quan trọng cho « Nghiệp hội An Ninh Hoàng Gia ».




Khi John Stairs mất, phần cả Max sau khi giải quyết dịch vụ lên tới 50.000 đô la. Bấy giờ ông mới về ở Montréal, rồi lại bắt đầu trông nom tổ chức và thay đổi các hội, nhưng trên một phương diện to lớn hơn.

Vào lúc cực thịnh của thời kỳ ở Montréal, ông được Ngân hàng thế lực Montréal giao phó công việc kiểm soát hoạt động dịch vụ của ba hội xi măng Gia Nã Đại. Trong lúc hoàn thành nhiệm vụ này, Max nhận thấy khả năng phối hợp cả ba hội lại và phụ thêm các hãng xi măng khác nữa để thành lập một hội liên hiệp mới quan trọng. Việc này đòi hỏi phải góp một số vốn 38 triệu đô la, một số tiền hết sức lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử Gia Nã Đại, và sẽ lợi ích cho nền kinh tế chung trong nước. Ngân hàng Montréal và các xí nghiệp Gia Nã Đại khác chấp thuận kế hoạch và ủng hộ ông.

Tuy vậy, trong lúc đang thương thuyết, một phe liên hệ đề nghị đem một công ty xi măng của mình nhập cuộc. Max từ chối, cho rằng lời yêu cầu bán công ty kia quá cao và nhận thấy dịch vụ không được lương hảo về mặt tài chính. Tác giả đề nghị liền rút lui khỏi buổi họp đang tiếp tục, phản đối Max trước Nghị viện, buộc tội ông đã tạo nên những tiền lời bất hợp pháp khi phóng đại giá trị tư bản pháp định của Hiệp hội. Như vậy là Max phải đương đầu với một đối thủ quỉ quyệt, có nhiều thế lực để đánh ngã bất cứ một thanh niên nào dưới ba mươi tuổi.




Song Max đã không chiến bại. Anh chỉ có việc trình bày những dữ kiện ra trước Nghị viện và dân chúng, thế là chấm dứt nội vụ. Một khi bắt đầu, hiệp hội tỏ ra là một cơ sở tuyệt hảo và làm cho giá xi măng hạ xuống khắp Gia Nã Đại.

Tuy vậy, ấm ức xót xa vì những lời lẽ rỉ tai của bọn thù nghịch loan truyền trong dân chúng chống lại ông, Max thanh toán phần của mình lên tới gần năm triệu đô la lúc bấy giờ, và tuyên bố là từ bỏ mãi mãi giới kinh doanh.

Thời ấy ông đang ở lợi thế để lưu ý đến việc thực hiện một hoài bão vẫn ôm ấp bấy lâu : là đồng nhất những địa phận cách biệt của Đế quốc Anh thành một khối thịnh vượng hơn bằng cách hạ bỏ hàng rào thuế quan. Ông bắt đầu suy nghĩ thực sự đến việc nhảy vào chính trường để tranh đấu cho một sự cải cách giá biểu thuế quan và như thế là đảm bảo cho một sự đoàn kết chặt chẽ hơn của Đế quốc Anh.




Ông đã gặp Bonar Law, một ngươi đồng hương ở Tân Brimswich, hoạt động chánh trị từ vài năm nay ở Anh. Max đến Luân Đôn, đi gặp Law, nói chuyện cải tổ quan thuế và Đế quốc Anh. Law hết sức quan tâm đến. Một tình bạn nồng ấm và lâu dài bắt đầu.

Ít lâu sau đó, khi Law bắt đầu cuộc vận động bầu cử cho phe Đoàn kết, ông yêu cầu Max giúp cho một tay. Max mới quyết định đứng chung liên doanh với Law. Ông ra ứng cử trong một khu vực ở Lancashire.

Khi bắt đầu cuộc vận động tranh cử, chỉ còn có mười ngày nữa thôi, mà ông lại phải đương đầu với một đối thủ có tên tuổi. Nhưng Max không sợ. Ông đã có dịp làm mau lẹ và đâu ra đấy. Ông liền thảo một kế hoạch vận động có thể giúp mình gặp tất cả những cử tri trong địa hạt.




Max chưa có một kinh nghiệm nào về hùng biện chính trị, và hơn thế nữa giọng nói Gia Nã Đại của Ông làm cho cử tri Anh nghe lạ tai lắm. Bởi thế khi giới thiệu bạn cùng liên doanh, Bonar Law đã phải nói : « Xin quí vị đừng xét đoán bạn tôi qua các bài diễn văn đầu tiên. Tôi xin bảo đảm cùng quí vị rằng Ông ta sẽ giúp được nhiều việc cho khu vực nào bầu ông lên ».

Law đã lo ngại không đúng. Thái độ chân thành của Max, sự ngay thật gạt bỏ những mánh lới mị dân, tất cả làm cho dân chúng chất phác ở Lancashire khoái chí tử. Max đã thắng lợi với một đa số đáng kể.

Ông ta không gây sôi nổi trong năm đầu tiên ở nghị trường. Ông nghiên cứu thấu đáo những vấn đề chính trị Anh và liên kết bạn hữu trong tất cả các giới công luận, cũng như ông đã từng làm trong giới kinh doanh. Ông áp dụng cách trau dồi tuyệt hảo tài hùng biện của mình bằng lối chấp nhận đứng lên phát biểu khắp mọi nơi. Dần dà ông trở thành một nhân vật chính trị. Ông được trao tặng chức hiệp sĩ năm 1911.




Mặc dù hết sức gắt gao, chính trị chỉ thu hút một phần hoạt động hăng say của Sir Max. Tuy đã tuyên bố là rời bỏ kinh doanh, ông trở thành chủ tịch Ngân hàng Thuộc địa và Công ty tổ hợp Công binh, trong lúc ông có mặt tại Luân Đôn từ một năm nay. Năm 1912, trong một tháng, đầu óc tháo vát của Ông đã phá vỡ những kỷ lục của ông. Ông điều đình mua tất cả những mễ cốc chở đến trong cùng một tỉnh,135 kho mễ cốc và hai máy xay, cộng với 1.370 đô la tài sản địa ốc ở Montréal, cũng trong thời gian ấy, ông làm tăng số vốn của một hội kim khí từ 200.000 đô la lên đến một triệu và gia tăng sự sản xuất theo đà ấy.

Nhưng đến năm 1.913, ông đã trả giá cho nhưng năm lao lực không ngừng, phát bệnh nặng. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, ông khám phá ra rằng tinh thần tháo vát và sự hiểu biết mà ông đã trông vào để tạo nên sự nghiệp, không đáng kể gì thiếu sức khỏe. Cho nên, ông tự hứa là ngừng bớt hoạt động. Bệnh trạng đã giúp ông tìm thấy một chìa khóa thứ ba, cộng thêm với hai chìa khóa đã đưa ông tiến lên khá xa.

Người ta thấy Sir Max miễn cưỡng tỏ ý quyết liệt từ chối nhiều đề nghị hấp dẫn của người ta mang đến tận văn phòng ông tại Thredneedle Street. Một nghiệp vụ hiếm có thời bấy giờ có vẻ hình như là một lỗi lầm của thời đại lúc ấy, nhưng sẽ bộc lộ là nguyên nhân của một sự thành công lớn lao, đó là việc mua một số cổ phần nhỏ của nhựt báo xuất bản ở Luân Đôn, tờ Daily Express.




Thế rồi vụ Sarajevo châm lửa vào là thuốc súng. Chiến thanh thế giới thứ nhứt xảy đến, và những quyết định hạn chế hoạt động của Max liền quên đi. Sir Max tự cảm thấy phải nhảy vào cuộc đấu tranh vì chính phủ Anh dấu kín không cho dân chúng biết những tin tức xấu từ mặt trận đưa về từng giờ. Ông nghĩ rằng người ta phải nói sự thật, dù là tốt hay xấu, và chỉ sau khi biết rõ các tai họa thì đế quốc Anh mới cảm thấy cần đoàn kết với nhau để nổ lực chiến thắng. Ông muốn nhất là những đồng bào Gia Nã Đại của ông biết rõ sự thật, chắc hẳn rằng họ sẽ chịu nổi và sẽ vì thế mà hành động quyết liệt.

Sự khẩn khoản của ông gắt gao đến độ người ta phải cử ông làm đại diện cho chính phủ Gia Nã Đại ở mặt trận. Bắt đầu bằng mặt trận ở Ypres năm 1915, Sir Max nói cho thế giới hay những nỗi khốn khổ và tính chất anh hùng của binh sĩ Gia Nã Đại ở chiến trường. Trong khi chính phủ Anh còn dấu diếm dưới các hình thức tốt đẹp những sự thiệt hại ghê gớm của binh sĩ, thì Sir Max không rời nhiệm vụ đã định, chấp nhận cho những thông tín viên chiến tranh được tự do vào các phòng tuyến Gia Nã Đại và cung cấp cho họ tất cả những tin tức đòi hỏi, nếu không phương hại đến bí mật quân sự. Việc làm của ông có kết quả. Từ Tân Brunswich đến Vancouver, người Gia Nã Đại nỗ lực gấp đôi, khoác đầy mình danh dự.

Tại Luân Đôn, hành động của Sir Max cũng được chú ý vì đến năm 1917, ông được phong làm huân tước Beaverbrook.




Vài tháng sau, ông kiểm soát hoàn toàn nhựt báo Daily Express. Tất cả mọi người ở Fleet Strees đều cho rằng ông đã nhắm quá cao. Huân tước Northcliff, ấn hành tờ báo thế lực Daily Mail, tiên đoán rằng Max sẽ tiêu tan đến đồng xu cuối cùng vì báo chí.

Cuối năm ấy, tờ Daily Express chứng tỏ thành công. Tuy vậy, Beaverbrook không ngủ trên những vòng hoa chiến thắng, đưa ra nhiều câu hỏi, nghiên cứu, hoàn bị kiến thức về nghề làm báo như ông đã từng hoàn bị kiến thức về tài chánh, kinh doanh. Nhiệm vụ nặng nề trông nom một nhựt báo bán chạy chưa đủ chiếm hết thì giờ, năm 1918 ông nhận giữ chức bộ trưởng Thông tin và hoàn thành nhiệm vụ khá tốt đẹp.

Bao nhiêu nỗ lực làm việc đã được tưởng thưởng. Năm năm sau khi ông chủ trương tờ Daily Express vượt con số một triệu ấn bản. Ngày nay, các cơ sở xuất bản của ông ở Luân Đôn, Manchester và Glasgow, cùng hai tờ báo khác mà Beaverbrook lấy về sau đó, những nhựt báo buổi chiều ở Luân Đôn và Glasgow, Evening Standard và Evening Citizen, tổng cộng có năm triệu độc giả.




Khi những đám mây đen vần vũ của chiến tranh thế giới thứ hai nổi lên, Beaverbrook (đã sáu mươi tuổi) thuộc nhóm ít người hướng dẫn cho nước Anh đang hướng về họ. Có dịp may được tham dự gần cuộc chiến đấu của những lũ khổng lồ, tôi có thể xác nhận với tính cách chứng nhân, rằng huân tước Beaverbrook, có lẽ hơn ai hết, là một trong số người tạo nên chiến thắng bằng cách làm cho nước Anh kiêu hãnh bị chiến bại đè nặng, đã ngẩng đầu lên trở lại. Vì cuộc chiến đã thắng lợi trên không nhờ R.A.F. (Không lực Hoàng gia), trong tháng chín năm 1940. Huân tước Beaverbrook, với tư cách là Tổng trưởng sản xuất Hàng không, đã cho « vài người » làm ra vô số phi cơ để chiến thắng trận đánh Anh quốc cho « bao nhiêu người ».

Khi Thủ tướng Winston Churchill đưa ông lên làm Tổng trưởng Không quân năm 1940, Beaverbrook không để mất thời giờ chờ đợi chính phủ cấp cho những văn phòng cần thiết cho công việc bề bộn này. Ông lập tức biến đổi cơ sở của mình thành Đại bản doanh tạm thời, soạn thảo ngay cho mình và các cộng sự viên trực tiếp một kế hoạch làm việc bắt đầu từ tám giờ mỗi sáng để kết thúc vào hai giờ sáng hôm sau.

Trong ngày hôm ấy, ông đến viếng bất ngờ một cuộc họp của những tay cầm đầu kỹ nghệ hàng không thường vẫn diễn ra. Ông tuyên bố rõ rệt với họ rằng bổn phận của họ không phải là mất thì giờ nhóm họp với nhau để bàn cãi các vấn đề. Vận mệnh của đất nước đang lâm nguy. Họ chỉ có một công việc độc nhất để làm : trở lại xưởng của họ để đóng máy bay. Ông đã nói với họ một cách hết sức giản dị, song thông điệp của ông mang đầy ý nghĩa : nếu họ muốn cho đất nước của mình còn tồn tại, thì họ phải hành động gấp, gấp hơn bao giờ hết và cho các phi công Anh phương tiện, bất cứ phương tiện gì, để hạ oanh tạc cơ của Hitler.




Một ủy ban chủ nhân đem trình với ông một kế hoạch ba tháng sắp tới, ông mời họ về luôn, tuyên bố ngay rằng ông không để ý đến một kế hoạch cho ba tháng sắp tới. Họ có thể cho ông bao nhiêu máy bay trong ngày mai đây ?

Không bận bịu vì giấy tờ, gạt bỏ tất cả những gì trên lối đi, ông chiếm các khoảng đất thuộc các cơ quan khác của chính phủ để làm xưởng máy, thu nhận những nhà chuyên môn tài giỏi có thể kiếm được, bất chấp các sự liên lạc của họ với chính phủ và quốc tịch của họ ; ông chỉ cần sản xuất máy bay với bất cứ giá nào.

Kết quả ra sao ? Trong vòng một năm, Beaverbrook làm tăng con số sản xuất máy bay Hurricane từ 500 lên đến 2.850, máy bay Spitfire từ 430 lên đến 1.500. Ông giao cho không lực Hoàng gia (R.A.F.) 9.000 máy bay được sửa chữa trong một năm và 12.000 động cơ xét lại. Thương thuyết ký hiệp ước với chính phủ Hoa Kỳ, ông đã nhận được thêm 3.000 máy bay mỗi tháng. Ông kêu gọi những bà nội trợ Anh đi quyên hàng tấn nhôm phế thải. Ông mở một chiến dịch lớn hô hào gởi tặng phẩm để có « một phi cơ ghi tên bạn ». Ban đầu các nhóm gởi tiền cho ông, để mua các phi cơ lẻ loi, nhưng rồi chẳng mấy chốc, ông nhận được nhiều tiền để sắm cả bao nhiêu phi đoàn. Cuối chiến dịch này, ông nhận được các chi phiếu từ 25.000 đến 100.000 đô la, cùng một chi phiếu một triệu đô la.




Khi Huân tước Beaverbrook bước vào bộ Không quân, vấn đề lớn đối với Anh quốc là tìm đủ số máy bay cho phi công, một năm sau, vấn đề là tìm ra đủ số phi công cho tất cả những máy bay sản xuất.

Khi hòa bình trở lại, huân tước Beaverbrook quay về với báo chí của ông, tiếp tục cuộc đấu tranh cho sự thống nhất hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các địa phận của Đế quốc Anh. Ông hết lòng ủng hộ vị trí Hoa kỳ trong cuộc chiến tranh Triều tiên, đến độ sa thải một viên chủ bút đã tỏ ra xem thường việc đó. Từ đấy, ông luôn luôn làm việc theo hướng làm sao cho Anh và Mỹ hiểu biết nhau hơn. Ông cho rằng việc liên lạc tốt đẹp giữa hai nước nầy là một cần thiết hệ trọng cho thời đại chúng ta.

Sau gia đình, ông vẫn yên nhất là Đế quốc Anh : lý tưởng của ông là những vấn đề quốc tế phải do sự đoàn kết Anh Mỹ chi phối. Trong đời ông chẳng làm việc gì mà không phục vụ cho Đế quốc Anh. Điều đó cũng thực như việc ông phối hợp các ngân hàng nhỏ ở Halifax để có thể phục vụ thân chủ tốt hơn, việc ông hăng say sản xuất phi cơ trong thời chiến đã qua. Cho đến các đại nhựt báo của ông, trước tiên đối với ông không phải là phương tiện để làm ra tiền. Phần lớn những số tiền do các báo mang lại, ông đều đem tái đầu tư để phát triển báo chí và thúc đẩy phục vụ Đế quốc Anh tốt đẹp hơn.

 

  1. P. KENNEDY

Mời các bạn đón đọc 3 Chìa Khoá Mở Cửa Thành Công của tác giả Lord Beaverbrook.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *