Cuốn sách viết về hành trình trải nghiệm của tác giả qua nhiều vùng miền của lục địa Âu châu. Nhưng bạn đọc sẽ không tìm thấy những bốc đồng, ồn ào thưởng thấy ở những cuộc du ký. Dù ở những miền đất nồng nhiệt, sôi động nhất vẫn bao phủ một màu sắc trong sáng và cảm xúc mỏng manh. Bị cuốn hút cho đến trang cuối cùng của cuốn sách, lúc này bạn sẽ nhận ra: thì ra chỉ cần có tình, nơi đâu cũng là xứ sở thần tiên.
Như một khúc nhạc của miền đồng quê châu Âu yên tĩnh, những bỡ ngỡ như đứa trẻ học vỡ lòng khi được đắm chìm giữa những cung đường văn hóa châu Âu, “Hẹn hò với Châu Âu” của Bùi Mai Hương tái hiện một hành trình tình yêu khôn nguôi, những thổn trước trước cái hay cái đẹp và thôi thúc người đọc được khao khát đi để trải nghiệm.
“Hẹn hò với Châu Âu” là cuốn sách mà bất kỳ ai thích “xê dịch” không nên bỏ qua. Những trải nghiệm chân thành, trong sáng và đầy hân hoan của tác giả sống động đến mức khiến bạn có cảm giác như chính mình đang đi du lịch giữa châu Âu vậy. Đặc biệt, cuốn sách là khối kiến thức thú vị về cuộc sống, con người, phong tục, tập quán của những vùng miền tác giả đi qua giúp bạn mở mang tầm hiểu biết của mình.
***
Về tác giả:
Bùi Mai Hương sinh năm 1978 tại Hà Nội, năm 27 tuổi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại Đại học Innsbruck, Cồng hòa Áo. Phần lớn những hành trình trong cuốn sách được thực hiện trong thời gian này. Hiện tại chị đang là giảng viên bộ môn Kỹ thuật dệt may, Khoa Cơ Khí, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
***
LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ
Trong khoảng 5 năm của tuổi trẻ, do đi du học nên tôi đã rong ruổi ở châu Âu và một số nước khác khá nhiều. Có nơi ở vài ngày, vài tuần, có nơi tới tận vài năm. Vì chưa bao giờ xác định sẽ định cư ở nước ngoài nên đi đâu tôi cũng cảm thấy quá thiếu hụt thời gian. Lúc nào trong đầu tôi cũng có tư tưởng phải đi cho bằng hết, khám phá cho bằng hết, sợ rằng sẽ không có dịp nào quay lại. Thời gian ấy , tôi thiếu ngủ trầm trọng bởi ngay cả trong mùa đông tuyết rơi mịt mù, khoảng sáu giờ sáng tôi đã dậy, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để ra phố lang thang khi thành phố còn say ngủ. Tối muộn lại thì thầm cà phê hoặc đi dạo với bạn bè trên những con phố vắng.
Khi về nước, sợ sẽ quên hết, tôi ghi chép lại tất cả rồi đăng lên blog của mình. Thật bất ngờ những người bạn quen và chưa quen đã đọc, chia sẻ với tôi bằng những cảm nhận sâu sắc, chân thành nhất. Điều đó càng thúc đẩy tôi cố gắng viết khi cảm xúc còn vẹn nguyên sau mỗi chuyến đi.
Vài năm sau khi cuộc sống của tôi sang trang mới với những bận rộn gia đình, công việc, tôi đọc lại những trang viết của mình và ngỡ ngàng nhận ra điều mình lo sợ ngày xưa là đúng: tôi đã quên đi khá nhiều. Tôi thầm cảm ơn những người bạn ngày trước đã thúc giục tôi viết để giờ đây tôi có dịp hồi tưởng lại những trải nghiệm xưa trên những cung bậc cảm xúc mới. Tôi quyết định tập hợp những bản thảo rời rạc của mình lại thành cuốn sách này để lưu giữ cho tôi, cho người thân, bạn bè, cho cả những ai mang trong mình giấc mơ được trải nghiệm trên nhiều vùng đất và nhiều nền văn hóa khác nhau. Trang viết của tôi có thể không có những cảm xúc tươi mới, cuồng nhiệt như tuổi đôi mươi nhưng chắc chắn là có rất nhiều chiêm nghiệm, rất nhiều bâng khuâng hoài niệm và những tình cảm mà khi ở một sự trưởng thành nhất định, người ta mới có thể hiểu.
Khi ngồi sắp xếp lại du ký của mình, tôi chợt nhận ra tất cả những chuyến đi thực hiện khi tôi đang… không yêu ai cả. Đó có thể là cái rủi của tôi khi không được chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc sống bên người mình yêu thương, nhưng đó cũng có thể là cái may bởi khi cất tình riêng sang một bên, cảm nhận của tôi đã dành trọn vẹn cho mảnh đất dưới chân mình. Tôi có thời gian ngó nghiêng xem xét từng ngóc ngách mà không cần lên một kế hoạch cụ thể nào, tôi có những phút cô đơn để tư lự bên những góc nhỏ của nơi mà tôi đến, tôi có thể phiêu với những người bạn mới quen và tôi cũng có tâm trạng để nhìn ngắm người ta tay trong tay, để mỉm cười khi gặp biết bao mối tình hạnh phúc trên những nẻo đường tôi qua. Vì chưa dành tình riêng cho ai mà trái tim tôi còn chỗ để phải lòng những miền đất mới. Những miền đất ấy cũng trả lại cho tôi đầy đủ những cung bậc mà tình yêu có thể: có niềm hạnh phúc vô bờ khi được chạm đến những huyền thoại văn hóa, lịch sử, có nỗi chua xót trước những số phận cơ cực và đổi thay của nhân thế, có những phút giây dường như chỉ còn ta với ta bên những dòng sông trong xanh thơ mộng đang lững lờ trôi.
Chính vì những lý do đó mà tôi muốn kể lại câu chuyện của mình như ghi lại cho tôi và cho bạn một thứ tình cảm luôn in sâu trong trái tim những kẻ lữ hành trên những cung đường đầy cảm xúc thứ tình mà khi cho đi, ta nhận lại về kỷ niệm, để mỗi khi nhìn lại, ta thầm cảm ơn số phận đã trao cho ta những phút giây quý báu ấy.
Cảm ơn bố mẹ đã cho tôi ước mơ, cảm ơn các con đã cho tôi động lực để viết và cảm ơn các bạn, những người sẽ cùng tôi đi lại những nẻo đường tình yêu trong cuốn sách này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị biên tập viên báo Sành Điệu, đặc biệt là chị Thu Ngần, những người đầu tiên đã hết lòng động viên tôi dấn thân vào con đường trải lòng với những con chữ.
Bùi Mai Hương
Sóng biển Alexandria
Cairo là nơi luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm nhất trong tôi, vừa thương nhớ vô vàn vừa hờn giận trách cứ. Cũng chính Cairo thôi thúc tôi viết ký sự đầu tiên, bởi tôi biết rằng nếu không viết lại, tôi sẽ nợ tôi, nợ Cairo, nợ gia đình bạn bè mình.
Cairo không phải là nơi đầu tiên tôi đến, tôi cũng chỉ ở Cairo vỏn vẹn tám ngày nhưng tôi chọn Cairo để mở đầu cho hành trình tình yêu của mình, bởi đây là mảnh đất đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc hỗn độn và thăng hoa nhất, mảnh đất khiến tôi phải thức mấy đêm trong cái lạnh mùa tuyết tan châu Âu để ghi chép lại cẩn thận từng chữ một về nó. Khi viết xong, tôi tưởng mình đã kiệt sức bởi ăm ắp những sự kiện, những cung bậc cảm xúc khiến tâm trí tôi xáo động vô cùng.
Trước khi khởi hành đến Cairo, Mohammad –người bạn thân gốc Palestine và Anne – người gắn bó với tôi trong rất nhiều chuyến đi đã khẳng định chắc chắn rằng: “Em sẽ yêu Cairo lắm cho mà xem”. Tôi đã bướng bỉnh không tin. Thậm chí, nhiều lúc quá căng thẳng mệt mỏi, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quay lại Cairo nữa. Tôi đã lầm. Với tôi, tám ngày ở Cairo là tám ngày đáng nhớ với rất nhiều sự kiện, rất nhiều cảm xúc, lúc yêu lúc ghét, lúc thư giãn, xúc động tột cùng, lúc căng thẳng, lo lắng đến hoảng sợ, lúc cười giòn tan bên sa mạc hoang cát, lúc ngậm ngùi trước nỗi khổ cực của con người. Và cuối cùng, thì ra có cả những lúc rơi lệ vì giờ phút chia xa.
Cảm nhận của tôi về Cairo sẽ không giống như người anh mới quen đã sống sáu năm nơi đất này, không giống như Anne – người quay trở lại Cairo lần thứ hai với tất cả sự háo hức và tình yêu có được từ lần đến đầu tiên. Cairo của tôi hiện lên như một giấc mơ đủ để khi tỉnh lại, người ta cười vì hạnh phúc và khóc vì tiếc nuối.
Những giấc mơ ở Cairo
Giấc mơ đầu tiên của tôi là về Kim Tự Tháp. Tôi đến Giza huyền thoại lần đầu vào một đêm sa mạc lung linh trong buổi trình diễn có hiệu ứng âm thanh ánh sáng mang tên Light And Sound. Tôi không nhìn rõ Giza lắm từ khoảng cách khá xa, nhưng bầu trời sa mạc trong veo đầy sao cùng những âm thanh hiệu ứng khiến tôi chợt tan vào giấc mơ có tiếng ngựa hí từ ngàn xưa vọng về, tiếng những đoàn người rầm rập, tiếng trở mình mùa lũ của sông Nile để đưa những tảng đá lên đúng vị trí đã định xây thành Kim Tự Tháp. Ánh sáng chiếu lên Kim Tự Tháp mô tả lại công việc xây dựng hàng nghìn năm về trước, hơn hai triệu khối đá nặng cỡ một tấn rưỡi được ghép thành những hình khối chính xác đến chuẩn mực. Tôi vừa xem vừa nhớ bài học của thầy Sắn, thầy giáo dạy hình học nổi tiếng trường Bách Khoa khi xưa, người gợi cho tôi giấc mơ Ai Cập từ gần mười năm trước. Thầy nói với lũ học trò chúng tôi rằng: “Các đỉnh của Kim Tự Tháp nối thẳng với những chòm sao”. Qua nghìn năm vận đổi nhưng sao chẳng dời, vị trí những vì sao lấp lánh trên cao kia chắc không hề thay đổi, cuộc sống thì đã có bao biến động. Đêm ấy, quanh tôi khá đông người nhưng bầu trời đêm sa mạc cao rộng và gió cát bao la khiến tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé trước thiên nhiên và lịch sử. Tấm áo khoác mỏng manh không đủ để che chở tôi khỏi run lên trước cảm xúc của chính mình. Tối hôm đó, tôi thực sự đắm chìm trong không gian nguyên sơ ấy một cách ngây thơ và mộng cảm nhất. Mấy ngày sau, tôi trở lại Kim Tự Tháp vào buổi chiều. Tôi còn nhớ rõ khi ấy tôi đã sững sờ thế nào. Trong ánh tà dương, nắng thong thả rót xuống đỉnh hình khối sừng sững và uy nghi ấy như đang múa vũ điệu lộng lẫy mà tĩnh lặng. Tượng nhân sư huyền thoại, những khối đá to lớn với đầy bề dày lịch sử khiến tôi choáng ngợp. Khả năng và sức sáng tạo của một nền văn minh cổ đại huy hoàng thật đáng ngưỡng mộ.
Giấc mơ thứ hai của tôi là cưỡi lạc đà trên sa mạc. Dân ở đây thường cưỡi ngựa nhưng du khách thì đa phần cưỡi lạc đà để hiện thực hóa những gì họ từng tưởng tượng. Và tôi cũng không là ngoại lệ. Trước đó tôi đã được dặn dò rất cẩn thận nên cũng hơi lo lắng, nhưng cảm giác đó tan biến ngay lập tức khi tôi ngồi lên lưng một con lạc đà cao cỡ hai mét có điệu đi đu đưa giật nhịp rất đặc trưng. Nhận ra là tôi không sợ nên chỉ một lúc sau, ông chủ con lạc đà đã đưa cho tôi cầm cương nó. Do không biết đường đến Kim Tự Tháp nên cả quãng đường chinh phục sa mạc của tôi gắn liền với tiếng nhắc nhở: “Dear Mai, right, left, right, left” (Mai, đi trái, phải, trái, phải) của ông chủ lạc đà, tôi thì luống cuống giật dây miệng hét liên tục: “left, right…” (tên tôi ở Ai Cập là Mai vì không một người Ả Rập nào gọi được cái tên Hương trúc trắc của tôi cả). Suốt quãng đường chỉ có một “tai nạn” nho nhỏ, con gái muôn đời vẫn là con gái. Nửa chừng thấy tóc tai rối bời vì gió cát, tôi buông dây cương để buộc tóc, nhân cơ hội chú lạc đà bướng bỉnh tận hưởng tự do, quay tít mấy vòng và còn định lấy đà phi nhanh. May mà ngọn roi của ông chủ đã ghìm nó lại. Hú vía!
Một giấc mơ nữa của tôi trên đất nước này cũng đã được thực hiện, đó là chạm tay vào làn nước biển của thủ phủ nơi có huyền thoại bất tử về Alexander Đại Đế. Chuyến đi Alexandria ngắn ngủi sau nhiều lần lỗi hẹn, nhưng bù lại, tôi được chiêm ngưỡng một buổi bình minh không thể quên với những ngôi nhà, những con thuyền soi bóng trên mặt nước. Chúng tĩnh lặng đến nỗi dù lướt đi mà dường như không chuyển động. Pháo đài cổ đại thấp thoáng phía xa khiến khung cảnh càng đẫm chất sử thi. Tôi cũng đặt chân đến thư viện Alexandria nổi tiếng nhất thế giới. Dù dấu tích của thư viện cổ không còn gì nhưng kiến trúc thư viện mới rất đẹp và quy củ. Bên trong thư viện, những cô gái đạo Hồi trùm khăn kín mít ngồi đọc sách và lướt internet. Bên ngoài, em nhỏ ngây ngô chưa biết ngại ngùng tránh ống kính máy ảnh mang lại cho tôi những nụ cười hồn nhiên nhất. Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi ở đây là khi chuẩn bị chụp ảnh với bức tượng Alexander Đại Đế (Alexander the Great) thì cô bạn Anne của tôi dí dỏm trêu chọc: “Alexander the Great… and Huong the small” (Alexander vĩ đại và Hương nhỏ bé).
Ở Cairo, những giấc mơ có từ thời thơ ấu của tôi dường như được kéo dài vô tận. Chúng tiếp nối nhau như thể một ngày nào đó sẽ đưa tôi tới các vì sao từ đỉnh của Kim Tự Tháp.
Tình cảm tôi dành cho mảnh đất này không chỉ bắt nguồn từ những huyền thoại được truyền tụng mà còn từ những căn nhà lụp xụp, xác xơ ngay gần Kim Tự Tháp, những góc phố bụi bặm, những con số kỳ quặc mà mất mấy ngày tôi mới học thuộc được, những ngọn đèn đường xiêu vẹo đổ nát trong đêm, đẹp như một khoảnh khắc thời gian, những ánh mắt châu Phi ám ảnh nét cổ xưa và cả những đêm mất ngủ triền miên.
Đằng sau những giấc mơ
Tám ngày ở Cairo là tám ngày tôi sống với ngập tràn cảm xúc. Thành phố này hấp dẫn như một tình yêu thời thơ bé, không để tôi tĩnh tại với một cảm xúc nào quá lâu. Tôi chưa kịp hết kinh ngạc với dấu tích của một nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ thì đã ngơ ngác khi so sánh với sự hỗn độn, nghèo nàn của Ai Cập hiện tại. Tôi chưa hết choáng ngợp vì sự giàu sang tột cùng của khu trung tâm thành phố thì đã phải nghẹn lòng trước những mảnh đời cơ cực quá sức tưởng tượng. Tôi chưa kịp sung sướng với một món đồ lưu niệm đẹp đẽ mới mua được thì đã phải bực bội vì biết mình bị hớ với cái giá gấp đôi, gấp ba. Và khi tôi chưa kịp hân hoan với bức ảnh chụp cảng biển Alexandria thì đã hoảng hốt vì đợt tắc đường kéo dài hàng tiếng đồng hồ làm lỡ chuyến tàu quay lại Cairo.
Nếu chỉ ở khách sạn sang trọng và khám phá sông Nile bằng thuyền du lịch năm sao, tôi chắc đã thấy một Cairo rực rỡ sắc màu mà không biết rằng, ngoài kia, em bé đánh giày bên bờ sông Nile đang lần mò trong đêm trên những vỉa hè đầy khách du lịch, những khu nhà ổ chuột thiếu điện, thiếu nước, những niềm tự hào đang chìm vào quá khứ dưới bóng của những chứng tích bị xói mòn bởi thời gian… Sau ba ngày, tôi đã không uống suất nước cam buổi sáng của tôi nữa mà cố tình để lại trên bàn. Hôm trước, tôi vô tình nhìn thấy người phục vụ nam lặng lẽ cúi đầu uống chỗ nước cam còn thừa lại của tôi.
Anne tóc vàng cao lớn và tôi – cô gái châu Á bé nhỏ với lỉnh kỉnh đồ đạc trong đó có cả máy ảnh đã vô tình được xếp vào hàng khách du lịch giàu có. Và thế là chúng tôi được các chàng trai tán tỉnh mọi chỗ để mời chào mua hàng và vòi tiền. Không ít lần tôi muốn than trời vì bị quấy rầy. Tôi quá mệt mỏi khi mỗi lần ra đường là mỗi lần chiến đấu với các cuộc mặc cả taxi mà tôi luôn luôn là người thua cuộc. Nhưng rồi, tôi lại động lòng. Tôi thấy mình có phần “nhẫn tâm” khi biết rằng “cuộc chiến” của tôi với ông lái taxi già chỉ đáng giá mười euro cent – số tiền không đủ để tôi mua bất cứ thứ gì ở Áo, nơi tôi sống lúc đó.
Cairo cứ thế len lỏi vào trong trái tim rối bời cảm xúc của tôi.
Những đôi mắt phụ nữ ám ảnh luôn theo tôi trên mọi ngõ ngách, theo tôi cả vào những giấc mơ. Lần đầu đến đây, tôi cứ thắc mắc: ở đâu cũng thấy bán váy ngắn mà không hiểu bán cho ai khi các cô gái ra đường đều kín bưng trong những tấm khăn choàng Hồi giáo rộng thùng thình. Để ý kỹ tôi mới biết họ mặc váy ngắn với quần jean hoặc quần dài bên trong. Trên cơ thể họ, thứ duy nhất họ có thể khoe ra là đôi mắt nên chúng thường được trang điểm rất kỹ và ấn tượng. Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao trước đó và mãi về sau nữa, tôi luôn nhớ đến Cairo trước tiên là hình ảnh những đôi mắt ấn tượng ấy. Chúng vừa hoang dại, vừa bí ẩn lại đầy khát vọng. Tôi tôn trọng mọi tôn giáo, phong tục nhưng trong lòng luôn cảm thấy gợn buồn khi nhìn những người phụ nữ trong bộ đồ đen bịt bùng ấy. Với tôi, vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ luôn là tài sản của tạo hóa, không phải là của riêng ai. Tuy nhiên ở một đất nước mà cứ đến giờ cầu nguyện là tiếng loa lại vang khắp nơi giục giã hàng ngàn người cúi rạp đầu, bất kể lúc nào bật TV cũng thấy các giáo chủ cầu nguyện thì tôn giáo mới chính là thước đo của cái đẹp. Thế mới biết cuộc sống thật bao la.
Khách sạn cũng là một vấn đề đáng phải lưu tâm ở Cairo. Trước khi đến đây, tôi không thể đặt được khách sạn trực tuyến vì không tìm đâu ra hostel hay khách sạn ba sao. Không hiểu vì lý do gì mà ở Cairo chỉ toàn các resort bốn đến năm sao. Suy đi tính lại, tôi đành phải nhờ một người bạn sống ở Cairo đặt giúp phòng trong một nhà nghỉ ọp ẹp. Cái thang máy cơ trong nhà nghỉ này long ra như xương cốt người già, nhìn rõ cả xích và ròng rọc. Phòng tắm có bình nước nóng dùng gas to đùng như quả bom và vô vàn muỗi đêm vo ve. Khách sạn ở Alexandria cũng chẳng khá hơn ở Cairo bao nhiêu với cánh cửa chỉ có thể chốt từ bên ngoài khiến tôi cả đêm thấp thỏm, dù cuối cùng mọi thứ khá ổn. Tôi vô cùng hoang mang về “quyền làm việc hay xuất hiện ở nơi công cộng” của phụ nữ nơi đây khi tiếp tân, phục vụ phòng, đầu bếp đều là nam giới. Đến bán hàng ở chợ cũng hầu như toàn là đàn ông. Tìm đỏ mắt, cuối cùng tôi cũng gặp được một người phụ nữ hiếm hoi mặc đồ Âu, làm việc ở trung tâm nghiên cứu quốc gia Cairo, nơi tôi đến tham dự hội thảo. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được rằng xã hội Cairo cũng chia làm nhiều tầng lớp, có tầng lớp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa châu Âu và đa phần còn lại giữ nguyên nề nếp của một quốc gia Hồi giáo khắt khe.
Một vấn đề khác làm tôi bối rối là hệ thống giao thông chằng chịt và hỗn độn ở đây. Là người Việt Nam, quen với hệ thống giao thông nhiều bất cập vậy mà tôi cũng phải tái mặt mỗi khi sang đường ở Cairo. Mỗi lần xuống đường ở Cairo là một thử thách. Tôi thậm chí không biết phải theo chỉ dẫn của ai vì không thể phân biệt nổi công an, cảnh sát giao thông hay trật tự. Sau này tôi mới biết ở đây có đến hơn hai mươi lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ điều khiển giao thông trong nội thành. Tuy khá mệt mỏi nhưng hơn ai hết tôi biết rằng, đó là một đặc điểm rất riêng của Cairo, sự quyến rũ khác biệt của thành phố nghìn năm này. Phải chăng vì Cairo không dành cho bạn quyền được buồn tẻ? Vậy nên khi ở Cairo, hãy xác định bạn lúc nào cũng ở trong tình trạng mọi việc đều có thể xảy ra nhé. Tuy nhiên, vấn đề an ninh ở Cairo làm tôi khá thích thú và ấn tượng. Dù tôi mang theo nhiều đồ đạc cầm tay nhưng chưa bao giờ cảm thấy lo lắng. Chuyện ăn cắp, cướp giật dường như quá hiếm ở quốc gia đạo Hồi này. Nghe nói đó là một tội nặng đến mức có thể bị bêu riếu công khai hoặc chặt tay.
Cuộc sống đời thường ở Cairo
Người ta vẫn nói muốn hiểu cuộc sống ở một thành phố thì hãy đến chợ. Ở Cairo, chợ nổi tiếng nhất là Khan Khalili. Chợ này bán nhiều đồ trang sức lóng lánh, lương thực, vải vóc, quần áo và nhiều thứ khác nữa. Bông Ai Cập bày bán khắp nơi. Các cửa hàng gia vị có đủ thứ gia vị, thậm chí có cả những thứ tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Khác với nơi khác, tất cả gia vị ở đây đều đựng trong những thùng gỗ nho nhỏ. Cũng ở khu chợ này, lần đầu tiên tôi mua được vanilla khô, mùi thơm đậm đà, mặc dù từ bé đã ăn biết bao món có mùi vani. Ở đây, tôi lại bắt gặp nhiều ánh mắt ám ảnh của những người phụ nữ bán bánh, một bóng lưng còng của cụ già chở hàng, một cái nhìn tựa cửa của hai người đàn bà sống nơi ngõ nhỏ. Tất cả họ đều có gương mặt buồn bã, khắc khổ, hiếm khi thấy những nụ cười.
Chúng tôi hẹn nhau ở quán cà phê El Fishawy – cái quán trứ danh đã hơn hai trăm năm tuổi của Cairo. Nghe tiểu sử vẻ vang là thế mà El Fishawy chỉ nằm lọt trong ngoằn ngoèo ngõ phố chằng chịt của khu chợ này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi uống trà đen có thả vài lá bạc hà tươi và thử shisha. Cảm giác ngồi ở El Fishawy thật thú vị. Một chút tĩnh lặng giữa sôi động, một chút cũ kỹ, một chút nhếch nhác. Tất cả đều tỏa ra thứ cảm giác gần gũi khó tả. Sự thích thú lạ lẫm này khiến tôi “cả gan” để một người phụ nữ xa lạ vẽ hoa văn henna lên tay mình dù tôi chưa bao giờ thích xăm hình hay những thứ đại loại thế. Hình vẽ này như để tôi lưu lại một dấu ấn nhỏ của Cairo đa sắc màu trên cơ thể mình. Cairo làm tôi tò mò đến mức, dù có chút e ngại, tôi vẫn cùng mấy người bạn lang thang Cairo về đêm. Trong đêm, nhiều cảm giác được dung hòa khiến tôi thấy mình như cô gái nhỏ lang thang giữa sa mạc để hưởng thụ tự do một cách tuyệt đối nhất.
Cairo với tôi là thành phố không ngủ. Suốt thời gian ở Cairo, mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng bốn tiếng. Những đêm đầu là do tôi không quen với tiếng động ồn ã và muỗi, đêm sau nữa là do Anne và Yahya, một anh bạn của Mohammed, thuyết phục tôi đi chơi để thấy một Cairo khác, và đêm cuối thì tôi chính là người đòi được đi lang thang vòng quanh Cairo bằng được.
Tôi và Anne đã được chứng kiến “Cairo by night” (Cairo về đêm) khi theo Yahya đến một quán vỉa hè trong một ngõ nhỏ ngoắt ngoéo. Ở đây mỗi khách đến phải tự kéo ghế nhựa ra ngồi như giống như ở Việt Nam. Cái quán nhìn đơn giản vô cùng nhưng trà pha rất đậm vị và âm nhạc thì dù không hiểu tiếng, tôi vẫn tin lời Mohammad nói: “Anh đã được sinh ra từ bài hát ấy”. Rồi Yahya đưa chúng tôi đi tiếp tới một quán bia xập xệ khác nằm ở cuối phố để thưởng thức vị bia Stella đặc trưng. Vị Stella này chỉ duy nhất Ai Cập mới có. Rời khỏi quán bia, chúng tôi tiếp tục ghé vào một quán bar đêm dưới tầng hầm một căn nhà cổ. Ngay khi Yahya bước vào, từ chủ quán đến nhân viên phục vụ và các cô gái múa bụng đều đồng thanh hô tên anh. Là bạn anh, chúng tôi được đón tiếp như khách ruột. Ngay đến bây giờ khi đã rời xa Cairo một thời gian rất dài, mỗi khi một điệu nhạc Ả Rập nổi lên, tôi lại nhớ cái dáng cao gầy lòng khòng của Yahya dậm chân xoay theo tiếng nhạc với ánh mắt say
mê ngút lửa đắm đuối nhìn các cô gái múa bụng đang hòa nhịp cùng anh. Họ thật gần mà thật xa. Tôi nghe nói có một quy tắc là dù có gần đến mấy, hai vũ công cũng không được chạm vào nhau. Có lẽ giới hạn mong manh mà thiêng liêng này làm điệu nhảy trở nên vô cùng bí ẩn và quyến rũ.
Cairo không của Kim Tự Tháp và lạc đà là thế đấy! Tôi vừa sợ sệt không dám đến gần, vừa tò mò muốn hòa vào dòng chảy phức tạp của cuộc sống dường như vận hành theo những quy luật ngầm khó hiểu nơi đây. Tôi vừa giận những phiền phức mà cái hệ thống không ổn định của thành phố ấy mang lại, vừa thương cái giàu nghèo pha trộn thật thà hiển hiện khắp nơi trên đất Cairo.
Những nẻo đường kết bạn
Trước khi đặt chân đến sân bay Cairo, tôi và Anne chưa từng quen biết một ai ở đây ngoài vài thông tin ngắn ngủi của Mohammed. Tôi không thể tưởng tượng rằng ở Cairo, mình lại được ăn cơm với hơn hai mươi người Brazil – đồng hương của Anne và uống cà phê cũng với chừng ấy anh em bạn bè Việt Nam của tôi. Đúng là mọi chuyện đều có thể xảy ra ở Cairo!
Suốt thời gian ở đây, tôi được sống trong sự quan tâm chu đáo của cả những người mới quen và không quen, được nói tiếng Việt nhiều chưa từng thấy trong ba năm xa xứ với những câu chuyện thú vị bất tận, những cuộc điện thoại tưởng chừng không thể dứt. Anne cũng thế. Tình cờ trong một lần ngồi uống cà phê, nghe thấy bên cạnh vang lên tiếng Bồ Đào Nha giọng Brazil, Anne sung sướng đứng bật dậy đến chào hai người phụ nữ gần đó và thế là câu chuyện nối dài không dứt. Một người là phu nhân đại sứ, một người lấy chồng Ai Cập. Điều đầu tiên mà cả hai muốn nói và thuyết phục chúng tôi, đó là tình yêu Cairo trong họ cũng có thể trong trái tim nhiều người khác, trong đó nhất định có chúng tôi: “You should see it as it is,then you will love it” (Hãy nhìn Cairo như nó vốn thế rồi em sẽ yêu thành phố này). Không ngần ngại, chúng tôi đến thăm nhà họ trong một khu chung cư yên tĩnh và trong lành, khác hẳn không khí Cairo ồn ã ngoài kia. Chúng tôi nghe họ giới thiệu về một góc khác, yên bình và khuất nẻo của Cairo, nghe họ kể về những sáng thong dong cưỡi ngựa ngắm bình minh sa mạc và họ đãi chúng tôi ăn bữa cơm vội vàng nhưng thú vị với những món ăn Brazil. Anne hào hứng đến nỗi không ngớt lời giới thiệu cho tôi về các món ăn với ánh mắt xanh biếc lấp lánh mà lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy ở chị.
Cả Yahya cũng vậy! Suy cho cùng, anh chỉ là bạn của Mohammad – bạn của tôi, nhưng anh đã giới thiệu Cairo của anh cho tôi với những tình cảm thân thương và trìu mến nhất. Chưa kể còn bao nhiêu cái tên mới quen mà tôi chưa kịp thuộc. Có thể vì thế, cả tôi và Anne đã khóc khi rời Cairo phút cuối – điều mà cuộc sống bận rộn với mật độ hai tháng lên máy bay đi xa một lần khiến chúng tôi ngỡ rằng mình đã chai sạn, rằng không còn chỗ cho những giọt nước mắt khi chia tay. Cairo đã trả lại cho chúng tôi những cảm xúc của cuộc sống, cảm xúc của tình người. Chúng tôi mang món nợ tình cảm với Cairo.
Mohammad gọi tôi quay trở lại với công việc ở Áo. Sau khi nghe tôi huyên thuyên một hồi về những kỷ niệm “tích lũy” sau tám ngày, anh bảo tôi: “Now, you are back to your reality” (Giờ thì em quay lại với hiện thực nhé). Có thể anh nói đúng, tôi phải chia tay giấc mơ Cairo để trở về với cuộc sống thực tại của mình nhưng tôi biết mình đã, đang và sẽ nhớ Cairo, dù dấu vẽ henna trên tay tôi đã mờ chỉ sau vài ngày và cuộc sống lại rồi sẽ đưa tôi đến với những hành trình mới mẻ khác.
Tôi luôn biết rằng, mình còn lỡ hẹn với Cairo nhiều lắm, còn bao nơi chưa ghé thăm, còn bao dự định vẫn dang dở, còn bao điều muốn nói. Nhưng thôi, như tôi tự an ủi mình, sự thiếu sót sẽ làm nên cái đủ đầy. Những vết khuyết trên hành trình đó sẽ khiến nỗi nhớ Cairo của tôi trở nên trọn vẹn hơn.
Cho đến giờ, sau nhiều năm xa cách, nếu hỏi vì sao tôi yêu quý Cairo, tôi cam đoan rằng mình sẽ không trả lời hết được. Tình cảm đó là sự pha trộn của Cairo văn hóa và huyền bí, của Cairo bụi bặm hỗn độn và thử thách, của những điệu nhạc say đắm, bùng lên vỡ òa sau bao ẩn ức và dồn nén, của những tình cảm xây đắp trên hành trình mang tên Cairo của tôi.
Mời các bạn đón đọc Hẹn Hò Với Châu Âu của tác giả Bùi Mai Hương.
Chia sẻ ý kiến của bạn