Tôi sinh ngày 20/06/1923 tại làng Grigorevka, 40km về phía Nam thành phố Petropavlovsk, Đông Siberia. Bố mẹ tôi là nông dân và tôi là 1 trong số 4 con trai. Sau Nội chiến Nga, bố tôi làm thợ cơ khí chuyên sửa máy kéo.
Năm 1927, ông tôi và các chú thành lập 1 hợp tác xã. Họ làm nông trong 1 khu vực khoảng 5 km2. Nhờ khoản vay Nhà nước, họ có được 1 máy kéo, 1 máy cầy, 1 máy gặt và các máy móc nông nghiệp khác. Trong năm đầu tiên làm ăn tập thể, hợp tác xã đã có 1 vụ rất bội thu, nó đủ để trả khoản vay.
Cuối năm 1929, gia đình tôi chuyển đến Nikolaev bên Ukraine, ở đó bố tôi làm việc trong 1 nhà máy đóng tàu. Tôi bắt đầu đi học tại trường ở Nikolaev vào năm 1931. Năm 1933, Ukraine bắt đầu trải qua Nạn Đói Khủng Khiếp (*). Để gia đình khỏi chết đói, chúng tôi chuyển đến Omsk Oblast, tại đó bố tôi làm thợ máy trong 1 garage của nông trường Nhà nước Sovkhoz, chính ở đây tôi đã học hết lớp 4 và gia nhập Đội Thiếu niên cùng với 1 người anh. Tôi nhớ rằng khi đó thiếu khăn quàng, tôi và người anh đã viết thư cho Stalin: “Đồng chí Stalin, hãy gửi khăn quàng cho tôi và anh tôi.” Ngay sau đó khăn quàng lại có bán ở cửa hàng, nhưng chúng tôi nhận được thư của chính quyền địa phương: “Các cháu bé, hy vọng là bây giờ các cháu đã có được khăn quàng của mình, nhưng trong tương lai yêu cầu các cháu ko được làm phiền Stalin với những chuyện như vậy.”
(*) Nạn Đói Khủng Khiếp: 1 nạn đói lớn đã quét qua Ukraine đầu những năm 30. Hạn hán năm 1931 và 1932 đương nhiên là 1 lý do nhưng nhiều học giả cho rằng chính sách tập thể hoá cưỡng bức của Stalin mới là lý do chính. Nông dân Ukraine đã thịt hết gia súc và ngựa thay vì phải đem nộp vào nông trang tập thể. Các đại lý của Nhà nước tịch thu lương thực và các sản phẩm nông nghiệp để bẻ gãy sự chống đối của nông dân và cũng là để giữ cho những thành phố chính như Moscow và Leningrad được cung cấp đủ lương thực.
Vào lúc đó, bố mẹ gửi tôi về quê, Grigorevka, để giúp ông bà công việc trong hợp tác xã. Tôi học xong lớp 7 ở đó. Trong thời gian học, tôi được thanh niên địa phương chọn làm chỉ huy đội phòng vệ dân sự. Ngày đó, tôi nhận được rất nhiều huy hiệu từ Đội Thiếu niên, bao gồm cả các huy hiệu về quốc phòng, “Tay súng Voroshilov” (*), các huy hiệu về bảo vệ sức khoẻ, phòng hoá, huy hiệu “Sẵn sàng lao động và bảo vệ”. Ko ai trong làng có được nhiều vinh quang như tôi! Tôi tổ chức dạy thanh niên bắn súng và tự vệ. Trường tôi đã giành giải nhất trong cuộc thi tại địa phương. Tháng 10/1938, tôi được kết nạp Đoàn Thanh niên Komsomol, bước chuẩn bị để trở thành Đảng viên.
Tháng 8/1939 tôi vào học Trường Kỹ thuật Petropavlovsk ngành Kỹ sư Địa kỹ thuật (Geotechnical). Đến mùa xuân năm 1941, chúng tôi đã kết thúc chương trình lý thuyết và bắt đầu học tại thực địa các phương pháp đo đạc địa lý. Lúc đó tôi 18 tuổi.
Kỳ nghỉ kết thúc, tôi tiếp tục phục vụ tại Ủy ban Quân sự Bắc Kazakhstan. Ngày 15/3/1946, tôi bị bắt vì sở hữu bất hợp pháp một khẩu súng ngắn, khẩu súng này tôi đã tình cờ nhặt được tháng 4/1945 ở thành phố New Brandenburg và giữ như một kỷ vật chiến tranh. Tôi đã hứa cho một người quen tốt khẩu súng này, đại úy Alexander Kobzar chỉ huy tình báo trung đoàn 1199 thuộc Sư 354, các sĩ quan được phép giữ vũ khí cá nhân. Tuy nhiên tôi đã không có cơ hội nào để cho nó đi trước khi rời nước Đức nên đã giữ lại để giao cho Kobzar khi hết phép quay về đơn vị. Thế nhưng tôi không bao giờ quay lại đó vì người ta đã thiên chuyển tôi tới phục vụ tại ủy ban quân sự địa phương này. Tôi cũng không giao khẩu súng ngắn cho sĩ quan chỉ huy ở đây khi tới nơi sau kỳ nghỉ vì thực sự muốn tự tay trao nó cho Alexander. Em trai tôi đã cho một vài người bạn mượn tạm mà tôi không biết, mấy ông bạn đó hóa ra là một bọn trộm cướp.
Vì tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, tòa án quân sự khu vực Petropavlovsk đã tuyên án tôi bốn năm tù. Tôi bị đưa đi cùng những tù nhân khác tới Magadan ở Viễn Đông và sau đó là mỏ Ol’chansk. May thay tôi được quyền làm việc mà không có người gác. Tôi làm người kiểm hàng tại cửa hàng máy móc của mỏ trong sáu tháng rồi chuyển sang làm việc tại xưởng kỹ thuật mỏ. Vậy là tôi đã không phải làm việc trong mỏ cho tới ngày được phóng thích 29/8/1949. Hai tháng rưỡi sau, tôi nhận luôn công việc giám định viên tại khu vực một vẫn ở mỏ này và làm giám định viên mỏ cho tới khi rời Ol’chansk một cách tốt đẹp vào năm 1953. May mắn hơn, tôi đã cưới được một nhân viên điện tín, Maria Vasil’evna Shevchenko, vào cuối năm 1949. Khi còn ở mỏ Ol’chansk tôi đã có 2 con gái. Tháng 1/1953, chúng tôi rời mỏ và tới Krasnodar, nơi bố và chị vợ sống trong một làng nhỏ ngoại ô thành phố. Ngày 21/3/1953, tôi được nhận vào Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Pashkovskii, khoa Tạo lập đất trồng trọt với nhiệm vụ hoàn tất chương trình học bỏ dở trước chiến tranh để nhận bằng. Tháng 7/1954 tôi đã nhận được bằng Kỹ sư Địa kỹ thuật. Tháng 6/1960, với việc được nhận vào phòng văn thư của Viện Nghiên cứu thiết kế và xây dựng Krasnodar, tôi rời công việc ở làng để chuyển vào thành phố Krasnodar với mục tiêu trở thành một chuyên gia xây dựng. Từ năm 1960 đến tháng 8/1983 tôi làm kỹ sư trắc địa và chuyên gia trong các công trình xây dựng điện cao thế. Sau khi về hưu năm 83 tôi vẫn tiếp tục làm việc tại khoa đào tạo kỹ sư địa kỹ thuật của một trường cao đẳng nông nghiệp cho đến năm 2002. Trong thời gian đó, tôi cũng bận rộn với công việc của hội cựu chiến binh, đến các trường học trong thành phố kể chuyện chiến tranh và tham gia các buổi lễ lạt. Từ năm 2002 tôi chỉ còn chuyên chú vào công việc của hội cựu chiến binh, khai sáng cho lũ trẻ về chiến tranh thực sự như thế nào. Mỗi năm hai đến ba lần tôi lái xe đi thăm cha mẹ, họ đã sống qua cuộc chiến, thăm các chiến trường xưa: Kursk, Ukraine, Belorussia, xuyên qua Đất mẹ của những người Liên Xô anh hùng. Những cô con gái đã làm tôi hạnh phúc với ba cháu gái và một cháu trai. Chúng đều được giáo dục tốt và tìm được công việc tử tế. Hai cô cháu gái đã cho tôi hai chắt: Danil, học sinh lớp 6 và Timofei, vừa đi học năm 2006.
…
Mời các bạn đón đọc 800 Ngày Trên Mặt Trận Phía Đông của tác giả Nikolai Litvin.
Chia sẻ ý kiến của bạn