Giới thiệu Phan Bội Châu (Thân Thế Và Thi Văn)
MẤY LỜI TRẦN-TÌNH
Chí-sĩ là những bậc ưu-ái giang-san, thương nòi xót giống, gặp cơn nước bĩ thì chẳng quản thân, hết sức mình mà mưu cuộc vinh-quang cho dân nước. Đến khi nhận rõ thời cơ, chí-sĩ không bao giờ ngần-ngại đạp phăng trở lực, sáng-suốt đứng ra lãnh-đạo quần-chúng, khởi xướng phong-trào, phất cờ gióng trống chiêu hồn dân-tộc, gọi đàn để cùng dân nước cùng lo : đường bảo-chủng, nghĩa hợp-quần.
Kể từ sau trận Nhật-Nga (1905-1908) nước ta đã có phong-trào Duy-Tân tự cường hơn suốt bốn mươi năm cho tới ngày nay, do các bậc chí sĩ tiên giác đi tiên-phong, khai lối mở đường, khiến cho dân-tộc ta ngày nay hăm-lăm triệu dân đều đã biết nung-nấu nơi lòng một lý-tưởng, hăng-hái, dũng tiến trên đường Duy-Tân cải-cách.
Vận-hội mới đã đến rồi. Quốc-gia hưng-thịnh do ở toàn dân định-quyết trong buổi này. Lửa thiêng bừng cháy trong tâm-can dòng-giống Việt. Khí thiêng bàn-bạc khắp nước non nhà.
Người đi sau phải nhớ ơn người đi trước dọn đường, mà sa nước mắt, niệm công-lao, hinh hương sùng-bái.
Ta không nên đem thành bại mà luận anh-hùng. Chỉ nên cầu rút lấy những bài học hay của những bậc người-đã dốc chí hy-sinh, tận-tụy vì đại-chúng.
Nhóm lò hương thiêng trong lòng đất Việt, khơi ngọn lửa thiêng trong lòng dân Việt, tỏ tấm tình cùng với non-nước đồng-bào, chúng tôi xin cố hết sức sưu-tầm biên-khảo toàn pho « Việt-nam chí-sĩ », trong tủ sách « NHỮNG MẢNH GƯƠNG » của nhà TÂN VIỆT.
Mỗi một chí-sĩ sẽ biên thành một tập, thành kính ghi chép hết những công-nghiệp bình-sinh, từ khi chào đời cho đến khi tử hậu.
Soát lại dĩ-vãng để tìm những tấm gương sáng cho buổi đời hiện-tại, tưởng cũng là một điều cần để nhận-định rõ cuộc diễn-triển của lịch-sử mà hướng về tương-lai.
Ấy là chí nguyện của người hậu học.
THẾ NGUYÊN
***
TỰA
Đọc biểu xuất sư của Gia-cát Lượng, đọc đến câu « Cúc cung tận-tụy, đến chết mới thôi » nghìn năm sau ai chẳng ngùi-ngùi ! Công-nghiệp bình-sinh, rờ-rỡ ở một câu chí thiết chí tình, lật trang sử tưởng như thấy ai đã óc-gan thoa lầy đất vì một tấm tình trung báo quốc.
Đời sống của chí-sĩ cũng đáng yêu, vì chí-nguyện và hành-vi đã gồm tóm ở một câu đáng kinh của bậc « vạn đại quân-sư » ấy.
Phan bội Châu tiên-sinh hưởng dương 75 năm. Từ trẻ cho đến ngày nhắm mắt, tấm thân bô-bá, vì dân vì nước mà trải mọi gian-lao. Tài cao, đỗ thủ-khoa, khi tuổi trẻ đã lừng danh tài-tuấn. Nếu chỉ như ai, thì tài ấy đã thừa sức leo nấc thang danh-vọng ; nhưng danh hão, lợi xằng mà làm gì, khi chính mắt đã sớm thấy biết cái cảnh trụy-lạc của quần-chúng mà xót-xa. Thi-hành chính-sách ngu-dân, kẻ xâm-lăng trắng-trợn bày bộ mặt thực-dân. Đám cường-hào trọc-phú thì dua bợ quan thầy, nặng óc phong-kiến, trân-tráo vong-bản, hãm-hại đồng-bào, bán nước. Trông hoàn-cảnh nước nhà như thế, lòng chí-sĩ đau cái đau rứt thịt, thắt khúc ruột, bấm lá gan. Cho nên :
« Vẫn là hào-kiệt vẫn phong-lưu.
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù ! »
Sào Nam đã yêu quốc-dân chí thiết, vì quốc-dân mà tấm thân chẳng quản cay-đắng nếm mùi ; nhưng hiềm mệnh-số long-đong, khiến nên nỗi một đời cháy lưỡi khô môi khao-khát nước hoài, đến buộc miệng ngâm :
« Vì cớ sao mà khát nước hoài.
Trà đâu ta hãy uống mầy chơi,
Không Tàu thì Huế tha-hồ thú.
Pha tục và tiên đặc bõ đời.
Ấm-lạnh tình đời năm bảy chén
Nhạt nồng mùi thế một vài hơi.
Trà ơi ! còn nước là vinh-hạnh.
Cháy lưỡi khô môi thảm những mùi ».
Sào Nam lại đã từng đau-đớn vì quốc-dân chậm bước trên đường tiến-hóa, nên hằng đem tâm-can bày-giãi, cực-lực kêu gào cảnh-tỉnh quốc-dân. Thậm chí mừng bạn thi đỗ Tiến-sĩ Hán, Sào Nam cũng ngụ ý kêu-gào trong câu đối :
« Tao tế diệc thiên sở vi, hạnh bất sinh Đường Ngu tam đại dĩ tiền, kim bảng thạch bi, tiện thị ngô nhân hi thế sự. Học-giới chí kim tối thịnh, thỉnh thí vấn Âu Á ngũ châu nhi ngoại, hồng thiên đại bút, quả như ngã bối quyết khoa văn ».
Ông Võ Oanh đã dịch : « Nên danh bởi phận trời cho, may không sinh Đường Ngu tam-đại xưa kia, bia đá, bảng vàng, bất quá người ta bày chuyện nhảm. Việc học đến nay thịnh quá, xin hỏi thử Âu Á năm châu ngoài cõi, văn hay luận giỏi, đâu như khoa-cử lối mình đây ».
Sớm biết cái học hư-văn là không ích-lợi, Sào Nam mới chuyên-chú về đường thực-dụng ; qua Tàu, sang Nhật, tấm lòng thâm-thiết lo toan cho nước nhà được phú-cường, biểu-lộ rõ-rệt trong một tập HẢI-NGOẠI HUYẾT-THƯ.
Nặng yêu non nước, tấm thân mấy lượt ra khám vào tù, nhưng tấm lòng son-nhuộm của Sào Nam, đến chết vẫn không phai thắm.
Trong lúc buổi về chiều, nương-náu trên chiếc thuyền lênh-đênh bên dòng sông Hương, bó tay ngồi nhìn việc đời rối nát, lòng chí-sĩ từng cơn quằn-quại. Cho đến ngày tàn, trở-trăn trên giường bệnh, Sào Nam còn khẩu chiếm một bài thi cuối cùng, lòng vẫn chẳng quên nhắn-nhủ mong cầu đàn sau dõi bước.
Thể-phách của chí-sĩ đã trả về cho đất, nhưng nghìn năm chính-khí vẫn cùng nhật nguyệt tranh sáng tranh còn. « Việt-điểu sào nam chi », chim Việt dù bay đâu, ở đâu, nhưng bao giờ cũng chỉ tìm cành nam mà đỗ ; chí-sĩ Phan bội Châu thật đã ký-thác nỗi lòng trong hai chữ hiệu Sào Nam.
Ngày nay cao-trào cách-mệnh lên dào, người xưa đã khuất. Trong chốn hư-linh, chí-sĩ quá cố hẳn cũng mỉm cười công mình phất cờ chẳng uổng.
Lần trang sử cách-mệnh, những năm biến-cố đầu tiên trên đất nước, hôm nay chúng ta hãy cùng gây lại đĩnh trầm, xem tiểu-sử họ Phan.
T. NG.
Mời các bạn đón đọc Phan Bội Châu (Thân Thế Và Thi Văn) của tác giả Thế Nguyên.
Chia sẻ ý kiến của bạn