Mùa hè đỏ lửa là nhan đề thiên tùy bút do tác giả Phan Nhật Nam thực hiện tháng 03 năm 1973 tại Quảng Trị, Sáng Tạo xuất bản năm 1972 và Hiện Đại tái bản năm 1973 đều tại Sài Gòn.

Theo tự thuật, vào thời điểm khởi thảo – tháng 04 năm 1972, tác giả theo Lữ đoàn II Nhảy Dù đổ bộ xuống đồi Charlie (nơi được lính đặt biệt danh “nồi cơm điện National” vì mức độ quyết liệt) nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế qua quốc lộ 14 của các sư đoàn cộng quân. Sau đó, nhân vật xưng Tôi lại theo nhiệm vụ tiếp ứng Tiểu đoàn I Thủy Quân Lục Chiến giải phóng quốc lộ 1 và toàn tỉnh Quảng Trị tới hết tháng 03 năm 1973.

Tác phẩm được gửi in tại nhà Sáng Tạo ở đô thành Sài Gòn trong năm 1973 và liên tục được các san hành xã khác nhau tái bản, trở thành ấn phẩm chiến tranh ăn khách và gây ấn tượng nhất thập niên 1970 ở cả hai miền Việt Nam. Tới thời điểm 30 tháng 04 năm 1975, các nhà in này thậm chí chưa thanh toán hết nhuận bút cho tác giả. Sau sự kiện Tháng Tư Đen, Mùa hè đỏ lửa cùng mọi tác phẩm kí danh Phan Nhật Nam bị đem ra đường phố đốt trong “chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” năm 1978. Tuy nhiên, những ấn bản khác vẫn tồn tại ở nhiều thư viện tư thục nên nội dung không hề mai một theo thời đại.




Ở thập niên 1980, tác phẩm lại được các nhà san hành hải ngoại cho tái xuất cả nguyên bản và dịch bản, đồng thời nội dung được đưa vào tàng trữ tại thư khố Đại học Michigan. Đến năm 1998, nhân kỉ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tác giả Phan Nhật Nam bổ sung trong bản in mới các bài tựa để củng cố chiều sâu tác phẩm và tới nay được công nhận là bản lưu hành chính thức.

Bản ấn loát tác phẩm Mùa hè đỏ lửa được chia thành 4 chương, xen 2 bài phi lộ. Tác phẩm tiếp nối phong cách Dấu binh lửa nhưng chủ đích khắc họa rõ hơn những mặt người thời chiến. Hiện thực chiến tranh tuy tàn khốc nhưng không bi lụy, thậm chí có những đoạn kể truyện rất tếu đời lính. Trong ấn bản cuối cùng năm 1998, tác giả đã hiệu chính tác phẩm theo thi pháp ca khúc Người ở lại Charlie của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và thi phẩm Chiều trên phá Tam Giang của thi sĩ Tô Thùy Yên, mà ở thời điểm Mùa hè đỏ lửa mới phát hành, những bài này chưa công bố.

Lời Mở Đầu

Chương 1 : Phác họa cứ điểm Tân Cảnh

  • Charlie – tên nghe lạ quá
  • Đến đây – người gặp người
  • Trận đánh trên cao điểm
  • Ngày cuối của một người

Chương 2 : Chân dung trung tá Nguyễn Đình Bảo – tiểu đoàn trưởng 11 Nhảy Dù

  • Đốt Charlie
  • Người ở lại với Charlie
  • Anh Năm kính yêu
  • Tạm kết – Charlie mất

Chương 3 : Thư chị Nguyễn Thị Hàng (giáo viên ở Nghệ An) gửi người yêu Lê Văn Hưu – chiến sĩ trung đoàn 124 Bắc Việt, hi sinh ngay trận đầu sau 6 tháng vượt Trường Sơn vào Nam

  • An Lộc – miền Đông không bình yên
  • Quê hương của loài nai
  • Địa ngục trước mặt
  • Mãn thiên hoa vũ
  • Chân dung người giải phóng
  • Chiến trường lộ mặt
  • Thư của người tình hư vô

Chương 4 : Đất và người Trị Thiên giữa hai làn đạn

  • Trị Thiên – đất vinh danh cho người
  • Về quê hương điêu tàn
  • Huế còn thở
  • Bay trong hoàng hôn
  • Dậy đường tử khí
  • Người Lính Việt Nam – một nhiệm mầu
  • Đêm trên bờ Thạch Hãn

Trước khi Mùa hè đỏ lửa phát hành, tác giả Phan Nhật Nam đã được đánh giá là một trong những cây bút thượng hạng trong giới văn chương về đề tài chiến tranh. Nhưng ngay khi công bố, tác phẩm đã gieo những kinh ngạc trong báo giới về doanh thu và phải tái bản 30 lần để đáp ứng nhu cầu độc giả. Thành công vang dội này đem tên tuổi ông ra quốc tế, đồng thời, nhan đề tác phẩm về sau được coi là định danh phi chính thức của chuỗi chiến dịch Xuân Hạ 1972 trong các văn bản khoa học. Còn theo nghiên cứu gia Vương Trí Nhàn, từ những năm trước và sau sự kiện 30 tháng 04 năm 1975, tác phẩm Mùa hè đỏ lửa cùng một số ấn phẩm khác của tác gia Phan Nhật Nam đã được các nhà văn khoác áo lính ngoài Bắc tìm đọc khi có cơ hội vào thành thị miền Nam. Riêng với tác phẩm Mùa hè đỏ lửa, Phan Nhật Nam đã trở thành một vấn đề văn học thời chiến, gây nên những tranh luận sôi nổi trong giới văn bút Hà Nội từ thập niên 1970 mãi tới những năm 2020.

Ngày 04 tháng 03 năm 1973, tác giả Phan Nhật Nam tới phi trường Lộc Ninh chứng kiến lễ trao trả tù binh với tư cách kí giả quân sự. Theo lời khuyên của hai bạn văn Nguyễn Văn Thành và Đỗ Ngọc Yến, ông đem theo cuốn Mùa hè đỏ lửa. Tại đây, trước mặt 30 phóng viên quốc tế, ông gặp kí giả Bùi Tín (tư cách phóng viên báo Nhân Dân) và cho ông Bùi Tín coi bức ảnh in trong Mùa hè đỏ lửa để chứng minh vụ thảm sát Huế. Sau cuộc gặp này, ông bị phạt 60 ngày trọng cấm vì tội “phát-biểu bất-lợi cho quốc-gia và phổ-biến tác-phẩm bất hợp-pháp”. Sự kiện này về sau cũng được kí giả Bùi Tín xác nhận.

Tác phẩm được trao Giải-thưởng phóng-sự chiến-trường năm 1973.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *