Trung úy Heinz Wernher Schmidt, một cựu binh từ chiến dịch Ba Lan năm 1939, đến trình diện sở chỉ huy Quân đoàn châu Phi (Deutsches Afrika Korps) của Thống chế Erwin Rommel tại Tripoli vào đầu tháng Ba năm 1941. Ấn tượng đầu tiên của ông về người đàn ông đã hai lần là huyền thoại, khi là chỉ huy trong Alpenkorps, hay đạo quân miền núi ưu tú trong Chiến tranh Thế giới thứ 1 và khi là tư lệnh một sư đoàn xe tăng tại Pháp trong chiến dịch năm 1940 như sau:
“Thống chế đứng trước mặt tôi. Thân hình ông rắn chắc và thấp. Tôi có được một chút tự tin khi nhận ra rằng, mặc dù tôi chỉ có chiều cao trung bình, nhưng thống chế còn thấp hơn cả tôi. Ông bắt tay tôi nhanh gọn và mạnh mẽ. Đôi mắt xanh xám nhìn chăm chú vào mắt tôi. Tôi nhận thấy ông có những nếp nhăn hài hước lạ thường chạy xiên từ khóe mắt xuống cạnh ngoài gò má xương xẩu. Miệng và cằm ông cân đối, mạnh mẽ, củng cố ấn tượng của tôi về một tính cách đầy nghị lực và sống động”.
Schmidt chỉ vừa rời Eritrea đến đây, và Rommel hỏi ông ta về tình hình ở đó. Khi được biết tình hình ở đó là vô vọng, Rommel vặn lại: “Thế anh biết gì về nó nào, trung úy? Chúng ta sẽ tới Nile, tạo ra một bước ngoặt, và giành lại mọi thứ”. Đây là Rommel đang ở đỉnh cao phong độ: năng động, tích cực, hoàn toàn rõ ràng và ngắn gọn về những gì ông muốn đạt được. Schmidt cũng đã phát hiện một chút thiếu kiên nhẫn. Đây không phải là người đàn ông sẵn sàng đứng yên để chờ đợi những người khác. Trong một vài ngày, ông sẽ tiếp tục hành động chống lại quân đội Anh tại Cyrenaica, miền đông Libya, và có những hoạt động mà ông khao khát.
Tất nhiên, chính Bắc Phi là nơi Rommel thực sự làm nên tên tuổi của mình. Cuộc chiến giáp lá cà ở sa mạc cung cấp môi trường lý tưởng để thực hành những phẩm chất chỉ huy của ông. Nó biến ông thành cái tên quen thuộc, không chĩ ở Đức, mà còn trong các đối thủ của ông nữa. Tuy nhiên, phải chỉ ra rằng, theo những quan tâm của người Đức, thì Bắc Phi chỉ là một sự kiện phụ, một chiến dịch nhỏ so với Mặt trận phía Đông, nơi phần lớn quân đội Đức đang tham chiến từ tháng Sáu năm 1941 trở đi. Điều đó nói rằng, phong cách chỉ huy của Rommel trong sa mạc minh họa cách làm thế nào để tiến hành một cuộc vận động chiến nhanh chóng, và những bài học của nó có âm hưởng trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 và 2003. Tương tự như vậy, kinh nghiệm của ông ở vùng núi Romania và miền bắc nước Ý trong Chiến tranh Thế giới thứ 1, trong đó ông đã mài giũa các kỹ năng của một người lính chiến, cung cấp những bài học cho cuộc xung đột sau này ở Afghanistan.
Ông cũng là một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn. Ông tin vào việc chỉ huy từ tiền tuyến, và truyền sự tự tin cho các sĩ quan cũng như binh lính. Thật vậy, ông sẽ không mong đợi binh sĩ của mình làm bất cứ điều gì mà ông không thể tự mình làm được. Nhưng có cuộc tranh luận về việc liệu một sĩ quan chỉ huy từ tuyến đầu có nhất thiết là phương cách đúng đắn khi chỉ huy một sư đoàn hay những đơn vị lớn hơn không. Ngoài ra, không nghi ngờ gì rằng ông tự thúc ép mình quá nhiều, gây hại cho sức khỏe. Điều này chắc chắn đã xảy ra trong chiến dịch năm 1942 ở Libya và Ai Cập.
Cũng có những câu hỏi nảy sinh về quan hệ của Rommel với các chỉ huy khác. Có bằng chứng trong thời kỳ đầu sự nghiệp của ông cho thấy ông đã làm ngơ các chỉ thị của cấp trên, khá giống với Đô đốc Horatio Nelson vờ không nhìn thấy các tín hiệu từ kỳ hạm của Hạm đội Anh trong trận Hải chiến Copenhagen năm 1801. Giống như Nelson, ông có một ý tưởng rõ ràng hơn nhiều về tình huống, vì ông gần gũi hơn với nó và có thể nhìn thấy những cơ hội mà các cấp trên của ông không thể thấy. Thái độ này khiến cho các tướng lĩnh cao cấp khác của Đức bực bội, và hình thành nhận xét rằng ông là một kẻ mới nổi không có kinh nghiệm của cuộc chiến tranh thực sự trên Mặt trận phía Đông và được thăng lên cấp bậc cao nhất chỉ đơn giản vì là người theo Quốc xã. Tại Bắc Phi, ông cũng trải qua những vấn đề về chiến tranh liên quân khi xử lý với các đồng minh Ý. Tài ngoại giao và xử lý khéo léo thường là cần thiết để khuyến khích người Ý đồng ý với kế hoạch của mình tương tự như Tướng Norman Schwarzkopf đã phải kết hợp các đơn vị khác nhau để tạo thành liên quân Đồng minh trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Câu chuyện của Rommel cũng phản ánh một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà những người lính luôn phải đối mặt trong lịch sử. Điều này xảy ra khi ngày càng rõ ràng rằng chế độ mà ông phục vụ đang dẫn đất nước đến thảm họa. Rommel, giống như tất cả các chỉ huy Đức đồng nghiệp, đã thề trung thành với Hitler, một lời thề mà không một sĩ quan Đức tự trọng nào có thể hủy bỏ. Đúng là Rommel trở nên thân thiết với Hitler trong thời gian cuối những năm 1930, nhưng đến giữa cuộc chiến tranh, sự vỡ mộng đã hình thành đối với việc chỉ đạo chiến tranh của Hitler. Tình trạng nguy hiểm tăng lên sau khi quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy vào tháng Sáu năm 1944 và thất bại dường như không tránh khỏi. Ông có nên tham gia với những người ông biết đang âm mưu loại bỏ Hitler và cố gắng kết thúc chiến tranh hay không? Ngoài ra, làm thế nào ông có thể bỏ mặc quân đội của mình khi họ đang tham gia vào một cuộc chiến tuyệt vọng nhằm ngăn chặn quân Đồng minh đột phá ra khỏi vùng Normandy? Như đã xảy ra, nỗ lực ám sát Hitler vào tháng tiếp theo thất bại và cuối cùng đã đóng dấu cho số phận của Rommel.
Thống chế Erwin Rommel là một nhân vật luôn gây mê hoặc và chắc chắn vẫn sẽ là như vậy. Nhìn lại cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ là thích hợp để đem lại bức chân dung sáng tỏ về con người có sức lôi cuốn này và xác định xem chúng ta có thể học được những gì cho tương lai từ sự nghiệp phi thường của ông.
Charles Messenger
London, tháng Mười năm 2008
Mời các bạn đón đọc Erwin Rommel Danh Tướng Đức Với Biệt Hiệu Cáo Sa Mạc trong Thế chiến II của tác giả Charles Messenger.
Chia sẻ ý kiến của bạn