Tên Ebook : Tôi phải sống

Vào Chuyện

Chiếc xe ca đông nghẹt hành khách dừng lại ở một trạm trên đường phố chánh của thủ đô Hà Nội bên cạnh một công viên. Nhiều hành khách chen nhau bước xuống xe. Nhóm chúng tôi gồm ba người tù vừa được tha từ trại Nam Hà cũng bước xuống. Trong nhóm có thầy Kỳ, một chủng sinh ở miền Bắc làm hướng dẫn viên, còn anh Nguyễn Đức Khuân và tôi là dân miền Nam bị đưa ra Bắc ở tù, và cả hai mới đặt chân xuống đất Hà Nội lần đầu nên chỉ biết rảo bước theo sau thầy Kỳ. Khi vừa đi được một đoạn, tôi bị choáng ngộp bởi sự thay đổi khung cảnh quá nhanh. Mới sáng nay tôi còn ở trại tù Nam Hà vắng lặng và buồn thảm, thế mà xế trưa đã ở con đường chánh của thủ đô Hà Nội ồn ào náo nhiệt, đầy xe cộ và người đi lại. Tuy Hà Nội không có nhiều xe ô-tô như Sài Gòn trước kia, đa số là xe máy và xe đạp, nhưng việc xe cộ tới lui tấp nập cũng làm tôi choáng ngợp. Trong mười một năm tù tại miền Bắc, có bốn lần tôi cũng có dịp đi ngang qua Hà Nội, nhưng toàn là về đêm và bị còng tay trên các chuyến xe di chuyển tù từ trại này tới trại khác. Lần đầu là khi tôi bị đưa ra Bắc trên tàu Sông Hương, lên bến Hải Phòng và từ đó đi xe ngang qua Hà Nội để vào trại Nam Hà. Lần thứ hai trong đêm Giáng Sinh 1977, khi nhóm 20 người chúng tôi từ trại Nam Hà bị đưa lên Cổng Trời cũng đi qua Hà Nội trong đêm. Tám tháng sau, từ trại Cổng Trời chuyển về trại Thanh Cẩm, chúng tôi ghé qua trại Văn Hòa ở ngoại thành Hà Nội để nghỉ qua đêm. Lần cuối cùng, khi nhóm tù chính trị miền Nam và mười người tù Trung Quốc còn sót lại ở trại

Thanh Cẩm chuyển về trại Nam Hà cũng đi ngang qua Hà Nội khi phố đã lên đèn. Lần này tôi mới chính thức đặt chân tới Hà Nội giữa buổi xế trưa nắng ấm trong tâm trạng của một người tự do. Tôi dùng chữ “tự do” với một sự dè dặt, vì ít ra trong người tôi cũng có mảnh giấy ra trại được đóng dấu và ký tên hẳn hoi. Mảnh giấy, dấu ấn tự do của 13 năm tù đang được tôi cẩn thận nhét vào cái túi may bên trong áo phía trước ngực và cài lại bằng 2 lần kim băng.

Tôi không thể nào để tờ giấy màu nâu bằng chất liệu giấy rất kém này mất đi được. Đó là tờ giấy duy nhất hợp pháp mà tôi có được sau một thời gian rất dài ngoài ra tôi chẳng có một thứ giấy tờ gì trong người. Tờ giấy ra trại này để chứng minh cho mọi người biết tôi là ai, và dĩ nhiên là để tránh rắc rối trong lúc tôi vừa mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi nhà tù này và đang có ý định là sẽ lưu lại thăm viếng miền Bắc một thời gian chừng hai tuần lễ trước khi xuôi tàu về Nam.




Chiếc Nôi Dân Tộc

Tôi lên tiếng gọi và nói thầy Kỳ cho ngồi nghỉ một chút vì thấy trong người hơi mệt. Chúng tôi rẽ vào bên chiếc ghế công viên ngay đó ngồi vừa nhìn cảnh nhộn nhịp của giao thông trên đường phố thủ đô. Lúc ngồi tựa lưng vào thành ghế đá công viên, tôi có dịp để ý quan sát người dân Hà Nội, người ngồi xe cũng như khách bộ hành trên đường phố. Điều tôi ghi nhận đầu tiên là họ ăn mặc rất giản dị, không màu mè chải chuốt. Đa số mặc quần đen áo trắng, đàn ông cũng như đàn bà. Phần đông cúi đầu lầm lũi bước đi như những người mang tâm trạng chán chường, mệt mỏi.

Họ thường đi lẻ loi một mình, có khi sánh bước từng nhóm vài ba người, nhưng rồi cũng mạnh ai người ấy đi, ít khi thấy họ cười nói đùa cợt như hình ảnh quen thuộc của hè phố Sài Gòn mà tôi đã xa lìa hàng chục năm qua. Tôi đoán hầu hết những người đang đi xe gắn máy hoặc xe đạp là giới công nhân qua cách ăn mặc giản dị của họ. Đàn ông phần nhiều đội mũ cối và phụ nữ đầu đội nón lá. Một chi tiết lý thú mà tôi thấy lúc bấy giờ là gần như tất cả các cô gái Hà Nội đều thon thả, mảnh mai và hơi nhỏ người.




Tự nhiên tôi liên tưởng tới chiếc áo dài Việt Nam và nghĩ là trời sinh ra người con gái Việt Nam, nhất là gái Hà Nội là để mặc áo dài! Một lúc sau bắt đầu quen mắt, tôi cảm thấy dễ chịu, đứng dậy xốc ba-lô lên vai và theo thầy Kỳ dẫn lối tới Nhà Chung Hà Nội.[1] Tôi đã nghe nói nhiều về Hà Nội với 36 Phố Phường. Những bài hát truyền cảm, những câu thơ trữ tình tả cảnh “nên thơ” của Hà Nội. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên tôi đang sống với Hà Nội bằng chính đôi mắt và con người tự do của tôi.

Hà Nội đẹp lắm! Một nét đẹp cổ kính và chất phác nhưng thâm trầm. Ngay từ giây phút đầu thấy Hà Nội, tôi như bị “tiếng sét ái tình” làm mê mẩn hồn. Tôi say mê Hà Nội như chàng trai mới lớn lần đầu tiên nhìn thấy bóng dáng kiều diễm của người con gái trong mộng và rồi “yêu” nàng! Hà Nội không lộng lẫy kiêu sa, nhưng mang vẻ trinh nguyên của chiếc nôi dân tộc. Tôi yêu Hà Nội kể từ giây phút đầu tiên đó.

Thầy Kỳ đi đầu, mặc bộ quần áo màu xanh trại phát với túi xách trên vai, Khuân mang ba-lô đội nón vải bước theo sau. Nhìn hai người bạn đang hăng hái bước đi trước mặt, tự nhiên tôi buồn cười khi nghĩ tới hình ảnh của nhóm bộ ba tướng sĩ tượng này. Hai anh bạn ăn mặc kỳ dị quá khiến tôi nghĩ có lẽ người khác nhìn tôi cũng nói như vậy.




Chúng tôi thật chẳng giống ai, nhất là thầy Kỳ! Ai nào lại mặc bộ quần áo tù đi nghênh ngang giữa thủ đô văn hiến như thế nhỉ? Dường như ai nhìn vào cũng biết đây là ba anh tù vừa mới ra trại. Biết đâu có người còn nghĩ đây là ba anh tù vượt ngục khi thấy thầy Kỳ mặc bộ quần áo tù với chiếc áo trấn thủ che ngoài để lấp con dấu “Cải Tạo” đóng sau lưng không chừng!

Tự nhiên tôi đâm ra băn khoăn xen lẫn một chút khó chịu. Cái ông thầy Kỳ này thật là “kỳ”! Ai lại đi ăn mặc như thế bao giờ! Không lẽ chẳng còn bộ đồ nào khác hơn hay sao? Ăn mặc  hư thế nhỡ có ai nghi ngờ thì lại rắc rối to. Mặc dù hơi khó chịu nhưng khi thấy thầy Kỳ bỗng dưng hớn hở và cho biết là sắp tới nơi, hồn tôi như hòa vào niềm vui và quên đi nỗi băn khoăn về thầy.

Thầy Kỳ lúc đó đã ngoài 40, có lẽ cũng xấp xỉ tuổi tôi. Người nhỏ thó và nước da ngăm đen. Mấy chiếc răng bi gãy trông thầy càng bệ rạc hơn! Tuy nhiên, tính tình vui vẻ và khiêm tốn làm tăng thêm nét dễ thương nơi thầy. Vì lý tưởng đi tu mà thầy bị bắt vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần.

Thầy Kỳ chung lớp với một số Linh mục ở miền Bắc. Số thầy lận đận tù mãi, bằng không cũng trở thành Linh mục từ lâu. Thầy Kỳ quen biết hầu hết các tu sĩ miền Bắc, từ Hồng Y Giáo chủ trở xuống. Trong Nhà Chung Hà Nội này có hai bạn học cùng lớp với thầy Kỳ làm phòng bộ cho Đức Hồng Y. Trong khi rảo bước theo thầy, tôi có cảm tưởng như đang bước theo sau một “Thiên thần “ hộ mệnh.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.