“Ngũ luân thư” là tác phẩm do Kiếm Thánh Myamoto Musashi của Nhật Bản viết từ thế kỷ 17.

Miyamoto Musashi (1584 – 1645) được tôn là Kiếm Thánh của Nhật Bản thời tiền Mạc Phủ Tokugawa, là người đã sáng lập ra môn phái sử dụng song kiếm có tên Niten Ichi Ryu (Nhị thiên Nhất lưu). Sau khi sống sót qua trận tử địa Sekigahara giữa hai phe lãnh chúa Nhật – Đông quân và Tây quân – ngày 21/10/1600, Miyamoto Musashi lang bạt khắp nơi, tự rèn luyện để trở thành một kiếm sĩ nổi danh và thành công nhất Nhật Bản với chiến tích chưa từng thất bại trước bất cứ đối thủ nào.

Năm 1643, Miyamoto Musashi lánh đời về ở ẩn trong một hang núi có tên Reigendo. Ở đây, trong những tuần cuối đời, ông viết cuốn binh pháp “Go Rin No Sho”, chính là “Ngũ luân thư”, nhằm đúc kết những quan sát, kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu của mình và bàn luận về cái Đạo của kiếm sĩ.

“Ngũ luân thư” là một cuốn sách mỏng bao gồm Địa quyển, Hỏa quyển, Thủy quyển, Phong quyển và Không quyển, trong đó trình bày các vấn đề như đạo binh pháp theo quan điểm của môn phái Nhị thiên Nhất lưu, các nguyên lý của kiếm pháp, Đạo của chiến đấu, và sau cùng là nguyên lý Không – không thủy, không chung. Theo đó, Miyamoto Musashi cho rằng, đạt được nguyên lý Không nghĩa là không đạt nguyên lý nào cả. Đạo của binh pháp là cái Đạo của thiên nhiên, khi hiểu được tiết tấu của mọi tình huống, chúng ta sẽ có thể đánh trúng địch một cách tự nhiên và ra đòn một cách tự nhiên.




Những nguyên tắc binh pháp trong “Ngũ luân thư” dù được viết ra từ cách đây vài thế kỷ nhưng vẫn còn mới mẻ. Tinh thần của “kiếm khách vô song” Miyamoto Musashi đồng hành cùng người dân Nhật suốt từ thế kỷ 17 cho tới tận thế kỷ 20, khi nước Nhật tham gia thế chiến và cả khi họ thất bại nhưng vẫn nhanh chóng đứng lên từ mất mát, đổ vỡ để tái thiết một nước Nhật trở thành cường quốc.

Không chỉ thế, tác phẩm còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới. Kể từ khi được dịch sang tiếng Anh với tên “A Book of Five Rings”, cuốn sách được nghiền ngẫm khắp nơi, từ sinh viên Đại học Havard đến các doanh nhân, các nhà quân sự cao cấp. Tờ Time Out viết: “Nếu bạn tò mò tại sao người Nhật có thể xông pha giữa cộng đồng kinh doanh phương Tây dễ như lưỡi kiếm samurai cắt ngang miếng bơ, câu trả lời không nằm trong những xí nghiệp hay những máy móc tự động. Câu trả lời nằm trong sách binh pháp Go Rin No Sho”.

“Dựa trên triết lý của Zen (Thiền) và cách tiếp cận thực dụng để làm chủ kỹ năng chiến thắng, Ngũ luân thư được cho là cuốn cẩm nang sâu sắc nhất từng được viết ra trên thế giới này. Với doanh nhân, đây là cuốn cẩm nang chiến lược kinh doanh. Với nhà chính trị quân sự, đây là cẩm nang binh pháp. Với tất cả những ai yêu thích kinh doanh và quân sự, đây là cuốn sách không dễ đọc nhưng rất đáng để nghiền ngẫm”, nhà văn Nguyễn Phương Văn nhận xét về “Ngũ luân thư”.




Tác phẩm của Miyamoto Musashi được ngầm so sánh với “Tôn Tử Binh Pháp” của Trung Quốc, thậm chí còn được giới quân sự và chính trị đánh giá cao hơn, cho rằng cho rằng binh pháp của Tôn Tử chỉ là sách dành cho bậc tướng, còn “Ngũ luân thư” mới là sách cho bậc vương, theo Nguyễn Phương Văn.

Cuộc đời của Kiếm Thánh Miyamoto Musashi đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển “Miyamoto Musashi – Đời Kiếm Sĩ” của văn hào Yoshikawa Eiji.

Mời các bạn đón đọc Ngũ Luân Thư của tác giả Miyamoto Musashi.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.