Tác phẩm “Nguyễn Tri Phương” của Đào Đăng Vỹ có thể xem là công trình toàn diện, tâm huyết về người anh hùnghọ Nguyễn Tri.

Tác giả phục dựng lại một gương anh hùng sống buổi giao thời trị bình và loạn lạc với sự chân thực nhất có thể từ những tài liệu Việt Pháp cũng như tư liệu dòng họ Nguyễn Tri, mà qua tác phẩm đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và cẩn trọng khi không đặt nhân vật chính ở một bức tranh cận cảnh ngay từ đầu, mà ông giúp độc giả có cái nhìn chân xác, toàn diện về bối cảnh thế giới, Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19 để từ đó, lần hồi thu tầm nhìn về gần hơn để hiểu, để cảm nhận được rõ hơn về thời cuộc nước nhà, về con người Nguyễn Tri Phương.

***




Giới thiệu ebook Nguyễn Tri Phương

CHIẾN-ĐẤU cho Tổ-quốc dân-tộc, không phải chỉ trên vài ba trận-mạc hay trong chín mười xuân-thu, nhưng chính là một cuộc tranh-đấu tinh-thần ròng-rã trong khoảng thời-gian vô-tận. Vì thế, nên dù thua trận với những khí-giới vật-chất nhất thời, nhưng có tinh-thần lưu-truyền cho hậu-thế với những cử-chỉ thái-độ của mình, tiền bối gục ngã thì hậu-sinh kế tiếp, ngày trước không thành, năm sau lại thắng, chứng-minh câu nói của một chính-khách Trung-hoa : « Thất bại là mẹ thành công », không theo nghĩa kinh-nghiệm cá-nhân, nhưng theo lý truyền-thống dân-tộc. Đó là thành công vinh-hiển của các bậc vĩ nhân.

Trong lịch-sử oai-hùng của dân-tộc Việt-Nam, năm 1973 kỷ-niệm đệ nhất Bách chu-niên một vị trong số các vĩ-nhân này. Chính là 100 năm truy-niệm vong-linh Cụ NGUYỄN-TRI-PHƯƠNG. Sinh trưởng ở Thuận-hóa, làm quan kiêm thông văn vũ với ba triều vua, cụ là một chiến-sĩ khắp các mặt trận tinh-thần và vật-chất. Tuy Cụ thua trận với vũ khí, bị quân Pháp bắt tại Hà-Nội hôm rằm tháng 10 năm quí-dậu (1873), nhưng với tinh-thần bất-khuất, Cụ đã ra đi, để lại những lời nhắn-nhủ kêu gọi bao nhiêu kẻ hậu-sinh nối gót, không nói đến thực-dân nào hay chủ-nghĩa nào, chỉ biết một trăm năm sau, mặc dù ai gọi là chậm tiến vật-chất và nghèo-nàn hữu-hình, nhưng cả thế-giới đều cảm-phục dân-tộc Việt-Nam trên con đường tranh-đấu tinh-thần.

Mang nặng tấm lòng hoài-niệm và tri-ân tiền-bối, trong chương-trình tổ-chức lễ đệ nhất Bách chu-niên cụ NGUYỄN-TRI-PHƯƠNG, nhà văn ĐÀO-ĐĂNG-VỸ đã viết tiểu sử của Cụ, với những lời văn gọn-gàng, tài-liệu phong-phú, đặc-biệt với thư-từ bút-ký của tên Francis Garnier, một người trong cuộc, vừa là thủ-phạm, vừa là chứng-nhân. Đào-quân viết sách này vốn là một chiến-sĩ đã tầng đem ngòi bút thay viên đạn, mong làm thế nào cho đồng-bào hãnh-diện và ngoại-bang cảm-phục văn-hóa và văn-chương nước nhà, với những bộ bách-khoa từ-điển và những áng-văn lịch-sử. Nay ông lại viết với tư-cách Phó Chủ-tịch Hội Bảo-tồn Cố-đô, vì ông quan-niệm Hội này đảm-nhiệm bảo-tồn tinh-thần cổ-tích và nhân-vật chốn Thần-kinh, làm sao cho người nay hiểu biết và yêu quý việc xưa và người xưa, cũng là một cách bảo-tồn có ý nghĩa.




Với tư-cách và quan-niệm như thế, ông đã có nhã-ý xin tôi giới-thiệu cuốn tiểu-sử cụ NGUYỄN-TRI-PHƯƠNG. Tuy biết mình không xứng đáng, nhưng cùng chia xẻ với ông những ý-tưởng trên đây, lại theo một chí-hướng với ông, và ngưỡng-mộ anh-hùng chí-sĩ, tôi dám ước nguyện những ai yêu quý đồng-bào và cảm-phục tấm gương trong hy-sinh vì Tổ-quốc, không thờ-ơ với mấy trang tiểu-sử quý-hóa này.

Thủ-đức, ngày rằm tháng 10 năm Quí-sửu

(9-11-1973)




Thiên-Phong BỬU-DƯỠNG,

Chủ-tịch Hội Bảo-tồn Cố-đô.

***




TỰA

LÒNG hăng hái của tuổi trẻ khiến ta thường tưởng tượng việc gì cũng làm được và càng nhiều việc bao nhiêu càng thích-thú bấy nhiêu. Nhưng lúc tóc đã hoa râm, ngoảnh nhìn lại khoảng đời đã đi qua, ta hoảng kinh khi thấy những việc đã làm được quá ít so với những gì ta còn muốn làm mà cứ để thời-gian trôi qua, để bao nhiêu hoài-bão vẫn chỉ là hoài-bão ! Nghĩ tiếc thay cho bao nhiêu thời giờ đã bỏ phí !

Như cuốn Nguyễn-tri-Phương đây, tôi đã muốn viết từ năm 1945 hoặc trước nữa, mà mãi đến nay mới đặt tay vào viết thực-sự. Thật tôi đã quá lỗi với tiền-nhân, và lỗi với một người bạn trẻ… là anh Nguyễn-tri-Hoàng.

Nguyên năm 1945, lúc tôi cho nhóm thanh-niên học trò của chúng tôi tập và trình-diễn một vở kịch lịch-sử nhan đề là Thất-thủ Kinh-đô nhân dip kỷ-niệm hàng năm về việc mất Kinh-đô Huế vào năm 1885. Tục-lệ ở Huế mỗi năm đến 23 tháng năm âm-lịch đều có những lễ cúng âm-hồn rất lớn, xóm nào phường nào trong thành phố nhất là trong Thành-nội đều có dựng trai-đàn để cúng oan-hồn đã chết vì trận chiến năm 1885 giữa ta và Pháp mà kết-quả là bị Pháp chiếm Kinh-thành, vua Hàm-Nghi chạy trốn rồi bị bắt, và nền đô-hộ Pháp đặt lên toàn cõi Việt-Nam. Năm 1945, sau khi nền đô-hộ Pháp đã bị lật đổ vì cuộc đảo-chánh Nhật ngày 9-3-1945, chúng tôi một nhóm tri-thức ở Thần-kinh họp nhau bàn : năm nay nên tổ-chức lễ Kỷ-niệm 23 tháng 5 âm-lịch một cách có ý nghĩa hơn, vì lâu ngày dân-chúng cúng bái, tụng kinh chạy đàn cũng chỉ biết là cúng âm-hồn chứ nguồn gốc của những lễ cúng này nhiều người cũng đã quên mất. Chúng tôi muốn khêu gợi lại nguồn gốc này và đánh thức dậy lòng ái-quốc, chí quật-cường của dân-tộc sau bao nhiêu năm bị đô-hộ. Nhóm chúng tôi lúc ấy gồm có các anh Đào-duy-Anh, Nguyễn-huy-Bảo, Hoài-Thanh tức Nguyễn-đức-Nguyên, Tạ-quang-Bửu, Nguyễn-thúc-Hào và tôi, v.v… Theo tôi nhớ thì sau mấy buổi thảo-luận, anh Đào-duy-Anh hình như nhận làm một buổi triển-lãm hay viết báo viết sách gì đó (xin lỗi đoạn này lâu ngày nhớ không rõ). Anh Hoài-Thanh nhận làm một bài diễn-văn và việc tổ-chức diễn-thuyết do tôi phụ-trách. Phần tôi, tôi nhận viết và cho trình-diễn một vở kịch về Thất-thủ Kinh-đô, có những vai chính là Nguyễn-văn-Tường, Tôn-thất-Thuyết, vua Hàm-Nghi, Đề-đốc Trần-văn-Soạn, Khám-sứ De Champeaux, Giám-mục Gaspard, v.v…




Hầu hết các vai trong kịch đều do học-sinh các trường trung-học Huế đóng, nhất là các trường Việt-Anh và Hồng-Đức mà tôi đã làm hiệu-trưởng và giáo-sư, nhưng cũng có một số anh em ở trường Khải-Định và Thuận-Hóa tình nguyện góp sức. Trong các vai chính tôi để ý nhất một thanh-niên đóng vai Tôn-thất-Thuyết. Vai này đã làm cho nhiều anh đóng thử đều bị loại. Đến lúc anh này lên đóng thì hay quá, ai xem cũng vỗ tay tán thưởng. Giọng điệu bộ-tịch hết sức oai-hùng, rồi đến lúc giận dữ gần như điên cuồng, anh ta đóng đều rất hay. Tôi rất thích-thú cười nói với các anh em ngồi hai bên : « Hay lắm, con cháu nhà tướng mà đóng tướng thật là oai-dũng, đúng vai lắm ! » Có anh không biết là ai hỏi tôi, tôi mới bảo :

 Các anh không biết đây là Nguyễn-tri-Hoàng sao ? Đó là hậu-duệ của đệ nhất danh tướng nhà Nguyễn là Nguyễn-tri-Phương đấy !

Lúc ấy các anh em lại càng hoan-hỷ vỗ tay ầm ầm, làm Nguyễn-tri-Hoàng cũng ngạc-nhiên cứ vừa tập diễn vừa nhìn tôi không ngớt ra chiều hỏi tại sao lại có những tràng vỗ tay liên-hồi như vậy ?




Sau buổi diễn tập, tôi gọi riêng Hoàng nói nhỏ :

 Các trận vỗ tay hồi nãy thì mấy lượt đầu là để tán thưởng anh đóng rất hay và đã lột hết tinh thần của vai tuồng, lúc hùng-dũng, rất uy-nghi, lúc thì dữ dội như điên khùng ngớ ngẩn đúng như lời ca dao đã nói : Nước Nam có bốn anh-hùng : Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu 1Còn những tràng vỗ tay sau là để hoan-hô một hậu-duệ của vị cựu Tổng-thống quân-vụ Đại-thần, Tráng-liệt-bá, Trí-dũng-tướng Nguyễn-tri-Phương…

Đến lúc Hoàng trố mắt nhìn tôi hỏi :




 Sao thầy nhớ rõ tất cả những phẩm tước của ông Cố con như vậy ?

 Chẳng nói dấu gì anh, chính tôi hằng ngưỡng-mộ kính-trọng vị anh-hùng có một không hai của xứ Thừa-thiên và cố ý tìm nhiều tài-liệu để viết một cuốn sách về Cụ. Vậy anh là người trong hậu-duệ, có tài-liệu gì lạ hay gia-phả của dòng Nguyễn-tri có thể cho tôi mượn để bổ-túc các tài liệu tôi đã có hoặc tôi sẽ tìm thêm được sau này, thì quý hóa lắm.

Sau câu chuyện đó thì anh Hoàng đã đem lại giao cho tôi một tập sách viết bằng tay kể lại thân-thế và sự-nghiệp oanh-liệt của Cụ Nguyễn, lại có nhiều chi-tiết không ở đâu có. Ngoài ra còn có tiểu-sử của hai Cụ Nguyễn-Duy và Nguyễn-Lâm nữa. 2




Tôi mừng quá và hứa với Hoàng thế nào tôi cũng cố hoàn-thành một tác-phẩm về Nguyễn Tri Nhất Gia Tam Kiệt.

Không may cho tôi, vì thời-thế biến-thiên với các cuộc tản-cư và di-cư, sách vở tản mát gởi mỗi nơi một ít, về sau phần nhiều mất cả, một số gởi các nhà quen biết, bạn bè để mỗi làng một tủ hay vài ba thùng lúc quân Pháp đổ bộ tái chiếm các tỉnh, các làng thì các nhà tôi gởi sách phần đông có tên trong sổ đen của Pháp (Vì đã bị Việt-Minh mời vào đoàn-thể này hay đoàn-thể khác như Thanh-niên cứu-quốc, Phụ-nữ cứu-quốc, Văn-hóa cứu-quốc, v.v… trong các làng các quận cũng như ở thành phố không mấy ai thoát khỏi có chân trong một đoàn-thể). Thế là Tây cho đốt cả nhà vì cho là Việt-Minh. Các tủ sách của tôi đã bị chia xẻ số-phận mà biến thành tro bụi. Có những sách nào đốt không cháy hoặc chỉ cháy sém đôi chút thì lúc Pháp bỏ đi, lại bị đồng bào ta chiếu cố tận tình : sách đóng bìa da bìa gấm thì họ lột da lột gấm để đóng quai guốc, sách bìa thường thì xé ra lấy giấy gói kẹo bánh để bán ngoài chợ hoặc dùng làm giấy vệ-sinh trong gia-đình, sách chữ Hán bằng giấy bản thì dùng vấn thuốc hút. Các bản thảo, các bản dịch từ Hán-văn hay từ ngoại ngữ ra Việt-văn, những tài-liệu quý hóa bằng Hán-tự đã thu góp được… tất cả tôi xem quý hơn vàng đều phải chịu một số-phận như các sách khác. Lắm khi đi qua các làng ở thôn quê, chứng kiến những cảnh tàn phá sách vở, dù không phải là của mình, trông thấy cũng đau đớn ngậm ngùi đến chảy nước mắt !

Mình đã như vậy, mà đi đâu gặp bạn bè quen biết hỏi ra cũng chẳng hơn chi mình, nhìn nhau méo mặt mà than dài. Ôi ! Văn-hóa Việt-Nam lại một lần nữa biến thành tro bụi !




Tôi còn nhớ lúc ấy, khi chưa có lằn ranh giới Bến-hải biến nước ta thành hai thế-giới không qua lại với nhau được, lúc đó anh Đào-duy-Anh đã ra Bắc. Có người quen gặp anh ấy trước khi người này đang kiếm cách vào Nam, anh Anh đã nhắn với tôi những lời thống-thiết sau đây :

« Nhờ anh vào Huế có gặp anh Đào-đăng-Vỹ thì nhớ nói dùm tôi nhắn cố mà giữ lấy các tủ sách mà dùng, kẻo bây giờ sách vở khó kiếm, khó mua lắm, mà không khéo dễ bị tàn-phá như không. Ngoài Bắc nhiều người đã bị mất hết sách vở quý giá. Riêng tôi, mấy tủ sách của tôi mà anh Vỹ đã biết, tôi mang theo một phần lớn lúc phải ra Bắc đều bị tiêu hủy hết rồi, phần bị bom ném trúng tan tành, phần bị đốt cháy. Hiện tôi không còn sách vở tài-liệu gì nữa, khó mà viết lách gì được ».

Lời nhắn nhủ của anh bạn làm cho tôi cảm-động đến lặng người, vì lúc đó tôi cũng đã bị mất một số lớn sách rồi. Trước năm 1945, ở Huế người ta thường đồn có ba nhà có sách nhiều nhất : đó là Phạm-Quỳnh có những tủ sách rất quý cả bằng Hán-Văn, Việt-văn và Pháp-văn rồi đến Đào-duy-Anh có nhiều sách Việt và tài-liệu chữ Hán, thứ ba là tôi có nhiều sách Việt và Pháp văn nhất. Về phần bà con nhận xét về tủ sách của tôi có lẽ không đúng, vì tôi biết còn nhiều bạn có sách rất nhiều và rất quý, đó là các anh Bửu-Kế và Phan-văn-Dật, v.v…




Thế mà đã hết đâu. Sau các trận đốt phá, tôi còn bị một trận thủy-tai rất lớn (1953) phá tôi thêm mấy tủ nữa : cả bộ Bulletin des Amis du Vieux Huế của tôi bị nước lụt ngâm tan ra bùn, chỉ còn vài chục cuốn dùng được. Ngoài ra tôi còn bị hư những bản Điều-trần toàn-bộ của Nguyễn-trường-Tộ với những bản dịch ra Việt-văn 3. Một phần các bản Điều-trần bằng Hán-văn còn lại, sau khi vào Sài-Gòn, một ông bạn khuyên tôi đem cho Thư-viện của một cơ-quan văn-hóa chánh-phủ. Tôi nghĩ cơ-quan này có nhiều phương-tiện hơn tôi để giữ những tài-liệu quý khỏi hư hao mất mát, nhưng cách đây mấy tháng nhân cần tra-cứu lại một số vấn-đề, tôi tìm lại cơ-quan trên thì các bản văn tôi biếu lúc trước đã không còn nữa, không phải vì bị đốt mà vì dọn nhà nhiều lần nên sách vở tài-liệu đã hao hụt lần. Thật đúng là ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà ! Ta chỉ nên biết thế để đỡ buồn hơn !

Dầu sao, một số sách quý và tài-liệu thân yêu tôi đi đâu cũng gồng gánh mang theo, thì số này may quá vẫn còn. Và trong đó, những sách và tài-liệu về Nguyễn-tri-Phương, tuy có mất nhưng số lớn vẫn còn. Rủi thay tập tài-liệu mà Nguyễn-tri-Hoàng trao cho tôi mà tôi xem là quý giá nhất thì bị thất-lạc, mãi sau này mới tìm ra. Thế là món nợ đối với tiền-nhân và lời hứa đối với anh Nguyễn-tri-Hoàng tôi vẫn có thể trả được, tuy rằng trả chậm. Và năm nay, nhân kỷ-niệm Một trăm năm ngày cụ Nguyễn-tri-Phương cùng con là Phò-mã Nguyễn-Lâm bỏ thân đền nợ trước, tôi đã quyết-tâm cho ra cuốn sách này.

Trong lúc tôi sắp tài-liệu để viết sách thì may thay, một cơ-duyên xui khiến tôi nhân đi hóng mát ở một lều cỏ bên đường cạnh Xa-lộ thì gặp cụ Nguyễn-tri-Kiệt, nguyên Quận Trưởng Hải-lăng và Triệu-phong, là cháu gọi cụ Nguyễn-Lâm bằng Ông nội và cụ Nguyễn-tri-Phương bằng ông Cố. Cụ đã trên 60, dáng người còn tráng-kiện, cũng ra dòng dõi nhà tưởng lắm. Cụ lại còn hai ông anh trên 80 tuổi đó là cụ Nguyễn-tri-Chỉ trước làm Chánh-Nhất Tòa Thượng-Thẩm Thừa Thiên, và cụ Nguyễn-tri-Cơ, anh cụ Nguyễn-tri-Chỉ.




Sau đó cụ Kiệt với tôi đã gặp nhau nhiều lần và cụ cũng giúp tôi tìm thêm những tài-liệu đặc-biệt về Cụ Cố. Cụ đã giao cho tôi một tập tiểu-sử và một số văn-thư thi phú về cụ Tráng-liệt-bá, và kể cho tôi nghe nhiều truyền-thuyết về Cụ Cố và Cụ Phò-mã, mà tôi sẽ lần lượt kể lại trong tập sách này. Cụ cũng cho tôi nhiều tin-tức về hậu-duệ và dòng dõi họ Nguyễn-tri, hiện-tại có gần đến 500 người mà một số có danh-vọng lớn như cụ Nguyễn-tri-Chỉ mà người Trung và người Huế ai cũng biết và rất kính mến (Cụ con cụ Thượng thơ Nguyễn-tri-Kiểm và cháu nội Phò mã Nguyễn-Lâm). Về số quý vị trẻ tuổi thì nhiều vị cũng đã thành tài, có vị đã có danh phận trong quân đội VNCH, v.v… Ngoài ra còn có bà Tôn-thất-Phùng, nhũ danh Nguyễn-thị-Túy một nữ Đông-y-sĩ có tiếng ở Sài-Gòn. Bà là em cụ Nguyễn-tri-Chỉ và cụ Nguyễn-tri-Kiệt, bà cũng đã cho tôi một số tài-liệu quý hóa.

*

Thật là mối duyên kỳ-ngộ đã làm cho tôi gặp Nguyễn-tri-Hoàng cách đây đã 28 năm trong lúc tôi mới có ý viết về cụ Nguyễn-tri-Phương và mới đây lúc tôi bắt tay để thực-hiện tác-phẩm Nguyễn-tri-Phương thì lại gặp cụ Nguyễn-tri-Kiệt…




Nhưng một kỳ-ngộ nữa cũng khá lý-thú là trong lúc tôi lục lọi trong tất cả các Thư-viện ở Đô-thành để tìm thêm tài-liệu, thì một cuốn sách rất hay đã rơi vào tay tôi và cho tôi biết nhiều điều mà có lẽ trước đây ít người để ý đến.

Sách này là một tác-phẩm bằng tiếng Pháp mới xuất-bản vào năm 1952 4 cho nên ít ai để ý đến, vì các tài-liệu lịch-sử về giai-đoạn cận-kim đều đã xuất-bản từ lâu, hoặc được tra-cứu từ lâu : như các sách của Jean Dupuis, Ch. Gosselin, của Caillaud, của Masson, v.v… chưa kể các sách và tài liệu của Việt-Nam. Tác-giả của sách nói trên là Roger Vercel đã từng được giải thưởng Văn-chương Goncourt năm 1934 5. Nhân ông có viết một cuốn sách về Francis Garnier, hai bà cháu ngoại của Garnier là bà Thiếu-tướng Besançon và cô Cavalier mời ông tới cho ông xem những tài-liệu về ông ngoại các bà và đã được các bà giữ kỹ gần một thế-kỷ. Đó là những bức thư mà ông đã viết cho ý-trung-nhân cũng là vị-hôn-thê của ông và sau đã thành vợ ông (bà vợ này ông để ở tại Thượng-Hải lúc ông được gọi về phục-vụ ở Đông-Dương). Các thư này đã viết từ 1869 đến 1873, ngoài ra còn có 30 trang nhật-ký. Trong thư từ và nhật-ký, tác giả đã kể lại công-việc ông ta đã làm, đang làm và sẽ làm ngày mai và những ngày tới. Ông kể cả những kế-hoạch sắp đặt để đánh địch, cả những trận đánh nhau, v.v… Thành-thử các thư và nhật-ký của ông giúp tôi bổ-túc không ít cho những trang chính-sử của sách Việt cũng như sách Pháp 6, nhất là về giai-đoạn 1861-1873.

*




Nhưng tại sao trong bao nhiêu năm, mà tôi vẫn không quên ý-niệm viết một tác-phẩm về Nguyễn-tri-Phương ? Lẽ thứ nhất, tiểu-sử tiên-hiền họ Nguyễn là cả một giai-đoạn lịch-sử cận-kim của nước ta, có nhiều biến-cố trọng-đại làm xoay chuyển cả vị-thế Á-Châu, đảo lộn cả nền móng của Văn-hóa Á-Đông, và thay đổi cả bộ mặt của Thế-giới. Vì thế, biết rõ tiểu-sử họ Nguyễn làm cho ta hiểu rõ thêm giai-đoạn lịch-sử cận-đại của nước nhà và có lẽ của cả các nước quanh ta. Đó là một điều vô-cùng hữu-ích cho các thế-hệ chúng ta.

Lẽ thứ hai là tiểu-sử cụ Nguyễn là một bài học quý báu cho tất cả chúng ta, trong giai-đoạn hiện-tại, một bài học vô giá về những đức-tính kiên-nhẫn, dũng-cảm, tận-tụy phục-vụ quốc-gia, hy-sinh đến cực độ, và liêm-khiết cần-kiệm thật hiếm-có.

Lẽ thứ ba cho tôi muốn ghi lại công ơn của Nguyễn-tri-Phương là trong sự-nghiệp của cụ có một công-trình vĩ-đại mà ít khi được nhắc đến, đó là việc khai hoang lập ấp. Cụ đã dày công thực-hiện chánh-sách khai khẩn xứ Nam-kỳ, lập đồn-điền, tổ-chức phá rừng cày ruộng, xây dựng làng xóm trong một quy-mô rộng lớn. Chánh-sách này đã giúp Nam-kỳ trở thành một nơi trù-phú, sản-xuất lúa gạo dồi-dào, chẳng những đủ nuôi dân trong Nam, mà còn đưa ra Trung ra Bắc, và sau này còn bán ra ngoại-quốc. Dân nghèo nàn không nghề-nghiệp đói khát sinh trộm cắp… đều được dồn lại làm ruộng làm vườn, có lính giúp đỡ và canh-phòng giữ an-ninh cho dân an cư lạc nghiệp. Các đồn lính dựng lên bên các sở ruộng đất lớn, vì vậy mới có cái tên đồn-điền (ruộng có đồn lính canh-phòng)… Chánh-sách đồn-điền của Nguyễn-tri-Phương hình như đang sống lại với chương-trình khẩn hoang hiện-tại để định-cư dân tị-nạn.




Lẽ thứ tư là một lý lẽ rất tầm-thường, do lòng tri ơn của một kẻ hậu-sinh ở tỉnh Thừa-Thiên đối với một tiền-nhân vô-cùng oanh-liệt và đáng kính-ngưỡng, đáng tôn thờ cho hậu-thế… mà cũng đã sinh-trưởng ở Thừa-Thiên.

Đối với một tiền-bối hiển-hách như thế mà cho đến nay người ta vẫn có vẻ hơi thờ-ơ. Đó là một cái lỗi chung của chúng ta. Một vài con đường nhỏ, một vài trường họclấy tên Nguyễn-tri-Phương đã đủ chưa ? Và trước cảnh đền thờ Trung-hiếu-từ ở Chi-Long nay đã biến thành bình-địa, ta đã làm gì ?

Có người có thể tự hỏi cụ Nguyễn đã thất-bại mấy trận lớn chống quân Pháp như ở Kỳ-Hòa, ở Hà-Nội, v.v… như vậy cụ có đáng kính đáng phục như các vị anh-hùng khác của dân-tộc chăng ? Nếu ta nghĩ như vậy thì có vẻ thiển-cận quá. Đời một danh tướng thắng trăm trận mà thua vài trận, không phải là thua. Hơn nữa cái thua của tướng Nguyễn-tri-Phương là cái thua tất-nhiên, vì đây là cái thua của cả Á-Châu, của Ấn, Tàu, Nhật, Nam-Dương, Miến-Điện, v.v… cái thua của cả một quan-niệm sống, của cả một nền văn-hóa ưa tĩnh trước một nền văn-hóa hiếu động. Hơn nữa Nguyễn-tri-Phương thất-bại trước súng ống, chớ lòng dũng-cảm, mưu-cơ chiến-thuật của ông không thua ai. Ông đã đánh hơn Cao-Mên, Xiêm-La, hơn giặc tàu Cờ Đen, hơn bao nhiêu cuộc phiến-loạn trong nước, hơn cả Pháp trong mấy trận đu. Từ trai trẻ cho đến râu tóc bạc phơ mà vẫn ra trước trận mạc để bị thương mấy lần, rồi đến khi bại vì da thịt con người không chống ni thần-công đại-bác tối-tân của Tây-Phương ông đành chết, một cái chết oai-hùng, bỏ ăn bỏ thuốc mà chết, cái chết vinh-dự thay cho một vị tướng, khiến cho quân thù từ trước đã kính-phục ông sau càng kính-phục thêm trăm vạn lần !




Vì bao nhiêu lẽ trên, vì một lòng chí thành chí kính đối với tiền-nhân mà chúng tôi đã bao nhiêu năm tâm tâm niệm niệm viết cho được cuốn sách này. Rủi thay lúc viết nửa chừng thì bị bệnh gẫy cả hai xương chân phải ngồi trên xe lăn tay mà viết. Vì vậy tôi chỉ lo, trong lúc đau yếu, trí óc hoang-mang, tài-liệu dùng không hết hoặc không đúng, lời văn dang dở, thật đắc tội với tiền-nhân, và mang lỗi với độc-giả biết bao nhiêu. Vậy nhân đây xin kính lời tạ lỗi trước với tất cả những ai đã vì tiên-hiền Nguyễn-tri-Phương mà đọc đến sách này và xin quý vị rộng lòng dung-xá cho những sơ hở không tránh được, cho lời văn thô sơ sốc nổi, thì chúng tôi cảm-tạ vô-cùng.

*

Trước khi bước vào đề-tài chánh để kể lại thân-thế và sự-nghiệp của cụ Nguyễn-tri-Phương, chúng tôi muốn đặt vấn-đề này trong một khung cảnh lớn, một khung cảnh lịch-sử bao trùm những trào-lưu t Á sang Âu và từ Âu sang Á (Chương 1A). Sau khi các nước Âu-Châu bị các dân-tộc Á-Châu xâm lấn, từ đời tiền-sử đến thế-kỷ thứ 5, thế-kỷ thứ 12, 13, cho đến thế-kỷ 16, thì trào-lưu xâm lăng lật ngược chiều từ Âu sang Á. Trước làn sóng dũng-mãnh từ Đại-Tây-Dương qua Thái-Bình-Dương, các nước Á-Châu, kể cả những đế-quốc vĩ-đại nhất đã phản-ứng ra sao, đó là đề-tài của chương IB sách này. Chương IC dành để trình bày tình-trạng Việt-Nam trước cơn gió lốc đã thổi mãnh-liệt đến nước ta. Chương II đến Chương IX là những chương chánh sẽ gồm nhiều mục tất cả đều liên-quan đến đời sống và sự-nghiệp của cụ Nguyễn-tri-Phương. Phần kết-luận chung sẽ đưa ra những nguyên-nhân thất-bại của ta trong gần trọn thế-kỷ 19. Những nguyên-nhân ấy sẽ được đúc kết trong chương cuối cùng là chương X.




Sau cùng để bổ-túc cho đề-tài chính, chúng tôi thấy cần trình bày để giúp độc-giả rộng bề tra-cứu một số vấn-đề và tài-liệu mà chúng tôi sẽ đặt trong khuôn khổ một số Phụ-chương.

*

Trước khi trực-tiếp vào đề, chúng tôi thấy có bổn-phận cảm ơn anh Nguyễn-tri-Hoàng, cụ Nguyễn-tri-Kiệt cùng bà Tôn-thất-Phùng đã giúp tài-liệu quý báu và những lời khuyến-khích chân thành để tôi viết cuốn sách nhỏ này. Ngoài ra tôi cũng xin đặt nơi đây những lời tri-ân nồng-hậu đối với các vị Chuyên-viên ở Viện Khảo-cổ, ở Thư-Viện Quốc-Gia cũng như ở Thư-Viện của Trung-Tâm Văn-Hóa Pháp đã tìm giúp và cung-cấp cho tôi những tài-liệu quý hóa để tra-cứu. Lời tri-ân cuối cùng của tôi là đối với những vị đã giúp tôi rất nhiều để cuốn sách nhỏ này được ấn hành nhân dịp lễ Bách-chu-niên ngày tuẫn-tiết của cụ Nguyễn-tri-Phương, nhất là quý-vị ở Bộ Văn-hóa Giáo-dục và ở Phủ Đặc-trách Văn-hóa.

Sài-Gòn, tháng 6 năm 1973

Tác-giả cẩn chí.

Mời các bạn đón đọc Nguyễn Tri Phương của tác giả Đào Đăng Vỹ.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.