Thế giới, cũng như cách con người tiến hành chiến tranh, đã thay đổi đáng kể từ thời đại của Tướng George Patton. Cuộc chiến giành quyền bá chủ dẫn tới Thế chiến I vẫn tiếp diễn khi nước Đức nỗ lực để tìm cách hồi sinh và phục thù trong Thế chiến II. Nhưng sự ra đời của bom nguyên tử đã đánh dấu khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh. Những rủi ro của việc leo thang hạt nhân trở nên quá đáng sợ đến độ cuộc chiến giành quyền thống trị thế giới được tiến hành phần lớn bởi sự lẩn tránh và các cuộc chiến ủy nhiệm tại những vùng bên lề của nền văn minh phương Tây.
Nhưng một mặt, thế giới không còn đại chiến nữa, thì mặt khác, Hoa Kỳ tham gia vào hết hành động này đến hành động khác, một số khó khăn và đẫm máu, còn số khác bằng sự ngụy trang và diễn tập quân sự. Tuy nhiên, đây là những chiến dịch mà Patton chắc chắn sẽ nhận ra là mang dấu ấn của mình – những lực lượng với xe bọc thép và sự hỗ trợ của không quân thường tham gia vào trận chiến dữ dội trên bộ. Thực tế, có những trận đánh ở bán đảo Triều Tiên – trận phá vòng vây ở tỉnh Pusan – và tại Việt Nam – cuộc xâm nhập vào Campuchia – có lẽ đã được rút ra từ kế sách của Patton.
Quyền lợi quân sự của Hoa Kỳ trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài 40 năm, ở nhiều góc cạnh, là di sản không chỉ của thế hệ Patton, mà còn là của chính Patton. Tầm nhìn chiến thuật về chiến tranh cơ động của Patton ảnh hưỏng nhiều lên quân đội Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Những thuộc cấp và gia đình ông vẫn nhớ tới không chỉ uy tín mà còn những nguyên tắc và tinh thần của ông.
Khi quân đội Mỹ chế tạo chiếc chiến xa thời hậu chiến đầu tiên, nó đã được gắn tên Patton. Và nhiều căn cứ quân sự xây dựng những toà sảnh mang tên Patton, doanh trại mang tên Patton, hoặc có cả một bảo tàng Patton. Tinh thần của chiến tranh cơ động và cấp tập (maneuver warfare), sự kết hợp sử dụng các lực lượng chiến đấu, bao gồm không lực, như đã được chỉ dẫn bởi Patton, đã trở thành chuẩn mực của học thuyết chiến tranh. Chê độ huấn luyện khắc nghiệt của Patton trở thành chất liệu cho huyền thoại, với toàn bộ một thế hệ sĩ quan cam kết sẽ mang theo ngọn đuốc của ông. Là một trong những vị tư lệnh vĩ đại nhất của quân đội Mỹ, ông được biết đến nhiều nhất qua năng lực chỉ đạo đơn vị thiết giáp xung kích của Tập đoàn quân số 3 trong trận Bastogne, trong suốt chiến dịch mang tên Battle of Bulge (Trận Lỗ hổng). Trong những điển cứu về chiến trận và chỉ huy ở Trường Thiết giáp Fort Knox, Patton được coi như một danh nhân.
Tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ, có đến 50 lớp sĩ quan West Point hàng ngày đi qua bức tượng truyền cảm hứng của Patton đặt trước thư viện. Với ấn tượng về những chiến công lừng lẫy, họ mơ ước rằng mình sẽ có cơ hội và sự can đảm để sống theo di sản của ông.
Sau thập niên khó khăn của cuộc chiến Việt Nam, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ quay trở lại những nền tảng mà Patton đã xây dựng. Chỉ cách vài dặm nơi mà Patton thành lập trại huấn luyện vào năm 1942, quân đội Mỹ đã xây dựng một Trung tâm Huấn luyện Quốc gia, chuyên dạy nghệ thuật kết hợp lực lượng và vận động chiến. Tôi có vinh dự được phục vụ ở đó 2 lần, lần sau cùng trong vai trò chỉ huy Trung tâm. Tại Trung tâm, chúng tôi đảm bảo rằng, theo đúng phong cách của Patton, quân đội dạy những kỹ thuật chiến đấu tốt hơn và phát triển những nhu cầu đối với trang thiết bị tốt hơn. Kết quả là một quân đội được huấn luyện, biến đổi, và sẵn sàng chiến đấu.
Dĩ nhiên là công nghệ hiện đã rất tiến bộ. Máy bay không người lái bay trên cao và gửi những bức hình xuống căn cứ dưới mặt đất, xe tăng thông tin liên lạc bằng Internet, và với công nghệ hồng ngoại, chúng ta chiến thắng bóng đêm. Nhưng có lẽ Patton sẽ xem tất cả những thứ này như là sự tiến hóa tự nhiên của nghệ thuật chiến tranh theo hướng ông đã thiết kế.
Sẽ là sai lầm nếu giới hạn tầm ảnh hưởng của Patton vào một dạng thức chiến tranh. Trên thực tế, cũng chính tính cách của ông là một thỏi nam châm thu hút đội ngũ sĩ quan. Cung cách “đánh nơi được bảo đánh, chiến thắng nơi mình đánh” của ông đã ghi đậm nét đạo đức nghề nghiệp mà nhiều sĩ quan đã và đang làm theo, ông là một chiến binh chuyên nghiệp hoàn hảo, cam kết đào luyện nghề nghiệp của mình, trở thành “bậc thầy kiếm thuật” (master of sword)[1].
Dù vẻ ngoài đầy tự tin, Patton vẫn có nhiều sự hoài nghi. Nhưng chỉ những kẻ ngớ ngẩn mới luôn chắc chắn trong lãnh đạo và chiến tranh, hai hoạt động khó tiên đoán nhất của nhân loại, sẵn sàng thừa nhận sự hoài nghi của mình có lẽ đã là một yếu tố chính trong sự trưỏng thành nghề nghiệp không ngừng của ông, như bạn sẽ đọc trong các trang sau, Patton có thể nhìn thấy “phía bên kia vách đá”, và biết tránh những thất bại thấy trước.
Nhiều người tại West Point thường cố gắng để tạo ra một lối suy nghĩ “hơn cả Patton” (Patton-plus) – gan lì trong chiến đấu, mà còn có thể giải quyết những phức tạp của chiến lược và kỹ năng quản lý các vấn đề nhà nước. Ngày nay, trước những thách thức mà chúng ta đốì mặt trong các chiến dịch gìn giữ hoà bình, chúng ta cần tới lối suy nghĩ “hơn cả Patton” hơn bao giờ hết.
Patton là bậc thầy của truyền thông (ít nhất là hầu như mọi lúc), như các bạn sẽ đọc thấy trong cuốn sách của Alan Axelrod. Tuy nhiên, đối với sự coi trọng và sử dụng truyền thông, ông cũng khám phá ra rằng nó là một con dao hai lưỡi – sự thông tin ra công chúng có thể tạo nên một sự nghiệp nhưng cũng có thể chấm dứt nó.
Không ai hoài nghi rằng Patton sẽ thất vọng với cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố và gìn giữ hoà bình. Trong các trang sách, Axelrod mô tả những khó khăn của Patton ở Đức thời hậu chiến, những khó khăn được phản ánh trong sứ mệnh gìn giữ hoà bình hiện tại của chúng ta. Nhưng Patton đã không ngừng nghiên cứu làm cách nào tốt nhất để hoàn thành mỗi sứ mệnh. Và chính lối suy nghĩ ấy, hơn bất kỳ những thứ khác, là điều mà Patton đã trao tặng cho các nhà lãnh đạo ngày nay. Ông là một người chiến thắng, một người xây dựng đội ngũ và tinh thần chiến binh, có khả năng thích nghi nhanh chóng và biết cách làm chủ mọi thách thức. Ngày nay, chúng ta cần các nhà lãnh đạo như vậy.
Mời các bạn đón đọc George S.Patton – Danh Tướng Thiết Giáp Hoa Kỳ Trong Thế Chiến II của tác giả Alan Axelrod.
Leave a Reply