Đức Quốc Xã chỉ tồn tại trong 12 năm nhưng những bi kịch mà thời kỳ này để lại hẳn còn kéo dài hàng thế kỷ. cũng như đã và sẽ còn tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu, phân tích về nó. Tác phẩm này được ca ngợi là một cách nhìn mới về thời kỳ Đức Quốc Xã. Ngay từ khi mới xuất bản tại Đức, nó đã gây được sự chú ý rộng rãi như một cuốn sách đặc biệt sắc bén và trí tuệ.
Cuốn hồi ký gia đình cuốn hút này cung cấp những thông tin mới quan trọng về cuộc sống riêng tư và nền tảng sinh trưởng của một trong những kẻ giết người khét tiếng nhất thế kỷ XX – không phải một tên sát nhân đơn độc, mà là một người đàn ông trung lưu có gia đình, được yêu mến và ủng hộ bởi gia đình người Đức đáng kính của mình.
Việc điều tra tỉ mỉ và điềm tĩnh của Katrin Himmler – cháu gái của Ernst Himmler – về câu chuyện của gia đình Himmler tiết lộ tất cả những phức tạp tối tăm trong cuộc sống của một gia đình tư sản và những nỗi kinh hoàng gây ra bởi một thành viên.
“Cuốn sách đã cùng lúc cho thấy những hình ảnh đối nghịch giữa cuộc sống đời thường và sự tàn ác, giữa tình thương yêu với lòng căm thù, khiến câu chuyện trở nên đặc biệt éo le”.
***
Khi tôi 15 tuổi, trong giờ học Lịch sử, một trong những bạn cùng lớp bất ngờ hỏi rằng tôi có liên quan gì với “nhà Himmler” không. Tôi lúng búng đáp “Có”. Một khoảng lặng chết người bao trùm lớp học. Mọi người thật căng thẳng và cảnh giác. Cô giáo sững sờ nhưng rồi tiếp tục dạy như thể không có chuyện gì xảy ra. Cô đã bỏ qua cơ hội cho phép chúng tôi tìm hiểu xem liệu có còn mối liên hệ nào đó, nếu có, nối giữa thế hệ trẻ chúng tôi với “những chuyện cũ” hay không.
Đó là câu hỏi mà bản thân tôi đã né tránh suốt một thời gian dài. Tôi có biết rằng Heinrich Himmler là ông họ của mình. Tôi có biết về “tên sát nhân tàn ác nhất thế kỷ”, kẻ đã ra lệnh thủ tiêu người Do Thái châu Âu và giết hại hàng triệu người khác. Cha mẹ tôi ngay từ rất sớm đã cho tôi đọc những cuốn sách về thời kỳ Quốc xã. Vừa run rẩy vừa khóc, tôi đọc về cuộc nổi dậy thất bại của những người dân Do Thái ở Warsaw (Warsaw ghetto*), về hồi ức của những người chạy nạn và nỗ lực sinh tồn của những đứa trẻ được che giấu. Tôi nhập vai vào những nạn nhân, cảm thấy xấu hổ với tên họ của mình và thường cảm thấy mình có tội theo một cách không thể cắt nghĩa được nhưng rất đau đớn. Sau này, khi theo học ngành chính trị học, lịch sử nước Đức là môn học chính của tôi.
Nhưng đồng thời tôi luôn tránh nhìn lại lịch sử của chính gia đình mình. Động lực thúc đẩy tôi làm vậy chỉ xuất hiện sau này và phần nhiều là do tình cờ. Cha tôi bảo tôi tìm kiếm trong Kho Lưu trữ Liên bang ở Berlin hồ sơ về ông nội. Cho tới trước lúc ấy, ông nội tôi Ernst, người tôi không hề biết mặt, đối với tôi vẫn đơn giản chỉ là em út của Heinrich Himmler, là một chuyên gia về công nghệ, là kỹ sư giữ chức Kỹ sư Trưởng của Đài Phát thanh Đế chế tại Berlin – một con người khá phi chính trị theo lời kể của mọi người. Cho tới khi ấy, chẳng điều gì về ông có thể khiến tôi thấy tò mò, thắc mắc.
Ngay từ lần đầu tiên xem xét kỹ càng các tài liệu, tôi đã có một phát hiện đáng lo rằng, hầu hết những chuyện mà gia đình kể về ông đều không khớp với những gì tập hồ sơ mỏng này tiết lộ. Hóa ra ngay từ rất sớm, Ernst Himmler đã là một người Quốc xã kiên định, và để đáp lại sự hỗ trợ về sự nghiệp từ người anh ruột là Thống chế SS* Heinrich, ông Ernst đã thực hiện những nhiệm vụ đáng ngờ do anh mình giao phó. Tôi cũng dần dần phát hiện ra Gebhard, người lớn nhất trong ba anh em trai, là một người hãnh tiến đầy tham vọng và là Đảng viên Quốc xã kiên định ngay từ những ngày đầu lập Đảng. Năm 1923, ông tham gia vụ Hitler Putsch, hay còn gọi là Chính biến Nhà hàng bia*, cùng với em trai Heinrich; sau này ông thăng tiến nhanh tới chức Vụ trưởng Bộ Giáo dục Đế chế. Tôi buộc phải kết luận rằng cả hai anh em đều đã tình nguyện cống hiến chuyên môn của mình với cùng chung niềm tin vững chắc như Heinrich và những người bà con khác, cũng như nhiều đồng nghiệp và hàng xóm của họ.
Điều này cũng đúng với cha mẹ của ba anh em. Trước năm 1933, Gebhard Himmler Cha, hiệu trưởng một trường cấp hai, cùng với vợ là Anna đã rất nghi ngờ và thường chê trách người con thứ của mình, xem Heinrich là thiếu tham vọng. Tuy nhiên về sau, theo như các lá thư họ gửi cho Heinrich, họ đã trở thành những người Quốc xã nhiệt thành. Họ cũng thích thú với những ưu đãi và lợi lộc mà Heinrich có thể kiếm được cho họ nhờ địa vị của mình tại trung tâm quyền lực của Đệ tam Đế chế.
Mấy năm sau đó, tôi tập trung chủ yếu vào những chuyện khác hơn là về lịch sử gia đình mình. Lúc ấy tôi cũng bị cuốn hút bởi những đất nước như Ba Lan hay Israel, mà lịch sử vốn có mối liên hệ gần gũi và đầy bi thảm với lịch sử nước Đức và cả với lịch sử gia đình của chính tôi. Ba Lan không chỉ là đất nước mà ở đó Heinrich Himmler đã tổ chức chiến dịch không khoan nhượng của Quốc xã để hủy diệt người Do Thái và người Slav “hạ đẳng”*. Năm 1939 người anh cả Gebhard đã tham dự cuộc xâm lược Ba Lan trong vai trò đại đội trưởng, điều mà sau này khi chiến tranh kết thúc đã lâu vẫn được ông mô tả là một chuyến phiêu lưu “táo bạo” thực hiện “với tốc độ chóng mặt”. Anh vợ của Gebhard là Richard Wendler từng làm Thống đốc Cracow vào thời gian người Do Thái trong thành phố bị trục xuất. Và Warthegau, tên mà người Đức dùng để gọi phần đất Ba Lan bị sáp nháp vào lãnh thổ Đế chế tháng 10 năm 1939, cũng là nơi bà nội tôi cùng các con đã chuyển đến sống sau khi sơ tán khỏi Berlin thời chiến, tại một điền trang mà vị chủ cũ người Ba Lan trước đó đã bị đuổi đi. Tôi tiếp tục lần theo những dấu vết về gia đình mình. Nhưng dường như tội ác ghê gớm của Heinrich Himmler lại khiến con cái các anh em của ông ta thoải mái miễn tội cho cha của họ, mặc dù trong lòng vẫn mang nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng dai dẳng rằng cha họ có lẽ có liên can nhiều hơn rất nhiều so với những gì họ vẫn nghĩ.
Tôi cũng chịu cùng nỗi sợ hãi đó. Nhưng, mặc dù nghe có vẻ khó tin, phải mất tròn 5 năm sau khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu tôi mới dám đọc đến những tài liệu giấy tờ, chứng chỉ, thư từ và sổ ghi chép quan trọng được cất trong nhà của cha mẹ tôi. Tôi biết rằng, trong gia đình Himmler, mọi mẩu giấy viết tay, từ hóa đơn tiền điện cho tới bản nháp thư từ hay giấy tờ tùy thân và ảnh chụp đều được lưu giữ miễn có điều kiện cho phép, nhưng cho tới lúc đó tôi chưa khi nào chủ ý dò hỏi hay lục lọi đến chúng. Có một cặp tài liệu mà trong đó bà nội tôi, người tôi rất kính trọng, cất giữ khá nhiều thứ. Khi biết được rằng một thời gian dài sau năm 1945 bà vẫn là thành viên của một mạng lưới cựu Đảng viên Quốc xã lập ra nhằm giúp đỡ lẫn nhau, tôi đã vô cùng đau đớn.
Khi bạn tiến hành nghiên cứu lịch sử gia đình của chính mình, rất khó để vượt qua những khoảng trắng thông tin và các vùng cấm tò mò mà người thân đã vạch ra đối với một chủ đề nào đó. Đó luôn là một quá trình đau đớn, và bạn thường xuyên bị hành hạ bởi nỗi sợ về những gì bạn có thể sẽ đánh mất.
Tôi mất đến ba năm kể từ lần đầu tiên tìm thấy tài liệu về ông nội mình trong hồ sơ lưu trữ cho tới khi đi đến chấp nhận rằng tôi sẽ phải xem lại toàn bộ lịch sử gia đình mình đến từng tiểu tiết. Cùng thời điểm ấy, tôi sinh con trai đầu lòng, con tôi sẽ phải mang nỗi đau không chỉ kế thừa từ gia đình bên ngoại: Chồng tôi sinh ra trong một gia đình Do Thái từng bị ngược đãi bởi đám tay chân của ông họ tôi Heinrich và những thành viên gia đình anh ấy cho đến ngày nay vẫn còn mang nỗi đau vô hạn vì nhiều người thân đã bị giết hại. Tôi thấy rõ rằng mình phải cho con biết về một lịch sử gia đình không còn bị bóp méo bởi những huyền thoại vẫn được cả nhà kể lại.
Kết quả của ý định trên là sự ra đời của cuốn sách này với đóng góp của rất nhiều người. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người này.
Chính cha tôi là người đã tạo động lực đầu tiên cho nghiên cứu của tôi. Giáo sư Wolff-Dieter Narr và nhóm nghiên cứu chuyên đề “Thế hệ cháu chắt của các Đảng viên Quốc gia Xã hội tích cực” tại Đại học Tự do Berlin đã biến nó thành một dự án nghiên cứu cụ thể. Tôi cũng muốn cảm ơn tất cả các thành viên gia đình tôi đã cung cấp tài liệu theo mong muốn của tôi và đã kiên nhẫn chịu đựng những buổi phỏng vấn liên tục của tôi.
Các nghiên cứu toàn diện của tôi được nhân viên của rất nhiều cơ quan hỗ trợ. Tôi đặc biệt cảm ơn Herr Pickro của Cục Lưu trữ Liên bang tại Koblenz, người đã giúp đỡ rất nhiều và luôn sẵn sàng dành thời gian cho tôi. Tôi cũng nhận sự giúp đỡ của nhiều người làm trong Cục Lưu trữ Liên bang tại Berlin-Lichterfelde, kho lưu trữ của Đại học Kỹ thuật Munich, Tổng cục lưu trữ Quốc gia ở Düsseldorf, kho lưu trữ địa phương của Berlin và tổ chức Kontakte (Các quan hệ) ở Berlin.
Tôi đặc biệt mang nợ Michael Wildt của Viện Nghiên cứu Xã hội tại Hamburg, ông là nhà sử học đầu tiên đã đọc bản thảo nháp. Công việc của tôi đã không thể tiếp tục được nếu thiếu sự khích lệ, chỉ dẫn và hỗ trợ của ông.
Heinz Höhne đã cung cấp tài liệu từ kho lưu trữ cá nhân của mình theo yêu cầu của tôi; Anne Prior đã rộng lượng cung cấp cho tôi thông tin về chi Dinslaken của dòng họ tôi. Andreas Sander và Peter Witte thuộc Stiftung Topographie des Terrors (Topography of Terror Foundation) đã giúp tôi có được những thông tin quan trọng.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt của mình tới Ingke Brodersen, người không chỉ tìm ra một nhà xuất bản chịu nhận bản thảo của tôi mà còn biên tập nó thật sắc sảo và sát cánh cùng nó trong suốt quá trình thực hiện. Cô đã luôn sẵn sàng vì tôi; được làm việc cùng cô thật là một may mắn xét dưới mọi góc độ.
Chồng tôi đã giúp tôi qua vô số lần thảo luận; ngay từ đầu, anh và cha mẹ chồng tôi đều đã khuyến khích tôi viết cuốn sách này. Các bạn bè đã lắng nghe kiên nhẫn, cùng thảo luận về chủ đề, đọc những phần bản thảo và giúp tôi trong những chuyến đi lại tìm hiểu.
Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn cha mẹ tôi, những người đã ủng hộ và giúp tôi đảm đương được công việc này suốt những năm qua. Không có họ cuốn sách này sẽ không bao giờ được viết ra.
Mời các bạn đón đọc Anh Em Nhà Himmler của tác giả Katrin Himmler.
Leave a Reply