Tôi là nhạc sĩ nên phải có trí nhớ tốt. Nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chứ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình… Tôi có nhiều bài hát nhớ quê hương (Tình Hoài Thương, Thuyền Viễn Xứ…), nhớ những cảnh huống (Còn Chút Gì Để Nhớ, Nha Trang Ngày về…) nhưng nhớ người bao giờ cũng da diết hơn là nhớ cảnh, thế mà tôi không có một bài hát nhớ bạn nào cả! Âu là nhớ bạn và viết ra nổi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang…

Phạm Duy

***

Nhớ cảnh, nhớ người




Cuộc đời tôi thật ra chưa có lúc nào yên ổn như bây giờ , khi tôi trở về sống trên quê hương mình sau ba mươi năm hòa bình và thống nhất… Từ khi sinh ra và trưởng thành, hoàn cảnh chung của đất nước thường xuyên biến động, thời cuộc đẩy đưa tôi thành một kẻ giang hồ nay đây mai đó. Đi khắp nơi trong nước, đi khắp nơi trên địa cầu, từ khi còn là tóc xanh môi đỏ cho tới khi đã là tóc bạc răng long. Sống tại nhiều nơi quá, xê dịch nhiều quá, thay đổi chỗ ở luôn luôn đến độ khi tuổi đã trên tám mươi rồi mà vẫn còn phải dọn nhà thêm một lần nữa, phải di chuyển tất cả sách vở, máy móc, đồ đạc từ một lục địa này qua một lục địa khác… Dù rằng trong đầu luôn luôn có nỗi sợ của câu châm ngôn Việt Nam: dọn nhà, như cha chết!

Nhớ

Tôi là nhạc sĩ nên phải có trí nhớ tốt. Nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chư ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình. Tôi có nhiều bài hát nhớ quê hương (Tình Hoài Hương, Thuyền Viễn Xứ), nhớ những cảnh huống (Còn Chút Gì Để Nhớ, Nha Trang Ngày Về) nhưng nhớ người bao giờ cũng da diết hơn là nhớ cảnh, thế mà tôi không có một bài hát nhớ bạn nào cả! Âu là bây giờ ngồi nhớ bạn và viết ra nỗi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang.




Nhớ bạn! Bạn nào? Bạn từ bao giờ?

Tôi nghĩ rằng lúc chúng ta tới tuổi cắp sách tới trường là lúc chúng ta khởi sự có bạn. Những bạn đầu tiên của tôi là những bạn học ở trường mẫu giáo chỉ có tên gọi là Trường Hàng Thùng và Trường tiểu học Nguyễn Du, tức Trường Hàng Vôi, Hà Nội. Tôi không bao giờ gặp lại những bạn học của thời thơ ấu này, hơn nữa cũng chẳng có ai là bạn thân để tôi nhớ. Tôi chỉ có cơ hội gặp lại một người là Nguyễn Đình Thi, hành nghề bác sĩ tại Orange County, California, USA.

***
Cũng như bao người bình thường khác, ở chặng cuối của đường đời, thứ quý giá nhất còn lại với người nhạc sĩ tài hoa chính là kỷ niệm.
Nói là quý giá bởi khi đi đến cái tuổi xế chiều, vô số người rơi vào cái tình cảnh “nhớ đấy rồi quên đấy”, thậm chí có khi còn quên hẳn đi những điều đang xảy ra xung quanh mình và với mình nữa chứ chưa kể là những ký ức của mấy mươi năm về trước. Nên còn nhớ được, còn ghi chép lại được những điều từng nghĩ, từng làm của bản thân thành những trang văn là một điều vô cùng may mắn.




Được mệnh danh là “cây đại thụ của Tân nhạc Việt Nam”, những hồi ức, kỷ niệm của Phạm Duy trong cuốn bút ký Nhớ cũng trở nên đặc biệt hơn người khác. Ở đó, người ta tìm thấy những yếu tố đã tạo nên con người và cá tính Phạm Duy trong cả âm nhạc lẫn đời thường, những chất xúc tác và hoàn cảnh khiến ông chấp bút viết nên những bản nhạc đi cùng năm tháng.

Đặc biệt, qua những dòng hồi ức của ông, người ta còn gặp lại những khuôn mặt lẫy lừng của nền văn nghệ Việt Nam một thuở.

Có thể nói cuộc đời Phạm Duy là một cuộc rong ruổi và dạo chơi bất tận. Điều này đã được chính ông xác nhận qua lời tự thuật mở đầu tập bút ký: “Đi khắp nơi trong nước, đi khắp nơi trên địa cầu, từ khi còn là tóc xanh môi đỏ cho tới khi đã là tóc bạc răng long”. Mỗi chuyến xê dịch của ông dường như luôn gắn với một hay nhiều câu chuyện. Đó là câu chuyện của bản thân ông, của nhiều người khác có liên hệ tới ông hoặc cũng chính là câu chuyện của thời cuộc, của đất nước.

Trước khi định hình cá tính và tài năng của mình trên lĩnh vực âm nhạc, bản thân Phạm Duy đã trải qua những tháng năm tuổi trẻ dịch chuyển về cả không gian sống và nghề nghiệp, công việc của mình.

Có lúc ông hiện diện trong hình ảnh một công nhân học việc, có khi ông lại cận kề với cuộc sống của người nông dân cần lao, rồi những tháng năm lang bạt cùng gánh hát Đức Huy – Charlot Miều trong vai trò ca sĩ hay những ngày trở thành người lính theo kháng chiến chống Pháp… Tất cả đã mang đến cho ông một vốn sống dồi dào và phong phú để về sau trở thành chất liệu vô giá trong công việc sáng tác.

Những chuyến đi cũng mang đến cho Phạm Duy rất nhiều bè bạn, họ có thể là những người bình thường, cũng có thể là những tên tuổi lớn của nền văn chương và nghệ thuật Việt Nam những thập niên 1930 – 1940 thuộc thế kỷ trước như: Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Văn Đông, Lê Thương… và đặc biệt hơn cả là Văn Cao, người thầy và cũng là người tri kỷ của Phạm Duy trong cuộc sống và trong âm nhạc.

Họ đã hội ngộ cùng ông trong một khoảnh khắc nào đó giữa đoạn đời tuổi trẻ đầy sôi nổi, kết mối tương giao với nhau trong cõi mênh mang của thơ, của nhạc, chia ly đằng đẵng, rồi tái ngộ khi tuổi đã xế chiều. Ông đã nhớ, nghĩ và viết về những con người ấy với tất cả sự trân trọng, mến yêu.

Ký ức của Phạm Duy còn là thiên ái tình vô tận với vô vàn những bóng hồng đã đi qua trong đời ông. Thói thường, với ái tình, người ta chỉ kể về nó bằng những điều trong trắng, đẹp và mơ mộng nhất, riêng nhạc sĩ họ Phạm thì không, ông kể về ái tình của đời mình với đầy đủ mọi cung bậc: thơ mộng và trần trụi, khổ đau và hoan lạc, thuần khiết và nhục dục, có lúc là cả sai trái… Có thể thấy, sự chân thật trong ái tình có lẽ là một trong những điều đáng quý của con người Phạm Duy.

Nhưng đọc Phạm Duy, nghe Phạm Duy không phải chỉ để biết về bản thân hay cuộc đời ông. Mà còn là để hiểu về thời cuộc và những tao đoạn đã diễn ra trong quá khứ, hiện tại khiến bao phận người xô dạt “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”.

Nhìn và ngẫm về cuộc đời của ông với những sự xoay chiều về quan điểm hay lập trường, hẳn có người sẽ phê phán ông là một kẻ xu thời, không có chính kiến và là một tay trần tục. Nhưng ngẫm nghĩ lại, có bao giờ Phạm Duy tự nhận hay lựa chọn lối sống cho mình là một thánh nhân đâu. Phạm Duy sống thật, rất thật! Thật với chính mình và thật với đời.

Ông không chọn cho mình cách sống đối nghịch với cuộc đời hay thời thế mà luôn luôn xuôi theo nó, sống một cuộc đời tự do, không buộc mình vào bất cứ chủ thuyết hay phe phái nào.

Và nói cho cùng, ở đời, nếu được lựa chọn thì ai lại chẳng muốn có một cuộc sống tự do và không bị trói buộc, huống chi là những kẻ sinh ra vốn “mang nợ với gió trăng”.
 

Mời các bạn đón đọc Nhớ của tác giả Phạm Duy.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.