Hoan Châu ký (viết tắt HCK) từ vòng tay nâng niu gìn giữ của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An suốt mấy trăm năm giờ đây lần đầu tiên đến cùng chúng ta với những đặc điểm nổi bật làm nên giá trị lâu dài của nó: một bộ tiểu thuyết chương hồi thuộc loại cổ nhất, một tập sử tư nhân viết về thời kỳ Lê trung hưng, một cuốn phổ ký mang nhiều nét khác lạ…
Nhưng HCK đồng thời cũng chứa đựng những phức tạp về mặt văn bản. Để mở đường cho việc đi sâu vào tìm hiểu giá trị HCK, trước hết hãy làm rõ một số vấn đề có tính chất văn bản học.
***
Năm biên soạn sách
HCK không ghi rõ năm biên soạn xong sách, tuy nhiên qua tác phẩm, ta có thể đoán định khoảng thời gian HCK được biên soạn. Lời bạt có đoạn viết: “Chuyện kể ra đây khởi đầu từ năm Bính Tuất triều Nhuận Hồ, đến năm Bính Ngọ thuộc niên hiệu Vĩnh Trị của bản triều cộng cả thảy 273 năm sự tích”. Năm Bính Ngọ niên hiệu Vĩnh Trị là năm 1678, thuộc thời Lê Hy Tông, như vậy sách không thể viết xong trước niên điểm này. Từ hai chữ “bản triều” cũng có thể khẳng định sách được viết ra vào triều Lê chứ không phải là vào các triều đại sau đó.
Có thể xác định năm biên soạn sách một cách cụ thể hơn không? Trong Lời bạt, tác giả viết:
“Ngu tôi hồi còn bé từng lùng sục nơi bạn hữu được cuốn Thường quốc nam chinh ký và cuốn Phan Thị trường biên, mỗi cuốn chỉ còn vài mươi tờ, độ một phần ba tác phẩm. Giấy thì mọt ăn, chữ thì rơi rụng. Đến mùa đông năm Bính Tí sưu tầm thêm được cuốn Hoan Châu Nguyễn Cảnh ký còn lưu giữ tại Đô Lương thì lời văn vụng về, chữ nghĩa sai lạc, tam sao thất bản, không thể nói là không đáng tiếc. Vậy là nhân lúc rỗi rãi, tôi đem ba tập trên hợp lại thành một tập”. Năm “Bính Tí” mà Lời bạt nhắc tới ở đây có thể là năm 1696 cũng có thể là năm 1756, muộn hơn năm Bính Tí trên một hoa giáp nữa. Lời bạt cho biết lý do ra đời của tác phẩm, một là nhằm bổ sung sự tích các công thần thời Lê trung hưng mà “quốc sử” hoặc bỏ sót hoặc ghi chép còn sơ lược; hai là nhằm đính chính lại một số sự kiện “quốc sử” ghi chưa thật chính xác. “Quốc sử” mà Lời bạt nói ở đây và trong chính văn HCK thỉnh thoảng cũng có nhắc tới trước hết là Đại việt sử ký toàn thư (viết tắt ĐVSKTT) phần Bản kỷ tục biên (BKTB) được thực hiện dưới các triều Lê Huyền Tông (1663-1671), (viết từ Trang Tông Dụ hoàng đế đến Thần Tông Uyên hoàng đế) và Lê Hy Tông (1676-1705), (viết từ Huyền Tông Mục hoàng đế đến Gia Tông Mỹ hoàng đế). Thứ đến là Trung hưng thực lục (viết tắt THTL), do Hồ Sĩ Dương cùng một số người khác biên soạn theo sắc lệnh nhà nước. Trong cả hai bộ sử, hình ảnh các công thần thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh hoặc chỉ được ghi chép một cách hết sức mờ nhạt như ở BKTB, hoặc thậm chí không được đả động gì tới như ở THTL. Nếu quả thật đây là lý do đã khiến người trong dòng họ Nguyễn Cảnh viết HCK, thì năm biên soạn cụ thể của tác phẩm phải tiếp cận với năm biên soạn hai bộ sử nói trên. THTL ấn hành năm 1676. BKTB cùng các phần khác trong ĐVSKTT ấn hành năm 1697. Vậy HCK rất có thể đã được viết ít lâu sau năm Bính Tí thứ nhất 1696, sát cận với năm công bố THTL và ĐVSKTT mà chẳng phải chờ đến năm Bính Tí thứ hai 1756, khi nỗi “bất bình” của dòng họ Nguyễn Cảnh đối với “quốc sử” đã lùi sâu vào dĩ vãng.
***
Tác giả
HCK không ghi rõ tên tác giả. Nhưng vẫn có thể thấy một phần câu giải đáp qua việc so sánh cách ghi thế thứ trong HCK mà ta tạm gọi là bản B (ứng với loại gia phổ của dòng họ Nguyễn Cảnh viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi), với cách ghi thế thứ trong một vài cuốn gia phổ khác cũng của dòng họ Nguyễn Cảnh hiện còn được lưu giữ tại Nghệ An mà ta tạm gọi là bản A2 và bản A3 (A ứng với loại gia phổ của dòng họ Nguyễn Cảnh không viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi) sau đây:
Chỗ giống nhau giữa ba bản phổ ký là đều ghi chép đầy đủ sáu thế hệ đầu của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An, từ Nguyễn Cảnh Lữ đến Nguyễn Cảnh Kiên. Riêng bản A3 và bản B còn ghi chép giống nhau đến Nguyễn Cảnh Hà. Phần khác nhau trong từng cuốn gia phổ do vậy sẽ trở thành tiêu chí tự nhiên để phân biệt gia phổ của chi họ này với gia phổ của chi họ khác trong dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An nói chung. Bản A2 bắt đầu ghi khác nhau từ Nguyễn Cảnh Ất, ta có thể gọi đây là gia phổ của chi họ Nguyễn Cảnh Ất. Bản A3 bắt đầu ghi khác nhau từ Nguyễn Cảnh Cái, ta có thể gọi đây là gia phổ của chi họ Nguyễn Cảnh Cái. Cũng vậy, bản B tức loại gia phổ viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi như HCK bắt đầu ghi khác nhau từ Nguyễn Cảnh Quế, ta có thể gọi đây là loại gia phổ của chi họ Nguyễn Cảnh Quế.
HCK là gia phổ của chi họ Nguyễn Cảnh Quế, điều đó có nghĩa tác giả HCK là người trực tiếp liên quan đến chi họ này. Khi HCK hoàn thành vào khoảng ít lâu sau 1697, thì Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế đã mất trên dưới 30 năm . Có thể nghĩ người soạn HCK nếu không phải anh em, thì cũng là thế hệ tiếp ngay sau Nguyễn Cảnh Quế.
Có điều, hình như tác giả HCK không thích xuất đầu lộ diện, Người soạn sách chỉ muốn xem tác phẩm của mình như là món quà chung của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An hiến dâng cho cả nước. Nói cách khác, tác giả HCK là người trong họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An xưa
***
Tên sách
Dễ dàng phát hiện trong HCK một số tên gọi khác nhau về sách. Đầu Hồi ba, có ghi: “Thiên Nam liệt truyện quyển đệ lục, Nam Đường phiếm thoại tứ hồi tam, Nguyễn Cảnh thị Hoan Châu ký” (Thiên Nam liệt truyện, quyển thứ VI; Nam Đường phiếm thoại, hồi thứ III trên tổng số 4 hồi; Hoan Châu ký của họ Nguyễn Cảnh). Đầu Hồi bốn, cũng có ghi: “Thiên Nam liệt truyện quyển đệ thất, Nam Đường phiếm thoại tứ hồi tứ, Nguyễn Cảnh thị Hoan Châu ký” (Thiên Nam liệt truyện, quyển thứ VII; Nam Đường phiếm thoại, hồi thứ IV trên tổng số 4 hồi; Hoan Châu ký của họ Nguyễn Cảnh). Có thể nghĩ đây là cách ghi nhất quán trước mỗi hồi sách lúc ban đầu, nhưng về sau, trong quá trình sao đi chép lại, người chép đã tự ý lược bỏ hoặc chép sót các tiêu đề này ở các hồi, trừ Hồi ba và Hồi bốn.
Vậy trong số các tên gọi trên – Hoan Châu ký, Nam Đường phiếm thoại, Thiên Nam liệt truyện – đâu là tên gọi chính thức của bộ sách?
Trước hết, hãy nói về Thiên Nam liệt truyện. Theo sách, khái niệm “Thiên Nam” có hai nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Nghĩa rộng, chỉ nước Việt Nam, như trong câu nói sau đây của Phan Ngạn, một nhân vật trong HCK: “Vậy mà nay khi đất Thiên Nam dần dần ổn định, Chúa thượng lại đem dạ nghi ngờ, trừng trị ráo riết bọn bề tôi” (Hồi ba, Tiết thứ ba). Nghĩa hẹp, chỉ vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, như trong bài văn bia do Lưu Đình Chất soạn cho chùa Bụt Đà ở Đô Lương được chép trong HCK: “Châu Thiên Nam từ xưa có ngôi chùa Phật nổi tiếng ở Bụt Đà” (Hồi bốn, Tiết thứ nhất). Thiên Nam liệt truyện do vậy có thể hiểu như là tên một tập sách bao gồm sự tích các nhân vật nổi tiếng vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, căn cứ địa của nhà Lê trung hưng, hay nới rộng ra, trên địa bàn Việt Nam nói chung dưới triều Lê. Thiên Nam liệt truyện là một bộ sách gồm nhiều quyển, trong đó các quyển 4, 5, 6 và 7 dành cho HCK.
Tiếp đến là Nam Đường phiếm thoại. “Nam Đường” nơi phát tích của dòng họ Nguyễn Cảnh, là tên một huyện thuộc Nghệ An thời Lê. Tác giả HCK giải thích lý do sử dụng tên Nam Đường phiếm thoại như sau: “Đã nói là sách của dòng họ Nguyễn Cảnh, lẽ ra chỉ chép về một gia tộc thôi. Đằng này lại có nhiều đoạn dính líu tới quốc sự, nhiều chứng cứ viện dẫn từ sách cổ, không thể không cài thêm vào nhan đề mấy chữ “Nam Đường phiếm thoại”. Chữ “thoại” ở đây không đề riêng cho dòng họ Tấn quốc công, mà đề chung cho chuyện phiếm Nam Đường” (Lời bạt). Thế có nghĩa là Nam Đường phiếm thoại cần được hiểu như một định ngữ nói lên tính chất “vượt khỏi khuôn khổ gia phổ” của HCK.
Cuối cùng là các chữ “Nguyễn Cảnh thị Hoan Châu ký”, cái tên soạn giả đã sử dụng để mệnh danh tác phẩm của mình, như Lời bạt HCK cho biết. “Hoan Châu” tức Nghệ An xưa. Hoan Châu ký là tập truyện viết về Nghệ An, lấy “dòng họ Tấn quốc công” làm chủ thể. Nguyễn Cảnh thị Hoan Châu ký vì vậy có thể hiểu như là tập truyện ký viết về dòng họ Tấn quốc công ở Nghệ An, do dòng họ Nguyễn Cảnh thực hiện. Hoan Châu ký là tên chính thức của tác phẩm. “Nguyễn Cảnh thị” vừa là trung tâm câu chuyện, vừa là tác giả bộ sách.
Mời các bạn đón đọc Thiên Nam Liệt truyện – Hoan Châu Ký của tác giả Nguyễn Cảnh Thị.
Chia sẻ ý kiến của bạn