Tôi đã thuật lại, trong quyển sách nầy, đời sống rất hấp-dẫn, chứa rất nhiều bài học quý-giá, của ba-mươi người đàn bà lừng danh nhất trong Lịch-sử Đông Tây tự cổ chí kim.
Tôi bắt đầu bằng TRƯNG-NỮ-VƯƠNG, vì hai lý-do. Xét về khách-quan lịch-sử và về phương-diện giá-trị tác-phong, Trưng Nữ-Vương không những là một anh-hùng của Dân-tộc Việt-Nam mà còn là một nữ anh-hùng bậc nhứt trên thế-giới. Vả lại, Jeanne d’Arc thua kém Trưng-Vương trên nhiều phương-diện lắm mà được cả thế-giới khâm phục trải qua các thời-đại, là nhờ người Pháp biết truy-tôn bậc Nữ anh hùng của họ.
Từ trước đến nay, người Việt-Nam chưa hề viết nhiều về Trưng-Nữ-Vương, chưa ca ngợi xứng đáng Vinh-quang lẫm-liệt của Trưng-Nữ-Vương cho thế-giới biết. Cho nên tôi thấy cần phải đưa Bà từ quên lãng bất-công của địa-vị một anh-hùng địa-phương Việt-nam lên bậc Thần-tượng tối-cao, chói-lọi, xứng đáng của Lịch-sử Loài Người. Tác-phẩm nầy đang được dịch ra Anh Pháp ngữ chính vì mục đích ấy.
Tôi cố-ý gát ra ngoài một số các nữ chính-trị-gia, tuy cũng nổi tiếng xưa nay, nhưng phong-độ cá-nhân và ảnh-hưởng tinh thần trên đời sống nhân loại không đáng kể, như các Nữ Hoàng, Nữ Thủ-tướng, Nữ Ngoại-giao, Nữ Cách-mạng, v.v…
Các nữ Văn-sĩ, Thi-sĩ, Nghệ-sĩ, nổi danh trên thế-giới cổ kim, sẽ được giới-thiệu đầy đủ trong một quyển sách khác được ấn-hành riêng. Nữ Thi-hào Hồ xuân-Hương của Việt-Nam sẽ có mặt trong tác-phẩm Thi-tuyển quốc-tế ấy.
Sài-gòn, tháng 4-1969
N.V.
NGÀY 1 tháng 8, năm Việt lịch 2893, kỷ nguyên Lạc Long (tức là năm 14 sau J. C., thế kỷ 1 Tây lịch), tại đất Mê Linh, tỉnh Sơn Tây, có hai chị em sinh đôi.
Người ra chào đời trước được đặt tên là Trưng Trắc, người kế tiếp ra sau, nhỏ hơn, tên là Trưng Nhị.
Thân phụ là cựu Lạc-tướng họ Trưng, có làm quan dưới thời Triệu Đà. Thân mẫu là bà Man Thiện, nhũ danh Trần thị Đoan, là một cháu ngoại của giòng giõi Hùng Vương XVIII.
Bà góa chồng sớm, nhưng ở vậy nuôi con gái, giáo dục hai con trong tinh thần yêu nước, yêu nhà.
Năm Việt-lịch 2913, kỷ-nguyên Lạc Long, Trưng Trắc 20 tuổi, được mẹ gả cho Đặng thi Sách, một thanh niên thế phiệt, cũng là giòng giõi Lạc-tướng, và đang làm Lệnh doãn huyện Chu Diên. Chức Lệnh doãn lúc bấy giờ tức là Quận-trưởng ngày nay.
Chu Diên là một trong 10 huyện rộng lớn của xứ Giao Chỉ, mà người Tàu đô hộ đặt tên là Giao-Chỉ quận. Đầu thế kỷ thứ 1, Tây lịch, từ năm 111 trước J. C, đến năm 39 sau J. C., tức là suốt thời kỳ 150 năm, từ năm Việt-lịch 2768 đến 2918 kỷ-nguyên Lạc Long, lãnh thổ Việt-Nam mới gồm có hai xứ : Giao-Chỉ-Quận và Cửu-Chân-quận (hiện nay là Bắc Việt và Bắc Trung-Việt đến tỉnh Nghệ An) đã bị lệ thuộc nhà Hán. Đó là lần thứ nhất trong Lịch sử Dân tộc Việt-Nam, giòng giõi Long Nữ, Lạc Long, Hùng Vương, bị người Tàu đô hộ.
Cùng năm hôn nhân của Trưng Trắc và Đặng thi Sách (2913 Việt lịch, 34 Tây lịch), Vua Hán Quang vũ cử viên tân-thái-thú qua cai trị Giao Chỉ, tên là Tô Định.
…
Mời các bạn đón đọc Những Đàn Bà Lừng Danh Trong Lịch Sử của tác giả Nguyễn Vỹ.
Leave a Reply