Năm 1949, khi tác giả còn sống, nhà xuất bản Vĩnh Sơn (Sài Gòn) đã xuất bản cuốn hồi ký này. Việc xuất bản cuốn hồi ký Một cơn gió bụi vào trung tuần tháng 4/2017 vừa qua đã cung cấp thêm cho bạn đọc những trang sử liệu giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mà Trần Trọng Kim là một nhân chứng lịch sử quan trọng.

Cuốn hồi ký gồm 12 chương, mỗi chương kể về một giai đoạn cuộc đời tác giả với những sự kiện gắn kết với nhau và không tách rời bối cảnh lịch sử Việt Nam khi đó.

Sử gia Trần Trọng Kim (1882 – 1953), bút hiệu Lệ Thần, quê xã Đan Phổ (nay là Xuân Phổ), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp Sư phạm ở Pháp (1911), về nước dạy học tại trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi, nay là trường THPT Chu Văn An – Hà Nội). Trần Trọng Kim là Thủ tướng đầu tiên Nội các độc lập của Đế quốc Việt Nam.




***

Khi tôi về Sài gòn, trong lưng chỉ còn có 20 đồng bạc Ðông Dương. Ông Cousseau thấy vậy có đưa tiền, nhưng tôi không lấy. Sau tôi gặp những người quen biết có giúp đỡ ít nhiều để mua thuốc thang và may vá lặt vặt. Tôi đến nhờ ông cử Bùi Khải, ông vì tình anh em, tiếp đãi một cách thành thực và tử tế, các cháu đều hết lòng kính mến. Nhưng vì cả gia quyến bốn năm người đến ở đấy lâu ngày, ăn không ngồi rồi, nghĩ cũng khó coi. Con gái tôi biết tiếng Anh, có nhiều người muốn học, định đi thuê nhà để dạy học, nhưng không thuê được nhà. Sài gòn cũng như ở bên Tàu, cái nạn khan nhà thật là điêu đứng. Muốn thuê một cái nhà nhỏ, ít ra cũng phải trả tiền trà mất một vài vạn bạc, thì lấy tiền đâủ Sau hai vợ chồng con tôi gặp những người quen nói ở trên Nam Vang, bên Cao Miên, cơm gạo rẻ và dễ thuê nhà, chúng nó mới xin giấy lên Nam Vang. Lên ở nhà khách sạn được mấy ngày chẳng may con tôi bị bỏng suýt chết. Nhờ có những người quen biết trông nom giúp đỡ nên không việc gì.

Nhà ở Nam Vang lại có phần khó thuê hơn ở Sài gòn, thành ra nhà vẫn chưa thuê được, con tôi phải về ở nhà ông Phạm Chí Tùng trong khi chờ đợi có nhà ở.

Ông Phạm Chí Tùng là người rất hiền hậu, thấy con tôi lên ở nơi xa lạ, hết lòng giúp đỡ, coi như anh em trong nhà vậy.




Con tôi đi Nam Vang chờ đến ba tháng, nhờ ông Pignon can thiệp mấy lần, hội đồng coi việc nhà cửa mới thuê cho được một căn nhà, mở lớp dạy học tiếng Anh, lần hồi cũng đủ ăn tiêu.

Tôi ở Sài gòn, có cóp nhặt những sách của tôi, định tìm nhà xuất bản cho in lại. Lúc ấy tôi gặp ông Trần Văn Văn đến thăm tôi. Khi tôi ở Huế, ông có ra làm việc ở bộ kinh tế với ông Hồ Tá Khanh, cho nên đã quen từ trước. Ông thấy tôi ở trong cái hoàn cảnh rất eo hẹp, ông liền cho tôi vay một món tiền khá lớn và ông nhận việc tìm nhà xuất bản để in những sách của tôi.

Trong lúc nguy nan, gặp được người bạn như ông Trần Văn Văn đến thăm tôi thật là ít có. Ấy cũng là một sự may mắn, nhờ trời dun dủi làm cho đỡ được bao nỗi đau buồn khổ não.

Vào khoảng tháng chín năm 1947, thì cậu Bùi Nam, anh em nhà tôi ở Hà Nội vào Sài gòn thăm chúng tôi, biết rõ tin tức người nhà. Lúc ấy nhạc mẫu tôi đau nặng chưa biết thế nào, cậu Nam được tin vội vàng ra ngay, ra đến nơi buổi trưa, thì buổi chiều mẹ tôi mất. Tình mẹ con, nỗi đau đớn, nhà tôi rất sầu khổ. Cái sầu khổ lúc ấy lại có phần tăng thêm là vì phải khi loạn lạc, mình phiêu lưu ở đất khách quê người, không thấy được mặt mẹ trong phút cuối cùng.

Mời các bạn đón đọc Một Cơn Gió Bụi của tác giả Trần Trọng Kim.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.