Vùng Bắc Băng Dương có nhiều đảo lớn và nhỏ bao quanh, còn khu trung tâm không có đảo.
Các đảo thường có băng, tuyết phủ, chỉ trừ một số ít đảo không có băng tuyết trong một thời gian ngắn về mùa hè. Biển bao quanh các đảo cũng thường xuyên đóng băng. Vùng trung tâm không có đảo thường có những lớp băng dày, lâu năm, nước và gió thường xô đẩy những tảng băng ở đây về nhiều hướng.
Bất chấp những điều kiện khó khăn, các nhà thám hiểm dũng cảm đã đến vùng Bắc cực, từng bước nghiên cứu vùng này và đã từng sống ở những đảo đó. Người ta đã cố gắng lợi dụng các tảng băng di chuyển để đi vào vùng Bắc Băng Dương, nơi còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Sự khám phá các đảo mới được bắt đầu từ lâu và ngày nay cũng đang được tiếp tục; chẳng hạn các đảo nhỏ Gianet, Ghenriet, Bennet ở phía đông-bắc quần đảo Nôvôsibirơxcơ đã được phát hiện vào năm 1881; quần đảo lớn mang tên Vùng đất bắc ở phía bắc bán đảo Taimưrơ được phát hiện vào năm 1913; tiếp theo đó, các đảo nhỏ ở vùng biển Carơxkôie cũng được phát hiện. Dù sao, người ta cũng không thể khẳng định là các đảo ở vùng Bắc cực đã được phát hiện hết. Bởi vì ở nơi mà băng di chuyển nhiều, còn có thể có những hòn đảo khác, nếu đi bằng đường biển thì không đến các đảo này được, còn đi theo các tảng băng di chuyển cũng rất khó tới. Nhờ sử dụng máy bay, người ta có thể đến được những nơi trong vùng Bắc cực mà đi bằng đường biển hoặc đi theo băng di chuyển cũng không thể đến được.
Song, cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa khám phá được các hòn đảo ở vùng Bắc cực, mà những truyền thuyết về chúng được tồn tại đã gần một thế kỷ rưỡi nay rồi.
Những người thợ săn dũng cảm đã từng đến các hòn đảo gần lục địa châu Á để kiếm lông thú và ngà voi ma-mút, cả những nhà thám hiểm phương bắc, trong những ngày đẹp trời hiếm có ở phương bắc, đã thấy được các hòn đảo đó từ những điểm cao, nhưng họ không sao đi đến được. Hòn đảo ở về phía bắc quần đảo Nôvôsibirơxcơ được đặt tên là Vùng đất Xannhicôp, do Iacôp Xannhicôp là người đầu tiên trông thấy nó ở tận phía chân trời giữa vùng bằng.
Cuốn sách này miêu tả việc những người tù chính trị bị đi đày ở lưu vực sông Indihiroca đi tìm Vùng đất Xannhicôp.
Cuốn tiểu thuyết này thuộc loại khoa học viễn tưởng, bởi vì tác giả mô tả một vùng đất tưởng tượng, miêu tả thiên nhiên và dân cư của vùng đất này theo các giả thuyết khoa học.
Bạn đọc sẽ làm quen với những hòn đảo Bắc cực, với các điều kiện thám hiểm giữa vùng băng, với thiên nhiên và dân cư ở một vùng đất có thể có được mà chưa ai biết, nếu nó tồn tại theo các giả thuyết mà tác giả nêu lên.
Trong chương “Vài lời cuối cùng” bạn đọc sẽ có được lời giải đáp về các giả thuyết nói về vùng đất Xannhicôp, và làm quen chút ít với những phát minh mới mẻ của các nhà khoa học nghiên cứu vùng Bắc cực của Liên Xô, làm sáng tỏ một phần nào về sự bí hiểm của Vùng đất Xannhicôp.

***
Nửa đầu cuộc họp trọng thể của hội các nhà bác học để nghe thông báo của các nhân viên trong đoàn thám hiểm đi tìm bá tước Tôn và những người cùng đi với ông ta bị mất tích, đã sắp kết thúc. Trên diễn đàn, cạnh bức tường có trang trí các chân dung lớn của những người bảo trợ có chức tước và các vị chủ tịch của hội, là một sĩ quan hàng hải. Ông này đã từng dũng cảm vượt Bắc Băng Dương trên một con thuyền độc mộc, từ quần đảo Nôvôsibirơxcơ đến đảo Bennet, đây là nơi cuối cùng mà bá tước Tôn dừng lại, và không thấy trở về. Chiếc chao đèn màu xanh hắt bóng mờ lên khuôn mặt rắn rỏi, dầu dãi phong sương của người đang nói, rọi ánh sáng lên bản báo cáo đặt trên diễn đàn và lên bộ đồng phục hàng hải có khuy và huân chương bằng vàng của ông ta.
Các ủy viên Hội đồng của hội đang ngồi sau một chiếc bàn dài phủ khăn xanh đặt ở phía trước diễn đàn. Họ đều là những nhà bác học lỗi lạc và những nhà du hành nổi tiếng, hiện đang sinh sống tại thủ đô phía bắc1. Vị chủ tịch ngồi ở giữa. Mắt ông nhắm nghiền, hình như giọng nói nhẹ nhàng của diễn giả đã làm cho ông ta thiu thiu ngủ. Căn phòng nhỏ chật ních người.
Báo cáo viên đã miêu tả bước đường của đoàn thám hiểm đi cứu nạn, cuộc hành trình khó khăn khi họ phải dùng những xe trượt tuyết do chó kéo để chở chiếc thuyền độc mộc nặng nề từ lục địa đến quần đảo Nôvôsibirơxcơ, vượt qua vùng băng giá ven Bắc cực. Ông tả lại mùa hè trên đảo Côtennưi trong lúc chờ phá băng, việc đi dọc theo bờ biển rất gian khổ, và vượt qua biển để đến đảo Bennet một cách táo bạo.
Ông nêu lên đặc điểm của hòn đảo ảm đạm, quanh năm phủ đầy băng tuyết đó và kể lại việc tìm thấy căn lều nhỏ của Tôn và những vật mà Tôn đã để lại trong lều cùng với tài liệu ghi chép về đảo kết thúc bằng những dòng chữ: “Hôm nay chúng tôi đang lên đường về phương nam. Có đủ thức ăn cho khoảng 15 đến 20 ngày. Tất cả đều khỏe mạnh.”
– Như thế là – báo cáo viên cao giọng tuyên bố – ngày 26 tháng 10 năm 1902, bá tước Tôn, nhà thiên văn Dibec và hai thợ săn Vatxili Gôrôkhôp, người Iacut, và Nhicolai Điacônôp, người Tunggut đã rời đảo Bennet vượt qua băng tuyết đi về phương nam, theo hướng quần đảo Novôxibirơxcơ. Nhưng họ không bao giờ tới đích. Chúng tôi biết vậy, bởi vì chúng tôi không tìm ra một dấu vết nào cả. Thế thì điều gì đã xảy ra đối với các nhà du hành can trường ấy? Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã chết trên đường đi. Vào cuối tháng mười, trên các vĩ tuyến ấy, ban ngày không có ánh sáng trời chỉ sáng mờ mờ vào khoảng hai ba giờ lúc ban trưa. Băng giá tới 40 độ; hay có bão tuyết dữ dội. Nhưng mặt biển chưa hoàn toàn bị bao phủ bởi băng giá và có nhiều hồ nước. Các nhà du hành có thể rơi vào một trong những hồ nước mới đóng băng ấy giữa lúc có bão tuyết rồi mất hút. Hoặc họ có thể chết vì kiệt sức, hay lả đi vì đói, và vì băng giá trong khi phải chống chọi với các tảng băng. Vì không có chó, họ buộc phải kéo lê những xe trượt tuyết nặng trĩu, xuồng và đồ đạc. Hoặc cuối cùng, gặp một cơn bão, họ chết đuối trong đêm đen Bắc cực giữa lúc cố gắng vượt qua vùng biển chưa đóng băng trên những chiếc xuồng mỏng manh, Bằng cách nào thì họ cũng yên giấc ngàn thu dưới đáy Bắc Băng Dương, còn như tôi đã cố gắng chứng minh cho các vị: Vùng đất Xannhicôp mà Tôn đi tìm từ lâu nay, thực ra không có.
Người nói bước khỏi diễn đàn. Câu kết luận của ông ta đã làm cho những người nghe ngán ngẩm. Bỗng người ta nghe thấy một giọng nói to từ phía hàng ghế cuối vọng lên; Dầu sao – tôi bảo là – nó vẫn có! Cả gian phòng náo động. Người ta nghe thấy những câu hỏi:
– Ai thế? Sao kỳ quặc vậy?
Vị chủ tịch nghiêm nghị nhìn quanh và rung chuông. Khi trật tự đã trở lại, ông ta nói giọng oai nghiêm.
– Tôi muốn rằng toàn thể hội nghị và các vị khách, chúng ta hãy đứng dậy mặc niệm những nhà du hành gan dạ đã sống trọn đời cho khoa học: bá tước Tôn, nhà thiên văn Dibec và hai thợ săn Gôrôkhôp và Điacônôp.
Mọi người đứng cả dậy.
– Tôi tuyên bố nghỉ giải lao mười lăm phút.
Những người ngồi gần cửa vội vàng tuồn ra ngoài. Các ủy viên của Hội đồng vây lấy người nói, trong khi đó người ta thấy một hội viên có thân hình đẫy đà, viện sĩ Sencơ, đang lách qua đám đông đến những hàng ghế cuối. Ông ta là nhà thám hiểm nổi tiếng, người tổ chức và là cố vấn của đoàn thám hiểm của bá tước Tôn.
Giữa sự ồn ào của tiếng ghế xô đấy, tiếng trò chuyện của đám đông, vang lên giọng nói to của ông ta:
– Tôi xin mời vị nào đã quá tin rằng Vùng đất Xannhicôp là có thật, nói chuyện với tôi.
Đáp lời mời này, một người trẻ tuổi mặc áo choàng dài màu đen, tách khỏi đám đông thính giá. Khuôn mặt ngăm đen của anh ta đầy những vết nhăn nhỏ xíu, kết quả của nắng hè, băng giá mùa đông và những cơn gió bão.
– Tôi nói vậy và nếu cần, tôi sẽ nhắc lại một lần nữa,- anh ta tuyên bố sau khi tiến lại gần Sencơ.
– Ta hãy đến thư viện; không thể nói chuyện trong tình trạng hỗn độn này được,- Sencơ vừa nói vừa nhìn người trẻ tuổi hăng hái bằng con mắt xoi mói ẩn dưới đôi lông mày rậm,
Khoác tay người lạ mặt, Sencơ dẫn anh ta qua cửa bên đi đến những phòng ở phía sau của thư viện. Đây là văn phòng của hội.
Trong phòng im ắng và trống rỗng. Viện sĩ ngồi lên ghế của thư ký rồi ra hiệu cho người cùng đi với mình ngồi sang ghế bên. Ông châm một điếu thuốc và nói:
– Tôi nghe đây. Tôi muốn nghe điều ông biết về Vùng đất Xannhicôp.
– Điều đầu tiên là hãy cho phép tôi nói với ông tôi là ai, – anh ta nói. – Đã năm năm, tôi là một tù chính trị, bị đày biệt xứ ở một làng tên gọi Cadatric tại cửa sông Iana, trong xứ sở của gấu, hay nói cho đúng hơn là của những con gấu Bắc cực. Ở đó tôi đã làm quen với những thợ săn địa phương. Theo cách nhìn văn hóa của thủ đô thì họ là những con người cục cằn và dốt nát, nhưng họ tốt bụng và dũng cảm. Mỗi năm xuân đến, khi ngày trở nên dài hơn và băng vẫn rắn, họ quả cảm đến quần đảo Nôvôsibirơxcơ để lùng ngà voi ma-mút, ở đây có rất nhiều… Một số thợ săn đã thấy rõ ràng Vùng đất Xannhicôp và tin chắc rằng nó có thật.
– Điều đó cũng chưa đủ để thuyết phục! – Sencơ nhận xét. – Ông biết chứ, diễn giả đã bảo rằng những ngọn núi mà Xannhicôp và Tôn đã thấy chỉ là những dãy núi băng khổng lồ. Để có thể đứng ở đảo Côtennưi nhìn thấy được những ngọn núi của vùng đất tưởng tượng ấy thì chúng phải cao ít nhất là hai nghìn hai trăm năm mươi mét. Khó mà tin rằng có những ngọn núi cao như thế ở Bắc Băng Dương.
– Đó chỉ là điều phỏng đoán chứ không phải là sự thật!
– Hơn nữa, trước khi đặt chân lên đảo Bennet, Tôn đã uổng công đi tìm vùng đất ấy trên chiếc du thuyền “Rạng đông” chở ông ta, đi gần chỗ mà người ta cho là vùng đất.
– Điều này chỉ chứng tỏ rằng vùng đất ở xa hơn về phương bắc chứ không gần đảo Côtennưi như Xannhicôp và những người khác đã tưởng, họ thấy nó nhưng không ước lượng được khoảng cách một cách chính xác, – người trẻ tuổi cãi lại.
– Ông nói đúng! – Sencơ nói… – Nhưng sự thật, ngoài những chứng cứ này ra, ông sẽ đồng ý với tôi rằng đây chỉ là những chứng cứ bấp bênh, chúng ta không có gì khác, hay nói đúng hơn, không có gì xác thực để xét, ngoài việc những đàn chim di cư về một nơi nào đó ở phương bắc.
– Tại sao ông nghĩ rằng dấu hiệu đó lại không đầy đủ tính chất xác thực? – người trẻ tuổi ngạc nhiên hỏi, – Vranghen đã viết về điều này, Maiden xác nhận nó, còn nhân dân địa phương chỉ rõ rằng vào mùa hè có hàng đàn chim sống trên bờ biển phía bắc của Xibiri, trừ hai nơi: nơi thứ nhất nằm giữa sông Khrôma và sông Ômôlôi, nơi thứ hai bắt đầu khoảng năm mươi cây số về phía tây của mũi Tacan và kéo dài đến mũi Riacaipi2. Trong những nơi này, số lượng chim không đáng kể, nhưng nhân dân ở đây thấy có những con chim bay về phương bắc.
– Từ dải đất ở phía tây, chim bay về quần đảo Nôvôxibirơxcơ, trong khi từ dải đất ở phía đông, chim bay đến đảo Vranghen, – Senco bác lại.
– Trước kia người ta nghĩ thế, nhưng thực ra không phải như vậy. Đảo Vranghen rất cao, lởm chởm đá và hầu như cả mùa hè tuyết phủ. Cũng có một số ít nơi trên đó các loài chim như ngỗng và vịt có thể làm tổ. Nhưng chúng ta chú ý nhiều hơn đến dải đất phía tây.
– Phải rồi, từ đây, bầy chim bay về quần đảo Nôvôxibirơxcơ.
 

Mời các bạn đón đọc Vùng Đất Xannhicôp của tác giả Vlađimia Ôbrutrep.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.