Lê Thị Liên Hoan là bút danh quen thuộc của Lê Hoàng trong chuyên mục tiểu phẩm cho nhiều tờ báo lớn. Những chuyện phiếm vu vơ, vào tay Lê Thị Liên Hoan lại trở nên đáo để và hấp dẫn.
Từ chuyện tủn mủn như chuyện làm nail, nóng sốt như chuyện bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác khách hàng, cũ xưa như chuyện giá xăng… nói theo phong cách Lê Hoàng, “y mổ vấn đề ra, ném vào nồi, nêm vào đó một muỗng mắm muối, hai muỗng châm chích, ba muỗng chanh chua. Vậy là thành món “tiểu phẩm” độc đáo dâng lên bạn đoc cười chơi. Có món cười chỉ để mà cười, có món cười để chột dạ, có món cười để mà đau”.
Ngồi lê chém gió gồm 58 tiểu phẩm – đúng như cái tên, chuyện gì cũng có, chuyện gì cũng “chém”, nhưng “chém” đầy tinh tế và sắc sảo.
***
Sự tích bóng đá
Ngày xa xưa, loài người chả biết tới bất cứ một thứ bóng gì, đừng nói tới bóng đá. Cùng lắm, một số trai đẹp hay gái đẹp chỉ ra bờ ao, soi xuống nước và chiêm ngưỡng bóng mình.
Rồi loài người ngày càng văn minh. Họ đi từ trên rừng xuống đồng bằng. Từ chỗ ở hang, ở lều, họ bắt đầu chuyển sang ở nhà gạch, ở dãy phố.
Đã cư ngụ ở nhà phố thì cần rất nhiều thứ, trong đó có một thứ rất cần thiết là cần đổ rác.
Mỗi ngày, mỗi gia đình đặt một bịch rác trước cửa, chờ xe đi qua là dọn. Xe này, cũng như hôm nay, hằng cuối tháng cứ gõ cửa từng nhà thu tiền.
Thiên hạ cứ đều đặn đóng tiền một cách vui vẻ và thanh thản cho tới khi có một chàng trai nghèo dọn tới một căn nhà trong phố.
Đã nghèo thì thiếu đủ thứ tiền, trong đó đương nhiên có tiền đổ rác.
Về bản chất, chàng trai không phải là kẻ xấu. Nhưng chàng khó khăn, thiếu thốn quá. Phải giằng co giữa tiền đóng học phí và tiền đổ rác, chàng thấy nên đóng học phí thì hơn (ngày nay nhìn lại, ta thấy suy nghĩ đó rất chân chính).
Nhưng chàng vẫn có rác, dù không nhiều (chỉ là vỏ chuối, lá bánh, giấy gói xôi). Do chàng không đóng tiền, người nhặt rác không chịu dọn. Thế là chàng trai chỉ còn cách chờ tới tối, nhìn trước nhìn sau không có ai, đem bịch rác con con của nhà mình bỏ sang bịch rác to to của nhà đứa khác.
Để một thời gian thì các gia đình khác phát hiện. Thay vì giúp đỡ chàng, họ lại hàn các miệng túi rác to lại, khiến chàng không có chỗ mà bỏ túi rác nhỏ của mình vào.
Nhưng thời đó, công ty vệ sinh dọn rác có một sơ hở (thời nay cũng thế) là không cấm một nhà có nhiều bịch rác.
Thế là chàng trai bèn mang bịch của mình lén để cạnh những bịch kia.
Hành động của chàng tiến hành được một thời gian cũng bị hàng xóm phát hiện.
Nhiều nhà bèn đứng canh, hễ thấy chàng chạy ra bỏ rác là la ó.
Nhưng vốn là một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hằng ngày lại hay phải đi bộ tới trường, chàng trai đâu có chịu thua. Chàng bèn gói chặt bịch rác của mình, rồi co chân đá sang nhà bên cạnh. Các nhà bên cạnh cũng không vừa, bèn cử người ra đá bịch rác lại.
Thế là mỗi buổi sáng, các bịch rác cứ được đá qua đá lại từ nhà nọ sang nhà kia vì không ai muốn đóng tiền đổ rác.
Người ta cũng nhanh chóng phát minh ra các bịch rác hình tròn cho dễ lăn.
Bóng đá ra đời từ đó. Vì rác là thứ nên bỏ vào đêm khuya, vì vậy bóng đá hay diễn ra vào buổi tối.
Những công nhân dọn rác dần dần trở thành trọng tài. Họ luôn mặc áo đen để tránh rác gây các vết bẩn cho mình.
Một số nhà giàu, có thùng rác quá to, phải thuê người đứng canh. Như thế xuất hiện thủ môn. Anh ấy bao giờ cũng đeo găng tay vì chả ai hiểu trong rác có gì, cần phải phòng bệnh.
Rồi thời gian qua đi. Việc đá rác qua đá rác lại trở thành môn thể thao nhiều người hâm mộ. Người ta không gọi đá rác nữa, mà đá bóng.
Nhưng thực chất vấn đề nhiều khi không thay đổi. Đó là ai cũng muốn chuyền rác cho kẻ khác khi có chuyện chứ chả ai thích tự mình phải giải quyết.
Tái bút: Những chàng trai đá rác giỏi nhà cửa luôn sạch sẽ, được gọi là ngôi sao và được nhiều cô gái yêu!
Mời các bạn đón đọc Ngồi Lê Chém Gió của tác giả Lê Thị Liên Hoan.
Chia sẻ ý kiến của bạn