Packet sur Diên Biên Phu – La vie quotidienne dun pilote de transport (Máy bay Packet trên vùng trời Điện Biên Phủ – Cuộc sống hàng ngày của một phi công lái máy bay vận tải) là tên cuốn hồi ký của đại tá không quân Pháp Marc Bertin, được xuất bản năm 1991. 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Marc Bertin là trung úy phi công, lái máy bay vận tải hạng nặng C119 do Mỹ chế tạo, làm nhiệm vụ thả dù và chở hàng tiếp tế cho quân đội viễn chinh Pháp đóng tại thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ, từ ngày 20 tháng 11 năm 1953 là khi Pháp bắt đầu nhảy dù chiếm đóng cánh đồng Mường Thanh cho tới ngày 7 tháng 5 năm 1954 khi quân Pháp ở đây hoàn toàn thất bại. 

Sau khi nghỉ hưu, Marc Bertin đã dành thời gian hồi tưởng lại những kỷ niệm cũ trên chiến trường Việt Nam và viết cuốn sách nhằm tưởng nhớ tới 15.148 chiến binh Pháp đã chiến đấu trong hỏa ngục Điện Biên Phủ, tưởng nhớ tới đại tá không quân Soulat, đội trưởng đội máy bay C119, tưởng nhớ tới các nhân viên phi hành đã tận tụy hỗ trợ cho các hoạt động, đồng thời còn để tặng cho người vợ là nguồn an ủi, động viên và tặng các con để chúng thêm hiểu biết. 




Trong lời đề tựa, đại tướng không quân Pháp Francois Maurin, Chủ tịch Hội cựu chiến binh không quân vận tải pháp nhận xét đây là một cuốn sách được viết bằng ngồi bút giản dị và khách quan của một nhân chứng lịch sử. Truyện kể của ông là một trong những dẫn chứng về sự tham gia của không quân ở Điện Biên Phủ, cho tới nay vẫn hiếm được công bố. 

Do đầu đề cuốn sách quá dài, bản dịch tiếng Việt thu gọn lại trong tên sách: Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ. 

***

Buổi tối ngày 7 tháng 5 tại Điện Biên Phủ, một sự yên lặng lạ lùng xuất hiện sau những trận đánh dữ dội, náo động. Chỉ còn một cụm cứ điểm mang tên Isabelle cách sở chỉ huy của tướng De Castries vài kilômét về phía Nam, dưới sự chỉ huy của đại tá Lalande, là đang cố đẩy lùi cuộc tiến công quyết liệt của Việt Minh, những người đang nắm phần thắng. Cuộc cầm cự kéo dài tới gần 1 giờ sáng ngày 8 tháng 5 thì kết thúc.




Điện Biên Phủ sụp đổ báo trước sự cáo chung của cuộc phiêu lưu quân sự trong chiến tranh thuộc địa, tạo một bước ngoặt trong quan hệ giữa các nước gọi là văn minh với các dân tộc bị đặt dưới sự bảo hộ của họ.
Tuy nhiên, trong lúc này, các chiến binh ở Điện Biên Phủ vẫn chưa có đủ thời gian rảnh rỗi để ước lượng tầm vóc của toàn bộ cuộc chơi trong trận đánh.

Những binh lính trong các chiến hào thung lũng lòng chảo đã tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt. Bị bao vây, bị kẹp chặt trong những gọng kìm, họ chỉ có thể sống và chiến đấu nhờ tuyến vận tải tiếp tế hậu cần do không quân đảm nhiệm. Vai trò của lực lượng máy bay vận tải trong cuộc chiến ở Điện Biên Phủ là thiết yếu. Vậy mà, đã xảy ra rất nhiều trường hợp các phương tiện của cơ cấu tổ chức không đủ để đảm đương nhiệm vụ. Sự yếu kém của lực lượng máy bay vận tải trong một đất nước mà giao thông vận chuyển đường bộ cũng tỏ ra cực kỳ chậm chạp, rất dễ bị phá hoại, hoạt động quân sự mặt đất phải gắn liền với chuyển vận đường không, đã là mối quan tâm của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Pháp tại Đông Dương. Vì vậy, ngay từ đầu năm 1953, Bộ tổng tư lệnh đã đề nghị Mỹ giúp đỡ và đã được các nhân vật cấp cao của Mỹ chấp nhận cho Pháp được sử dụng vài chiếc máy bay vận tải cỡ lớn, được gọi là Flying Box Car nghĩa là “xe ôtô ca bay” do các nhân viên phi hành Mỹ điều khiển bên cạnh các quân nhân Pháp.

Thoạt đầu, mới chỉ là một sự giúp đỡ hạn chế, tạm thời, khiêm tốn. Nhưng sau đó, trước những yêu cầu thực tế ngày càng to lớn, nó đã trở thành một sự đỡ đầu có tính chất chiến đấu. Đến thời kỳ xảy ra cuộc chiến tại Điện Biên Phủ thì sự giúp đỡ này đã vượt quá rất nhiều khuôn khổ một đội máy bay vận tải, có lúc lên tới 29 máy bay vận tải cỡ lớn với 22 kíp phi hành. Đó là khởi đầu sự tham gia của máy bay Mỹ C119 cho tới khi kết thúc cuộc chiến tranh của lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông.




Đội máy bay vận tải cỡ lớn C119 Packet chỉ tồn tại trong thời gian diễn ra chiến dịch ở Điện Biên Phủ, là đơn vị không có truyền thống, không để lại một ghi chép nào trong lịch sử, nằm trong lực lượng không quân vận tải của Pháp như một thực thể non yểu của kiếp phù du, lai tạp, số phận chỉ dành cho nó sự quên lãng.

Để những kỷ niệm về một mảng hoạt động quân sự đặc biệt khỏi tan biến hết, tôi quyết định ghi lại nhật ký hoạt động của đội máy bay vận tải C119 Packet, mặc dù những mẩu chuyện mà tôi có thể thu lượm được không nhiều, những hoạt động cá nhân hòa trong những hoạt động liên quan của tập thể. Sau khi suy nghĩ, tôi đã nối lại công việc bị bỏ dở dang vài năm và đã cố sưu tầm nghiên cứu để có được một công trình đầy đủ hơn về mặt tư liệu. Tuy nhiên, dù tham vọng như vậy, cuốn sách này vẫn chỉ có tính chất cá nhân.

Những câu chuyện dưới đây chỉ mang một đặc thù của sự cam kết (lái máy bay vận tải), không thể làm quên được, dù trong chốc lát, cuộc sống của những lính dù, lính lê dương, lính thuộc địa, lính bộ binh, công binh, kỵ binh, pháo binh, những sĩ quan, hạ sĩ quan, lính thường, tất cả những con người cùng trong một chiến thuvền của máu, lửa, sắt thép, những người còn sống sót giữa những thây ma, không hy vọng được một người nào tới thay thế, không có một sự giải thoát nào ngoài cái chết hoặc những trại tù binh của Việt Minh.

MARC BERTIN

Mời các bạn đón đọc Máy bay Mỹ trên bầu trời Điện Biên Phủ của tác giả Marc Bertin.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *