Tên Ebook : Sài Gòn Ngày dài nhất

Chương 1

Tôi nhìn đồng hồ: 0 giờ 1 phút. Ngày mới của nhân gian đã sang được 60 giây. Hoàng hôn của đời tôi khởi sự. Từ đốm lửa ở đầu điếu thuốc loé lên mỗi hơi rít đẫy đà, tôi mơ hồ thấy nỗi chết gần kề. Đao phủ và hình cụ của nó đang chờ tôi bên bờ biển máu. Tôi linh cảm tôi sẽ là một trong cả triệu nạn nhân bị đẩy vào cuộc tàn sát tuyết hận ghê gớm của Cộng Sản như người Mỹ khẳng định và như Soljenitsyne quả quyết. Tôi sợ hãi. Tôi sợ hãi vô cùng: Vì tôi chưa hiểu Cộng Sản sẽ dành cho những nhà văn chống đối họ cách chết nào, lối chết nào, kiểu chết nào. Khái Hưng đã bị dìm dẫy sặc dưới nước. Lan Khai đã bị nhét vô rọ liệng xuống sông. Sắp đến lượt chúng tôi. Sắp đến lượt Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Như Phong… Chẳng biết những người này có nhanh chân và may mắn hơn tôi? Chẳng biết anh em nào đã ra đi, anh em nào còn kẹt lại? Riêng tôi, tôi tuyệt vọng di tản từ lúc cổng sắt của Phòng thông tin Mỹ góc đường Lê Quý Đôn – Phan Đình Phùng mở tung, dân Sài gòn ùa vào đập phá cho hả giận bị đánh lừa và hôi đồ cho bõ tức. Với tôi, định mệnh an bài hồi 14 giờ, ngày 29-4-1975. Sứ thần Lan Carter không trở lại thực thi lời tâm huyết của tổng thống Gerald Ford: “Phải dành ưu tiên di tản những nhà văn, những nhà báo, những chủ bút”… Tôi nhớ Phạm Duy, trước phút chạy thục mạng, đã cố gọi giây nói khuyên tôi: “Tìm lối thoát lẹ đừng tin Mỹ, bọn Mỹ chó đẻ lắm”? Bọn Mỹ chó đẻ thật. Nó năn nỉ chúng tôi đến USIS ghi tên di tản. Nó lập danh sách, ghi rõ tên tuổi, bút hiệu, địa chỉ của chúng tôi. Nó đem danh dự của dân tộc nó quả quyết sẽ không bao giờ để chúng tôi lọt vào tay Cộng Sản. Chúng tôi tin nó. Và chúng tôi đã không kiếm đường khác. Bấy giờ, ông đại sứ John Dan chưa công bố thư riêng của hoàng thân Sirit Matak sau khi cuốn cờ sao sọc rời Phnom Penh: “Sống chết đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã trót tin người Mỹ”? Sirit Matak khước từ di tản. Nếu tôi không lưỡng lự giữa hợp pháp và bất hợp pháp, chỉ cần xỉa cho chị me Mỹ đen dưới chợ Xóm Lách mỗi đầu người ba trăm đô-la, tôi đã leo máy bay Mỹ ở phi trường Tân Sơn Nhất. Mới hay, me Mỹ giá trị hơn lời của tổng thống Gerald Ford và danh dự Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi tôi “quán triệt” tâm huyết Mỹ, đó là lúc tôi chờ đợi cái chết. Tôi đã chưa hề tin Mỹ. Lần đầu tôi tin Mỹ và tôi e rằng không còn dịp để nói là lần cuối cùng. Mỹ giống hệt Cộng Sản. Nó bảo trắng thì là đen. Nó bảo thắng thì là bại. Nó bảo đồng minh thì là đầy tớ. Nó bảo chung thủy thì là phản phúc. Nó dọa biển máu, biển máu. Nó vẽ ra những cảnh tượng hãi hùng. Nó sáng tạo sự khiếp đảm. Nó bắt thần kinh con người phải căng thẳng. Nó khiến con người gần như mất hết phẩm cách vì sợ chết, ôm lấy nó để nó giáng những báng súng thô bạo lên thân thể, nó đấm, nó đạp mà vẫn cam đành nhục nhã, ê chề, đau đớn cho sự sống hèn mọn ngoài biển máu quyết đoán của nó. Rồi nó thản nhiên vất cả một dân tộc lại, thoi thóp từng giây với ác mộng biển máu. Từ khai thiên lập địa, từ có loài người, chưa có giống người nào dã man, độc ác, lạnh lùng hơn giống tư bản. Cái giống tư bản đã viện trợ thêm cho chúng tôi cảm giác rụng rời của tưởng tượng nỗi chết, cách chết, kiểu chết tính bằng co rút của tế bào tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời rạc của nhịp tim. Tư bản làm tê liệt tâm hồn con người để Cộng Sản kết thúc cuộc sống của con người. Hai kẻ tội đồ của nhân loại đã thông đồng một trò chơi khốn kiếp ở nhiều nước nhỏ trên trái đất. Hôm nay, ở nước tôi.

Để quên nỗi chết, tôi chỉ còn biết hồi tưởng.




***

Tín hiệu của ngày dài nhất trên quê hương Việt Nam khốn khổ đã phóng lên vùng trời Ban Mê Thuột hôm 12-3-1975. Nhưng Sài gòn không treo cờ rũ như đã treo để tang Phước Long thất thủ hồi đầu tháng 1-1975. Thành phố ấy vẫn ăn chơi trong mọi khắc khoải, vẫn nhẩy nhót trên mọi ưu phiền, vẫn củng cổ quyền bính và âm mưu truất phế quyền bính. Những xác chết của quân dân chất đống, những dòng máu của quân dân chẩy dài, ở Darlac, còn tươi rói, chẳng làm lay động nổi cái bóng.. tối phủ kín lương tri mê sảng của giai cấp thống trị và bọn đối lập tổ quốc. Người ta lạy lục xin viện trợ chống giặc. Người ta lạy lục cúp viện trợ chống giặc. Phong trào bài trừ tham nhũng chuẩn bị cuộc xuống đường vĩ đại. Cảnh sát chuẩn bi cuộc đàn áp ngoạn mục. Lần này, thầy tu Trần Hữu Thanh hạ quyết tâm phá nát con rùa tại công trường Duy Tân vì Nguyễn Văn Thiệu dấu bùa yểm sự nghiệp bảo vệ đất nước dưới mu rùa! Lịch sử đã quá xa thời đại thầy tăng dựng triều đại nhà Lý vẻ vang. Bây giờ là giai đoạn tôn giáo thay thế sự ươn hèn của đảng phái. Để múa may ít và để bị giật giây múa may nhiều. Và vô tích sự. Hoàn toàn vô tích sự. Ông Trần Hữu Thanh chống ông Nguyễn Văn Thiệu bằng sở nguyện của ông Trần Thiện Khiêm, bằng tài liệu của ông Trần Thiện Khiêm, bằng hậu thuẫn của ông Trần Thiện Khiêm, tham nhũng ngang cơ ông Nguyễn Văn Thiệu. Nhân danh một điều ác loại trừ một điều ác. Đó là tư tưởng tranh đẩu của một số thầy tu. Và, dĩ nhiên, không có hồi chuông cáo phó nào rung lên cho Ban Mê Thuột, ở nhà thờ, ở nhà chùa…

Ngày Nông Dân 1975 định tổ chức thật vĩ đại ở Sài gòn tạm hoãn. Những công trình xây cất tại Sở Thú cho ngày “Người cầy có ruộng” đang ồn ào, bỗng im lặng. Một triệu số giai phẩm Cách Mạng Xanh ấn loát xong xuôi đành nằm vô duyên ở Bộ Canh Nông, ở Sàigòn ấn quán, không còn dịp tặng nông dân tham dự đại hội. Bài ca cách mạng xanh của Phạm Duy do Thái Thanh hát chẳng kịp vang vọng những lời nhân bản: “Ruộng vườn chia nhau mà không cần đổ máu”… Tuy nhiên, sóng ngầm chỉ mới dấy lên ở đáy lòng giai cấp thống trị bù nhìn và tham vọng của bọn đã bị tước đoạt quyền bính bù nhìn cũ. Sóng nổi rõ rệt, không, không phải là sóng mà là những cọng rác bắt đầu nhô lên dòng thế sự, là đám Nguyên Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung… Binh ôm chặt thầy tu Trần Hữu Thanh, khuynh loát nhóm dân biểu Quốc Gia, xúi dục tạo những xáo trộn. Chung theo sát gót Dương văn Minh, chờ đợi phất cờ.” Nguyễn Văn Binh, cháu Tổng giám mục Sài gòn Nguyễn Văn Bình, như cái nhân Cộng Sản cấy vào nhóm dân biểu đối lập Quốc Gia của những tay chống Cộng Sản khét tiếng Nguyễn Trọng Nho, Trần Văn ân, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Cung… Chính Binh đã qua mặt nhóm Quốc Gia viết thông cáo và nhân danh nhóm Quốc Gia -. Binh là chủ tich của nhóm – công khai đối lập… tổ quốc, nghĩa là xúi Mỹ cúp viện trợ cho Việt Nam. Nhóm Quốc Gia, vì cảm tình đã không tỏ thái độ gì cả. Những kẻ gọi là đối lập Nguyễn Văn Thiệu đã quên việc lớn, chỉ nghĩ đến việc nhỏ. Đất nước mới vĩnh cửu, Nguyễn Văn Thiệu nhất thời. Chỉ nghĩ tới cái nhất thời mà quên cái vĩnh cửu nên người ta hăm hở săn đuổi Nguyên Văn Thiệu, người ta không thích đưa ra một đề nghị tạm xóa bỏ hận thù riêng để đối phó hận thù chung. Dễ hiểu thôi, chính trường của miền Nam, đúng hệt lời nhận xét của Nguyễn Trọng Nho: “Không có đối lập, chẳng có thân chính quyền, chỉ rặt gà què ăn quẩn”. Cần nối tiếp: “… và gia nô”? Cái chính trường đê tiện ấy, thực sự, không có đối lập đúng nghĩa. Chỉ là đối lập tổ quốc và đối lập người nguyên thủ quốc gia như đối phó kẻ thù. Bọn đối lập tổ quốc, ai cũng rõ chân tướng của chúng, là bọn Cộng Sản nằm vùng, là bọn thân Cộng Sản, là bọn đầy tự ti mặc cảm. Bọn gia nô miễn đếm xỉa. Một vài chính khách, dân cử đối lập chân chính thì lại thiếu thái độ chính trị. Nghĩa là chỉ biết chê sai mà không dám khen đúng, chỉ thích xa cách lấy danh mà không thích gần gũi hứng nhục vì quyền lợi của dân tộc, vì sự sống còn của tổ quốc Họ còn ngây thơ nữa. Muốn Nguyễn Văn Thiệu té nhào nhưng họ không đủ tài năng cù nách Godfather của Thiệu. Khi bố già Sam còn yêu Thiệu, đối lập là trò hề rẻ tiền, hơn cả trò hề, là sự làm dáng dân chủ cho Thiệu vững vàng thêm. Nguyễn Văn Thiệu trở thành kẻ tồi tệ do Godfather Sam khích lệ, do gia nô sùng bái, một phần do đối lập chỉ mưu đồ hất ông ta mà không chịu đóng góp xây dựng cho ông ta. Bởi vậy, với riêng Thiệu, đối lập và đối nghịch nguy hiểm hơn Cộng Sản; với đối lập và đối nghịch, Nguyễn Văn Thiệu nguy hiểm hơn Cộng Sản. Cái chính trường ngu xuẩn ấy khoán trắng việc đánh giặc bảo vệ tổ quốc cho quân đội. Để làm những trò khỉ đối lập Để làm xáo động hậu phương cả trong lúc hậu phương và tiền tuyến đều bàng hoàng chuyện mất đất.

Không một hồi chuông cáo phó nào rung lên cho Ban Mê Thuột, ở nhà thờ, ở nhà chùa và ở cả lòng những kẻ đối lập phiêu lưu mà, đáng lẽ, cần phải rung lên. Cuộc chiến hai mươi năm, chưa lần nào lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng Sản ngoạm một miếng to thế, mầu mỡ thế. Ban Mê Thuột là vùng kinh tể trù mật của Cao Nguyên. Một nhà phát hành sách báo ở Sài gòn cho biết, số sách báo bán riêng tại Ban Mê Thuột bằng cả miền Trung cộng lại. Nhưng Ban Mê Thuột đã thất thủ. Và Sài gòn không treo cờ rũ. Và Sài gòn đã quên cả Phước Long, đã chẳng cần đặt câu hỏi: Trước thời gian Phước Long mất, có một căn cứ, một đồn bót nào bị mất? Không, mất sáng thì quân đội ta chiếm lại chiều, mất đêm thì quân đội ta chiếm lại ngay. Nửa tấc đất cũng không để lọt vào tay Cộng Sản. Ngay Quảng Trị khó tái chiếm mà vẫn tái chiếm. Căn cứ Tống Lê Chân heo hút biên giới mà vẫn tử thủ. Tại sao bỏ rơi Phước Long? Niềm u uẩn Phước Long tại sao không bày tỏ? Mục đích bẩn thỉu nào đã cống hiến xương máu quân dân Phước Long làm quà tặng cho “giải phóng miền Nam”? Tất cả đều ngậm miệng, gia nô và đối lập; tướng hùng và tướng hèn. Rồi Ban Mê Thuột? Tiếng nói của lương tri nào kịp thời an ủi những cái chết tội nghiệp của dân, những cái chết bi phẫn của lính? Im lặng và lạnh lùng. Sài gòn vẫn nhẩy đầm, vẫn rượu gái, vẫn tham nhũng, vẫn làm tiền, vẫn củng cổ quyền bính, vẫn âm mưu cướp đoạt quyền bính… Phải đợi đến ngày 17-3-1 975, ngày khởi sự “300 cây số đường máu” dọc liên tỉnh lộ số 7 về đất hứa Tuy Hòa, nghĩa là ngày vĩnh biệt Cao Châu*, Sài gòn mới hơi hơi xao xuyến!


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.