Bối cảnh truyện là Sài Gòn những năm trước giải phóng, đầy hoa lệ mà cũng cực kỳ phóng túng. Ở đó, sau những ánh đèn chớp nháy đầy xa hoa là bao mảnh đời, số phận vật vã, nổi trôi. Liên là một trong số đó, số kiếp cô lênh đênh hết biến cố này lại sóng gió khác.

Từ một cô bé ngây thơ như bao cô gái khác, chỉ vì cảnh nhà túng bấn, bố mất sớm mẹ đi bước nữa. Đến năm mười bốn tuổi, sự thô bạo và dâm tục của bố dượng đã buộc Liên bước chân ra lề đường, chấp nhận kiếp sống bụi đời. Như thứ nọc độc, nó chiếm lĩnh cô dần dần bằng những nét phù hoa giả dối, những ảo mộng cuộc sống trong tiện nghi vật chất với lối sống an nhàn, vương giả. Qua bà mẹ nuôi và cô chị kết nghĩa, từ lúc nào Liên đã thành thạo với cách kiếm tiền từ kinh doanh thân xác con người. Và rồi, chính lối sống ấy đã buộc cô phải trả giá bằng sự trinh trắng của mình. Từ đó, phần vì kế sinh nhai, phần để trả thù đời, Liên đã điên cuồng lao vào các cuộc tình đỏ đen. Cứ vậy, Liên ngụp lặn trong dòng đời ngầu đục, bất kể những biến thiên thời cuộc…

Tiểu thuyết Một Kiếp Lênh Đênh đã đề cập phần lớn về góc khuất trong xã hội tạp nham đương thời. Đồng thời cuốn sách này cũng sẽ chạm tới trái tim bạn đọc để kiếm tìm sự đồng cảm với những số phận nghiệt ngã, đắng cay.




***

Lối đi quen thuộc chứa chấp nhiều mạo hiểm…

NGUYỄN KHẮC PHỤC

Đọc “Một kiếp lênh đênh” của Thu Trang, tôi bỗng miên man nghĩ ngợi. Và gợi ra khá nhiều điều về nghề tiểu thuyết. Mà cụ Tố Như bảo “nghề chơi cũng lắm công phu”, huống hồ cái nghề khó nhằn trên…

Nghĩ cho cùng, văn chương, mà ráo riết nhất là tiểu thuyết, chỉ chăm bẵm vào việc mô tả, đào bới các khía cạnh của kiếp người. Vâng, cái kiếp người với tất cả những thăng trầm, biến cải, ái, ố, hỉ, nộ… chính là cốt liệu làm nên tác phẩm; chính là chất men gây hứng khởi (và cả buồn, vui, bi phẫn cùng hi vọng…) cho văn sĩ; chính là chỗ quy chiếu để ta xem nhà văn nhìn đời, nhìn người, nhìn thế sự xoay vần ra sao, yêu cái gì, ghét cái gì, muốn cái gì phải chết, phải bị diệt vọng, cái gì phải còn lại, phải phát triển và đơm hoa kết trái… Tóm lại, dù “tiểu thuyết là cỗ máy tri giác thực tại” (theo định nghĩa của nhà văn Pháp Lu-i A-ra-gông), hay là “tấm gương đặt trên một cỗ xe, kéo lê trên đường cái, phản chiếu mọi sinh hoạt của đời sống” (theo cách nghĩ của Phốc-nơ, tiểu thuyết gia Hoa Kỳ)…, hay tiểu thuyết là gì gì đi nữa, “kiếp người” vẫn cứ là lý do đầu tiên và mục đích cuối cùng, khiến các nhà văn cầm bút, canh cánh bên lòng trước những cảnh ngộ éo le, bi thiết, niềm vui sống, tình yêu, lòng căm hận, bài ca bất tận của lao động sáng tạo, tinh thần hướng thiện, lòng sùng bái Mẹ Thiên Nhiên và cuộc vật lộn mưu sinh, những xô xát, tranh chấp giữa tốt-xấu, hay-dở, đúng-sai…, hăm hở tạo dựng lại một “thế giới ảo” mang dấu ấn cá nhân của nhà văn, trên trang giấy, từ những mảnh vụn tưởng chừng rời rạc, ngẫu nhiên của hiện thực. Cái thế giới ảo ấy vừa bắt rễ, nảy mầm từ mảnh đất đời sống, vừa vươn cành lá xum xuê đón nhận ánh sáng mặt trời, tổng hợp nên chất “diệp lục tố” – cái chất huyền diệu biến “sự bịa đặt” (hư cấu) thành tác phẩm văn chương, “thật” hơn cả cái “thật” xuất phát điểm của nó…

Trong cuốn sách của mình, Thu Trang quả là đã bắt ta theo dõi một “kiếp” lênh đênh trong tiểu thuyết thật hơn “kiếp lênh đênh” mà ta từng thấy trong đời. Mà lại lênh đênh trong trận cuồng phong những năm nửa sau thế kỷ 20 trên đất Nam Việt Nam. Liên, nhân vật chính, người đàn bà trong trại giam, sống lại trong hồi tưởng quá vãng, với bao ngậm ngùi, tủi hổ, trách móc và cũng không ít những lời biện hộ trắng trợn, đổ vấy cho “hoàn cảnh”… Ta hiểu, lắng nghe mà vẫn có thể cảm thông, thương xót và hy vọng một cái kết khả dĩ hơn, sẽ đến với con người có cái “kiếp lênh đênh” ấy. Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến tàu thuỷ chạy ven biển, chở những người miền Bắc di cư vào Nam, sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954… Trong đó có gia đình của cô bé Liên. Rồi bố chết, mẹ đi bước nữa, gặp phải ông bố dượng chẳng ra gì, cô bé từ tổ ấm bước vào một cô nhi viện Công giáo và từ đó, bước thẳng vào giang hồ. Những gì xảy ra như một hậu quả lô-gich, Liên trở thành vũ nữ trong vũ trường, thành một thứ “gái bao” cho những ông Tây, ông Mẽo và khách làng chơi. Cứ thế trượt mãi xuống dưới đáy xã hội. Sau 1975, Liên cố gượng lại nhưng “hoàn cảnh xô đẩy” và cuối cùng, “nàng kiều nữ – sản phẩm kiêm nạn nhân của chủ nghĩa thực dân kiểu mới” tạm dừng chân trong một trại giam, trò chuyện, thổ lộ với tác giả về “cái kiếp lênh đênh” của mình…

Giọng văn (qua lối tự thuật của nhân vật chính) giản dị, chân thật, gợi cảm u sầu, tiết tấu nhanh và ít khi bận tâm chẻ sợi tóc làm tư (gần gũi với lối ta thường bắt gặp ở một số cây bút di cư sau 1954). Nhưng có điều đáng ái ngại: chính trên những lối đi quen thuộc, nhà văn rất dễ gặp nhiều mạo hiểm khi độc giả dường như đã đoán biết trước những gì mà các nhân vật chính sẽ phải nếm trải và nhận lãnh… Nhưng Thu Trang đã không bắt đồng nghiệp và độc giả của mình phải thót tim lâu. Chị đã vượt qua những mạo hiểm trên một cách bản lĩnh mà vẫn hồn nhiên, tươi tắn chứ không đến nỗi phải gồng mình…

Phường Quan Hoa – Cầu Giấy
Một đêm chủ nhật N.K.P.

Mời các bạn đón đọc Một Kiếp Lênh Đênh của tác giả Thu Trang.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.