PHÀM-LỆ

Bộ Sử được phân làm 4 quyển, thật ra không phải chia 4 thời kỳ, nhưng chĩ để đề-cập đến 4 địa-danh : Trấn-Biên, Biên-Hùng, Đồng-Nai và Biên-Hòa, mà mỗi danh-xưng đều có một xuất-xứ, hoặc cổ-kính hay oai-dũng, hoặc thơ-mộng hay tân-tiến, do nhiều yếu-tố dữ-kiện cấu-thành.

Các dữ-kiện ấy đều có nguyên-ủy và diễn-tiến, khó mà sắp xếp vị-thế thời-điểm cho đúng-hợp, khỏi bị song-hành, nên tôi chiếu lệ, phân-chia Xưa và Nay, cũng chỉ theo tính-cách lịch-sử mà thôi.

Do đó, có thể quý độc-giả sẽ gặp trong quyển thứ I(Trấn-Biên Cổ-Kính) một vài sự-việc đến nay nhận ra cũng còn đang diễn-biến.

Và nơi quyển thứ IV (Biên-Hòa tân-tiến) nói việc hiện-tại mà vẫn phải nhắc nguồn gốc từ xa xưa. Về Di-tích xưa, Sơn-mạch, Lâm-tuyền, Hà-giang, đã có mục riêng, nhưng chỉ kê những điểm nét chánh-yếu, còn phần chi-tiết được đề-cập đến trong nhiều bài khác.

Quyển thứ II (Biênhùng oai-dũng) được nêu lên : với Địa-khí sơn-linh, Rừng-cao bóng cả, Giang-thanh thủy tú. Với nhiều nhơn-kiệt, các bậc tiền-hiền khai-khẩn, các đại công-thần triều Nguyễn, các anh thơ liệt-nữ, anh-hùng kháng Pháp, những nhơn-vật có hành-động đầy sĩ-khí nho-phong, vài nhơn-tài xuất-chúng thời cận-đại. Hoặc với những truyện-tích lạ kết thành từ hồn thiêng sông núi.

Nơi quyển thứ III (Đồng-Nai thơ-mộng) có nói về tài-nguyên thổ-sản, cây trái, món ăn nổi tiếng từng vùng, là những đề-tài khô-khan nếu viết theo giới chuyên-môn kỹ-nghệ, trồng tỉa, gia-chánh, nhưng tôi đã nhìn sự-vật bằng nhãn-quan, tâm-hồn và hứng-cảm của nhà thơ, để thi-vị hóa từ phiến-đá, hột-cát, đến miếng gạch, cục than từ mục măng đến cọng bún…

Mỗi bài là một màn trình-diễn, hoặc trầm-lặng hay sôi-động, luôn luôn vẫn được phổ thơ và đệm nhạc, hoặc du dương hay hùng-tráng tùy bối-cảnh, để trợ hứng tinh-thần, hấp dẫn người xem không nhàm chán.

Sau cùng, có phần Phụ-lục Tân-truyện, là để, với tư-cách là một nhân-chứng thời-đại tại địa-phương, ghi lại sắc-diện nếp-sống chung của người Biên-Hùng qua nhiều lãnh-vực, với ý muốn nhắc các giai-đoạn lịch-sử trong thời cận-đại.

Về phần họa-đồ tôi phác-họa theo sử-liệu, nên lối trình-bày có thể khác hơn chuyên-viên trắc-địa. Hình ảnhđược chọn lựa lấy đối-tượng là di-tích lịch-sử hoặc có liên-hệ đến đặc-điểm của Tỉnh nhà.

Tác-giả

***

LỜI-TỰA

Tỉnh Biên-Hòa là một trong những Tỉnh đã khai lập từ ngàn xưa (sau khi Nguyễn-Chúa chiếm được đất của Chiêm-Thành và Chân-Lạp) dự phần lớn trong Quốc-Sử, trải qua những cơn hưng-vong, có một lịch-sử kiêu-hùng, đã khai-sanh ra nhiều Tỉnh mới.

Vậy nghiên cứu và viết lại lược-sử Biên-Hòa, thiển nghỉ không phải là một việc làm vô-ích.

Vì lẽ đó, từ trước, dưới thời Pháp thuộc, cũng đã có vài ba nhà biên-khảo địa-chí Biên-Hòa, nhưng phần nhiều đều viết theo tài-liệu sách-vở, mà không đến nghiên-cứu tường-tận tại chỗ, nơi mỗi địa-phương, vì thế, sử-liệu kém phần chính-xác.

Vậy, nay tôi tiếp tục con đường của những người đi trước, đầy khó-khăn, trở ngại, mà mình tự xét thấy còn thô-thiển, bỡ ngỡ, nhưng cũng cứ đi, đi với thiện-chí học-hỏi của một người dân sinh-trưởng tại Tỉnh nhà, nặng lòng yêu quê-hương Biên-Hòa, quê-hương tôi có con sông Đồng-Nai nước ngọt, có núi Châu-Thới oai nghi, có không-khí trong lành, có người hiền, cây cảnh đẹp.

Tôi không có cao-vọng theo con đường của một Ngô-Sĩ-Liên, một Phan-Huy-Chú, một Trần-Trọng-Kim, một Phạm-văn-Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản-sở, mà làm kẻ lữ-hành nhỏ bé, đi từ bước một, trên đường sử-học, nhặt từng mảnh sử-liệu vụn-vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu ở mỗi vùng, dẫm chơn trên gần khắp Miền Đông, từ thành-thị đến thôn-quê, thăm hàng ngàn gia-đình, mót cọng lúa vàng trên đồng, xem hột thạch-sa dưới nước hoặc đào bới dưới đáy giếng sâu, đọc tấm bia mộ rêu-phong, viếng Đình, Chùa, Miếu-môn cổ kính, bẻ cành cổ-thụ trong rừng thiêng, nhặt hòn đá cuội trên núi thẳm, đến xem một ít di-tích xưa còn lưu tại Viện-Bảo-Tàng, trong ba mươi năm trời công-phu sưu tập, để hôm nay, hoàn-thành được bộ sử-lược này, mà tôi coi như là kết-tinh đời văn-học của tôi.

Tôi đã đọc nhiều bộ Việt-Sử, tham khảo sách-báo Đông-Tây kim-cổ, quan-sát phong-tục tập-quán tự ngàn xưa, ở từng vùng, theo dõi sự tiến-triển của khoa-học, tình-hình diễn-biến của Tỉnh nhà trên mọi mặt, mọi ngành, để rồi sắp xếp lại thành chương-mục, tiểu-đề, chi-tiết, theo một thể-tài mới, gọn-gàng, dễ hiểu, với phương-pháp của những sử-gia tân-tiến, mặc dầu đây chỉ là việc biên-soạn bộ sử-lược của Tỉnh nhà.

Về phong-tục tập-quán, về nguồn-gốc, nếp sống hàng ngày của nhân-dân, về quan, hôn, tang, tế, tôi đã tham-cứu các sách gia lễ xưa, và đồng-thời cũng đi từng nơi, khảo-sát những đặc-điểm, rồi dung-hòa để phác-họa lại những nét đại-cương, tổng-quát.

Tùy địa phương, tục-lệ mỗi nơi đều mỗi-đổi, hoặc được bãi bỏ hẳn, hoặc biến-thể ra một hình-thức khác ; vì thế, người địa-phương chỉ tìm được nơi đây một vài riêng biệt của vùng mình.

Nơi vài chương-mục, tôi có đề-cập đến nhiều sự kiện, nay tuy đã ở trên phần lãnh-thổ Tỉnh bạn, nhưng trước kia, uyên ủy nó vẫn thuộc Tỉnh nhà, thì hồn-thiêng sông-núi và tư-tưởng của người Biên-Hòa vẫn còn hướng vào nhau, giao-cảm với nhau bởi một sợi dây thân-ái vô-hình, nên nay, nếu có nhắc lại trong sự-tích Tỉnh nhà, tưởng không phải chuyện xa-vời, sai-lạc.

Hôm nay, nhân ngày kiết-nhựt, trong ánh sáng Cộng-Hòa, đầy thanh sắc Tự-Do, ngập bông-hoa Dân-Chủ, đượm mùi hương Hạnh-phúc, tôi chấm dấu cuối cùng, cảo thành bộ-sử.

Trước những di-tích lịch sử, tôi đốt nén hương lòng trở về với dĩ-vãng, tưởng-niệm anh-linh người muôn năm cũ, kính dâng sách này cho quý-vị nhân-sĩ, các văn-hữu thân-yêu, cho các bạn đồng-hương hiện còn ở giữa lòng đất Đồng-Nai Sông-Phố hay đã kiều-ngụ nơi nào, cũng như cho người phương xa có một thời-gian hưởng-ngụ nơi Phật-Địa Biên-Hoà, hẵn còn lưu nhiều kỷ-niệm.

Chỉ vì tha-thiết với đất mến yêu mà một Công-Dân biên-soạn bộ-sử của Tỉnh nhà.

Với thiện-chí ấy, tôi tin rằng, dầu sao, cũng hưởng được sự khoan-hồng dễ-dãi của quý-vị độc-giả sẽ chỉ-giáo cho những chỗ sai lầm, hay bổ sung những điều thiếu sót.

Cũng với thiện-chí ấy, kẻ sĩ hèn mọn này, trên đường học-sử, góp tài-liệu giữ nơi đây, tin rằng sau này, các bậc cao-minh sẽ kiện-toàn thành một bộ sử đầy-đủ hơn của Tỉnh nhà. Được như thế, tôi cũng mãn-nguyện lắm rồi.

Biên-Hòa, ngày giỗ tổ Hùng-Vương

mùng 10 tháng 3 năm Tân-Hợi (1971)

LƯƠNG-VĂN-LỰU

Mời các bạn đón đọc Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên (Quyển 1) của tác giả Lương Văn Lựu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *