Gấp cuốn tạp bút Quà Của Bố (QCB) lại, tôi chỉ muốn hít thở một hơi thật sâu, cho lồng ngực căng tràn những cảm xúc từ sách dần lắng dịu.. Những dòng chảy nghịch chiều nhau như một bản giao hưởng rộn ràng niềm vui lại có ít nhiều khoảng lặng, những nốt trầm lỗi nhịp…
Không khuôn phép, đạo mạo như các loại sách giáo dục, Trần Dình Dũng đã viết QCB như những lời tự sự cho chính mình, và cho hai con. Từng mẩu chuyện nhỏ đời thường, như những mảnh ghép hình kết thành bức tranh sinh động về mái ấm của ba bố con Trần Đình Dũng. Ngôi nhà chỉ có 3 người, khuyết mất một góc, nên chỉ có thể là một tam giác, một tam giác cân, với bố là đỉnh, cân đều cho hai con – giữa yêu thương và dạy dỗ, giữa chăm sóc và trải nghiệm, giữa chiều chuộng và nghiêm khắc. Anh ví von “Nhà thiếu cha như nhà thiếu nóc. Nhà thiếu mẹ như nhà thiếu vách. Nhà thiếu con như nhà rỗng không”. Trong QCB, Bố Dũng đóng cả hai vai: nóc nhà và vách nhà. Có lẽ vì thế mà bố Dũng được các bạn của con gái nhận xét là “tình cảm”. Cái “tình cảm” mà không phải ông bố nào cũng có được, và chính bé Ti, con gái Bố Dũng cũng nhận ra điều đó:
“- Bố ơi, bạn con nói bố tình cảm
– Là sao?
– Lúc bố hỏi con có muốn bố ngồi cùng không? Con có cần gì không? Bố ở ngay đây, cần gì gọi bố nhé. Bạn con nói bố của bạn ấy không như thế.
– Ừ, ai cũng thương con, nhưng mỗi người có một cách thể hiện. Thế con nói với bạn sao?
– Con nói bố bạn là bình thường, bố tớ là bất thường.
– Bất thường? Con nói bố khùng hả?
– Dạ, nhưng con thích bố khùng vậy hoài.”
Có ai mà không yêu thương con, nhưng có lẽ ở Bố Dũng, tỉ lệ ấy phải nhân gấp đôi. Bố Dũng yêu hai con bằng trái tim ấm áp và nhạy cảm của mẹ, tinh tế và hóm hỉnh của bố. Anh bảo “Bố yêu con, vừa đủ để làm mọi điều nhỏ nhặt, và cũng vừa đủ để leo mãi con dốc dài của cuộc đời…Vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt. Vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn. Bố yêu con vừa đủ để đắp chăn cho con hằng đêm, ngồi chơi với con hằng giờ. Bố yêu con, vừa đủ để mỉm cười một mình, vì nhớ con”. Bố cũng yêu con vừa đủ để cùng con đạp xe trong mưa, cùng xì xụp hai tô mì gõ bốc khói. Vừa đủ để cùng con ngồi vỉa hè ăn gỏi bệt “Con gái sung sướng trộn trộn trộn, gắp gắp gắp, nhai nhai nhai. Ông bố hướng dẫn con thêm tuyệt chiêu húp húp húp”
Trong ngôi nhà nóc-vách là một của anh, hạnh phúc đến từ những việc rất nhỏ, là cả nhà cùng nhau chế biến và thưởng thức món “Vetula” mỗi cuối tuần, là cả ngày hì hụi sơn sơn, phết phết của hai bố con, là khi con gái khum khum đôi bàn tay múp míp đút cho bố miếng bánh tráng me ngào nhỏ xíu xiu… là khi con trai lúc 12 tuổi đã tự thú: ” Con có nói dối bố. Nhưng lúc con ôm bố và nói thương bố là con nói thật đó.”
Bố Dũng luôn tự nhận mình là một ông già lẩm cẩm, một ông bố bất bình thường, một ông bố nông cạn. Nhưng tôi nghĩ anh là một ông bố cầu toàn, anh chăm chút cho con hơn cả một bà mẹ – từ cắt móng tay, móng chân, đến tắm gội, chải đầu, khám răng, ủ ấm…anh còn là một ông bố luôn dạy dỗ và hướng dẫn hai con – từ vệ sinh thường thức, kỹ năng sống mạnh mẽ năng động, đến những đạo lý sống đẹp ở đời. Anh dạy con trong mọi thời điểm, lúc sơn xong một cánh cửa, khi dựng một cây thông, khi gặp hoài đèn đỏ, hay khi học cùng con. Hay nhất là cách dạy con của anh – không áp đặt, không đặt yêu cầu của bố cho hai con, khuyến khích các con làm điều các con thích, ủng hộ các con sống với giấc mơ của mình, không bao giờ ngăn cấm hoặc chỉ trích chê bai. Bố Dũng như một hướng dẫn viên tận tâm, tận tình luôn đồng hành cùng hai con, trang bị “tận răng” cho hai con hành trang vào đời, chỉ mong các con sống trung thực và mạnh mẽ, biết ước mơ, có chính kiến, biết lựa chọn để quyết định.
Tôi đã lặng người xót xa khi đọc đoạn thư bố viết khi bước vào tuổi dậy thì, dạy con cách chăm sóc cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt. Bố Dũng đã vào vai “mẹ” rất tròn, anh đã không để con gái phải bỡ ngỡ hay thiệt thòi vì thiếu mẹ.
Thiếu Mẹ, cái vách nhà tưởng chừng như đã được bố Dũng đóng thay trọn vẹn cho hai con, nhưng với chính mình, tôi đã thấy đau đáu trong anh một nỗi buồn ẩn giấu, buồn vì không thể chia sẻ, buồn vì phải gồng mình làm điểm tựa duy nhất cho hai con, buồn vì cảm thấy hụt hẫng khi con trưởng thành đã trốn khỏi vòng ôm của bố, buồn vì không thể kiềm chế những áp lực của bản thân mà trút vào hai con. Đã có những đêm anh không ngủ được, đi vào phòng hai con nhìn con ngủ, ôm con, hôn con, hít hà mùi con, rồi lặng lẽ chờ trời sáng.
“Kẻ độc hành, tưởng như nương tựa bầy đàn lại ẩn chứa sự tách mình trong đồng loại…Bố chẳng thể nào nói về nỗi buồn của mình, nó được quấn chặt nhiều lớp vải thô, như đồ sơn mài được làm cốt. Mọi người chỉ có thể nhìn thấy hào quang ánh sáng, nước sơn bóng lộn, nhưng không nhìn thấy những tấm vải quấn chặt cốt gỗ, không làm cho nứt nẻ bung tróc với sự thay đổi của thời tiết, thời gian. Bố cho con nửa sự thật, các con chỉ nhìn thấy bố vui cười, nhiều bạn, đi đến đâu cũng gặp người quen, ăn ngon mặc đẹp. Các con chẳng bao giờ biết bố mất ngủ trong đêm, chẳng bao giờ biết bố buồn, chẳng bao giờ biết bố khóc”
Có lẽ tôi đã cùng khóc với bố Dũng, như đã từng cười với ba bố con anh khi đọc QCB. Cảm ơn món quà cho hai con của anh đã trở thành món quà quý cho cộng đồng, bằng lối viết nhẹ nhàng dí dỏm, nhưng sâu sắc và có tính giáo dục cao, anh đã trải lòng mình trên từng con chữ để QCB đi vào lòng bạn đọc, để con cái có thể hiểu và trân trọng hơn những vòng ôm và cả những la rầy của bố mẹ – cũng là để bố mẹ soi lại chính mình trong cách yêu thương và dạy dỗ con.
Hạnh phúc là thương yêu và được thương yêu
Hạnh phúc là có bà, có bố, có hai con.
Mời các bạn đón đọc Quà của Bố của tác giả Trần Đình Dũng.
Chia sẻ ý kiến của bạn