Nói về đóng góp của Nguyễn Tuân qua tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận định: “Tập tùy bút ấy là đóng góp của Nguyễn Tuân trực tiếp đánh Mỹ”. Cũng tương tự, nhưng cụ thể hơn, nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ cho rằng, với “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Nguyễn Tuân đã “đánh địch với tư thế của một dân tộc đi tiên phong trên tuyến đầu chống Mỹ, với lòng tự hào của một dân tộc đang chiến thắng”.

Nếu như tập tùy bút “Sông Đà” được xem là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Tuân về đề tài xây dựng CNXH thì tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” lại được xem là tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Cả hai tác phẩm đều giống nhau là có cái tên nghe rất mộc mạc, đọc lên là thấy ngay được chủ đề, khác xa với cách đặt tít điệu đàng của nhà văn – kiểu như “Vang bóng một thời” trước đây. Tuy nhiên, tên sách mộc mạc thì mộc mạc vậy, song dồn nén trong đó là biết bao tâm huyết, trí tuệ, tình cảm. Có trường hợp, như với cuốn “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, để thu thập, tìm kiếm tư liệu, tác giả đã không ngại ngần đối mặt với hiểm nguy…

Tập tùy bút Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi gồm có:




  • Ở mặt trận Hà Nội
  • Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội
  • Cho giặc bay Mỹ nó ăn một cái Tết ta
  • Nôen Mỹ
  • Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào
  • Có ba phi công Mỹ đi bộ trong chợ hoa sơ tán
  • Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi
  • Nhớ Huế
  • Sài Gòn tống Mỹ
  • Bên ụ súng Hà Nội, một đám cưới phòng không
  • Nó bê-năm-hai phố Khâm Thiên
  • Tái bút (12-1973)
  • Vụn B.52 và hoa Hà Nội chiến thắng
  • Đất cùng trời toàn cõi ta, từ đây sạch hẳn bóng nó
  • Vậy mà đã một năm chiến thắng B.52
  • Đêm xuân năm Hổ này, nằm ngẫm thêm về bầy hổ Mỹ

Những ai từng có mặt tại 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trong 12 ngày đêm năm ấy (1972), hẳn không quên được hình ảnh một lão nhà văn: Mỗi lần nghe tin B52 Mỹ đánh bom, với chiếc mũ sắt đội đầu (do báo Văn nghệ cấp cho cộng tác viên), ông lại tìm đến tận nơi xảy ra chiến sự để hỏi han, ghi chép. Lão nhà văn mặc dù đã ở tuổi ngoại lục tuần song vẫn có cách tác nghiệp như thể một phóng viên mặt trận ấy chính là nhà văn Nguyễn Tuân – tác giả của tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” nức tiếng một thời.
 
Lý do gì mà một tên tuổi như Nguyễn Tuân – người luôn được xem là một vốn quý của văn học đất kinh kỳ – lại quyết bám trụ với Thủ đô tới cùng, quyết không chịu đi sơ tán theo chủ trương của cơ quan? Nhà văn Ngọc Trai, trong cuốn “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân” (NXB Hội Nhà văn, 2010) đã ghi lại lời tâm sự của cụ Nguyễn như sau: “Mình sống được như thế này là lãi rồi, cần trốn tránh làm gì nữa! Bây giờ mình Sống mãi với Thủ đô thôi”. Nhà phê bình Mai Quốc Liên, trong một bài viết về nhà văn Nguyễn Tuân in trên tạp chí Hồn Việt cách đây ít lâu cũng ghi lại lời cụ Nguyễn: “Mình là người viết văn, nhà văn Việt Nam. Trong khi Thủ đô – trái tim của cả nước – lâm nguy mà mình bỏ Hà Nội mình đi, thì còn viết cái gì, mình còn ra gì nữa ông?”.
 
Không chỉ vì sự gắn bó, thủy chung với Hà Nội, việc lão nhà văn quyết ở lại “Sống mãi với Thủ đô” (như tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) còn bởi bấy giờ, ông đang ấp ủ việc hoàn tất tập bút ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Cuốn sách đã được Hội Văn nghệ Hà Nội cho xuất bản ngay sau trận bom Mỹ cuối cùng chấm dứt (ngày 30-12-1972). Bài cuối cùng của tập sách là bài “Nó bê – năm – hai phố Khâm Thiên” được lão nhà viết ngay sau khi B52 Mỹ trút bom rải thảm hủy diệt một trong những khu dân cư đông đúc nhất Hà Nội lúc bấy giờ (vào đêm 26, rạng ngày 27-12-1972). Điều này chứng tỏ ngòi bút Nguyễn Tuân đã ứng trực rất kịp thời, và việc ra sách cũng nhanh đến… kỷ lục.
 
Thật ra, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” không chỉ nói về việc quân dân Hà Nội đánh trả và đánh thắng không lực Mỹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Nhiều bài trong tập được Nguyễn Tuân viết ra từ mấy năm trước. Tập sách cũng không chỉ nói riêng việc Hà Nội đánh Mỹ (trong tập còn có bài “Sài Gòn tống Mỹ” và bài “Nhớ Huế” nói về cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế). Bản thân bài “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” cũng được Nguyễn Tuân viết trước đó 5 năm. Tuy nhiên, nếu không có những bài viết đề cập tới cuộc chiến long trời lở đất diễn ra ngay tại “trái tim của cả nước” suốt 12 ngày đêm năm ấy, hẳn cuốn sách sẽ không có được sức nặng như nó cần phải có. Và nếu không được ra mắt bạn đọc đúng thời điểm ấy, thì hẳn cái tên của cuốn sách cũng phần nào giảm ý nghĩa. Đó như thể một thứ Huân chương Chiến công kịp thời đính lên ngực Thủ đô vậy.
 
Liên quan đến tên gọi của cuốn sách, có một giai thoại vui. Hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ mấy câu thơ của Tố Hữu (trong trường ca “Theo chân Bác”): “Ôi! Nụ cười vui của Bác Hồ/ Miền Nam đánh giỏi, Mỹ thua to”. Hình như trong tâm lý mọi người, chữ “giỏi” là cách nói của người bề trên khi nhận xét về người bề dưới, chí ít thì cũng là người lớn nói với trẻ con, thầy cô nói với học trò. Việc nhà văn Nguyễn Tuân dùng chữ “giỏi” để ngợi khen Thủ đô Hà Nội nghe ra có vẻ gì đó không… thuận?
 
Quả y như rằng, thoạt nghe cái tên này, nhà văn Tô Hoài đã yêu cầu tác giả phải… đổi.
 
Bấy giờ nhà văn Tô Hoài là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, là nơi cấp giấy phép cho in cuốn sách. Theo ý Tô Hoài thì đặt tên “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” cứ y như mình “đang đứng ở bề trên mà ban khen cho Hà Nội vậy”. Nguyễn Tuân nghe vậy nổi đóa: “Ba cái anh duyệt bài là hay chúa suy diễn. Tôi không có đứng trên đứng dưới cái gì sất, chỉ có điều là tôi không chịu được cái gì chung chung. Tôi nói Hà Nội ta là Hà Nội của chúng ta đây! Hà Nội của ta đây! Tôi tự hào với cái Hà Nội của ta, thế có được không? Thế còn đánh Mỹ giỏi thì phải nói rõ ra là đánh Mỹ giỏi chứ chỉ đánh Mỹ thì ai biết ta đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó cũng là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt tôi phải giống mọi người? Nếu ông làm biên tập mà cứ muốn gọt tôi cho tròn vo như vậy, không có cá tính không còn gì của riêng tôi nữa thì thôi, để sách đó, tôi không in nữa”. Tô Hoài nghe vậy đành chịu (xem “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân” của Ngọc Trai).
 
Tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” trong lần in đầu gồm cả thảy 11 bài, dài ngót hai trăm trang, nội dung cơ bản đề cập tới cuộc đối đầu của quân dân Hà Nội với không lực Mỹ (có tới hơn 30% tên bài chỉ đích danh giặc lái Mỹ như: “Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội”, “Cho giặc bay Mỹ nó ăn một cái tết ta”, “Có ba phi công Mỹ đi bộ trong chợ hoa sơ tán”, “Nó bê – năm – hai phố Khâm Thiên”). Có bài, như bài “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào”, tên thì vậy song nội dung cũng chủ yếu xoay quanh cuộc thẩm vấn của lão nhà văn với một phi công Mỹ – tức Thượng nghị sĩ John McCain hiện nay, người vào năm 2008 từng là ứng viên Tổng thống Mỹ. Đây là bài viết dài nhất trong tập và theo suy nghĩ của cá nhân tôi – cũng là bài viết đặc sắc nhất trong “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”.
 
Nhiều người đã biết, máy bay của phi công John McCain đã bị bắn rơi ngày 26 – 10 – 1967 khi thực hiện phi vụ đánh bom Hà Nội. Khi nhảy dù, John McCain rơi xuống hồ Trúc Bạch và được dân quân tự vệ của ta vớt lên, đưa tới bệnh viện. Sau này, ông John McCain từng có những phát biểu “tiền hậu bất nhất” về cách hành xử của các cán bộ quản giáo Việt Nam đối với ông thời kỳ ông là tù binh chiến tranh ở Việt Nam. Và đã có lần ông phải lên tiếng xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những phát biểu đó.
 
Bài tùy bút “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” của nhà văn Nguyễn Tuân đã phơi mở cho chúng ta thấy chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam trong việc đối xử với tù binh nói chung và với cá nhân Thiếu tá phi công John McCain nói riêng. Trong bài tùy bút, Nguyễn Tuân gọi McCain theo cách ông phiên âm ra tiếng Việt là Mích Kên. Ông kể, khi ông đến để “hỏi chuyện” Mích Kên, bác sĩ đã dặn ông là Mích Kên còn mệt, cần cho an dưỡng nên bớt cho ông ta những câu hỏi hóc búa, chưa nên để Mích Kên “phải động não suy nghĩ nhiều”. Và nhà văn già “tôn trọng lời dặn của bác sĩ, tôi đành tạm cất đi mấy câu đó” (tức mấy câu phỏng vấn “chát chúa”).
 
Khi Mích Kên ngỏ ý “Xin ông một điếu thuốc lá”, thì nhà văn lớn của Việt Nam trực tiếp cắm thuốc và bật diêm cho Mích Kên hút. Theo mô tả của Nguyễn Tuân thì hành động của ông đã khiến viên phi công Mỹ phải nhiều lần nghển đầu cảm ơn. Cũng tại cuộc “chất vấn” này, Nguyễn Tuân đã nói cho Mích Kên hay, việc ông ta còn sống sau lần máy bay bị bắn hạ không phải vì “Chúa Trời nào đã cứu sống anh đâu mà chính là vì những người dân Hà Nội chân chính đó đã hết sức tôn trọng phép nước đối với tù binh Mỹ bị bắt sống”.
 
Theo phân tích của Nguyễn Tuân, những người bơi ra vớt Mích Kên ở hồ Trúc Bạch hôm ấy hoàn toàn có thể giết chết ông ta vì họ từng là nạn nhân của bom đạn Mỹ. Cuối buổi trò chuyện, Mích Kên thổ lộ “Có lẽ sau này tôi sẽ xin đi làm quản lý ở một công ty nào” và “Tôi là một người đang thấy cần phải có hòa bình và mong chiến tranh kết thúc”. Ra về, Nguyễn Tuân đã để cả chỗ thuốc lá còn lại cho Mích Kên.
 
Đọc tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, điều ta nhận thấy trước nhất là tác giả rất chịu khó thu thập thông tin khiến cho câu chuyện luôn đầy ắp các dữ liệu và rất sinh động. Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang, trong bài “Nâng chén rượu xuân, nhớ nhà văn Nguyễn Tuân” (sách “Tạp văn”, NXB Sân khấu, 2012) cho hay: Một lần cụ Nguyễn chống ba toong đến nhà ông chơi. Cụ đưa ra cho Đình Quang một tờ báo tiếng Đức, bảo Đình Quang dịch xem người ta nói về khách sạn Hilton thế nào. Cụ Nguyễn hỏi đi hỏi lại từng chi tiết rồi lặng suy nghĩ. Chỉ tới khi “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” ra đời, Đình Quang mới hiểu: Cụ Nguyễn muốn tìm hiểu ngọn ngành một địa chỉ trước khi nhắc tới nó trong trang sách của mình.
Nói về đóng góp của Nguyễn Tuân qua tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận định: “Tập tùy bút ấy là đóng góp của Nguyễn Tuân trực tiếp đánh Mỹ”. Cũng tương tự, nhưng cụ thể hơn, nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ cho rằng, với “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Nguyễn Tuân đã “đánh địch với tư thế của một dân tộc đi tiên phong trên tuyến đầu chống Mỹ, với lòng tự hào của một dân tộc đang chiến thắng” 

***

Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 – 28 tháng 7 năm 1987) quê ở Hà Nội, là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, sở trường về tùy bút và kí, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ, giàu có, điêu luyện. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụngtiếng Việt. Hà Nội có một con đường mang tên ông.

Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987. Năm 1996 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Mời các bạn đón đọc Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi của tác giả Nguyễn Tuân.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.