Cuộc chiến không ai thắng
Trích trang đầu của ebook cuộc chiến không ai thắng
Bia tưởng niệm là một cách điệu nghệ thuật: một khối đá đen tuyền bóng láng nằm nghiêng nghiêng trên triền đồi thoai thoải. Nhưng vẻ giản dị của nó gợi lại một thực tại dữ dội. Những dòng tên của người đã khuất khắc trên đá hoa cương không chỉ ghi nhận những cuộc đời đã mất trong chiến trận mà còn biểu hiện sự hy sinh cho một cuộc chinh phục đã thất bại, cho dù động cơ của cuộc chinh phục đó là cao quý hay ảo vọng. Theo một ý nghĩa rộng hơn, chúng biểu trưng cho niềm hy vọng đã tàn phai – hoặc có lẽ là sự sinh thành một nhận thức mới. Chúng là bằng chứng cho điểm kết thúc một niềm tin tuyệt đối vào tính độc nhất về đạo đức, sự bất khả chiến bại về quân sự, và vận mệnh hiển nhiên của nước Mỹ. Chúng là cái giá phải trả, bằng máu và niềm đau khổ, cho sự thức tỉnh để trưởng thành của nước Mỹ, cho sự thừa nhận những giới hạn của nước Mỹ. Cùng với những thanh niên đã chết ở Việt Nam đã tiêu tan luôn giấc mơ về một “Thế kỷ Mỹ”.
Hàng ngàn cựu chiến binh Việt Nam đổ về thủ đô Washington để dự lễ tưởng niệm trong một dịp cuối tuần lạnh và khô tháng 11 năm 1982. Họ đến cùng với gia đình họ và gia đình của những người đã khuất. Có những người bị bại liệt ngồi trên xe lăn, có những người cụt tay. Họ mặc áo quần lao động hoặc trang phục của doanh nhân, một số người còn mặc nguyên quần áo lính. Có những bài diễn văn, những cuộc hội ngộ, một cuộc diễu hành và một nghi lễ nghiêm trang tại Giáo đường Quốc gia, nơi những người tình nguyện đã tổ chức thắp nến nguyện cầu trong suốt tuần lễ, xướng tên từng người một của gần năm mươi tám ngàn người lính đã bị giết hoặc mất tích trên chiến trường. Nhìn từ xa, đám đông trông giống hệt những đoàn biểu tình phản đối chiến tranh đã tràn qua thủ đô trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong dịp cuối tuần này, những cuộc tranh cãi quá khứ đã không lộ rõ. Giờ đây người Mỹ có vẻ như đang thanh toán món nợ với những người đã chiến đấu và đã chết – ca ngợi sự đóng góp của họ, đền đáp nỗi đau khổ của họ. Những gương mặt, những lời xưng tụng và cả đài tưởng niệm nữa dường như cố chữa lành các vết thương. Hai cái tên ở dòng đầu trên bia tưởng niệm – Dale R. Buis và Chester M. Ovnand – làm tôi nhớ lại một sự kiện xa xôi.
Tôi đến miền Nam Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1959, ngay sau khi sang châu Á làm thông tín viên chính cho các tạp chí Time và Life. Những người nổi dậy chỉ vừa mới “đồng khởi” để thách thức một chế độ mới được sinh ra năm năm về trước, khi một hội nghị quốc tế tổ chức ở Geneva đã chia đôi đất nước này sau thất bại của người Pháp. Lúc đó vẫn chưa có danh từ Việt Cộng – một cái nhãn hàm ý miệt thị mà chính phủ Nam Việt Nam đặt ra để dán cho những người nổi dậy, xem họ là người cộng sản. Cho đến lúc đó những người nổi dậy vẫn còn được gọi là Việt Minh, lực lượng đã đánh bại người Pháp. Vài trăm cố vấn quân sự Mỹ được phái tới đây để huấn luyện và trang bị cho quân đội miền Nam Việt Nam nhưng hiếm có những dấu hiệu bất ổn nghiêm trọng. Thế rồi vào tối ngày 8 tháng 7 năm 1959, một biến cố đã xảy ra tại một trại lính gần Biên Hòa, tổng hành dinh của các sư đoàn quân đội miền Nam Việt Nam chỉ cách Sài Gòn khoảng hai mươi dặm về phía đông bắc. Ngày hôm sau tôi lái xe đến đó để thu thập thông tin chi tiết.
Sáu năm sau, khi Mỹ đổ binh lính, tiền bạc và phương tiện vào đây để mở rộng cuộc chiến, Biên Hòa trở thành một căn cứ Mỹ khổng lồ và thành phố thoái hóa thành một khu giải trí nhếch nhác đầy những quán rượu và nhà thổ. Nhưng vào năm 1959 Biên Hòa vẫn còn là một thị xã tỉnh lỵ nhỏ bé mơ màng với ngôi giáo đường, những tòa biệt thự và những con đường rợp bóng cây, tàn dư của một thế kỷ thực dân Pháp cai trị. Trong lúc lái xe suốt buổi sáng nhiệt đới nóng bức và ẩm ướt, tôi được nhìn lần đầu tiên một vùng đất chưa hề bị chiến tranh khuấy động. Nông dân mặc đồ bà ba đen đội nón lá cúi mình trên đồng lúa giữa những đám ruộng nước, nhịp điệu lao động chậm rãi của họ biểu thị đức tính kiên trì vô hạn của châu Á. Những ngôi chợ quê bận rộn dọc bên đường quảng bá cho sự trù phú của quốc gia. Nhưng khi chạy xe vào trại lính tôi gần như nếm ngay được sự bắt đầu của một cuộc chiến tranh mà quy mô cuối cùng của nó chắc chắn đã vượt quá những tưởng tượng hoang đường nhất của tôi khi ấy.
Đêm trước đó, sáu trong số tám cố vấn Mỹ đồn trú ở Biên Hòa đã trở về chỗ nghỉ sau bữa ăn tối để xem phim, bộ phim The Tattered Dress do Jeanne Crain thủ vai nữ chính. Một người trong số họ đã bật đèn lên để thay phim khi biến cố xảy ra. Quân du kích thò súng qua cửa sổ và vãi đạn khắp phòng bằng súng trường tự động – ngay lập tức giết chết thiếu tá Buis và thượng sĩ Ovnand, cùng với hai cảnh vệ Nam Việt Nam và một đứa bé tám tuổi.
Hai người này không phải là những lính Mỹ đầu tiên bị giết ở Việt Nam. Trung tá A. Peter Dewey của Văn phòng Dịch vụ Chiến lược [1] đã bị bắn hạ một cách tình cờ bởi một nhóm Việt Minh ở ngoại ô Sài Gòn tháng 9 năm 1945. Và một phi công Mỹ gan dạ, đại úy James B. McGovern – biệt danh là McGoon Động đất, theo tên một nhân vật trong bộ phim hài Li’l Abner – đã tử nạn khi lái máy bay chở hàng tiếp tế cho quân đội Pháp đang bị bao vây tại Điện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954. Nhưng Buis và Ovnand là những người đầu tiên chết trong “Kỷ nguyên Việt Nam”, một lối ngoa ngữ chính thức của người Mỹ để chỉ một cuộc chiến tranh không bao giờ được tuyên chiến chính thức.
Bản tin của tôi về biến cố ở Biên Hòa chỉ nhận được một khoảng không gian khiêm tốn trên tạp chí Time – nó không đáng được nhiều hơn. Bởi vì khi ấy không ai tưởng tượng được rằng sẽ có khoảng ba triệu người Mỹ phục vụ tại Việt Nam – rằng sẽ có hơn năm mươi tám ngàn người bỏ mạng trong những cánh rừng, trên những cánh đồng và tên tuổi của họ hai mươi ba năm sau sẽ được khắc trên một tấm bia tưởng niệm nằm cạnh tượng đài các tổng thống Washington và Lincoln.
Khi ấy, trong lúc xem xét khu nhà chi chít vết đạn ở Biên Hòa, tôi cũng không hình dung được cho dù rất mơ hồ cuộc tàn sát khủng khiếp sẽ hủy diệt nước Việt Nam suốt mười sáu năm chiến tranh triền miên sau đó. Hơn bốn triệu binh lính và thường dân Việt Nam ở cả hai bên – tức là khoảng 10 phần trăm dân số đã bị giết hoặc bị thương. Đa số những người Nam Việt Nam chết được chôn cất trong những nghĩa trang gia đình hoặc dòng tộc. Đi thăm miền Bắc đất nước sau cuộc chiến, tôi đã thấy hàng hàng lớp lớp những bia mộ trắng trong mỗi nghĩa trang làng xã, mỗi tấm bia mang dòng chữ Liệt sĩ. Nhưng những ngôi mộ ấy đều là mộ gió, thi hài của những người đã khuất đã bị xe ủi đẩy xuống những hố chôn chung trong những nấm mồ tập thể ở miền Nam, nơi họ ngã xuống.
Cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến tranh không có người chiến thắng, ít ra là theo ngôn ngữ nhân văn – đó là cuộc chiến tranh giữa các nạn nhân. Nguồn gốc của nó cực kỳ phức tạp, những bài học của nó luôn được tranh cãi và hậu quả của nó các thế hệ mai sau sẽ tính toán. Nhưng cho dù đó là một cuộc dấn thân hợp lý hay một nỗ lực sai lầm, nó cũng là một bi kịch mang tầm vóc sử thi.
Lịch sử là một tiến trình trình hữu cơ, là một chuỗi các sự kiện có liên quan với nhau, vô tâm vô tình nhưng không phải không thể tránh được. Các lãnh tụ và người dân đi theo họ quyết định và ủng hộ các sự lựa chọn nhưng chỉ trong khung khổ những kinh nghiệm và khát vọng của họ mà thôi. Cội nguồn của sự can thiệp của người Mỹ vào Việt Nam đã được gieo trồng và nuôi dưỡng trong cái mà giáo sư Daniel Bell ở trường đại học Harvard gọi là “quan niệm của người Mỹ về tính độc nhất của mình”.
Leave a Reply