Từ Ấp Chiến Lược đến biến cố Tết Mậu Thân, những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
thành phố đổ nát
“… đằng sau biến cố này là một số hệ lụy mang tính lịch sử vẫn chưa thấy giới nghiên cứu sử học đề cập tới mặc dù chúng vẫn hiện diện và nổi cộm lên …”
Trong chiến tranh Việt Nam, biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà sách vở của chế độ cộng sản Hà Nội gọi tên là cuộc Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) đã được các sử gia ngoại quốc xem là một bước ngoặt lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Hầu hết các quan điểm khác biệt của các phe lâm chiến như chính phủ Hoa Kỳ, chế độ Bắc Việt, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, giới truyền thông Hoa Kỳ và một số các quốc gia khác, giới nghiên cứu sử học Hoa Kỳ, một số các nhân vật có dính líu ít nhiều vào biến cố đó, ở phe này hay phe khác đã được bày tỏ qua sách vở, tư liệu với nhiều mục đích khác nhau như tuyên truyền, biện minh, lên án, kết tội, bào chữa, tái xác nhận v.v… Biến cố Mậu Thân cũng đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm tang thương, đau lòng trong rất nhiều đồng bào Việt Nam tại Huế – Thừa Thiên nói riêng và đồng bào Miền Nam nói chung với cái chết của biết bao người thân trong gia đình, bạn hữu và các nhân vật hành chánh, chánh trị, các tu sĩ tôn giáo ngoại quốc cũng như trong nước, kể cả các giáo sư đại học người nước ngoài đến phục vụ tại Viện Đại Học Huế. Tuy nhiên, đằng sau biến cố này là một số hệ lụy mang tính lịch sử vẫn chưa thấy giới nghiên cứu sử học đề cập tới mặc dù chúng vẫn hiện diện và nổi cộm lên thông qua biến cố này.
Bốn mươi năm qua, thời gian cũng đủ để cho một thành phố, như Huế chẳng hạn, được hồi sinh nhưng đây cũng là dịp nhìn lại biến cố đó để tìm hiểu những bài học lịch sử mà cho đến nay vẫn còn chứa nhiều bí ẩn chưa biết được, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu sử học Hồ Khang: “Tết Mậu Thân vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từ một mức độ nào đó, có người sẽ nghĩ là họ đã có cái nhìn toàn diện về Tết Mậu Thân, nhưng ở một góc độ khác, nhiều người sẽ vẫn không thể hiểu và giải thích được sự kiện này.”
Leave a Reply