Năm vừa qua, Chuyện cũ Hà Nội đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng giải thưởng Thăng Long 1997-1998. Thật xứng đáng, vì trong khoảng chục năm trở lại đây, Chuyện cũ Hà Nội là một tập ký sự thật đặc sắc về đề tài Hà Nội.

Có thể coi đó là một thứ Vũ Trung tùy bút thời hiện đại, vì với những mẩu chuyện không dài, Tô Hoài với tư cách một chứng nhân đã ghi lại “muôn mặt đời thường” của cái Hà Nội thời thuộc Tây. Tuy mới qua sáu, bảy chục năm mà dường như không mấy ai nhớ nữa, thậm chí đã trở thành chuyện đời xưa.

Chuyện cũ Hà Nội ở lần xuất bản đầu tiên vào năm 1986 mới chỉ có bốn chục truyện. Tới lần tái bản này sách gồm 114 chuyện. Không gian được mở rộng, thời gian được dãn dài, chuyện đời, chuyện người phong phú lên nhiều. Điều đáng nói trước hết là ở lần in đầu, có lẽ nặng lòng với vùng quê ven đô sâu nặng ân tình nên các câu chuyện cũng nghiêng về những miền đất ngoại ô. Nay thì cả một nội thị Hà Nội dàn trải trong tập sách: Băm sáu phố phường, Cái tàu điện, Phố Mới, Phố Hàng Đào, Phố Hàng Ngang, Phố Nghề, Hội Tây, Bà Ba (Bé) Tý, Tiếng rao đêm, Cơm đầu ghế, Chiếc áo dài, Ông Hai Tây, Cây Hồ Gươm v.v. Chỉ nêu vài tên bài như thế cũng thấy sự hiện diện đa dạng của cái nội thành đa đoan lắm chuyện. Phố Hàng Đào với những “mợ Hai” khinh khỉnh, vàng ngọc đầy cổ đầy tay, phố Hàng Ngang với những chú tây đen thờ lợn, chủ hiệu vải, sinh hoạt bí hiểm song cũng đa tình, Phố Mới có nhà cầm đồ Vạn Bảo “lột da” dân nghèo, có cả chợ đưa người, một thứ chợ môi giới thuê mướn – cả mua bán – những vú em, thằng nhỏ, con sen… những thân phận nghèo hèn đem thân làm nô bộc cho thiên hạ.




Rồi cái tầu điện leng keng, những ngày Hội Tây bên bờ Hồ Gươm, những tà áo dài từ thuở thay vai và nhuộm nâu Đồng Lầm đến áo Lơ Muya sặc sỡ mốt thời trang một thời…

Cái hay ở Tô Hoài là những cái lăng nhăng sự đời ấy (chữ của Tản Đà) đã có ít nhiều người ghi lại. Chuyện ông Hai Tây làm xiếc, Bà Bé Tý lên đồng… sách báo đã từng đề cập. Nhưng lần này Tô Hoài lại nhìn ra những nét hoạt kê mới; hay cũng đã nhiều người viết về quà Hà Nội nhưng các bài Chả cá, Bánh cuốn, Phở của Tô Hoài có những thông tin hay, mới mẻ, ngay như Nguyễn Tuân cũng chưa phát hiện hết. Cũng như các loại tiếng rao hàng ban đêm thì Thạch Lam đã ghi chép vậy mà ở Tiếng rao đêm của Tô Hoài vẫn có nhiều ý tứ mới.

Như vậy đó, với vài nét ký họa, Tô Hoài đã vẽ được cái thần thái của một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê…




Có một Hà Nội nhố nhăng như thế thì cũng có một Hà Nội lầm than.

Cảnh lầm than ấy càng rõ nét hơn ở các làng quê ven nội. Thợ cửi, thợ giấy làm quần quật ngày đêm mà vẫn đói khổ, rồi nạn Tây đoan sục bắt rượu lậu và những người dân lành đói khổ phải nhận đi “tù rượu thay” để vợ con ở nhà có người chu cấp. Sự bần cùng ấy hằn sâu nhất trong chuyện Chết đói. Nạn đói năm 1945 đã làm vợi đi của làng Nghĩa Đô bao người. Ngay cả tác giả và bạn văn Nam Cao nếu không có một người quen ý tứ trả công dạy học lũ con ông ta bằng gạo thì “không biết chúng tôi có mắt xanh lè giống thằng Vinh hay dì Tư không, hay còn thế nào nữa”.

Những câu chuyện “tang thương ngẫu lục” ấy đủ giúp bạn đọc trẻ nhận thấy thời nay hơn hẳn thời cũ, cuộc sống khá giả hơn trước nhiều lắm. Cho nên nói chuyện cũ mà tư tưởng sách không hề cũ.




Trong sách còn một mảng kể về phong tục. Nhiều cái nay không còn. Như các đám múa sư tử thì đêm Rằm Trung Thu ở những phố Hàng Ngang, Hàng Đường và đánh nhau chí tử, quang cảnh những ngày áp tết dường như cả nước kéo về Hà Nội… Ở ven đô thì hội hè đình đám, khao vọng, đám ma… Các bài Làm ma khô, Thẻ thuế thân, Khổng Văn Cu vừa bi vừa hài. Có một bài tuyệt hay, đó là bài mô tả đám rước Thánh Tăng. Đích thị là một lễ hội phồn thực có từ đời nảo đời nao mà tới tận thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại, lại ở ngay sát nách kinh kỳ. Bấy nhiêu hình ảnh không bao giờ xuất hiện nữa nhưng tôi cứ nghĩ rằng ngày nay, ít ra thì những nhà làm phim lịch sử, viết truyện lịch sử, dựng kịch lịch sử rất cần đến. Chuyện cũ Hà Nội chính là một tập ký sự về lịch sử. Thể này đòi hỏi ở nhà văn ngoài tài văn chương còn phải có vốn liếng kiến thức về cuộc đời, có năng lực quan sát và kỹ thuật phân tích, để trên cơ sở đó trình bày được những điều cần nói từ những sự vật, sự việc, con người. Tô Hoài đã làm được như vậy. Sự hiểu biết của ông về Hà Nội thời thuộc Pháp thật phong phú, thêm sự quan sát tinh, phân tích sắc, văn lại đậm đà và hóm, các mẩu chuyện dù là chân dung một nhân vật, ký họa về một cảnh, hay giãi bày một tâm sự, đều hấp dẫn, vì đó là những điều mới lạ (dù là chuyện thời cũ) và rung động lòng người vì những tình cảm chân thành nhân hậu.

Chuyện cũ Hà Nội còn có thể coi là một tập điều tra xã hội học về Hà Nội thời nửa đầu thế kỷ XX bằng văn chương. Bất luận bạn đọc ở giới nào cũng có thể tìm được những điều mình cần biết mà chưa biết. Chuyện cũ Hà Nội được giải thưởng Thăng Long có lẽ còn vì lẽ đó.

NGUYỄN VINH PHÚC




10.1999

***

Tô Hoài (tên khai sinh: Nguyễn Sen; 27 tháng 9 năm 1920 – 6 tháng 7 năm 2014) là một nhà văn Việt Nam. Một số tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra ngoại ngữ. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật Đợt 1 (1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
  
Tô Hoài sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… nhưng có những lúc thất nghiệp. Khi đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là qua truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.




Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

***
đầu, nhọn đầu và con tôm khác con tép thế nào. Chỉ có thể thỏa thuận với nhau rằng thịt chó là một món ăn chơi, ăn chơi thì có kẻ yêu người ghét và khách ăn chơi thì vốn xưa nay không ai chịu ai.

Chó có nhiều biệt hiệu. Gọi là con mộc tồn. Mộc là cây, tồn là còn, cây còn nói lái là con cầy. Vùng Hải Phòng, các quán thịt chó đều lịch sự kẻ bảng: Thịt cầy. Có nơi gọi chó là con hươu thềm, hươu nuôi trong nhà ở trước thềm hè. Ở Sài Gòn có hiệu thịt chó đề là: quán hạ cờ Tây (cờ tây là cầy tơ). Lắm biệt hiệu thế, hẳn phải nổi danh và nhiều tai tiếng rồi. Bởi vì thịt chó không giống thịt lợn, thịt gà hiền lành ai ăn cũng được.




Cũng như, một người đẹp, một tác phẩm hay bao giờ cũng có kẻ say đắm thích thú đến mê tơi, lại có người chê bai đủ điều. Ấy là không kể người đồng bóng, người thương con chó có nghĩa, người chỉ ngửi mùi thịt đã nhăn mũi. Người yêu thịt chó nhưng dị đoan kiêng chó đen, không đụng đến chó đầu tháng cuối tháng và ra đường tránh gặp chó đón ngõ.

Ở đâu cũng vỗ ngực chỉ có vùng mình, làng mình và phải tay mình làm thịt chó mới đáng ăn. Chưa thấy nơi nào, người nào chịu tài làm thịt chó của vùng ấy, người ấy hơn ta. Bên Triều Tiên và các tỉnh Hoa Nam (Trung Quốc) cũng ăn thịt chó. Ông Sinh chủ quán hàng Lược đã được mời mấy tháng đi Triều Tiên làm chuyên gia dạy nấu thịt chó. Tôi chưa được thưởng thức thịt chó ở các nơi trên, nhưng đã có dự một tiệc thịt chó ở Bắc Kinh. Dạo ấy, Hoàng Văn Hoan đương chơi dài ở Bắc Kinh. Ông ngồi công kích truyện Kiều của Nguyễn Du bắt chước Trung Quốc. Ông mời tôi một bữa ăn để có thì giờ nói cho hả. Đặc sản thịt chó Hoa Bắc món nấu, món xào sực nức thảo quả. Người Nga ăn thịt chó, ăn hẳn hoi. Bữa ấy Mixen phóng viên báo Tin Tức của Liên Xô ở Hà Nội chén thịt chó ở nhà tôi. Không phải nói trệch là sốt vang, là thịt cừu nướng, thịt cừu nấu súp. Các bạn thực tình ăn ngon và ăn nhiều. Nhưng cũng có điều không bình thường, họ chỉ chén chả chó, rựa mận và “giả cầy”, chấm cả mắm tôm chanh ớt mà không đụng thìa dĩa vào đĩa thịt chó và lòng gan luộc. Trên thế giới, ít nơi ăn thịt luộc như ta.

Không phải chó nào cũng đem mổ thịt được. Chó becgiê cao cẳng, chó Nhật, chó cảnh bé bỏng như nắm bông, thịt tanh. Chỉ có giống chó đâu cũng có ở nước ta, những con vàng, con vện, con đốm, con khoang, con mực thấp cun cún, chân trước chân sau không dài, không ngắn ngủn hoẳn mà tỏi chân sau vè chân nổi bắp tròn trành trạnh. Thịt chó ấy mới đậm, nói tiếng Mường nó là con chó chứ không phải con má.

Thịt chó là món khó tính, không chịu chơi. Trong mâm và bữa ăn thịt chó không ưa chung đụng với món khác. Và khi nấu nướng, người ta thường ganh nhau “sáng tạo”. Ở Sài Gòn bây giờ, các hiệu thịt chó quảng cáo: cầy tơ bảy món, thịt chó 24 món, chả chó đặc biệt… nhưng dù cho các nhà sáng tác có khuếch khoác hươu vượn tới đâu, có bày vẽ bao nhiêu món, thì món nào cũng từa tựa ở cái gốc năm chiêu cổ điển mà ra: 1- Thịt và lòng gan luộc. 2- Chả. 3- Rựa mận. 4- Giả cầy. 5- Sáo chó.
 

Mời các bạn đón đọc Chuyện cũ Hà Nội Tập 2 của tác giả Tô Hoài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *